Năm Đức Tin với Thánh Tôma – Bài 29: Kính mến Thiên Chúa

Sau bài dẫn nhập về đức mến, Thánh Tôma đi vào hai “mối tình” cơ bản của nhân đức này, đó là mến Chúa và yêu người. Bài hôm nay bàn về mối tình thứ nhất: lòng mến Chúa. Tác giả chú ý cách riêng đến 2 điểm: thứ nhất, làm thế nào để chu toàn luật mến Chúa? Câu trả lời là bằng bốn cách: nhớ lại những ân huệ của Chúa; nghĩ đến sự cao cả siêu việt của Ngài; dứt bỏ lòng quyến luyến những thụ tạo; xa tránh tội lỗi. Điều đặc biệt là khi tác giả giải thích ý nghĩa của điều luật mến Chúa: hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, theo nghĩa là “ý định, ý chí, tư tưởng, sức lực.

***

KÍNH MẾN THIÊN CHÚA

A. Điều truyền lớn nhất, cao quý nhất, hữu ích nhất, gồm tóm tất cả những điều truyền khác

Trước khi chịu tử nạn, khi Đức Kitô bị các tiến sĩ luật chất vấn về điều răn nào được xem là lớn nhất và đứng hàng đầu, thì Người: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.Đây là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.” (Mt 22,37-38) Quả thực, đây đúng là điều truyền cao quý nhất, hữu ích nhất trong tất cả các điều răn, như đã được trình bày cách đầy đủ, bởi vì điều răn này gói ghém tất cả các điều răn khác.

B. Bốn điều kiện để chu toàn luật mến Chúa

Để chu toàn mệnh lệnh yêu mến Chúa, cần 4 điều kiện sau đây:

1/ Thứ nhất, nhớ lại những ân huệ của Chúa.

Bởi vì tất cả những gì ta đang có, linh hồn, thân xác, những điều thiện hảo bên ngoài, tất cả đều bởi Chúa. Vì thế, nhờ tất cả những điều ấy, chúng ta phải phụng sự và yêu mến Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Thật là một con người vô ơn bạc nghĩa nếu sau khi nhận thấy các ân huệ của ai đó nhưng lại không yêu mến kẻ làm ơn cho mình. Khi nhớ lại những ân huệ của Chúa, vua Đavít đã ca lên: “Mọi sự chúng con dâng lên Ngài, đều do Ngài mà có, bởi tay Ngài mà ra.” (1 Sb 29,14) Vì thế, sách Huấn ca đã khen ngợi vua Đavít: “Với tất cả tấm lòng, ông dâng lên lời tán tụng Thiên Chúa, và yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên ông.” (Hc 47,10)

2/ Thứ hai, nhìn nhận rằng Thiên Chúa vượt quá mọi sự tôn thờ của ta.

Phương thế thứ hai là suy xét  sự siêu việt của Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa cao cả hơn trái tim chúng ta (x. 1 Ga 3,20); vì vậy dù chúng ta phụng sự Người với hết tấm lòng hết sức lực, thì tình yêu của chúng ta vẫn thiếu sót. Sách Huấn ca nói: “Anh em hãy dùng hết sức lực để ca tụng và tôn vinh Đức Chúa; nhưng Ngài vẫn còn hơn thế nhiều. Để tôn vinh Người, anh em hãy dốc toàn lực. Hãy chúc tụng và tuyên dương Ngài với tất cả sức lực của mình, bởi vì Ngài lớn hơn tất cả mọi lời ngợi khen.” (Hc 43,32-33)

3/ Khước từ những sự trần thế

Phương thế thứ ba là từ bỏ những gì thuộc thế gian và phàm tục. Thật là xúc phạm nặng nề với Thiên Chúa khi đặt một vật nào ngang hàng với Ngài. Ngôn sứ Isaia đã nói: “Các ngươi đem Thiên Chúa sánh với ai?” (Is 40,18) Thế nhưng chúng ta đặt những vật khác ngang hàng với Thiên Chúa khi chúng ta quyến luyến những vật thế tục và dễ hư nát. Không thể nào như vậy được, vì như Ngôn sứ Isaia đã nói: “Vì giường sẽ quá chật, một người nằm cũng chưa đủ; tấm chăn sẽ quá hẹp, không đủ che hai người.” (Is 28,20) Trong bản văn này, trái tim con người được so sánh như cái giường chật chội và cái chăn nhỏ bé. Vì trái tim con người hẹp hòi khi so sánh Thiên Chúa, cho nên khi nào bạn đặt cái gì khác vào trong trái tim của bạn thì bạn sẽ đuổi Thiên Chúa ra. Thiên Chúa không chấp nhận chia sẻ việc chiếm hữu trái tim của bạn với một vật khác, cũng tựa như một người chồng không chấp nhận cho một người khác chiếm hữu vợ của mình. Vì thế, Ngài đã nói: “Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương.” (Xh 20,5) Bởi lẽ, Thiên Chúa không muốn chúng ta quyến luyến bất cứ cái gì khác ngang hàng với Ngài và ngoài Ngài ra.

4/ Tránh xa tội lỗi

Điều thứ tư là tuyệt đối tránh xa hết mọi tội lỗi. Thật vậy, không ai có thể yêu mến Thiên Chúa đang khi sống trong tội lỗi, như Chúa Giêsu đã nói: “Anh em không thể vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự tiền của được.” (Mt 6,24) Vì vậy, nếu bạn sống trong tội lỗi thì bạn không thể yêu mến Thiên Chúa được. Ngược lại, người yêu mến Thiên Chúa là kẻ thưa: “Ôi lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, con đã trung tín và thành tâm bước đi trước nhan Ngài, đã thi hành điều đẹp mắt Ngài.” (Is 38,3) Ông Êlia cũng nói với dân: “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ?” (1 V 18,21) Người khập khiễng thì đi lắc lư, khi nghiêng về bên này khi nghiêng về phía bên kia; tương tự như vậy, người tội lỗi lúc thì buông mình theo  tội lỗi và lúc thì gắng tìm kiếm Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa đã kêu gọi họ: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta.” (Ge 2,12)

C. Những kẻ lỗi phạm đức mến Chúa

Có hai hạng người phạm đến mệnh lệnh mến Chúa:

(1) hạng thứ nhất là những kẻ tránh được một tội (chẳng hạn như tội dâm dục), nhưng lại phạm một tội (như là cho vay nặng lãi). Những người như thế vẫn bị luận phạt, bởi vì Thánh Giacôbê đã nói: “Ai tuân giữ tất cả Lề luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm.” (Gc 2,10)

(2) hạng thứ hai là những người đi xưng tội, nhưng chỉ xưng một phần chứ không xưng hết mọi tội, hoặc những người đi xưng một vài tội với linh mục này và xưng những tội khác với linh mục khác. Những người làm như vậy chẳng được công trạng gì, mà lại còn phạm thêm tội nữa bởi vì họ có ý định lừa dối Thiên Chúa và làm phân hoá bí tích thánh. Đối lại với loại thứ nhất, có người đã nói: “Thật là vô phép khi chỉ mong Chúa ban một nửa ơn tha thứ thội.” Còn đối với loại thứ hai, những kẻ muốn đánh lừa Thiên Chúa khi phân hoá bí tích thì Thánh vịnh 61 (câu 9) đã viết: “Hãy bộc lộ trái tim trước mặt Chúa”, bởi vì cần phải tỏ lộ tất cả khi xưng thú.

D. Con người cần phải trao cho Thiên Chúa tất cả linh hồn, tinh thần và sức mạnh

Chúng ta đã thấy rằng con người cần phải trao hiến mình cho Thiên Chúa. Bây giờ chúng ta hãy xét xem con người phải hiến cái gì của mình cho Thiên Chúa.

Con người cần trao hiến cho Thiên Chúa 4 điều, đó là: trái tim, linh hồn, tinh thần và sức lực của mình. Vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết tinh thần và hết sức lực của ngươi.” (Mt 22,37)

1/ “Trái tim” ám chỉ ý định. Ý định tác dụng mạnh mẽ đến nỗi nó chi phối toàn thể hành động; vì thế tất cả những hành động mà làm theo ý định tốt, Chúa đã nói: “Nếu mắt anh (nghĩa là ý định) xấu, thì toàn thân anh (nghĩa là tất cả hành động của anh) sẽ tối” (Lc 11,34) – nếu ý định xấu thì tất cả những việc làm tốt cũng đều xấu cả. Vì thế, trong bất cứ mọi hành vi, chúng ta hãy hướng ý định về Thiên Chúa, như Thánh Phaolô đã khuyên: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1 Cr 10,31)

2/ Tuy nhiên, ý định tốt chưa đủ, cần có  một ý chí ngay lành nữa. Đó là điều được nói trong câu “Hãy yêu mến… hết linh hồn”, bởi vì người ta thường có ý định tốt nhưng không được ích gì bởi vì thiếu ý chí ngay lành. Ví dụ một người đi ăn cắp để nuôi người nghèo: ý định quả thật là tốt nhưng ý chí thì lại không ngay lành. Vì thế, không thể nào biện minh một hành vi xấu cho dù làm với ý định tốt, như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Những ai nói rằng, chúng ta hãy làm điều dữ đi, để nhờ đó mà được điều lành,thì họ sẽ bị kết tội đích đáng.” (Rm 3,8) Một ý chí ngay lành đi kèm với ý định tốt khi nào ý chí hoà hợp ý Chúa, vì thế, mỗi ngày chúng ta cầu xin Thiên Chúa: “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Điều này cũng được Thánh vịnh nhắc đến: “Lạy Chúa, con vui thích làm theo thánh ý Ngài.” (Tv 39,9) Đó là lý do vì sao Chúa dạy: “Ngươi hãy mến Chúa với tất cả linh hồn”, vì trong Kinh Thánh, linh hồn thường ám chỉ ý chí, chẳng hạn như thư Dothái (10,38) viết: “Người công chính của Ta nhờ lòng tin sẽ được sống; nhưng nếu người ấy bỏ cuộc, thì hắn làm cho linh hồn Ta (nghĩa là ý muốn) bất bình.”

3/ Tuy nhiên, có lúc có ý định tốt và ý chí ngay lành nhưng người ta lại phạm tội trong tư tưởng. Vì thế, chúng ta cần hiến dâng tất cả mọi tư tưởng cho Thiên Chúa, như Thánh Phalô Tông đồ đã nói: “Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô.” (2 Cr 10,5) Thật vậy, nhiều người phạm tội không do hành động, nhưng phạm tội trong tư tưởng, nghĩa là thường thích tưởng nghĩ về tội. Nhằm tới những kẻ ấy, Ngôn sứ Isaia đã nói: “Hãy loại bỏ sự gian ác ra khỏi tư tưởng các ngươi.” (Is 1,16) Cũng có nhiều người không chấp nhận đức tin bởi vì họ quá cậy dựa vào sự khôn ngoan của chính mình; họ không dâng tinh thần của mình cho Thiên Chúa. Những lời sau đây của sách Châm ngôn nhắm đến họ: “Chớ hề cậy dựa vào sự khôn ngoan của con.” (Cn 3,5)

4/ Nhưng dâng hiến ý định, ý muốn, tư tưởng thì chưa đủ; cần phải dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả khả năng và sức lực của mình nữa. Thánh vịnh gia đã thưa với Chúa: “Vì Chúa, con sẽ giữ gìn sức lực của con.” (Tv 58,10) Thật vậy, có người sử dụng sức lực của mình để phạm tội, đó là cách họ phô bày năng lực của mình. Chống lại những kẻ như vậy, Ngôn sứ Isaia nói: “Khốn thay những anh hùng tửu lượng, những tay vô địch nghề pha chế rượu nồng để say sưa.” (Is 5,22) Có kẻ khác thay vì dùng sức mạnh của mình để giúp người thân cận, thì lại thể hiện uy lực và sức mạnh của mình để làm hại tha nhân. Sách Châm ngôn đã nhắn nhủ: “Hãy cởi trói cho kẻ vô tội bị dẫn đến chỗ chết, và đừng ngừng giải thoát  những ai đang bị sa ngã.” (Cn 24,11)

Vì vậy, để yêu mến Thiên Chúa, chúng ta phải dâng hiến Ngài tất cả 4 điều: ý định, ý chí, tư tưởng và sức lực.

Nguồn: Đaminh VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment