5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 08-2014

03/08/14                              CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – A

                                                                           Mt 14,13-21

SỐNG TÌNH CHÚA, TÌNH NGƯỜI

“Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.(Mt 14,16)

Suy niệm: Thế giới hôm nay là một thế giới của những tiến bộ vượt bực về công nghệ, kỹ thuật, nhưng cũng là một thế giới của nhiều góc tối lãnh đạm, và dửng dưng giữa con người với nhau. Từ chỗ lãnh đạm với nhau, con người trở nên dửng dưng cả với Thiên Chúa. Sự lạnh nhạt, vô cảm ấy không ở đâu xa, nó nằm ngay trong lòng mỗi người. Ngày xưa, trước đám đông dân chúng đang đói, các môn đệ cũng vô tâm bỏ mặc đám đông tự bương chải; nhưng Thầy của họ, Chúa Giê-su chạnh lòng thương dân chúng và yêu cầu: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi.” Cũng như các môn đệ, ta thường vô tâm, không thấy mình có trách nhiệm liên đới với nỗi đói khát, đau khổ của người lân cận, thậm chí ngay cả với những người đang sống cùng một mái nhà với mình.

Mời Bạn: Người nghèo khó đang ở gần bạn, cần đến sự trợ giúp của bạn. Cũng có thể do bạn mà họ phải sống trong cảnh nghèo khó, hay buồn sầu, đau khổ. Chỉ cần một cái ngước mắt nhìn lên cao, khỏi những bận rộn, lợi lộc và quan tâm bản thân cách ích kỷ, bạn sẽ nhận thấy hiện thân của Đức Ki-tô nơi họ, cùng với những nhu cầu của họ.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín mình được Thiên Chúa yêu thương thì cũng phải biết chia sẻ tình yêu ấy cho anh chị em, vì tình yêu mời gọi tình yêu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin mở mắt con để con nhìn thấy những anh chị em đang cần trợ giúp. Xin cho con đừng bao giờ vô tâm, hững hờ với những anh chị em ấy nữa, nhưng ân cần giúp đỡ, ủi an, và cầu nguyện cho họ trong tình yêu chân thành. Amen.


04/08/14                                           THỨ HAI TUẦN 18 TN

Th. Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê, linh mục             Mt 14,22-36

CHẠM ĐẾN THẦY

Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi. (Mt 14,36)

Suy niệm: Mọi năng lượng được chuyển giao và tiếp nhận đều diễn ra qua một sự tiếp cận, tiếp xúc một cách nào đó với nguồn năng lượng. Năng lực cứu độ của Chúa Giê-su đã được thực hiện qua việc Ngài cho phép con người chạm đến Ngài và ở lại trong Ngài. “Dân chúng, tất cả những kẻ đau ốm nài xin Người chỉ cho họ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi”. Phê-rô đã thật sự “chạm” đến Thầy khi khẩn cầu: “Nếu quả là Thầy thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy,” và Thầy đã truyền cho ông sức mạnh siêu nhiên giúp ông vượt lên trên tự nhiên, bước đi trên mặt biển. Tuy nhiên, chỉ khi ở lại trong Ngài, trong sức mạnh cứu độ của Ngài, với một niềm tin mạnh mẽ, tín thác nơi Ngài, ta mới hoàn toàn được biến đổi.

Mời Bạn: “Chạm” đến Chúa để được chữa lành, ở lại trong Chúa để được thật sự thay đổi. Nơi nào trong tâm hồn bạn đang bị thương tổn, yếu đuối nào nơi bạn cần được Chúa chạm vào để chữa trị? Bạn phải tín thác vào Chúa trong những lãnh vực nào để sức mạnh và quyền năng của Ngài thể hiện ra trong cuộc đời của bạn?

Chia sẻ: Chia sẻ cảm nghiệm về một lần bạn được sức mạnh chữa lành của Ngài chạm đến và thay đổi đời bạn.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ khẩn cầu Chúa đến cứu giúp, nâng đỡ mỗi khi gặp nguy hiểm, cám dỗ, thử thách.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin phó thác hoàn toàn vào  sự quan phòng và quyền năng cứu độ của Chúa. Xin giúp con đứng vững, không chao đảo giữa bao sóng gió cuộc đời, nhờ “chạm” đến Chúa và ở lại trong Chúa. Amen.


05/08/14                                            THỨ BA TUẦN 18 TN

Cung hiến thánh đường Đức Ma-ri-a    Mt 15,1-2.10-14

Ô UẾ VÀ TINH SẠCH

“Không phải cái vào miệng làm con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra…(Mt 15,11)

Suy niệm: Ô uế là một ý niệm chìa khóa trong Thánh Kinh. Nó gắn liền với cảm thức về sự thánh thiện, tinh tuyền của Thiên Chúa. Người hay vật ô uế thì bất xứng với Thiên Chúa, và cần phải được thanh tẩy. Nhưng chẳng biết từ lúc nào, ý niệm này được hiểu một cách máy móc, hoàn toàn phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Dần dần người ta chỉ lo làm hay tránh những điều hoàn toàn bên ngoài, để khỏi ô uế, mà không hề quan tâm đến sự trong sạch trong tâm hồn mình. Ý niệm về ô uế hay tinh sạch cũng dần co lại nơi chính nó, và đặc tính tương quan (với Thiên Chúa) không còn được thấy rõ nữa.

Chính trong bối cảnh này mà Đức Giê-su đã bày tỏ quan điểm của Ngài. Ngài chuyển tiêu điểm của ô uế hay tinh sạch vào bên trong. Và Ngài giới thiệu một vị Thiên Chúa thấu suốt tâm can người ta và quan tâm trước hết đến những gì ở trong đáy lòng ấy: “Không phải cái và miệng làm con người ra ô uế, nhưng chính là cái từ miệng xuất ra”!

Mời Bạn: Chúng ta quan tâm đến sự sạch sẽ của thực phẩm, y phục, nhà cửa, môi trường. Chúng ta chống lại mọi hành động gây ô nhiễm nguồn nước, bầu không khí, v.v… Nhưng còn tư tưởng, tâm hồn của chúng ta thì sao? Ta đi xưng tội để được Chúa tha thứ; nhưng bí tích Sám hối này có được ta cử hành thực sự từ trong tâm hồn, chứ không qua loa, máy móc không?

Sống Lời Chúa: Thành tâm đặt mình trước mặt Chúa và kiểm điểm cuộc sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy…”


06/08/14                     THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN

Chúa Hiển Dung                                                  Mt 17,1-9

CHÂN DUNG ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA

“Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại.(Mt 17,9)

Suy niệm: Thầy Giê-su không muốn ba môn đệ thân tín mô tả chân dung sáng chói của mình trong biến cố “hiển dung,” vì sợ người ta hiểu sai về Đấng Cứu Thế. Ngài muốn các ông và cả chúng ta nữa diễn tả hình ảnh đúng về Ngài: một Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh trên thập giá. Niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh vinh hiển luôn bao hàm rằng Đấng Ki-tô ấy chịu treo đau khổ trên thập giá. Thập giá là phương thế Thiên Chúa Cha đã hoạch định cho Đức Ki-tô cứu độ nhân loại, và đó cũng là con đường dẫn đến Ngài đến phục sinh vinh quang. Khi nắm vững sự thật này, ta sẽ vui mừng đón nhận thập giá của Đức Giê-su, không còn trông mong một Đấng Thiên Sai trần tục theo kiểu quan niệm của người Do Thái xưa.

Mời Bạn: Bạn đang mang trong mình hình ảnh của Đấng Phục Sinh, hình ảnh ấy phải được tỏ rạng trong cuộc sống hằng ngày của bạn qua thái độ tin tưởng, phó thác vào Chúa trước những thử thách, lạc quan trong mọi biến cố cuộc sống, âm thầm làm chứng cho những giá trị Nước Trời… vì tin rằng sự sống đời đời của Đấng Phục Sinh đã nở hoa ngay trong cuộc sống hôm nay.

Sống Lời Chúa: Nhờ xác tín giá trị của thập giá Đức Ki-tô, tôi sẽ vui lòng đón nhận những hy sinh, thiệt thòi khi sống những đòi hỏi của người môn đệ Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa ban cho con sự sống mới, con xin cảm tạ Chúa. Xin cho con biết kết hiệp với Chúa trong mọi sự, để con trở nên hình ảnh sinh động của Đấng Phục Sinh trong con. Amen.


07/08/14                  THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN

Th. Xít-tô II, giáo hoàng và các bạn tử đạo Mt 16,13-23

KHẲNG ĐỊNH LỜI TUYÊN XƯNG

“Người ta nói Con Người là ai? ”… “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16,13.15)

Suy niệm: Thành Xê-da-rê Phi-líp-phê ở thượng nguồn sông Gio-đan, dưới chân núi Khe-môn, cách hồ Ga-li-lê 50 cây số. Đây là miền đất ngoại giáo, thờ nhiều vị thần, kể cả hoàng đế Rô-ma; ngày nay vẫn còn dấu tích đền thờ các vị thần, nói nôm na, nơi đây là “siêu thị tôn giáo.” Chính trong bối cảnh này, Đức Giêsu làm một cuộc “thăm dò dư luận” với các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” – “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Cuộc thăm dò đi từ việc tường thuật lời “người ta nói” sang việc khẳng định chính kiến “còn anh em, anh em bảo”. Câu trả lời của các môn đệ không còn chung chung nữa, nhưng phải là một sự xác định mang tính cá vị trong tương quan với Đức Giêsu và mặc khải của Chúa Cha (c. 17), nghĩa là tin vào Thiên Chúa duy nhất và vào Đấng Cứu Thế duy nhất là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.

Mời Bạn:Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu ở nhà thờ hay trong giờ học giáo lý thì thật dễ dàng, nhưng không dễ trong cuộc sống, phải không bạn? Nhất là khi quanh bạn đang có nhiều thứ “thần” khác mà lắm khi được cho là quan trọng hơn cả Chúa: tiền bạc, danh vọng, những đam mê bất chính, sự ích kỷ… Ngày hôm nay Chúa Giê-su cũng hỏi bạn câu hỏi quan trọng đó, bạn sẽ trả lời Ngài thế nào?

Sống Lời Chúa: Chậm rãi lặp đi lặp lại lời tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tuyên xưng Chúa là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Xin giúp chúng con sống niềm tin này. Amen.


08/08/14                                          THỨ SÁU TUẦN 18 TN

Th. Đa-minh, linh mục                                    Mt 16,24-28

TỪ BỎ CÁI “TÔI”

Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo.” (Mt 16,24)

Suy niệm: Đa số chúng ta nghĩ rằng từ bỏ có vẻ như điều bất thường, là nhu nhược, lép vế hay thua trận. Thật ra, từ bỏ là điều rất bình thường và cần thiết. Từ bỏ là quy luật phát triển, trưởng thành của con người. Thai nhi không thể ở mãi trong bụng mẹ, dù đó là chỗ an toàn, êm ấm. Tội nhân biết hối lỗi, chừa bỏ tình trạng hiện tại, chắc chắn sẽ thành người tốt. Ki-tô hữu càng từ bỏ cái “tôi”, từ bỏ tội lỗi bao nhiêu, thì càng thánh thiện và giống Chúa bấy nhiêu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định điều kiện để làm môn đệ Ngài là từ bỏ mình mỗi ngày và vác thập giá theo Chúa, nghĩa là không sống theo ý riêng mình mà sống theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, dù phải hy sinh, thiệt thòi.

Mời Bạn: Chúa Giê-su từ bỏ địa vị Thiên Chúa, xuống thế làm người để con người trở thành con cái Chúa. Ngài từ bỏ sự cao sang để sống nghèo khổ,  tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người, chết trên thập giá để cho con người được sống muôn đời. Mời bạn từ bỏ một tật xấu để gia đình mình được ấm êm; từ bỏ lời nói gian dối để tha nhân bớt khổ; từ bỏ thói nói xấu, vu oan để cộng đoàn được hiệp nhất, và từ bỏ một tội lỗi  nào đó để nên thánh thiện.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi quyết tâm dành thời gian đọc hoặc lắng nghe 5 phút Lời Chúa, để có những giây phút sống với Chúa, để Chúa dạy dỗ mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn can đảm, để con dám ra khỏi chính mình, khỏi cái tôi ích kỷ, và vui lòng vác thập giá mình theo Chúa mỗi ngày. Nhờ vậy, con sống an bình bên Chúa và an hòa với tha nhân. Amen.


09/08/14                                          THỨ BẢY TUẦN 18 TN

Th. Tê-rê-xe Bê-nê-đi-ta Thánh Giá, nữ tu, tử đạo Mt 17,14-20

ĐƠN GIẢN MÀ KHÔNG BIẾT

“Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài, nhưng các ông không chữa được.” (Mt 17,16)

Suy niệm: Cách Chúa Giê-su trừ quỷ và dạy cách trừ quỷ khiến cha của đứa bé và các môn đệ ngạc nhiên: phải ăn chay và cầu nguyện. Các ông loay hoay dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc kinh nghiệm dân gian, nhưng không thành. Chỉ khi nghe Chúa mách bảo các ông mới ngộ ra rằng bấy lâu nay dù sống bên Chúa nhưng các ông lại thiếu niềm tin, thiếu đời sống cầu nguyện. Những căn bệnh do quỷ ám được Chúa Giê-su chữa lành minh chứng rằng Ngài là Đấng Cứu Thế đang đến giữa con người. Tin Mừng Ngài rao giảng chính là Lời và hành vi của Ngài có sức mạnh đánh tan mọi sai lầm ám ảnh xưa nay lôi kéo con người vào chỗ tin vơ thờ quấy. Đó là một Tin Mừng có sức giải phóng khỏi mọi hình thức sự dữ mà nhiều người chưa biết hay không muốn biết.

Mời Bạn: Hiện nay có những căn bệnh trầm kha mà thuốc men không có tác dụng: trầm cảm, ham mê sắc dục… Nếu những bệnh nhân này tìm đọc, suy niệm, tĩnh tâm, cầu nguyện bằng Tin Mừng, nhờ các nhà linh hướng hướng dẫn… họ mới mong được chữa khỏi.

Chia sẻ: Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh: khi đời sống cá nhân và gia đình bạn đã được Phúc Âm hóa thì những bệnh tật do tính mê nết xấu, cám dỗ không còn cơ hội ảnh hưởng, tác hại.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày tôi đọc, suy gẫm, cầu nguyện với Lời Chúa. Nhờ đó, lòng tin của tôi thêm kiên vững trước những cám dỗ của cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày, vì Lời ấy là thuốc thiêng chữa trị tật bệnh tâm hồn, cũng như là nguồn mạch hoan lạc đời con. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment