Đau Khổ: Mũi Gươm Sắc Bén!

Lịch sử Do Thái loang lỗ những vết đen, và cuộc bị đày làm nô lệ bên Ai Cập là vết đau thương hơn hết ! Hồi ấy vua cai trị Ai Cập là Pha-ra-ông ( Pharaoh ) ác độc hơn sư tử. Để chu diệt giống nòi Do Thái, ông hạ lệnh sát hại các hài nhi Do Thái mới sinh ra bằng cách dìm chết dưới sông Nilô ( Nile ) Với ác kế đó, Pha-ra-ông nghĩ không bao lâu Do Thái sẽ tuyệt chủng. Nhưng số Do Thái hãy còn may, nhờ Thiên Chúa mà hài nhi Môi Sen ( Mose) đã được cứu thoát.

Môi Sen lớn lên, thông minh xuất sắc, được Chúa ủy nhiệm làm tướng dẫn dân Do Thái về quê cha đất tổ. Cuộc vận động đem dân đi gặp nhiều trắc trở gay go…. Mãi cho đến khi Chúa phạt chết trưởng nam Ai Cập, Pha-ra-ông mới chịu buông tha Do Thái.

Để kỷ niệm cứu thoát ấy, ông Môi Sen truyền để một điều luật : Từ nay trở đi, các con trai đầu lòng sẽ coi là người đã tiến dâng cho Chúa. Nghĩa là suốt đời phải chuyên lo việc tế tự.

Nhưng dần dần số trưởng nam thêm ra nhiều, người Do Thái liền nghĩ cách cử nguyên một đại tộc Lêvi làm việc tế lễ, mỗi nam tử Lêvi thay thế một trưởng nam Do Thái. Nhưng trong lúc áp dụng, số nam tử Lêvi không cân với số trưởng nam của toàn dân. Nên họ lại lập ra luật dâng chuộc nghĩa là phải dâng trưởng nam trong Đền Thánh rồi chuộc lại bằng một số tiền cúng vào Đền Thờ. Số tiền này họ Lêvi có quyền xử dụng

Tục lệ dâng con, chuộc con bắt đầu từ đó và ăn sâu vào phong tục. Mỗi trưởng nam phải là người đã được tiến dâng. Và phụ huynh nào muốn giữ con ở lại gia đình, đều phải đem tiền chuộc.

Đi đôi với luật dâng con các sản phụ sau ngày 40 ( Nếu sinh con gái, thì qua 80 ngày mới vào Đền Thờ chịu lễ Thanh tẩy: ) cũng phải dâng mình trong Đền Thánh. Lễ dâng mình này còn gọi là lễ Thanh tẩy, vì theo ý hẹp của luật cũ, người sản phụ bị coi là người nhiễm uế. Khoản lệ thanh tẩy là dâng một con chiên được một năm, hay nếu nhà nghèo không mua chiên được, thì dâng một đôi chim bồ câu (xem Levi 7: 8 )

Vậy theo tinh thần Luật, đến ngày Thanh tẩy, Bà Maria từ giã Bê Lem, ẵm Hài Nhi Giêsu vào dâng trong Đền Thánh.

Con đường lên Jêrusalem, là đường cái quan rộng rãi thênh thang, đắp theo kiểu La Mã,

lúc sáng hơi văng vắng, nhưng đến trưa lại rất náo nhiệt tấp nập kẻ đi người lại. Vừa ở một khúc quặt ra, hai ông bà được chiêm chiêm Đền Thánh. Đó là một núi cẩm thạch muôn màu, hiên ngang vươn mình lên trời thẳm. Xem thấy Đền thờ, hai ông bà kính cẩn đọc thiên thánh vịnh của những người đi hội Đền thánh :

Jêrusalem ! Jêrusalem !

Này chúng ta đang tiến lên cùng Ngươi. Chúng ta tiến lên cùng Ngươi.

Tiền đình Ngươi là chốn hẹn hò. Dáng điệu ngươi là châu thành hoa lệ.

Người muôn dân, Người muôn nước.

Hướng về Ngươi, hướng về Ngươi.

Thân Ngươi là ái tình vô biên. Tháp Ngươi là kho tàng vô tận.

Ai yêu Ngươi, ai trọng Ngươi. Sẽ vinh quang phú túc.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Hai ông bà đã vào Đền thánh ở gian Tiền đình, nơi bán chiên bò, chim câu và đổi tiền bạc. Bước qua cái thềm mười năm cấp nữa, hai ông bà tiến thẳng lên trước một cửa lớn gọi là Nicanor chờ đợi….

Mặt trời đã lên cao…. Một thầy chủ tế lụng thụng bước ra nơi hành lễ. Các sản phụ bế con lần lượt tiến lại…. Thầy chủ tế theo thứ tự đọc kinh hành lễ trên từng con trẻ, không ngờ trong số đó có ẩn một hài nhi dị thường. Đó là con của bà Maria, vị Cứu Tinh nhân

loại, Chúa của muôn dân. Nhưng thầy không quên nhận mấy con chiên non, mấy đôi chim câu và một số tiền chuộc do các sản phụ dâng cúng.. Thế là một ngày muôn đời trông đợi, một ngày Chúa Cứu Thế và thân mẫu Ngài dâng mình trong Đền thánh, đã âm thầm trôi qua như nước dưới cầu, trước con mắt mù quáng của thế gian và vẽ lãnh đạm của giới Giảng Hội (Sinagognes: chỉ dân Do Thái)

Thực ra, Chúa Giêsu không sinh ra theo luật thường, nên thân mẫu Ngài cũng không buộc phải thanh tẩy trong Đền thánh. Tuy nhiên, bà Maria cũng vâng lời Lề Luật, bà muốn xử xự như một thường nhân trước mắt thế gian để che dấu một kho tàng quý giá là đức trinh khiết.

Hài Nhi Giêsu đã được trao lại cho bà Maria, bà ẵm chặt lấy và hôn yêu nồng nàn như muốn bù lại vẽ lãnh đạm của người đời đối với con mình là Chúa Cứu Thế.

Nhưng rồi một sự lạ xảy ra !

Hồi ấy ở Jêrusalem có một ông già, quí hiệu là Si-mê-on (Simeon) Ông nổi danh về đường đạo đức, ông vẫn tuyên bố rằng ông chờ đợi Đấng Cứu Thế. Vì Chúa Thánh Thần đã mạc khải cho ông : Ông sẽ không về già trước khi được xem thấy Đấng chịu xức dầu (chỉ Chúa Cứu Thế) của Thiên Chúa.

Hôm ấy tự nhiên một thiên lực thúc đẩy ông lên Đền thánh vào lúc thân phụ Giêsu ẵm Ngài đến đó để thụ lễ theo Lề Luật. Ở đó, do ơn thiên ứng, ông khám phá ra Đấng ông trông đợi. Ông xin ẵm Hài Nhi Giêsu vào cánh tay và ca bài tán tạ Thiên Chúa :

Lạy Chúa ! Chúa có thể cho tôi tá Chúa đi

Đi về chỗ an nghỉ của ngàn thu của tuổi già !

Hôm nay mắt tôi được xem thấy Chúa Cứu Thế

Đấng mà Chúa đã tiền định cho muôn dân

Người quả là Ánh Sáng của mọi chủng tộc..

Và là vinh danh dân Isreal dân riêng Chúa.

Nghe lời ông già, thân phụ Hài Nhi lấy làm lạ lùng hết sức ? Sao ông lại biết Hài Nhi là Chúa Cứu Thế của muôn dân ? Nhưng diện mạo ông già đang tươi sáng, bỗng tối sầm lại… Mắt đăm chiêu vào cõi xa xăm. Đứng trên bờ hiện tại ông nhìn vào tương lai với hai luồng tư tưởng phản nghịch nhau. Ông vừa trả lại Hài Nhi cho Mẹ Ngài, vừa chậm rãi nhấn mạnh từng tiếng một :

Bà hãy chiêm nghiệm Hài Nhi đây.

Người sẽ trở nên con đường Sinh cho một số lớn..

Nhưng cũng trở nên con đường Tử cho nhiều người

Người sẽ là giới trụ phân chia thế giới.

Để phát lộ thanh tâm ẩn ý của mọi người

Rồi ông quay sang nói với bà Maria :

Riêng phần Bà, một lưỡi gươm đau khổ sẽ thâu qua trái tim Bà !

Nói xong, ông già Si-mê-on trở bước. Bóng ông khuất sau những rặng cột đồ sộ của Đền thờ. Cảnh vật trong đó vẫn y nguyên, vô tình, lãnh đạm, trong khi đàn lòng một người mẹ nổi khúc bi ai. Những lời tiên tri của ông già đã đào sâu trong trái tim bà Maria một hố lo lắng. Một sự gì cao cả tươi sáng ấm áp như ánh xuân đã vụt tắt trong lòng Bà, để nhường chỗ cho một sự gì tối tăm, u sầu và giá lạnh ! Phải ! Mặt trời hạnh phúc trong cõi lòng bà Maria đã bị lời tiên đoán của ông già Si-mê-on giăng mây sầu che khuất !!

Giờ đây trái tim bà tan nát. Bà đứng sững mãi một nơi đưa mắt nhìn Hài Nhi đang ngủ mà tâm trí vẫn lởn vởn hình một thanh gươm sắc nhọn phân Hài Nhi ra trăm mảnh. Bà thương Hài Nhi quá, càng thương, trái tim bà càng se lại, bứt rứt… Mũi gươm kia là gì ?

Sao người ta lại muốn giết Hài Nhi ? Giết cách nào ? Hài Nhi có tội gì mà giết ? Một trăm dấu hỏi như thế khuấy rộn tâm hồn Bà ! Bà đau đớn, vì không có một câu trả lời nào rõ rệt cả. Bà cảm thấy khổ sở, muốn khóc lên trong khi trái tim Bà như nhỏ từng giọt máu !

Sau ông Si-mê-on, lại có bà quả phụ tên Anna Phanuel thuộc dòng tộc Aser. Số phận bà này hẩm hiu, đời kết bằng tang tóc, Bà phiền sầu vì kết bạn mới được bảy năm, chồng đã về kiếp khác. Cảm thấy cô đơn lẻ bóng, bà đã xa trần lụy nương mình nơi Cửa Thánh, để

tìm cho cảnh đời một ý nghĩa. Bây giờ bà đã tiến xa trên đường thánh thiện. Cả ngày chuyên chủ việc hãm mình đánh tội và cầu nguyện trong Đền Thờ, Bà được ơn biết cả việc tương lai. Hôm ấy, sau ông Si-mê-on, Bà được vinh dự gặp Chúa Hài Nhi Giêsu.

Và do ơn trên soi sáng, bà cũng biết Hài Nhi đó là Chúa Cứu Thế. Bà vui sướng quá và công khai tán tạ Chúa một cách vô cùng cảm động… Từ đấy trở đi, bà không bỏ mất dịp nào mà không nói về Hài Nhi Giêsu cho mọi người ở Jêrusalem biết. Và những người nghe đều vui mừng hy vọng vào cuộc cứu rỗi sắp đến.

Hai ông bà Giuse Maria đã ra khỏi Đền thờ, trà trộn vào đám đông, đám những người đi dâng con cho Chúa. Hai ông bà là thường nhân, y phục khó nghèo, nên không ai ở Jêrusalem để ý đến. Hai ông bà lại theo đường cũ trở về Bê Lem, vì ông Giuse muốn hoãn lại dăm ba tuần nữa mới đi Nazareth. Ông nghĩ : Hiện giờ Hài Nhi và thân mẫu Ngài còn mệt nhọc, chưa nên đi đường xa. Trong khi chờ đợi, ông tạm tìm việc để chàng đục ( thợ mộc ) để có thể đem lại ít lương thực cần dùng.

Ở Jêrusalem tất cũng có nhiều người được nghe ông Simêon và bà Anna thuật chuyện Hài Nhi. Nhưng bây giờ gia đình vô danh đó biết ở đâu mà tìm nữa, vã lại cũng chẳng mấy ai tin lời của hai nhà đạo đức kia.

Lm. Lâm Quang Trọng

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment