Thánh Giuse trong Thánh Kinh: (2) Cuộc hôn nhân với Đức Trinh Nữ Maria

Bà Maria đã kết hôn với ông Giuse” (Mt 1,18).

1. Cuộc hôn nhân mẫu mực

Cuộc hôn nhân giữa Đức Maria và Thánh Giuse là một cuộc hôn nhân độc nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, dù có khác lạ, cuộc hôn nhân đó vẫn có đầy đủ tất cả những yếu tố của một cuộc hôn nhân đích thực: tình yêu giữa hai người, giao ước hôn nhân đầy đủ theo luật và việc sinh sản con cái. Đó không phải là cuộc hôn nhân giả, không phải chỉ là bức bình phong bên ngoài để che mắt nhân loại. Vì thế, Kinh Thánh cũng như các Giáo phụ đều đồng ý gọi Thánh Giuse là chồng bà Maria, bà Maria là vợ của thánh Giuse, và hai người đã thực sự kết hôn với nhau (x. Mt 1,16.18-24; Lc 1,27…). Sự việc hai người không ăn ở với nhau chẳng làm mất đi giá trị của cuộc hôn nhân này; ngược lại, sự việc đó lại là thái độ rộng mở để Thiên Chúa có thể can dự cuộc sống nhân loại; và sự can thiệp của Thiên Chúa lại trở thành mối dây thắt chặt thêm tình yêu giữa hai người và làm cho cuộc sống hôn nhân trở nên thật tốt đẹp. Hơn nữa, chính sự can thiệp của Thiên Chúa lại làm cho ý nghĩa tình yêu hôn nhân giữa hai người đạt đến ý nghĩa cao nhất của nó: Sứ vụ của tình yêu hôn nhân là làm cho Chúa Giêsu được hiện diện và tăng triển trong cuộc sống nhân loại.

Để nêu lên chứng tá của một tình yêu hôn nhân tuyệt hảo, Thiên Chúa đã kêu gọi Đức Maria cũng như Thánh Giuse, những con người có thể đảm nhận được sứ mệnh đặc biệt Ngài giao phó, can đảm đi đến cùng ý nghĩa của hôn nhân. Cứ theo cái nhìn bình thường của nhân loại, cuộc hôn nhân của Thánh Giuse và Mẹ Maria không dễ gì được êm đềm, xuôi xắn. Thánh Giuse đã có thể hoàn toàn xử trí như những người khác: hoặc tố cáo bà Maria, hoặc từ bỏ bà Maria, hoặc đòi hỏi bà Maria đáp ứng những nghĩa vụ vợ chồng bình thường. Nhưng Thánh Giuse đã không làm như thế, ngài hết sức tôn trọng Đức Maria, ngài đã nhận thấy một huyền nhiệm nơi cuộc đời Đức Maria và đã hoàn toàn tự nguyện chấp nhận một cuộc sống hôn nhân như vậy để thánh ý Thiên Chúa được thực hiện.

Vì Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Đức Maria đã chấp nhận làm vợ và làm mẹ; cũng vì Chúa Giêsu, Thánh Giuse đã chấp nhận làm chồng và làm cha. Đối với Maria và Thánh Giuse, chính Thiên Chúa đã nối kết nên tình yêu giữa hai người và làm nên ý nghĩa của cuộc hôn nhân. Ngược lại, qua cuộc hôn nhân đó, Chúa Giêsu đã sinh ra làm người, đã lớn lên trong tình yêu thương gia đình và được chuẩn bị để gia nhập vào xã hội loài người.

Như thế, Đức Maria và thánh Giuse đã rộng mở tâm hồn để Chúa Thánh Thần có thể tạo nên một đời sống gia đình; và sự hiện diện của Đức Kitô làm cho đời sống gia đình trở thành nơi Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ của Ngài; cuộc hôn nhân đó lại trở thành gương mẫu, vì đã đạt được trọn vẹn ý nghĩa siêu nhiên. Cuộc hôn nhân đó thực sự được Thiên Chúa làm chứng, được Thiên Chúa chúc lành, và thực sự thể hiện tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, đúng như quan niệm Kitô giáo về đời sống hôn nhân.

2. Tình yêu nhân loại

Con người được Thiên Chúa sáng tạo là để hưởng đời sống Thần linh của Ngài. Như thế, cuộc sống nhân loại, trong nhưng lo toan tính toán bao điều, vẫn không đủ và không thể giúp con người hoàn thành vận mệnh đời đời của mình. Các công trình của con người, dù lớn lao đến đâu; các thành quả của con người, dù hữu ích thế nào, cũng không thể đạt tới ý nghĩa đích thực của ơn gọi làm người. Tất cả cuộc sống con người đều chỉ thành đạt, khi được đưa vào trong đời sống thần linh của Thiên Chúa. Cũng vậy, mọi tình yêu nhân loại, tình bạn bè, tình cha mẹ hay tình yêu hôn nhân… tất cả đều cần đạt tới tầm mức siêu nhiên, cần được chính Thiên Chúa ngự ở giữa, được Chúa là bảo chứng vững bền, và thể hiện được tình yêu của Thiên Chúa.

Cũng thế, hôn nhân, theo ý nghĩa Kitô giáo, không phải chỉ là sự cam kết giữa hai người, không phải chỉ là tình yêu giữa người nam với người nữ, nhưng đó là một sự cam kết được Thiên Chúa làm chứng và chúc lành, đó là cách thức thể hiện tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội.

Trong đời sống hôn nhân, người Kitô hữu thường coi Bí tích Hôn Phối chỉ như là một sự ràng buộc bất cả phân ly, một kỷ luật phải chấp hành, một gánh nặng phải mang vác. Nhưng Thiên Chúa đâu có nối kết người nam và người nữ lại với nhau rồi bỏ đi “chơi”, để mặc hai người, bị cột vào nhau, tha hồ cấu xé, tha hồ dằn vặt, đấu đá nhau mà không thể cởi bỏ được. Không phải như thế. Bí tích Hôn Nhân chính là bảo chứng cho tình yêu vợ chồng, trong đó Thiên Chúa chúc lành cho tình yêu của hai người; Ngài vẫn luôn hiện diện trong đời sống gia đình để nâng tình yêu nhân loại lên mức độ tình yêu siêu nhiên, để làm chứng cho một tình yêu dứt khoát, trọn vẹn; và để hai người, qua tình yêu đó, đạt tới sự sống vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho.

Sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân không thể nào lại bị coi như một gánh nặng, như một kỷ luật khắt khe. Sự hiện diện đó không làm hao mòn tình yêu hôn nhân một chút nào cả, nhưng là để ban phúc lành cho nhân loại mà thôi. Tin vào bảo chứng của Chúa trong tình yêu hôn nhân, người Kitô hữu hiểu rằng: tất cả mọi sự trục trặc đều có thể giải quyết được, bất cứ một khó khăn nào cũng có thể vuợt qua được, bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng có thể giữ vững được tình yêu chung thuỷ với nhau được; miễn là mình biết trung tín với nền tảng siêu nhiên của Bí tích Hôn Nhân.

Nhìn vào tấm gương của Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ra được một mẫu gương đời sống hôn nhân, để có thể vượt qua được mọi khó khăn và thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của tình yêu hôn nhân Kitô giáo.

Lời nguyện

Lạy Chúa,

Chúa biết rõ đời sống gia đình thật là khó khăn phức tạp;

và chính vì thế, Chúa đã lập Bí tích Hôn Nhân

để nâng đỡ và chúc lành

cho những ai được kêu gọi sống đời sống hôn nhân.

Nhưng hình như nhiều người trong chúng con vẫn cảm thấy

khó khăn trong đời sống gia đình vượt quá sức chịu đựng;

những rắc rối trong gia đình mình không thể giải gỡ được;

nhưng đổ vỡ trong gia đình mình không thể hàn gắn được.

Nhiều người trong chúng con lựa chọn

thái độ chán nản, bực dọc,

và đôi khi còn muốn từ bỏ cuộc hôn nhân của mình.

Lạy Chúa,

Nhìn vào mẫu gương Thánh Giuse,

chúng con tự cảm thấy rằng mình

chẳng có lý do gì để kêu than, trách móc cả;

chỉ có một điều phải kêu than,

đó chính là kêu than về thái độ ích kỷ

và yếu tin của chúng con mà thôi.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con biết trân trọng đời sống gia đình

và biết khám phá ra huyền nhiệm của Thánh Ý Chúa trong hôn nhân.

Xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con,

xin gìn giữ mọi người trong gia đình chúng con trong ơn nghĩa Chúa.

Xin Chúa mang lại cho chúng con một tình yêu siêu nhiên,

để chúng con luôn biết quảng đại với nhau

và biết tin tưởng vào Chúa

trong những lúc khó khăn của đời sống hôn nhân.

Nguồn: gxdaminh

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment