Tấm lòng Mattha

Chiều hôm qua, trong buổi họp cộng đoàn hàng tháng, Cha Bề trên có thông tin về việc tu viện lập một nhà xe mới, rộng hơn nhà xe cũ để anh em có đủ chỗ để xe. Vì là nhà xe tập thể nên việc tổ chức quản lý tập thể phải rất khoa học và cẩn thận, nạn trộm cắp xe chẳng từ nơi nào. Làm sao để người đi về có thể mở cửa nhà xe và người bên trong sau khi ra cũng có thể khóa cửa nhà xe, làm sao ở bất cứ chiều di chuyển nào thuận tiện cho anh em, cửa nhà xe vẫn có thể mở và khóa được, và mở cũng như khóa với độ an toàn cao. 

Chuyện đóng mở được bàn bạc và nghiên cứu kỹ để tránh những sự không hay xảy ra. Từ chuyện đóng mở cửa nhà xe, chương trình chuyển sang một thứ đóng mở khác. Vấn đề đươc đặt ra là sự tiếp cận người nghèo, đồng thân đồng phận với người nghèo. Có lẽ chúng ta chỉ mới tiếp cận người nghèo trên nguyên tắc, ở lãnh vực lý thuyết nhiều hơn, không phủ nhận có những anh em dấn thân vào cuộc sống nghèo, chia sẻ nỗi lo toan bấp bênh cùng người nghèo. Không phủ nhận tập thể anh em đã có những hoạt động phục vụ người nghèo, có cả những sự phục vụ rất hiệu quả, giúp đỡ được nhiều người. Nhưng nhìn chung chúng ta còn cách xa người nghèo, chưa trở nên nghèo thực sự trong cuộc sống khi đời sống của chúng ta được bảo đảm bởi nhiều thứ, có độ an toàn nào đó, có một sự sung túc nào đó. 

Cánh cửa lòng của chúng ta nhiều khi còn khép lại, bỏ bên ngoài những ưu tư, trăn trở và cả nỗi xót xa của kiếp nghèo. Chúng ta đâu phải chạy ăn từng bữa, đâu phải lo toan từng toa thuốc chữa bệnh, đâu phải thiếu trước hụt sau, đâu phải lăn lộn giữa bao sóng gió cuộc đời. Mọi sự đã có người được phân công lo, chẳng bận tâm làm gì, chiều nay xuống nhà cơm vẫn có đủ cơm ăn, ngày mai vẫn có đủ áo mặc, tối nay vẫn ấm êm một mình một phòng với công việc riêng không ai quấy rầy.

Còn những nỗi khổ đau khác của người nghèo: kẻ bị chà đạp; người bị áp bức; người mất đất mất nhà vô cớ; quyền lợi, tài sản cha ông để lại đã bất công rơi vào tay người khác; oan khiên bao nhiêu năm không được giải quyết; con mới sinh chết tức tưởi ngay trước mắt cha mẹ một cách chua xót không có lý do chính đáng; chồng, con, người thân bị bắt đi không theo trình tự pháp lý; …và bao nhiêu nỗi đau buồn khác, chúng ta tiếp cận với họ đến đâu ? Chúa Giêsu không bao giờ dừng lại ở lời giảng dạy, cùng với lời rao giảng, Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho những ai đến với Ngài. 

Chúng tôi đã quyết định dùng một phần những gì chúng tôi đang có để chia với người nghèo, cụ thể chia bữa cơm hàng ngày, chia những phương tiên sinh sống hàng ngày, chia ngay từ quỹ chi tiêu của cộng đoàn, một quyết định nhanh chóng đã được thông qua với đề nghị tiến hành ngay chương trình cụ thể. 

Tôi nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu đi cùng hai môn đệ trên đường về Emmaus, cứ giả dụ như hôm ấy hai ông không vượt qua chính mình, tìm kiếm an toàn và sự thoải mái cho mình, phớt lờ đi người lữ hành mình gặp trên đường, mặc kệ cho màn đêm buông xuống, mặc kệ cho những bất trắc có thể xảy ra với người lữ hành không nhà, chắc gì chúng ta có được bản văn Tin Mừng đầy sức sống như đã có. Vẫn là chuyện đóng mở thôi, Tin Mừng thuật lại rằng, hai ông đã nài nỉ Ngài vào nhà, hai ông đã mở cửa, hai ông đã nói lời tiếp rước Ngài, hai ông đã gặp được Đấng Phục Sinh.

Ảnh Nguyên Vũ

Sáng nay ngồi đọc lại bản văn Tin Mừng (Lc 10, 38 – 42), Chúa nhật Thường niên 16 C, tôi ấn tượng mạnh một lời của Kinh Thánh “Mattha rước Người vào nhà mình” . Bao nhiêu giấy bút, bao nhiêu lý luận, bao nhiêu lời phân tích về hai chị em của gia đình ở Bêthania, tôi vẫn thấy kẻ mở cửa, rước người nghèo vào nhà mình là kẻ quyết định vận mạng của mình và của những người khác.

Lm. Vĩnh Sang, dcct.

27/07/2013

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment