Năm Đức Tin với Thánh Tôma – Bài 32: Ðiều Răn Thứ Hai

MƯỜI ĐIỀU RĂN
ĐIỀU RĂN THỨ HAI
“NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC KÊU TÊN ĐỨC CHÚA TRỜI VÔ CỚ”

=========

Bài hôm nay bàn về điều răn (hoặc lệnh truyền) thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Có những bản dịch khác viết là “đừng kêu danh Chúa cách bất xứng” (in vanum). Cũng giống như bài trước, Thánh Tôma bắt đầu bằng các lỗi phạm: 3 trường hợp kêu Danh Chúa cách bất xứng. Sau đó, tác giả nêu ra 6 (tức là gấp đôi) lý do nên kêu cầu Danh Chúa.

Lỗi phạm việc “kêu cầu danh Thiên Chúa vô cớ” thường xảy ra trong lời thề: hoặc thề điều gian dối, hoặc thề điều xấu xa, hoặc lộng ngôn. Nên biết là đạo lý cổ truyền của Hội Thánh đã đặt ra 3 điều kiện cho việc thề: trong sự thật, trong sự suy xét, trong công lý (in veritate, in iudicio, in iustitia: xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2154). Thề là kêu cầu Thiên Chúa để chứng giám lời nói của mình, vì vậy lời thề phải: a) hợp với sự thật (không được thề gian); b) hợp lý, tức là một việc nghiêm trọng; c) hợp pháp, tức là điều không trái nghịch luân lý.

Đối lại là 6 hoàn cảnh chính đáng để kêu cầu Danh Chúa, đó là: a) để tuyên thệ; b) để thánh hoá; c) để xua đuổi ma quỷ; d) để tuyên xưng; e) để bảo vệ; f) để chu toàn công việc.

***

ĐIỀU RĂN THỨ HAI

“NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC KÊU TÊN ĐỨC CHÚA TRỜI VÔ CỚ”

Cũng như chỉ có một Thiên Chúa mà chúng ta phải thờ phượng, cho nên chúng ta phải tôn kính duy một Thiên Chúa trên hết mọi sự, và tiên vàn là tôn kính Danh của Ngài; vì thế có lời truyền rằng“ngươi không được kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”.

I.  Ba trường hợp kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ

Hạn từ “vô cớ” có thể hiểu theo 3 nghĩa.

1/ Cấm lấy tên Chúa để khẳng định điều gì sai trái

Đôi khi người ta nói “vô cớ” có nghĩa là sai trái, chẳng hạn như Thánh vịnh 11,3: “Người với người chỉ nói lời gian dối, môi phỉnh phờ, lòng một dạ hai.” (Tv 12,3). Vì vậy, một người phạm tội kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ khi họ mượn danh của Thiên Chúa để xác nhận một điều dối trá. Chúa đã nói: “Đừng thề gian, bởi vì Ta ghét điều ấy.” (Dcr 8,17), và Chúa cũng nói với ngôn sứ giả hiệu: “Ngươi sẽ không được sống, vì ngươi đã nhân danh Đức Chúa mà nói điều dối trá.” (Dcr 13,3).

Người thề gian gây tổn thương cho Thiên Chúa, cho chính mình và cho tất cả mọi người.

a) Gây tổn thương cho Thiên Chúa, bởi vì khi lấy danh Chúa mà thề tức là gọi Người ra để làm chứng; và khi bạn thề gian, thì

– hoặc là bạn cho rằng Thiên Chúa không biết sự thật,và như thế bạn giả thiết là ngài chẳng biết gì, đang khi mà Kinh Thánh nói “tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,13).

– hoặc là bạn nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thích sự gian dối đang khi Người ghét nó, bởi vì Người “diệt trừ bọn điêu ngoa” (Tv 5,7).

– hoặc là bạn khinh rẻ quyền năng của Ngài, ra như Ngài không thể nào trừng phạt sự dối trá.

b) Gây tổn thương cho chính mình, bởi vì bạn đã tự trao nộp cho Chúa luận phạt. Thật vậy, khi nói rằng, “nhân danh Chúa tôi thề rằng”, thì cũng như thể bạn nói: “Thiên Chúa sẽ trừng phạt tôi nếu không đúng như vậy!”

c) Cuối cùng, người ấy gây tổn thương cho những kẻ khác. Thật vậy, không xã hội nào có thể trường tồn nếu người ta không còn tin tưởng lẫn nhau. Người ta dùng lời thề để xác nhận những trường hợp nghi vấn: “Lời thề là một bảo đảm chấm dứt mọi tranh chấp giữa người ta với nhau.”(Dt 6,16). Vì thế, cho nên ai lấy danh Chúa để xác nhận điều gian dối thì làm tổn thương đến Thiên Chúa, tàn ác với chính mình và làm tổn hại những người khác.

2/ Cấm lấy tên Chúa để khẳng định chuyện vô bổ tầm thường

Đôi khi “vô cớ” (hư ảo) có nghĩa là vô giá trị, chẳng hạn như câu Thánh vịnh: “Tư tưởng phàm nhân, Chúa đều biết cả, bởi chỉ là chuyện hư ảo.” (Tv 94,11). Do đó, khi lấy danh Ngài để xác nhận những điều tầm thường là kêu danh Chúa vô cớ.

Lề Luật cũ chỉ cấm thề gian (“Ngươi không được kêu danh của Chúa là Thiên Chúa của ngươi vô cớ” – Đnl 5,11), còn Chúa Giêsu đã cấm các môn đệ thề, khi nào không cần thiết: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả.” (Mt 5,33-34). Lý do ngăn cấm là tại vì không một bộ phận nào trong thân thể chúng ta yếu đuối như cái lưỡi; như Thánh Giacôbê đã nhận xét, “chẳng ai chế ngự được nó” (Gc 3,8), vì vậy, người ta có khuynh hướng thề thốt cả những chuyện vu vơ. Nhưng Chúa đã dạy: “Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không” (Mt 5,37); và “phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả” (Mt 5,34).

Nên lưu ý rằng lời thềgiống như thuốc vậy; không nên lúc nào cũng uống thuốc, nhưng chỉ uống thuốc khi cần thiết mà thôi. Vì thế, Chúa đã nói thêm: “Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37); và sách Huấn ca viết: “Đừng để mình quen miệng thề bồi, cũng đừng quen thói kêu tên Đấng Thánh. Người quen thề bồi và lúc nào cũng kêu Danh Thánh, hẳn sẽ không tránh được tội đâu!” (Hc 23,9).

Đôi khi “vô cớ” có nghĩa là tội lỗi hay bất công như lời Thánh vịnh: “Phàm nhân hỡi, cho đến bao giờ lòng vẫn còn chai đá ưa thích chuyện hư không, chạy theo điều giả dối?” (Tv 4,3). Vì thế, nếu ai thề sẽ phạm tội, thì người đó sẽ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Bởi vì người công chính là kẻ làm điều thiện và tránh điều ác. Vì vậy, nếu bạn thề sẽ trộm cắp hoặc phạm tội nào đó, thì bạn làm trái ngược sự công chính. Và cho dù lời thề ấy không buộc phải giữ, nhưng ai thề như vậy thì đã phạm tội thề gian (bội thề). Đó là điều mà vua Hêrôđê đã làm cho ông Gioan (x. Mc 6,17-28). Một cách tương tự như vậy, cũng là trái nghịch sự công chính khi bạn thề sẽ không thực hiện một điều tốt, ví dụ như không gia nhập Giáo Hội hoặc dòng tu. Và tuy lời thề này cũng không buộc phải thi hành, nhưng người thề thì cũng phạm tội bội thề.

Tóm lại, cấm không được thề để xác định điều sai trái, điều vu vơ, điều bất công. Vì vậy, Ngôn sứ Giêrêmia nói: “Nếu ngươi kêu “Đức Chúa hằng sống” mà thề cách trung thực, ngay thẳng và công chính, thì chư dân cũng sẽ lấy danh Người mà cầu phúc cho nhau.” (Gr 4,2).

3/ Không được dùng Danh Chúa vào chuyện xằng xịt

Đôi khi “vô cớ” (hư ảo) cũng có nghĩa là ngu si, như sách Khôn ngoan đã nói: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa đều là hư ảo.” (Kn 13,1). Vì thế, người nào mượn danh Thiên Chúa cách điên rồ, chẳng hạn như những kẻ lộng ngôn phạm thượng, thì đó là đã kêu danh Đức Chúa Trời vô cớ, và sách Lêvi đã cảnh cáo: “Ai nói phạm đến danh Đức Chúa, sẽ phải chết.” (Lv 24,16).

II. Khi nào được phép kêu tên Thiên Chúa?

“Ngươi không được kêu tên Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi cách vô cớ.” Tuy nhiên, người ta có thể kêu tên Đức Chúa Trời vì 6 lý do sau đây.

1/ Khi cần tuyên thệ

Trước tiên, để xác nhận một lời khẳng định, chẳng hạn như trong một lời tuyên thệ. Trong trường hợp này, chúng ta tuyên xưng rằng duy một mình Thiên Chúa là Chân lý, và như vậy là chúng ta tôn vinh Ngài. Vì vậy, Luật cũ đã truyền rằng “anh (em) chỉ được lấy danh Thiên Chúa mà thề” (Đn l6,13), nghĩa là không được lấy danh của thần nào khác mà thề, như sách Xuất hành đã cấm: “Ngươi không được lấy danh thần ngoại mà thề.” (Xh 23,13).

Mặc dù đôi khi người ta lấy danh các thụ tạo mà thề, nhưng hiểu ngầm là họ thề nhân danh Thiên Chúa. Thật vậy, khi bạn đem linh hồn hay cái đầu của mình ra thề, thì bạn tự ràng buộc chính bản thân mình để cho Thiên Chúa trừng phạt (trong trường hợp bội thề). Đó là trường hợp lời thề của Thánh Phaolô: “Phần tôi, tôi có Thiên Chúa chứng giám cho linh hồn tôi.” (2 Cr 1,23). Khi bạn lấy Tin Mừng mà thề thì bạn đã thề nhân danh Thiên Chúa là Đấng đã trao ban Tin Mừng. Do đó, những ai đưa Thiên Chúa hoặc Tin Mừng ra mà thề một chuyện tầm thường thì đều mắc tội.

2/ Để thánh hoá

Lý do thứ hai có thể kêu danh Thiên Chúa là để thánh hóa.Thật vậy, bí tích Rửa Tội thánh hóa chúng ta, như Thánh Phaolô đã nói: “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta.” (1 Cr 6,11). Thế nhưng, quyền năng thánh hoá của phép Rửa là do việc kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi: “Lạy Chúa, Ngài ngự giữa chúng con, vì chúng con kêu cầu  danh Ngài.” (Gr 14,9).

3/ Để xua đuổi ma quỷ

Mục đích thứ ba của việc kêu cầu danh Chúa là để trục xuất kẻ thù của chúng ta. Vì thế, trước khi chịu phép Rửa, chúng ta từ bỏ ma quỷ, như Ngôn sứ Isaia đã nguyện: “Chỉ xin được mang tên Ngài, xin Ngài cất đi cho nỗi khổ nhục của chúng con.” (Is 4,1). Do đó, nếu bạn lại trở về với tội lỗi của mình, thì danh Thiên Chúa đã được kêu cầu cách vô ích.

4/ Để tuyên xưng

Thứ tư, danh củaThiên Chúa được dùng để tuyên xưng. Thánh Phaolô nói: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin?” (Rm 10,14), và “tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (Rm 10,13).

Chúng ta tuyên xưng danh Thiên Chúa bằng miệng lưỡi để cao rao vinh quang Thiên Chúa: “Những người mang danh Ta, đã được Ta tạo dựng, nắn thành hình và làm nên, cho danh Ta rạng ngời vinh hiển.” (Is 43,7). Vì thế, nếu ai nói bất cứ điều gì chống lại vinh quang của Thiên Chúa, thì người ấy kêu danh của Thiên Chúa cách vô cớ. Kế đến, chúng ta tuyên xưng danh Chúa bằng những việc làm, khi thực hiện những công việc bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa theo như Chúa Giêsu đã dạy: “Làm sao để cho người ta thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,16). Đối lại là tình trạng mà Thánh Phaolô đã cảnh cáo: “Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân.” (Rm 2,24).

5. Để bảo vệ

Thứ năm, có thể dùng danh Thiên Chúa để bảo vệ bản thân, như chúng ta thấy trong sách Châm ngôn: “Danh Đức Chúa là tháp canh kiên vững, chính nhân chạy đến là được an toàn.” (Cn 18,10). Chúa Giêsu cũng hứa: “Nhân danh Thầy, họ (những người tin) sẽ trừ được quỷ” (Mc 16,17), và Thánh Phêrô quả quyết: “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,12).

6. Để kiện toàn hành động

Cuối cùng, danh Thiên Chúa được kêu cầu để chúng ta hoàn tất công việc của mình. Vì thế, Thánh Phaolô Tông đồ nói: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3,17). Thật vậy, “ơn phù trợ chúng ta là nơi  danh thánh Chúa” (Tv 124,8). Đôi khi người ta khởi sự một công việc mà chẳng suy nghĩ, ví dụ như thề hứa nhưng lại không chu toàn; như vậy là kêu danh Thiên Chúa vô cớ. Bởi vậy, sách Huấn ca khuyên:“Nếu ngươi đã thề bất cứ điều gì với Thiên Chúa, thì không được trì hoãn chu toàn lời hứa đó” (Hc 5,3); cũng như Thánh vịnh gia nói: “Hãy khấn nguyền và giữ y lời hứa với Đức Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Kẻ hầu cận Đấng khả tôn khả uý, hãy đem lễ vật tiến dâng Người.” (Tv 75,12). Lý do là vì“lời hứa không trung thành và ngu xuẩn làm mất lòng Thiên Chúa” (Hc 5,3).

Nguồn: Đaminh VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment