5 Phút cho Lời Chúa Tháng 07-2015

26/07/15                              CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – B

                                                                              Ga 6,1-15

CẦN LẮM NHỮNG TẤM LÒNG

Khi họ đã ăn no nê rồi, Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (Ga 6,12)

Suy niệm: Thế giới chúng ta đang sống rất tự hào về sự dư dật của cải và lương thực. Những phát minh khoa học cung ứng thừa mứa nhu cầu tiêu dùng của con người. Thế nhưng, giữa xã hội này lại có vô số con người đang sống nhờ những đống phế thải, không biết ngày mai sẽ ăn gì. Phải chăng chúng ta không bị mê lầm khi cho rằng hễ cứ cấm người nghèo xuất hiện trên đường phố thì sẽ hết tình trạng nghèo đói sao? Tại sao nhân loại hôm nay thành công trong những công trình táo bạo và quá sức tưởng tượng như thám hiểm sao Hỏa, mà lại không xóa bỏ được tình trạng nghèo đói? Phải chăng một trong những nguyên nhân vẫn còn người nghèo hôm nay là bởi lòng của mỗi chúng ta quá sức bẩn chật, nên không thấy người nghèo, không trợ giúp người nghèo? Nếu nơi mỗi chúng ta còn có một tấm lòng, thì ít nữa sau khi đã no nê rồi, chúng ta nhớ lời Chúa để “thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Tối thiểu là như thế, nhưng để thực hiện điều tối thiểu đó đòi hỏi mỗi người phải có một tấm lòng rộng mở tối đa.

Mời Bạn: Ai là người nghèo chung quanh bạn? Họ đang thiếu thốn của ăn, áo mặc, thiếu niềm khích lệ, ủi an, hay thiếu niềm tin? Mời bạn quan sát, tìm kiếm câu trả lời, và có hành động cụ thể.

Sống Lời Chúa: Thực hành một nghĩa cử chia sẻ là làm vơi đi phần nào cái nghèo của người lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì con quá nghèo tấm lòng, nên quanh con có nhiều người nghèo. Xin cho con giàu lòng yêu thương, để người nghèo quanh con bớt đi tủi hổ.


27/07/15                                           THỨ HAI TUẦN 17 TN

                                                                           Mt 13,31-35

NƯỚC TRỜI… HẠT CẢI… NẮM MEN…

“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải… Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men…” (Mt 13,31.33)

Suy niệm: Chúa Giê-su không định nghĩa Nước Trời như một tổ chức chính trị ở một nơi nào đó bên ngoài thế giới này, đứng đầu là một vị vua hay tổng thống gì đó với đầy đủ cơ cấu ban bệ. Nhưng Ngài kể cho chúng ta nghe câu chuyện Nước Trời. Nước đó giống như hạt cải, nắm men, vì Nước đó thật nhỏ bé và đang ở trong giai đoạn phát triển. Nhưng Nước đó có sức sống thật mạnh mẽ như hạt cải và sức hoán cải thật sâu rộng như nắm men. Quan trọng hơn nữa, chính các tín hữu là những nhân tố làm cho Nuớc ấy phát triển, và môi trường hoạt động của những “hạt cải, nắm men” ấy bắt đầu không ở đâu xa mà ở ngay trong thế giới này, từ môi trường sống thường ngày của chúng ta.

Mời Bạn: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Đất nước thịnh hay suy, người thường dân cũng phải có trách nhiệm). Chuyện đời đã thế, chuyện Nước Trời cũng không khác. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, bạn đã là một phần tử trong Nước Trời. Bạn có trách nhiệm đối với Nước đó. Bạn đã góp phần của mình thế nào để làm cho Nước Trời lớn lên nơi khu xóm, gia đình, cộng đoàn của bạn?

Chia sẻ: Theo Niên Giám năm 2005 dân số Việt Nam năm 2004 là 82.320.147 người, trong đó dân số công giáo là 5.667.428 người tức là 6,88%. Bạn nghĩ gì về con số này sau hơn 400 truyền giáo tại Việt Nam?

Sống Lời Chúa: Tham gia một công tác xã hội, và trước đó dành ít phút cầu nguyện xin Chúa thánh hoá việc đó.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.


28/07/15                                            THỨ BA TUẦN 17 TN

                                                                           Mt 13,36-43

SỰ DỮ LUÔN CÓ MẶT

“Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Mt 13,40)

Suy niệm: Vào đầu tháng 6 năm nay, dịch bệnh Mers-Cov (một loại bệnh viêm đường hô hấp) xuất hiện tại Hàn quốc và trở thành dịch bệnh có lây lan nhanh chóng và gây tử vong cao. Sự lo lắng trước dịch bệnh cũng lây lan nhanh không kém như khi dịch bệnh Sars xuất hiện trong năm 2003 làm gần 1000 người thiệt mạng và dịch Ebola năm 2014 đã lấy đi hơn 3000 mạng người. Đành rằng những sự dữ như chiến tranh, tội ác… là do con người gây ra, nhưng còn những tai hoạ như dịch bệnh, thiên tai thì sao? Làm sao có thể thể lý giải? Người ta sẽ tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại để sự dữ lại có mặt trên đời. Qua sự dữ, Thiên Chúa cho thấy ý định nhiệm mầu của Ngài. Ngài dựng nên những quy luật tự nhiên và Ngài tôn trọng những quy luật đó cũng như tôn trọng sự tự do của con người. Thiên Chúa luôn biết cách dùng những sự dữ đó để dạy dỗ con người qua những đau khổ và sự dữ ấy.

Mời Bạn: Đời sống đức tin mời gọi bạn đón nhận những đau khổ và sự dữ trong niềm tín thác vào Chúa, vì “Không có gì xảy ra mà không do Chúa muốn, mà tất cả những gì Ngài muốn, dầu có vẻ ác hại đến đâu, cũng là điều tốt nhất cho ta” (GLHTCG 313).

Chia sẻ: Cuộc đời bạn hẳn đã từng gặp những thử thách và đau khổ? Bạn đã đón nhận điều đó với thái độ nào?

Sống Lời Chúa: Khi gặp đau khổ, thử thách, thay vì than vãn, bạn dâng lên Chúa một lời cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những gian truân và thử thách, xin cho con luôn biết sống phó thác và tìm được bình an trong Chúa. Amen.


29/07/15                                            THỨ TƯ TUẦN 17 TN

Th. Mác-ta                                                        Ga 11,19-27

TIN THẦY LÀ ĐỨC KI-TÔ, CON THIÊN CHÚA

Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa.” (Ga 11,27)

Suy niệm: Qua việc cho La-da-rô sống lại, Chúa Giê-su dẫn đưa Mác-ta tiến sâu vào con đường đức tin, giúp cho cô vững tin Ngài chính “là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (c.27). Đối với Mác-ta, niềm vui này còn lớn hơn niềm vui tìm lại được người em đã chết, bởi vì niềm tin ấy đưa cô đến sự sống đời đời: “Ai tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (c.26). Tin vào con người Đức Ki-tô thì cũng đồng thời là tin vào Lời của Ngài, bởi vì Ngài chính là Ngôi Lời (Ga 1,1), và Lời Ngài là Lời hằng sống, Lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,68).

Mời Bạn: Giữa cơn thử thách lớn lao, Mác-ta đã gặp Đức Ki-tô, và lời Ngài đã vực chị dậy để chị đứng vững trong niềm tin. Bạn đã làm gì khi gặp thử thách trong đời sống, trong đức tin? Trong năm Sống Lời Chúa, bạn được mời gọi năng đọc, suy niệm và sống Lời Chúa. Việc này phải dẫn bạn đến chỗ tin tưởng vào Ngài mỗi ngày một hơn.

Chia sẻ: Khi gặp thử thách mới thấy niềm tin của mình như thế nào! Bạn hãy cùng bạn bè, người thân chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi đối diện thử thách, dựa vào  gương của Mác-ta trong câu truyện Tin Mừng hôm nay, và hãy khích lệ nhau vững tin vào Chúa hơn.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tập thói quen khi gặp thử thách lớn nhỏ, nhớ đến một câu Lời Chúa, để tâm niệm, và xin ơn kiên vững trong niềm tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con bài học về đức tin của Mác-ta. Ước gì những thử thách con gặp phải, không đẩy con xa Chúa, nhưng giúp con thêm vững tin vào Chúa, và dẫn con đến sự sống đời đời.


30/07/15                                         THỨ NĂM TUẦN 17 TN

Th. Phê-rô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT Mt 13,47-53

NƯỚC TRỜI NHƯ MẺ LƯỚI

Nước Trời giống như chiếc lưới… người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” (Mt 13,47-48)

Suy niệm: Để vào được đại học, phải qua bao nhiêu năm tháng chuyền cần đèn sách, bao nhiêu đêm thức trắng để có thể “chọi” được trong kỳ thi tuyển vã mồ hôi; để được đi làm cho một công ty, ứng viên phải trải qua phỏng vấn, phải thử thách trình độ, tay nghề; để đi nước ngoài, người ta cũng phải qua phỏng vấn, thị thực visa. Nói chung, cuộc sống đầy những sàng lọc, những tiêu chí, những điểm chuẩn khách quan đến mức lạnh lùng, mà chiếu theo đó sẽ có kẻ đậu người rớt. Nước Trời cũng vậy, giống như “một mẻ lưới gom đủ thứ cá” để rồi sẽ được phân loại: “cá tốt cho vào giỏ, cá xấu vứt ra ngoài. Nước Trời có tiêu chuẩn rõ ràng. Muốn vào đó, tôi phải là “cá tốt.

Mời Bạn: Hình dung cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình – và chính mình trong đó – như một mẻ lưới. Nếu lúc này đây, mẻ lưới được “kéo lên bãi,” liệu tôi sẽ được xếp loại “cá tốt” hay “cá xấu”? Bạn nhớ tiêu chuẩn Nước Trời không có loại cá làng nhàng nửa tốt nửa xấu đâu nhé.

Chia sẻ: “Tốt” là một tính từ quá khái quát. Theo bạn, trong cuộc sống hôm nay, “tốt” theo tiêu chuẩn Nước Trời bao hàm những gì cụ thể?

Sống Lời Chúa: Sống theo các giá trị của Tin Mừng Đức Giê-su – chứ không theo bất cứ ai khác, bất cứ chủ nghĩa hay trào lưu nào khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết đảm bảo chỗ cho mình trong Nước Trời chung cuộc, bằng cách ngay từ bây giờ, chúng con sống theo hiến chương Nước Trời, là các Mối Phúc mà Chúa đã rao giảng. Amen.


31/07/15                                           thứ sáu tuần 17 tn

Th. I-nha-xi-ô Lô-yô-la                                    Mt 13,54-58

cung kính thờ phượng Chúa

“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? ” (Mt 13,54)

Suy niệm: Sự quen thuộc dễ phát sinh thái độ khinh thường. Có người còn nghĩ rằng cho dù nó không gây ra thái độ đó, thì nó cũng lấy đi sự thán phục. Trong bài Tin Mừng, ta gặp trường hợp ngược lại: có những người đồng hương với Chúa Giê-su thán phục sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng, điều kỳ diệu qua phép lạ Ngài làm, nhưng không chấp nhận sứ điệp triều đại Cứu thế của Ngài (x. Lc 4,18-22) chỉ vì họ quá quen thuộc với lý lịch và gia thế của Ngài. Họ đánh giá Ngài qua dòng tộc, liên hệ gia đình, chứ không dựa trên chính bản thân Ngài. Coi thường bản thân người rao giảng, nên họ đã không nhận ra sứ điệp của người ấy. Họ đánh mất cơ hội nhận được ơn cứu độ từ người đồng hương quen thuộc của mình.

Mời Bạn: “Gần chùa gọi bụt bằng anh” có thể là thái độ của bạn, ngay cả trong việc thánh thiêng nhất là thờ phượng Thiên Chúa. Cười dỡn, nói chuyện ồn ào, chưa cung kính đủ khi ở trong nhà thờ, không sốt sắng dọn mình và cám ơn mỗi khi rước vị khách cao quý nhất của vũ trụ là Chúa Giê-su Thánh Thể… là vài thí dụ tiêu biểu cho thái độ bất xứng của tạo vật dành cho Đấng Tạo Hóa của mình.

Sống Lời Chúa: Dù quen thuộc với các nghi thức phụng vụ, tôi vẫn luôn giữ thái độ cung kính ở nơi thánh thiêng, cũng như sốt sắng, tôn kính Chúa Giê-su mỗi khi rước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con xin lỗi Chúa vì sự lơ là, chưa quan tâm đến Chúa đủ mỗi khi rước Chúa. Xin tha thứ cho chúng con, và giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng, sốt sắng kết hiệp với Chúa trong giây phút trọng đại ấy. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment