Hạnh Phúc – Chương 1

TRIẾT LÝ VỀ LẠC THÚ

Mọi người chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Chúng ta nên sống theo nhận thức khôn ngoan sau đây. Nó bao gồm ba quy luật về lạc thú mà nếu tuân theo chúng, người ta sẽ dễ dàng đạt được hạnh phúc hơn.

Luật thứ nhất: nếu lúc nào bạn cũng phải chơi đùa thoả thích thì chẳng thể nào bạn sắp xếp cuộc sống bạn cho có thêm được thứ gì khác ngoài những vui đùa thoả thích. Lạc thú cũng như sắc đẹp vậy, nó bị điều kiện hoá bởi sự tương phản. Một phụ nữ muốn phô bày chiếc áo đầm nhung đen của mình thì nếu chị ta khôn ngoan, chị ta sẽ không đứng vào tấm màn làm phông màu đen mà là đứng vào tấm màn màu trắng. Chị cần có sự tương phản. Pháo bông sẽ chẳng làm chúng ta khoái chí nếu chúng được bắn lên bức phông màu lửa hoặc trong ánh nắng rực nồng giữa trưa. Chúng cần được bắn lên trong màn đêm tăm tối. Hoa sen mang cho chúng ta sự thích thú đặc biệt, vì những cánh hoa của nó mọc lên diệu kỳ biết bao trên vũng nước ao hồ dơ bẩn. Sự tương phản là cần thiết để giúp chúng ta nhìn thấy mỗi sự vật hiển lộ ra một cách sống động.

Cũng theo nguyên tắc ấy, người ta sẽ hưởng được lạc thú trọn vẹn nhất khi mà lạc thú ấy đến với chúng ta như là một “thú vị bất ngờ” tương phản với những kinh nghiệm vốn thường là xoàng xĩnh. Sẽ lầm lẫn kinh khủng nếu đêm nào chúng ta cũng mở dạ tiệc. Chẳng ai còn vui thú gì dịp lễ Giáng sinh nữa nếu tối nào cũng ăn tiệc vào nửa đêm. Đêm giao thừa sẽ chẳng còn làm chúng ta cảm khoái nữa nếu như đêm nào ta cũng nghe pháo nổ tưng bừng.

Sự khôi hài cũng dựa trên tính cách tương phản. Và để có vui nhộn trước một tình cảnh khôi hài thì cũng đòi hỏi sự tương phản. Nếu một vị Giám mục đội chiếc mũ lệch qua một phía đầu do sai lầm của trưởng ban lễ nghi thì ắt hẳn chúng ta sẽ bật cười ngay; tuy nhiên nếu mọi Giám mục đều đội mũ lệch y như thế thì chúng ta sẽ chẳng cảm thấy buồn cười nữa.

Niềm vui sống của chúng ta sẽ gia tăng mãnh liệt nếu chúng ta biết tuân theo mệnh lệnh thiêng liêng này là biết tự chế, biết hãm mình và từ bỏ mình trong cuộc sống. Thực hành được điều này sẽ giúp chúng ta khỏi bị mệt nhoài, sẽ bảo tồn được hương vị và niềm vui sống.

Biết tự kỷ luật với bản thân sẽ giúp chúng ta tìm lại sự hào hứng của tuổi thơ, nghĩa là biết hưởng vui thú một cách chừng mực sau khi đã cố gắng làm việc. Tương tự như chúng ta ăn tráng miệng vào cuối bữa chứ chẳng bao giờ vào đầu bữa ăn.

Luật thứ hai: lạc thú càng sâu sắc và tươi tốt hơn khi nó đã trải qua một khoảnh khắc nhàm chán hay đau đớn: luật này giúp chúng ta làm cho những lạc thú quý giá của mình được kéo dài mãi suốt cuộc đời. Để được như thế, chúng ta phải bền gan với bất cứ điều gì mình làm cho đến khi chúng ta có được cơn gió thuận. Chúng ta càng hưởng được niềm vui của việc leo núi nếu trước đó đã phải sống những phút giây kiệt sức đến ngã lòng. Người ta sẽ càng chú tâm đến một công việc sau khi đã vượt qua được khó khăn bước đầu của nó.

Cũng tương tự như thế, các cuộc hôn nhân sẽ trở nên bền vững chỉ sau khi chấm dứt những mộng mơ thiếu thực tế của thời mới bắt đầu cuộc hôn nhân. Giá trị lớn lao của lời hứa hôn nhân là vẫn giữ được đôi bạn bên nhau trong cuộc cãi cọ đầu tiên: nó trợ giúp họ lướt qua thời kỳ ân hận lúc mới đầu cho đến khi họ gặp được cơn gió thứ hai đem lại niềm hạnh phúc được sống bên nhau. Những niềm vui hôn nhân, cũng giống như mọi niềm vui to tát khác, đều được sinh ra từ nỗi đớn đau nào đó. Chúng ta đã phải tách cái hạt để hút chất ngọt thế nào thì trong đời sống thiêng liêng thánh giá cũng phải là khúc dạo đầu của triều thiên vinh thắng như thế.

Luật thứ ba: lạc thú là một sản phẩm phụ, thứ chẳng phải là một mục đích. Hạnh phúc là nàng phù dâu chứ không phải là cô dâu của chúng ta. Nhiều người đã lầm lẫn rất lớn khi nhắm đến lạc thú như là mục đích trực tiếp; họ quên mất là lạc thú chỉ đến do sự chu toàn một bổn phận hay sự vâng giữ một lề luật – bởi vì con người đã được tạo dựng để vâng theo những luật lệ của bản thân mình một cách tất yếu giống như người ấy phải tuân theo luật trọng lực vậy. Một đứa bé cảm thấy khoái khi ăn kem bởi vì nó đang thi hành một trong những “phận vụ” của bản năng con người là phải ăn. Tuy nhiên nếu cậu ta ăn kem quá mức giới hạn mà xác thân cậu cho phép thì cậu sẽ không còn có được lạc thú cậu tìm kiếm nữa mà sẽ bị đau bao tử. Tìm lạc thú mà bất chấp lề luật tức là đánh mất nó.

Chúng ta nên khởi đầu hay nên kết thúc bằng lạc thú? Có hai câu trả lời cho câu hỏi này: đó là câu của người Kitô hữu và câu trả lời của người vô tín ngưỡng. Người Kitô hữu thì nói: “Hãy bắt đầu bằng chay tịnh và kết thúc bằng tiệc tùng, như thế bạn sẽ thực sự hưởng nếm được nó. Còn người vô tín ngưỡng sẽ nói: “Hãy bắt đầu bằng bữa tiệc và kết thúc với cơn nhức đầu sáng hôm sau”.

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment