Một kinh nghiệm trở lại

Mình vừa mới tham dự Thánh lễ truyền chức linh mục của Phêro Đòan đức Thăng, cháu gọi bằng cậu tại nhà thờ chánh tòa Xuân Lộc. Ngồi dưới nhìn lên cung Thánh, nhác  thấy có đức ông Đinh đức Đạo, có cha Đinh nam Hưng  quản hạt Phú Thịnh. Cả hai vị này là lớp trên lớp dưới,  còn mình thì lại thuộc cả hai lý do chỉ tại …học dốt nên phải xuống lớp. Tâm trạng khi ấy  thật khó diễn tả, vừa  nô nức trong một tòan cảnh rực rỡ cờ hoa  nhạc trống rộn ràng  lại vừa  dâng lên trong lòng một niềm tri ân lặng lẽ = vô cùng cảm tạ ơn Chúa đã cho trở lại. Cách đây đã trên năm chục năm, chính xác là năm 1956 mình đã được cha bố  Phêro Dư tác Thiện  nay đã ngoài  chín mươi , hiện đang ngỉ tại nhà hưu Chí Hòa  lo liệu  cho nhập chủng viện di cư Bùi Chu Phanxicô. Nói là nhập nhưng vẫn phải qua một buổi thi, còn nhớ là trên sáu mươi chú  ngồi thi tại một phòng  học trên lầu ba trường Nguyễn bá Tòng  vừa xây mới toanh  mà sau này đã trở thành lớp B six …lừng danh. Đề thi lần đó còn  nhớ mài mại  = Hãy nói lý do tại sao lại đi tu ?. Chẳng biết đề bài có đúng tróc như vậy hay không và mình đã luận giải như thế nào  nhưng quả thật mãi về sau, từ trong tâm tưởng  mình vẫn khắc khỏai  với câu hỏi về mục đích sống ở đời.  Xuất tu, vỏn vẹn chỉ sau có ba năm,  một năm Huyện Sĩ, hai năm Phước Tỉnh. Ra đời cố nhiên là vẫn tiếp tục đi học  và vẫn cứ …dốt như thường. Dẫu vậy duy có một môn là mình không dốt, đó là luận văn, ngay từ năm  đệ tứ học tại trường Hưng Đạo, đường Cống Quỳnh của cha Trần đức Huynh  làm hiệu trưởng mình đã mày mò dịch thơ tiếng Pháp. Học các môn tóan lý hóa thì  không thể ..vô nhưng cái món văn  thì rất mê. Ở bất cứ lớp nào  mình cũng hạng nhất, được thầy khen, có khi còn đọc cho cả lớp nghe.

Điều khiến cho  có sự  ..mê văn như thế,  giờ đây mình nhận ra rằng  đó chính là do bởi  nỗi khát  khao tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống nó thôi thúc mình đọc. Ngay từ thuở thanh niên mình đã đọc đủ thứ và tòan là những thứ khó…nuốt  như Hố  Thẳm Tư Tưởng của Phạm công Thiện, thơ Nguyên Sa, Thanh tâm Tuyền v.v. triết luận của Hồ hữu Tường, Nguyễn văn Trung , Nguyễn mạnh Côn… Đọc nhiều nhưng không tiêu hóa nổi và xét cho cùng chúng cũng chẳng  có gì để mà tiêu, để mà hóa,.tuy nhiên nó cũng khiến  cho mình trở nên một anh chàng khờ khờ, chân không dính đất, cật chẳng đến trời. Giữa năm đệ nhị trên đường đi học về  bị trúng mưa cảm lạnh sau vài ngày thì ho ra máu, nám phổi phải nghỉ học, ở nhà chữa bệnh, hàng tuần đều đặn ghé trạm y tế bên hông nhà thờ Nam Hòa chích trep  đến ù cả tai. Hết bệnh đi làm công chức..phù động gần một năm tại Nha Công Binh ( liên kho C- Gò Vấp ), rồi bị động viên  lớp HSQ TB khóa mười 1962, hết ba tháng quân trường Quang Trung  ra Vũng Tàu học tiếp ba tháng chuyên môn, tốt nghiệp được gắn cánh gà  trắng trên vai.

Bị thuyên chuyển ra mãi tận Pleiku BTL QĐ II rồi xuống BMT sư đòan 23 một năm  Quảng Đức ba năm. Trong thời gian mấy năm ở Quảng Đức ( Gia nghĩa ) suốt ngày dong chơi  ngày thì thơ thẩn bên suối, đêm thì lai rai quán xá, làm thơ viết lách  công quả cho tờ BNS Tinh Thần của Nha TUCG, cha Đinh cao Thuấn chủ nhiệm, cha Trần học Hiệu chủ bút, Lý minh Tuấn  chủ biên. Chắc là cũng có ..duyên nợ gì đó với Tuấn  thế nên mãi sau 1975 cả hai lại về sinh sống tại Hố Nai, gặp gỡ nhau thường xuyên. Đó là câu chuyện về sau, bây giờ trở lại với thời sự nhiễu nhương ngày đó , sau năm năm quân dịch, giải ngũ vừa đúng một tháng lại bị tái ngũ vì biến cố tết Mậu Thân 1968. Cầm SVL về SĐ 5  Phú Lợi gần một năm, ngày làm tạp dịch, tối dẫn tiểu đội đi kích.  Cuộc sống như chơi vơi giữa sống và chết.  Thật tình khi ấy cũng chẳng lo gì chuyện chết sống, cả làng cả nước  đều vậy. Rút cục chẳng chết, được ưu tiên đổi về  BTTM , mấy tháng sau lấy vợ, đậu nốt tú tài phần hai, thi  vào lớp HSQ tùy viên quân sự  biệt phái sang BNG làm việc tại   TĐS VNCH tại Phnom Penh cho đến ngày LonNol  sụp đổ.

Chính trong cái khỏang thời gian gần bốn năm  với công việc nhàn tản này mà mình luôn ở trong cái ranh giới mong manh giữa sa đọa  và ý thức muốn vươn mình lên . Trà đình tửu quán hết ngày này  ngày khác, chán quá thì lại mò đến các chùa, mà chùa chiền ở đấy thì nhiều  vô kể, nhiều chùa, nhiều mùi hương đến ngạt thở. Có những buổi chiều  tà, một mình ngồi trên ghế đá lơ đễnh dõi mắt theo những con thuyền ngòai xa trên khúc sông Tonglesap mênh mông trước công viên đền vua, lòng lặng đi với nỗi buồn vô cớ, chốc chốc lại giật mình bởi vài tiếng rao lanh lảnh mời mua mía ghim  của những đứa trẻ cởi trần da đen xám, đầu đội một cái thúng nhỏ càng làm cho lòng thêm chĩu nặng.  Học tiếng Pháp với ông bạn già, nhân viên  địa phương của phòng Kiều Vụ, rồi lân la tìm hiểu Thiền, yoga. Ông ta tu theo thiền Minh Sát của Thái đã lâu, tuy sống lặng lẽ , độc thân trên một căn phòng trên lầu  ba  nhưng  ở con người ấy mình thấy tóat ra một sức sống điềm đạm  và rất dễ gần..

Dòng đời cứ trôi, mình vẫn như cánh lục bình dập dờn trên sóng nước , hay cũng có thể nói như thi sĩ  Vũ  hòang  Chương:

Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về.

Sống chẳng biết tại sao sống, chết cũng chẳng hiểu về đâu. Giờ đây khi phần nào đã..ngộ  ra được cái lẽ sống chết ấy, mình mới thấy sợ cho cái đêm  lễ Phục sinh  1972.  Cùng mấy người bạn chơi đi ngang  qua nhà thờ chính tòa  ( Nay  đã bị bọn Khmer đỏ  đặt mìn đánh sập )  có một tên đòi xuống  để đi lễ và có ý rủ nhưng mình  từ chối . Đến nhà hàng Paradis ( Thiên Đường )  vừa ngồi uống hết một tuần rượu  xem người ta ôm nhau nhảy thì bỗng một lọat súng chát chúa vang lên , đèn đóm tắt phụt tối thui, bàn ghế xô đẩy rầm rầm  tiếng người la hét hỏang lọan. Lồm cồm bò ra  được ngòai đường  cả bọn hú vía , lên xe về nhà  bàn tán râm ran, riêng mình  rùng mình , chút nữa thì Thiên Đường đâu chẳng thấy  Hỏa ngục  thì ..cầm chắc….!!!! Hỏi han tin tức , phòng trực phái bộ cho biết có mấy ông tướng sĩ quan trẻ nhà mình   tác quái giật le với gái lấy súng bắn nát bộ đèn chùm , may mà không có ai việc gì.

Cái chết luôn gây một ấn tượng  sâu đậm nơi mình  nhất là những cái chết  bất ngờ. Có lần kia  đèo thằng con trai  út  mười tuổi vào thăm chùa sư Liêm  ở Trảng Bom . Trên đường về, vừa đến ấp Quảng Biên  thì gặp một tai nạn kinh hòang diễn ra ngay trước mắt. Một thằng bé cởi trần trùng trục  từ trong ngõ  phóng vụt mạng qua đường, đằng sau là bà mẹ tay cầm cây roi miệng la hét bải hỏai. Bỗng một chiếc xe tải  lao tới cán nghiến , thằng bé nát vụn  giống như người ta cầm chiếc búa tạ  giáng xuống một chiếc bánh kem rồi cứ thế mà miết đi. Vết thắng lết của  các bánh xe  để lại trên đường một màu hồng nhờ nhờ  của thịt xương và máu. Cát bụi lại trở về với cát bụi, một  thóang nữa đây các bánh xe  một cách rất vô tình  sẽ chà đi xát lại  cái vết máu ấy, xóa nhòa đi trong cát bụi. Dẫu vậy con người lại không  chỉ là cát là bụi, nó còn là một cái gì đó, cái đó là cái gì  ? Câu hỏi này luôn dằn vặt  và thực tình mình  cũng chẳng muốn lẩn tránh nó….

Sau 30 tháng 4/75  bị đuổi khéo nhưng cương quyết ra khỏi trại gia binh truyền tin BTTM, mình đem vợ con về khu vực Hố Nai,  mua năm sào rẫy trồng mì sinh sống.. Ban ngày hai vợ chồng dậy sớm từ mờ sáng  lo giặt dũ cơm nước , mình đi bộ ra rẫy cách nhà  chưa tới một cây số  vai vác cuốc  trên đó tòong teng bình nước bốn lít cùng với chiếc điếu cày. Còn bà vợ gầy gò trước làm bí thư cho trưởng phòng nhân viên quân sự Mỹ trong phi trường TSN lo cho ba đứa con , đứa lớn nhất vừa lên sáu   ăn uống rồi đạp xe đạp ra sau.  Cuộc sống chẳng những vất vả dầm mưa dãi nắng  mà còn..lo đói, rất chi là khổ.  Chẳng có tiền thuê mướn, hai vợ chồng cứ làm cỏ sạch được  đằng đầu  thì đàng cuối cỏ tranh đã phất phơ tới ngang đầu gối.. Chỉ có rẫy thôi thì chẳng làm sao mà có đồng tiền  chi cho mắm muối cá khô rau cỏ, bèn theo người ta vào rừng lấy lá buông , vắt muỗi mặc sức mà hút, mà chích.  Nhớ lời cụ Lão nói có thân là có khổ, không thân  thì muỗi vắt lấy chi mà hút, chich  ? Ai mà chẳng có thân, bởi vậy ai mà chẳng khổ, nghèo có cái khổ của nghèo, giàu  cũng vẫn khổ vậy thôi, tuy nhiên ai thì cũng cho mình là khổ nhất trần đời…! Bà vợ vốn dĩ thể tạng yếu ớt lại còn bị chứng thần kinh tọa. Một tuần hai lần phải đèo xe đạp chở bà ấy vào cây số sáu đường Cây Gáo để châm cứu. Chính là trong thời gian này mà mình  mang duyên nợ với Thiền.

Đã quen với ông thầy châm cứu  mang một cái  danh xưng rất kêu = Châm y sư Lưu Được từ lâu. Là trung úy ngành truyền tin cùng một đơn vị với mình = tiểu đòan TT/BTTM. Anh vốn là người CG..một nửa, bố PG mẹ  CG, học trường dòng, rửa tội nhưng lớn lên  không lễ lạy nhà thờ nhà Thánh gì cả…! Trước khi bị  động viên khóa 19 TĐ đã có học châm cứu  và sau khi ra trường về BTTM, anh được phép ở luôn trong Niệm Phât Đường/BTTM  ăn chay trường, chuyên việc châm cứu…. Phải công nhận tướng mạo của vị châm y sư này khá kỳ vĩ, mặt mũi phương phi, tay dài quá gối, lúc nào cũng mặc bộ quần  áo lụa màu mỡ gà  trông ra dáng một .. ông Phật sống. Quanh vùng người ta đồn thổi về anh  râm ran, có người còn tặng một bức hòanh phi vĩ đại khảm ba  đại tự vàng = Đức Lưu Phương . Thầy chỉ chữa bệnh một tuần ba buổi sáng, tòan bộ thời gian còn lại dành để ngồi Thiền. Qua một đệ tử thân tín nhất (, anh này thì đúng là một  thầy dòng xuất )  được anh cho biết thầy mình tu  theo pháp môn Thiền vô vi củ a đại minh sư Lương sĩ Hằng., chủ trương xuất hồn  lên các cõi trời để học đạo mầu.

Cũng trong khỏang thời gian này , mình còn làm quen với nhóm …tu tiên của Sáu Quán  và Tư Hon chuyên nghiên cứu về Dịch và …nhịn đói uống nước lã. Có lần cùng với Lý minh Tuấn  đến gặp Tư Hon, anh  ta chính cống người Tàu  trạc khỏang trên dưới năm mươi  làm nghề sạc bình điện. Nghe anh   diễn giảng và bàn về triết lý  của sự nhịn đói, trước khi  kiếu từ ra về  chúng tôi còn nghe anh nói với theo = tu là không chết , tu mà chết thì còn ra gì…Rất phấn khởi cách hai tuần sau hai chúng tôi lại đến  để được nghe  lẽ phải làm cách sao để đạt trường sinh bất tử, lần gặp này  có lẽ đã bước vào …tâm giao, Lý minh Tuấn ngỏ lời mời ra quán lộ thiên bên bên đường …chén thịt chó , anh  vẻ như hơi ngần ngừ nhưng chép miệng = tu là không có chấp , tu mà còn chấp thì chưa cao…! Và rồi chỉ khỏang một năm sau nghe tin anh chết vì chứng sơ gan cổ chuớng, do bị nhiễm độc chì, đúng là sinh nghề tử nghiêp ….

Tháng ngày vẫn trôi qua  với những vất vả lo toan đời thường . Làm rẫy trồng mì quá vất vả  mà chẳng thể sống, bà vợ ra ngồi chợ bán bánh mì  và mấy năm sau  thì mua được lô đất làm nhà trên chợ mới Trà Cổ. Ở lại một mình trên mảnh vườn  tại dốc Suối Đỉa mùa nắng trồng hoa,  mùa mưa bán cá giống  sống lai rai. Trong khỏang thời gian này mình càng  tích cực gặp gỡ với châm y sư Lưu Được  và thông qua một nữ đệ tử ( chị Huệ ) mình đi vào thực hành Thiền vô vi. Vừa thiền vừa ăn gạo lức muối mè, nhịn đói uống nước lã  có khi ròng rã cả mấy tháng  trời. Cho đến một ngày kia  lúc nửa đêm (Thời công phu của thứ thiền này  luôn vào giờ Tý)  sau chín ngày nhịn đói đang khi quạt pháp luân  thì bị sổ mũi nước  liên tục như súng bắn liên thanh. Tuy rất khó chịu nhưng  vẫn kiên trì cho tới  khi không thể chịu nổi ngồi phịch xuống giường, đầu nhức buốt  như có hàng trăm mũi kim  châm xiên vào. Không  gian bên ngòai hòan tòan yên tĩnh  nhưng tâm trí thì lại  bất an gần như hỏang lọan. Suốt cả mấy tiếng đồng hồ  trong đêm trường mù mịt ấy, không một điểm tựa, không một chỗ bám víu mình thật giống như  kẻ bị lạc trong rừng, quanh quất không một lối ra.

Còn nhớ đó là vào khỏang tháng mười, những cơn mưa thường gần về sáng. Nhìn ra ngòai khung cửa sổ, trời đã mờ mờ, cảnh vật tuy còn nhạt nhòa  nhưng  cũng khiến có  phần an tâm = đêm sắp qua , ngày đang tới  và nữa,  tiếng mưa rào rạt trên mái lá khi ấy cho mình có một cái cảm giác rất lạ như được chở che vỗ về….Chợt nhớ đến một câu đã đọc được ở đâu đó, thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Mình mò bao diêm  đốt lên ngọn đèn và lê bước tới bên tủ sách với ý tưởng rằng , nếu giở bất kỳ trang nào mà đọc được  thì tốt có cơ còn cứu vãn… Chẳng biết động lực nào đã khiến  lôi ra được cuốn KT tòan bộ dày cộp của Tin Lành. Cuốn này mình đã nhặt được  tại đống rác  đang cháy dở bên ngòai bờ tường BTTM trong trại gia binh Truyền Tin  đúng buổi sáng ngày 30/4/1975. Giữa một đống nào là quân phục, giày bốt đờ sô, quân phục lon ngù băng nhạc…cuốn KT tội nghiệp  sắp bị ngọn lửa  liếm tới. Cầm cuốn sách về  nhưng chẳng hề giở chi tới  cho tới tận lúc này. Rất ngẫu nhiên  giở ra  và đọc thấy  một câu trong Tân Ước “ Lạy Cha, con cảm tạ Cha  vì Cha đã giấu những điều này cho kẻ khôn ngoan thông sáng  nhưng lại mở ra  cho con trẻ. Phải Cha ơi  như vậy là đẹp lòng Cha ..” (Lc 10,  21.)

Như bừng tỉnh, vậy hóa ra  từ trước tới  giờ mình đã hòai công  kiếm tìm chân lý. Sự thật tối hậu chỉ có thể có được  với việc bỏ mình, bao lâu còn thấy có mình  thì chân lý không bao giờ  tỏ lộ, nó giống như mặt trời bị mây đen che khuất. Nhịn  đói, tầm nghiên sách nọ vở nọ kia  mà không  bỏ được mình thì  chỉ khiến cho Sự Thật ở nơi mình  ngày càng bị lấp vùi chẳng ích lợi chi cả.  Bỏ mình, theo Chúa  đó là cái quyết định  tức  thời  khi ấy  cùng với một động tác  thiết thực là  quỳ ngay xuống  với lòng ăn năn thống hối thật sự, tuy không có nước mắt rơi nhưng  đây quả thật  là sự trở về chớp nhóang…Mặc dầu đầu vẫn còn buốt, những cơn giật  thót người  liên tục  khiến người run rẩy nhưng tâm hồn  đầy sự phấn khích . Nhóm bếp bỏ nắm gạo vào nồi nấu cháo lấy nước húp. Rất nhanh  mình có quyết định chờ trời sáng rõ  sẽ lên trình cha xứ xin xưng tội. Cha cố Nghi  chánh xứ Tân Bình là…bạn nối khố  của cha Thiện bố mình. Trước khi về đây mình đã cẩn thận xin thư giới thiệu của bố.  Húp hết tô nước cháo , mình khóac áo mưa ( trời đang mưa bão ) lên gõ cửa phòng. Cố Nghi hỏi ai đó- Dạ con Hóa đây- Có việc gì mà tới sớm vậy ông Hóa,  cha mở cửa mời vào, mình ngỏ ý muốn xưng tội, cha tròn mắt ngạc nhiên tưởng mình bị…ấm đầu. Nhìn thái độ nghiêm túc khẩn trương của mình, cha  chỉ cái ghế salon trước mặt bảo xưng đi. Mình không ngồi  mà quỳ ngay xuống trước mặt cha  xưng thú vắn tắt  tội lỗi đã bỏ Chúa ngần ấy năm trời với bao nhiêu là  thứ tội độc dữ. Giống như người con hoang đàng trở về  mình cũng  thú với Chúa, con đã lỗi phạm với trời và  với Cha, không đáng làm Con Cha nữa…

Kể từ đây cuộc đời  thật sự đã sang trang  mới và trong suốt hơn hai mươi năm qua, không khi nào  mình có sự nghi ngờ về tính chất chân thật của sự trở về ấy. Tất cả  là hồng ân, ngay cả những ngày  còn lang bạt trên những nẻo đường tăm tối, Đấng Cha nhân lành  có khi nào  dù chỉ trong phút giây  rời mắt khỏi đứa con tội nghiệp của mình. Không một ai  mà Chúa lại không đóai nhìn thế nhưng có được sự trở về vô giá ấy  lại là chuyện khác . Với mình thì đây là bàn tay của  Mẹ Maria. Mẹ đã từng bước, từng bước như Bà Rebecca sửa sọạn  cho  Giacop được lãnh nhận  sự chúc phúc  của cha già  Isaac. Cảm nhận  tức thì được  ân ban của Mẹ, thế nên sau khi xưng tội về, lòng sạch boong mình hứa với Mẹ là sẽ lần chuỗi Mân Côi trả ơn Mẹ cho tới khi về Trời .  Thế nhưng có trở ngại nhỏ là …không thuộc một ngắm nào cả, phải sang nhà ông  trùm Nam, một bạn già hàng xóm mượn cuốn sách kinh về lẩm nhẩm học mấy ngày mới thuộc..

Sự sắp đặt của Mẹ  tưởng như ngẫu nhiên nhưng thật diệu kỳ, mình gặp lại đại úy Lợi  trước cùng ở trại  gia binh  truyền tin, anh là TTV lâu năm của Senatus Sàigòn. Sau  buổi hàn huyên tâm sự, anh đưa cho cuốn  Thủ Bản Legio  bảo cầm về mà đọc, hay lắm. Về nhà lật ngay vài trang , thế rồi gặp được một câu  và cho đến nay sau hơn 20 năm hoạt động tích cực mình cho đây chính là  một thứ kim chỉ nam  tuyệt vời “ Theo ý Legio  sự trọn lành của HV không dựa vào chỗ tự mãn  vì những kết quả thực sự hay bề ngòai  nhưng chỉ  căn cứ  vào lòng trung thành từng nét với phương pháp Legio. Hội viên chỉ xứng đáng với danh xưng khi họ biết tuân phục quy chế  (TB chg 11 câu 142 ). Con đường nên Thánh, đường trọn lành không ngờ  lại hóa ra  vô cùng giản đơn như thế . Chỉ cần trung thành từng nét  với phương pháp Legio là được, thế nhưng nếu không có Mẹ dẫn dắt  thì không một ai có thể nhận ra và đi theo con đường đó được.  Càng họat động  Legio trung thành với phương pháp bao nhiêu  th́ người ta càng thấy  sự chắc thật  của nó bấy nhiêu vừa dễ  lại vừa  chắc chắn bỏ được mình.  Được ơn trở lại mình vẫn  tiếp tục nghiên cứu Thiền  với những  tác phẩm  quan trọng  của đại sư  Ấn  Quang, Tuyên Hóa, Quảng Khâm, Thích Thiền Tâm  v.v..Mình say mê tìm  hiểu Tịnh Độ Chân Tông và thấy rằng  nó hết sức ám hợp với Đạo Công Giáo nhất là  pháp môn  Trì Danh Niệm Phật  với Kinh Mân Côi.  Hàng năm ít nhất  hai lần, mỗi lần một tuần mình nhập thất tại Chùa  của sư Giác Liêm  để chuyên lần hạt, ngòai ra  mình sống  đich thực là một Kitô hữu  thuần thành,  dự  Thánh lễ hàng ngày, tham gia việc tông đồ với tất cả lòng tin,  tôn sùng Thánh Thể,  Đức Mẹ  ngày càng tăng trưởng.

Con đường phía trước còn dài, chắc hẳn cũng chẳng ít chông gai  nhưng mình vững tâm vì có Mẹ. Lẽ nào Mẹ lại nỡ lòng bỏ rơi đứa con  mà Mẹ đã chăm bẵm từ thuở còn chưa lọt lòng ? Càng cậy trông nơi Mẹ mình càng quý trọng biết bao cái ơn trở lại này. Ước chi  con không sa ngã để buồn lòng cho Mẹ nhưng nếu có trót ngã sa xin Mẹ đỡ  nâng con ngay. Lạy Mẹ con yêu mến Mẹ biết chừng nào.

 

         Phùng   văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment