Đi tìm ánh sao xưa

Giáng Sinh không chỉ là một trong những đại lễ của Kitô Giáo, mà còn là một lễ hội lớn đối với thế giới. Nhạc Giáng Sinh, cây Noel, hang đá và máng cỏ là những hình ảnh không thể thiếu đối với Giáng Sinh. Trên đầu cây Noel hay trên các hang đá luôn luôn xuất hiện một ngôi sao to, ánh sáng chói lòa khác hẳn với những ngôi sao khác. Đó là Ngôi Sao Lạ, ngôi sao được tin là đã dẫn đường cho các Đạo Sĩ Đông Phương tìm đến bái thờ Chúa Cứu Thế giáng trần. Trải qua hơn 20 thế kỷ, Ngôi Sao Lạ này đã đi vào truyền thống của sinh hoạt Kitô Giáo, tuy nhiên, ngôi sao ấy là gì? Nó xuất hiện như thế nào? Và có ý nghĩa gì trong biến cố Giáng Sinh?
 
 
Trên bầu trời Belem:
 
Hai trình thuật Thánh Kinh một của Matthêu và một của Luca đã nói về biến cố hạ sinh của Đức Kitô, nhưng chỉ riêng trình thuật của Matthêu là có ghi lại sự xuất hiện của Ngôi Sao Lạ: “Khi Đức Chúa Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giêrusalem và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 1:1-3).
 
Cũng trong trình thuật ấy, Matthêu ghi nhận là khi đến Giêrusralem, bỗng dưng ngôi sao đó vụt tắt khiến các chiêm tinh gia lo lắng. Nhưng rồi nó xuất hiện trở lại và dẫn đường cho các vị đến được nơi ở của Hài Nhi: “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao họ mừng rỡ vô cùng” (Mt 2: 9-10).
 
Câu truyện vừa mang mầu sắc tôn giáo, lại vừa có tính cách lịch sử và văn hóa. Và hình ảnh ngôi sao đó đã trở thành một hình ảnh không thể thiếu mỗi khi Giáng Sinh về, hoặc mỗi khi suy niệm mầu nhiệm hạ sinh của Đấng Cứu Thế. Vì liên quan đến biến cố Giáng Sinh nên tạm gọi đó là Ngôi Sao Giáng Sinh mặc dù từ ngữ thông thường vẫn dùng là Ngôi Sao Lạ.
 
Hình ảnh của Ngôi Sao Giáng Sinh được ghi trong Thánh Kinh, nhưng thực sự chỉ được đi vào sinh hoạt tôn giáo từ khi Thánh Phanxiô Assisi đưa ra sáng kiến làm hang đá vào lễ Giáng Sinh năm 1223. Và phải chờ mãi đến năm 1553 thì những hình ảnh dính liền với biến cố Giáng Sinh mới trở nên thịnh hành trong thế giới Kitô Giáo. Ngày nay ở mọi nơi, tại các giáo đường, các công trường, công sở hoặc tư gia, đâu đâu cũng thấy xuất hiện những dấu hiệu này trong mùa Giáng Sinh. Những ánh sao lấp lánh, cùng với những ánh đèn muôn mầu sắc, và nhạc Giáng Sinh; nhất là quà Giáng Sinh là những gì mà các trẻ em – kể cả người lớn tuổi – vẫn nhắc nhở đến như niềm vui và kỷ niệm mỗi khi Giáng Sinh về.
 
Nhưng sự thật về Ngôi Sao Giáng Sinh như thế nào. Nó xuất hiện trên vòm trời Belem khi nào. Các chiêm tinh gia căn cứ vào cái gì để biết đó là ngôi sao của Đấng Cứu Thế giáng trần? Không những một số các học giả, một số các nhà trí thức, một số các người nghiêng về khoa học thực nghiệm muốn tìm hiểu, muốn chứng minh. Nó cũng là một thắc mắc chính đáng của phần lớn Kitô hữu muốn tìm hiểu về Thánh Kinh và về biến cố Giáng Sinh. Những câu hỏi như ngày, giờ, tháng, năm ngôi sao ấy xuất hiện, và thực chất nó là loại sao gì vẫn là những câu hỏi mà cho đến nay chưa có câu trả lời.
 
Lý do, vì Thánh Kinh theo cái nhìn tôn giáo không được viết ra như những dẫn chứng khoa học hay tài liệu lịch sử. Khởi đi từ thế kỷ XVIII, khi biết tinh thần khoa học thực nghiệm và những trường phái triết học bắt đầu vượt thoát khỏi ảnh hưởng tôn giáo, Công Giáo đã trình bày những tư tưởng giúp các tín hữu ra khỏi những quan niệm quá khích của khoa học, triết lý vô thần có ảnh hưởng đến niềm tin trong biến cố này. Theo đó, việc giáng trần của Chúa Cứu Thế là một mầu nhiệm. Việc Ngài xuống trần mặc dù có tính cách con người, có nơi chốn, và thời gian nhưng không nhất định phải là những con số và thống kê mang hoàn toàn tính cách lịch sử, khoa học và thực nghiệm. Do đó, ngôi sao Ngài xuất hiện cũng phải được hiểu theo một ý nghĩa tôn giáo.
 
 
Các Đạo Sỹ:
 
Nói về Ngôi Sao Giáng Sinh là phải nói đến “Ba Vua”, tức là các nhà chiêm tinh từ Đông Phương hay các Đạo Sỹ mà Tin Mừng Matthêu đã trình thuật. Vậy các vị ấy là ai?
 
Theo tiến sĩ sử gia Craig Chester, các nhà đạo sỹ – chiêm tinh gia Đông Phương – tìm đến bái lạy Hài Nhi Giêsu gồm nhiều người. Từ “magi”, tức số nhiều của “magus” – nhiều đạo sỹ. Truyền thống Kitô Giáo nhắc đến ít nhất là ba vị căn cứ vào những lễ vật mà họ dâng tiến Ấu Chúa là vàng, nhũ hương và mộc dược. Từ thế kỷ IX, Giáo Hội Latinh đã đặt tên cho ba vị là Melko (hay Melchior), Balthasar và Gaspard. Cũng như những nhà chiêm tinh, những “tinh quan” của triều đình Trung Hoa, các đạo sỹ đây cũng là những chiêm tinh gia làm việc tại chốn cung đình nước họ trong vai trò cố vấn các nhà vua.
 
Họ là những bậc trí thức, học giả uyên bác và khôn ngoan. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể họ là những nhân vật của Bái-Hỏa-Giáo, là những người gốc Iran, Ba Tư, Ả Rập. Cũng có thể họ thuộc dòng dõi Do Thái từng bị lưu đầy ở Babylon và các xứ khác. Cũng có giả thiết cho rằng, rất rất có thể họ đã có mặt ở xứ Giuđê vào thời gian từ năm 1 trước Công Nguyên.
 
Như đã nói, niên đại giáng sinh của Chúa Cứu Thế không rõ ràng, nên thời gian các vị đến chiêm bái Ngài tại Belem cũng vẫn là một chấm hỏi. Dựa trên những gì Matthêu ghi nhận thì họ đã thấy ngôi sao của Ngài từ khi còn ở nhà (x. Mt 2:2). Thấy rồi mới lên đường đi tìm gặp và bái lạy Ngài. Nhưng đi bao lâu? Con đường các vị đi chắc có lúc phải băng qua sa mạc, núi đồi, hoặc rừng sâu, và hẳn là cuộc hành trình như vậy cũng phải trải qua những gian truân và vất vả. Dựa vào thời gian chuẩn bị, phương tiện di chuyển thời đó bằng lạc đà, thì các vị có đến được Belem cũng ít nhất là mấy tháng hoặc vài năm. Rất có thể vào lối cuối Hạ sang đầu Thu, lúc ấy thời tiết vùng Belem còn ấm áp.
 
Khi ba vị gặp trẻ Giêsu lúc đó Ngài rất có thể đã lên hai hoặc lên ba, và Thánh Gia đang trú ngụ tại một nơi đâu đó trong thành Belem, chứ không phải là cái chuồng bò của đêm Ngài giáng trần nữa. Suy luận này phù hợp với những gì Matthêu ghi lại sau khi các Đạo Sỹ rời Belem trở về quê quán của mình: “Bấy giờ Vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Belem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.” (Mt 2:16).
 
 
Sao Belem dưới cái nhìn khoa học:
 
Tuy nhiên, đối với các học giả của những thế kỷ gần đây, Ngôi Sao Giáng Sinh vẫn là một ẩn số mà nhiều người trong họ muốn tìm hiểu. Thí dụ, vài ba chục năm trước đây, một viện nghiên cứu về ngôi sao Belem đã được thành lập nhằm để đi tìm hành tung “Vì Sao của Đức Giêsu” (MIRA, California, Hoa Kỳ).
 
Dựa vào những khám phá của khoa thiên văn học, thì ngay cả việc xác định rõ rệt năm, tháng, ngày, giờ sinh của Chúa Cứu Thế vẫn còn là một giả thuyết. Có thể Ngài đã sinh ra khoảng 12 tới 5 năm trước Công Nguyên.
 
Từ những giả thuyết về niên đại giáng sinh như trên, có những ý kiến cho rằng vì sao xuất hiện trong đêm Giáng Sinh có thể chỉ là một sao chổi. Nhưng nếu là sao chổi thì lại không thích hợp theo quan điểm của các nhà chiêm tinh học của cả Tây Phương lẫn Đông Phương, vì sao chổi chỉ điềm xấu, báo trước tai ương, chiến tranh, loạn lạc, mất mùa, giặc giã. Vậy không lẽ Chúa Cứu Thế giáng trần để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại lại được báo trước bằng một điềm xấu?!
 
Theo nhà thiên văn học Johannes Kepler (1571-1630), một người say mê tìm Ngôi Sao Giáng Sinh, thì ngôi sao này chính là hiệu ứng “sắp hàng” của Mộc Tinh (Jupiter) và Thủy Tinh (Saturne), theo sau là một vụ sao nổ trong giải ngân hà xảy ra vào năm 7 trước Công Nguyên.
 
Những nhà khoa học gần đây như Alexandre Reznikov, nhà thiên văn học Nga thì cho rằng Ngôi Sao Giáng Sinh xưa chính là sao Zabulon xuất hiện trên trục sao chổi Halley do kết quả việc ông quan sát hiện tượng sao chổi Halley năm 1986. Vẫn theo ông, hiện tượng này xuất hiện vào năm 12 trước Công Nguyên. Còn Michael Molnar một nhà thiên văn học người Hoa Kỳ, thuộc trường đại học Rutgers University, New Jersey gần đây lại cho rằng trường hợp xuất hiện của nó không phải là một hiện tượng sao già bùng nổ sinh sao trẻ, cũng không phải là sự xuất hiện của sao chổi, mà là sự sắp hàng của Mộc Tinh và sao Aries, trong khi mặt trăng đi qua. Giả thuyết của ông căn cứ trên hiện tượng xảy ra ngày 17 tháng Tư năm thứ 6 trước Công Nguyên, và có thể được giải thích hợp lý theo quan niệm chiêm tinh thời La Mã cổ, vì Mộc Tinh là sao mang ý nghĩa giáng sinh hoặc băng hà của bậc đế vương. Theo Molnar, ngôi sao xuất hiện trên vòm trời Belem chính là Mộc Tinh trong trường hợp này.
 
Cũng căn cứ vào việc quan sát hình đúc trên các đồng tiền Lã Mã, Molnar đã tìm thấy hiện tượng tinh tú vừa nói trên đây dựa theo những gì Firmicus Maternus, một chiêm tinh gia La Mã đã viết trong  cuốn “Mathesis” năm 334 sau Công Nguyên trình bày hiện tượng thiên thể xảy ra vào ngày 17 tháng tư năm 6 trước Công Nguyên. Tuy nhiên, sau khi trở thành tín hữu, ông không nhắc gì tới khía cạnh chiêm tinh và nghiên cứu này của ông, có lẽ vì ông cho rằng phần đông các tín hữu không tin tưởng vào lối cắt nghĩa khoa học ấy.
 
Dù khoa học có cắt nghĩa thế nào thì theo trình thuật của Tin Mừng, ngay từ giờ phút Chúa Cứu Thế sinh ra, ngôi sao định mệnh của Người đã xuất hiện trên vòm trời Belem rồi. Chính các nhà chiêm tinh Phương Đông nói rõ điều này. Họ tuy ở nhiều nơi khác nhau, nhưng đã cùng nhìn thấy “vì sao lạ” mà theo chuyên môn của họ, ngôi sao ấy là ngôi sao của Vua Do Thái mới giáng sinh. Căn cứ vào đó, họ đã ra đi theo dẫn đường của ngôi sao này, lặn lội tìm tới nơi vị vua mới sinh để bái lạy Người.
 
 
Sao Belem dưới cái nhìn Đông Phương:
 
Trở lên là một vài nét sơ qua về Ngôi Sao Giáng Sinh theo quan điểm thiên văn và chiêm tinh của những khoa học gia Tây Phương. Nhưng nó được quan niệm và giải thích thế nào theo quan niệm và kiến thức chiêm tinh học Đông Phương?
 
Linh-mục học giả Joseph Needham, cho rằng thiên văn Trung Hoa thời cổ đã có những kiến thức về thiên thể rất phong phú. Ngay từ thời nhà Thương, 1783 trước Công Nguyên đã xuất hiện những chiêm tinh gia nổi tiếng như Vu Hàm, Hy Hòa, Trọng Lê.
 
Những nhà thiên văn kiêm chiêm tinh gia này được gọi là “Tinh quan”. Nhiệm vụ của họ là nghiên cứu các hiện tượng xảy ra trên bầu trời, sau đó đối chiếu với sự việc diễn ra dưới đất, rồi tìm ra ý nghĩa chính đáng để giúp ý kiến cho các vua chúa biết đường trị nước an dân. Họ tin rằng trời đất, và con người (Thiên Địa Nhân) theo Tam Tài có liên hệ mật thiết với nhau, do đó, thiên văn, địa lý và nhân sinh đều cùng một mối. Sử Ký của Tư Mã Thiên đã ghi, thời Xuân Thu Chiến Quốc dài 242 năm, trong đó xảy ra 36 lần nhật thực, sao chổi xuất hiện ba lần, và thời Tống Tương Công có hiện tượng mưa sao. Những điều này xảy ra tương ứng với những biến loạn lớn dẫn đến cuộc Ngũ Bá Tranh Hùng dưới thời nhà Chu. Khoa chiêm tinh cũng đã ảnh hưởng trên suy nghĩ và nhân sinh quan từ bậc cai trị tới kẻ cùng dân của nước ta, và đã được nhà bác học Lê Quý Đôn ghi lại trong cuốn “Thái Ất Dị Giản Lục” năm 1767.
 
Theo chiêm tinh học Đông Phương cũng như Tây Phương, mỗi người sinh ra đều có một “Ngôi Sao Thủ Mệnh.” Sao này, khoa chiêm tinh Trung Hoa gọi là “chính tinh” và đóng tại “Mệnh Viên” trong lá số tử vi của mỗi người. Lá số tử vi chính là bản đồ tình trạng và vị thế một số thiên thể liên quan trên vòm trời vào đúng ngày, giờ một người sinh ra. Nó xuất hiện và tồn tại cho tới khi người đó tận số. Nếu chính tinh trong, sáng, đẹp, và yên tĩnh, thì đó là sao của bậc đế vương, hay vĩ nhân, quân tử người sẽ mang lại phúc lợi cho dân chúng. Chắc vì quan niệm như vậy, nên các chiêm tinh gia Phương Đông khi tới Giêrusalem đã nói với Vua Hêrôđê rằng: “Chúng tôi đã thấy Ngôi Sao của Người ở bên Phương Đông” (Mt 2:2). Và hẳn là vào ngày, giờ Chúa Cứu Thế Giáng Sinh trong “Thiên Thị Viên” đã có một ngôi đế vương tinh xuất hiện, và đó là Ngôi Sao Giáng Sinh.
 
Ngược lại, nếu là ngôi sao có ánh đục, đỏ, lại nhấp nháy và xấu xí thì đó là dấu hiệu của một “yêu tinh”, tức ngôi sao thủ mệnh của kẻ thất đức, gian hùng, và tàn bạo. Những kẻ sẽ gây đại họa và đau khổ cho nhân loại.
 
 
Sao Belem đối với chúng ta:
 
Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu ta có cần thiết để tìm câu trả lời về Ngôi Sao Lạ của vùng trời Belem năm xưa hay không?
 
Về phương diện tinh thần thì không cần thiết, vì Tin Mừng không phải là một tài liệu lịch sử, một cuốn sách viết về khoa học mặc dù nó có bao gồm những yếu tố lịch sử hay khoa học. Tin Mừng được viết ra nhằm vào chiều kích thiêng liêng, tinh thần, và do đó, Ngôi Sao Lạ hay Ngôi Sao Belem, Ngôi Sao Giáng Sinh phải được hiểu theo ý nghĩa tâm linh. Với ý nghĩa này, nó chính là ngôi sao lạ vẫn xuất hiện trên vòng trời tâm linh của nhân loại, của con người và từng người kể từ ngày Ngôi Hai giáng trần. Nhờ ánh sáng của nó, nhân loại mới cảm nhận và tìm đến được tình yêu của Thượng Đế.
 
Thái độ phấn khởi các Đạo Sĩ khi khám phá ra nó trên bầu trời Đông Phương, và đã hăm hở rõi theo ánh sáng của nó đi tìm chiêm bái Ấu Chúa, cũng như thái độ lo lắng của các vị khi nó đột nhiên biến mất lúc họ đến gần Giêsusalemrem, và rồi sau đó lại vui mừng vì nó xuất hiện dẫn các vị đến nơi Hài Nhi đang cư ngụ, phải chăng chính là thái độ vui mừng, phấn khởi, buồn lo, và hạnh phúc khi trên bầu trời tâm linh con người ánh sáng Cứu Độ, ánh sáng tình thương Thượng Đế bị dập tắt hay được thắp sáng.
 
Câu truyện Ngôi Sao Giáng Sinh là câu truyện phổ thông và ai cũng biết. Nó không hẳn chỉ đóng khung trong Đức tin mà đã trở thành một truyền thuyết dân gian Thiên Chúa Giáo. Dõi theo ánh sao xưa, chính là dõi theo những soi dọi của lương tri, của niềm tin vào Đấng Cứu Thế. Ngài đã giáng trần để đem an bình và sự giải thoát cho nhân loại: “Vinh danh Chúa cả trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luc 2:14).
 
TS. Trần Mỹ Duyệt
Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment