Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 12-2014

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

Hỡi các Kitô hữu,
hãy ý thức về phẩm giá của mình

Trích bài giảng của thánh Lêô Cả, giáo hoàng

Anh chị em thân mến, 

Hôm nay, Đấng Cứu Độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm này phá tan sự sợ hãi trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời.

Không ai bị gạt ra khỏi niềm hân hoan đó, vì mọi người đều có chung một lý do để vui mừng. Chúa chúng ta là Đấng huỷ diệt tội lỗi và sự chết, vì Người không thấy ai vượt qua được tình trạng này, nên đã đến để giải cứu mọi người. Thánh nhân hãy vui mừng vì ngày khải hoàn đã gần tới. Tội nhân được hân hoan vì được mời gọi đón nhận ơn tha thứ. Người ngoại giáo hãy phấn khởi vì được mời gọi đến hưởng sự sống.  

Thực vậy, khi thời gian tới hồi viên mãn đúng như kế hoạch cao sâu mầu nhiệm của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính loài người, để con người được giao hoà với Đấng Tạo Hoá; như thế, ma quỷ là kẻ gây ra sự chết, sẽ bị đánh bại do chính bản tính mà nó đã thắng. 

Khi Chúa sinh ra, các thiên thần nhảy mừng và ca hát: Vinh danh Thiên Chúa trên trời; lại loan báo: Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Quả thế, các vị ấy nhìn thấy Giêrusalem thiên quốc được thành hình với đủ dân tộc trần gian. Trước công trình kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, các thiên thần cao sang còn hân hoan vui mừng, thì loài người hèn hạ phải vui mừng biết bao nhiêu. 

Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần do lòng thương xót vô tận, Thiên Chúa Cha đã yêu mến, đã thương xót chúng ta; dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô, để trong Đức Kitô, chúng ta trở nên một tạo vật mới, một công trình mới.  

Bởi thế, chúng ta hãy cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó; khi đã được tham dự vào mầu nhiệm giáng sinh của Đức Kitô, chúng ta hãy từ bỏ lối sống theo xác thịt. Hỡi các Kitô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hoá qua việc trở lại với nếp sống bất xứng đã qua. Bạn hãy nhớ ai là đầu của bạn, và bạn là chi thể của thân mình nào. Hãy nhớ rằng bạn được cứu thoát khỏi quyền lực tối tăm, và được đưa vào trong ánh sáng và Nước Thiên Chúa. 

Nhờ bí tích thánh tẩy, bạn đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Bạn đừng xua đuổi vị khách quý trọng như thế do những hành động xấu xa của bạn, đừng để mình lại rơi vào ách nô lệ ma quỷ, vì giá chuộc bạn là chính Máu Đức Kitô.

(Bài đọc 2, Kinh Sách – Lễ Chúa Giáng Sinh).

 

Suy niệm
trước máng cỏ Hài nhi Giêsu

ĐGH Bênêđictô XVI

Trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên của năm 2007 tại Thính Ðường Phaolô VI, ngày thứ Tư 03-01-2007, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã cùng với các tín hữu suy niệm về mầu nhiệm Giáng Sinh. Xin giới thiệu lại bài suy niệm này của Ðức Bênêđitô trong dịp mừng lễ Giáng sinh.

… Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu đã ban phát dư tràn cho con người những hồng ân, những sự tốt lành, lòng thương xót và tình yêu thương. Như để nói lên tâm tình của con người thuộc mọi thời đại, tông đồ Gioan ghi nhận như sau: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta biết bao: đến độ Người muốn cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1). Ai dừng lại suy niệm trước Con Thiên Chúa đang yếu ớt nằm nơi máng cỏ, thì không thể không kinh ngạc trước biến cố không thể tin được này trên bình diện nhân loại; không thể không chia sẻ sự ngỡ ngàng và thái độ khiêm nhu từ bỏ của Ðức Nữ Trinh Maria, người đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế, chính do lòng khiêm nhu của Mẹ. Nơi Hài nhi Bêlem, mỗi người đều thấy mình được Thiên Chúa yêu thương cách nhưng không. Trong ánh sáng của Giáng Sinh, lòng tốt lành vô biên của Thiên Chúa được biểu lộ cho mỗi người trong chúng ta. Nơi Chúa Giêsu, Chúa Cha trên trời đã khai mở mối tương quan mới với chúng ta. Ngài làm cho chúng ta trở nên “con cái Ngài trong Người Con ấy”. Với những lời lẽ hết sức sâu xa và phong phú… Thánh Gioan mời gọi chúng ta suy niệm về thực tại này…

Vị tông đồ được Chúa yêu thương này nhấn mạnh rằng chúng ta thật sự là “con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1): chúng ta không chỉ là thụ tạo, nhưng còn là con cái của Thiên Chúa; như thế, Thiên Chúa ở bên chúng ta; như thế, Ngài lôi kéo chúng ta đến với Ngài trong giây phút Ngài nhập thể, trở nên một người trong chúng ta. Vì thế, chúng ta thực sự thuộc về một gia đình có Thiên Chúa là Cha, bởi vì Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, đã đến dựng lều giữa chúng ta, căn lều là thân xác Ngài, để quy tụ mọi dân nước trong một gia đình duy nhất, gia đình của Thiên Chúa, thực sự thuộc về Thiên Chúa, hiệp nhất trong cùng một dân tộc, một gia đình. Con Thiên Chúa đã đến để mặc khải cho chúng ta dung mạo thật của Chúa Cha. Và giờ đây nếu chúng ta đọc Lời Chúa, thì không còn là một Thực Tại chỉ được biết từ xa nữa. Chúng ta biết được dung mạo của Thiên Chúa: đó là dung mạo của Người Con, Ðấng đã đến để làm cho những thực tại thiên quốc được gần lại chúng ta và gần lại với trần gian hơn. Thánh Gioan ghi nhận: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta” (1 Ga 4,10). Trong ngày lễ Giáng Sinh, khắp thế giới vang lên lời loan báo đơn sơ mà lay động rằng: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta”. Thánh Gioan nói rằng: “Chúng ta yêu thương, bởi vì chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Từ nay, mầu nhiệm này được trao vào tay chúng ta, để nhờ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, cuộc sống chúng ta hướng đến những thực tại trên trời. Có thể nói rằng trong những ngày này chúng ta đang thực tập sống: sống thật sự hướng về Thiên Chúa, qua việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước hết, tin chắc rằng tất cả những điều còn lại sẽ được ban dư đầy cho chúng ta (x. Mt 6,33). Bầu khí thiêng liêng của mùa Giáng Sinh giúp chúng ta luôn ý thức hơn nữa điều ấy.

Tuy nhiên, niềm vui Giáng Sinh không được làm cho chúng ta quên đi mầu nhiệm sự dữ (mysterium iniquitatis), quên đi quyền lực của bóng tối đang cố che mờ vẻ huy hoàng của ánh sáng Thiên Chúa; nhưng thật đáng buồn, mỗi ngày chúng ta đều cảm nghiệm quyền năng này của bóng tối. Trong lời mở đầu của Phúc Âm theo thánh Gioan, –vẫn thường được công bố trong những ngày này– thánh sử Gioan đã viết: “Ánh Sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt đựợc ánh sáng” (1,5). Ðó là thảm kịch của việc chối từ Chúa Kitô. Đáng tiếc, cũng như trong quá khứ, ngày nay việc chối từ ấy vẫn còn được biểu lộ và diễn tả bằng nhiều cách khác nhau. Thời nay có lẽ những hình thức chối từ Thiên Chúa lại là tinh vi và nguy hiểm hơn cả: từ việc chối từ thẳng thừng đến thái độ lãnh đạm, từ chủ nghĩa vô thần khoa học đến việc trình bày một Chúa Giêsu với dung mạo hiện đại hoặc hậu hiện đại. Một Chúa Giêsu là con người, bị giảm thiểu khác đi để chỉ còn là một con người đơn thuần của thời đại, bị tước bỏ thần tính; hoặc một Chúa Giêsu “được lý tưởng hóa” đến mức đôi khi có vẻ Ngài chỉ là một nhân vật trong chuyện thần tiên.

Nhưng Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đích thực của lịch sử, là Thiên Chúa thật và là người thật, đã không mệt mỏi loan báo Tin Mừng của Ngài cho mọi người, dù biết mình trở thành “dấu chỉ gây mâu thuẫn, ngõ hầu tâm tư thầm kín của nhiều người phải lộ ra”, theo như lời tiên tri của cụ Simêon (x. Lc 2,34-35). Quả thật, chỉ một mình Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ mới có bí quyết thật ban sự sống. Vì thế, Hài Nhi này đòi chúng ta phải đón tiếp Ngài, dành chỗ cho Ngài trong chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong các thành phố và xã hội của chúng ta. Những lời mở đầu Phúc Âm theo Thánh Gioan vang lên trong tâm trí chúng ta: “Những ai đón nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Chúng ta hãy cố gắng có mặt trong số những kẻ đón nhận Ngài. Trước nhan Ngài, không ai được dửng dưng. Cả chúng ta nữa, chúng ta phải luôn xác định lập trường. Vậy chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chúng ta tiếp đón Ngài với thái độ nào? Sự đơn sơ của các mục đồng và thái độ tìm kiếm của các đạo sĩ –những người đi tìm các dấu chỉ của Thiên Chúa nhờ ánh sao lạ–, là những trợ giúp cho chúng ta. Thái độ vâng phục của Mẹ Maria và sự khôn ngoan cẩn trọng của Thánh Giuse là những mẫu gương cho chúng ta. Hơn hai ngàn năm lịch sử của Kitô giáo có biết bao mẫu gương của những con người nam nữ, các bạn trẻ và người lớn, các trẻ nhỏ và người cao niên, là những người đã tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh, đã mở rộng vòng tay ôm lấy Ðấng Emmanuel để đời sống mình trở nên những ngọn đèn pha chiếu sáng niềm hy vọng. Tình yêu mà Chúa Giêsu đem đến thế gian, khi sinh ra tại Bêlem, liên kết với Ngài tất cả những ai đón nhận Ngài trong một tương quan bền vững của tình bằng hữu và tình huynh đệ. Thánh Gioan Thánh Giá quả quyết: “Từ nay, khi trao ban cho chúng ta mọi sự, Thiên Chúa, tức là Con Thiên Chúa, đã nói lên tất cả mọi sự nơi chính Ngài. Bạn hãy chăm chú nhìn vào một mình Ngài mà thôi… và bạn sẽ tìm gặp được ở nơi đó nhiều hơn những gì bạn cần có và ước mong” (Ðường lên núi Carmêlô, Tập I, thư 22,4-5).

…Chúng ta hãy làm sống lại trong chúng ta mong muốn dấn thân mở rộng lòng trí cho Chúa Kitô, chân thành bày tỏ với Ngài mong muốn sống như những người bạn thực sự của Ngài. Như thế chúng ta sẽ trở thành những cộng tác viên vào chương trình cứu rỗi của Ngài, trở thành chứng nhân cho niềm vui Ngài ban tặng chúng ta, để làm lan toả niềm vui ấy tràn ngập quanh chúng ta. Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ðấng Emmanuel, Ðấng đã nhận lấy thân xác nghèo hèn và mỏng giòn của chúng ta, để chia sẻ với chúng ta hành trình vất vả của cuộc sống trên trần gian. Nhưng có Chúa Giêsu cùng đi, cuộc hành trình vất vả này sẽ trở thành một hành trình đầy niềm vui…

(Huy Hoàng chuyển ngữ; nguồn: WHĐ)

 

Tín điều
Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Sau nhiều thế kỷ học hỏi, nghiên cứu và tranh luận, vấn đề về Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria đã được Ðức giáo hoàng Piô IX giải quyết khi công bố Tín điều “Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” vào ngày 08.12.1854. Nguyên văn Lời Công Bố như sau:

“Từ giây phút đầu tiên khi tượng thai, do một đặc ân và ưu huệ của Thiên Chúa toàn năng và dựa trên công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Ðấng Cứu Chuộc nhân loại, Ðức Trinh Nữ Maria được gìn giữ khỏi vướng mắc mọi tỳ ố, tội tổ tông truyền”. (Đức giáo hoàng Piô IX, Sắc lệnh Munificentissimus, 08.12.1854).

 

Đức Hồng Y Phêrô

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort

Chân phước Alan nói rằng có đức hồng y tên là Phêrô kia, mà giáo phận trống ngôi của người là giáo phận thánh Maria-bên-sông-Tibê, một đại thân hữu của thánh Đa Minh và đã học nơi thánh nhân lòng tôn sùng phép Lần Hạt Rất Thánh Mân Côi. Kết quả từ lòng yêu mến này là vị hồng y không bao giờ ngừng ngợi khen chúc tụng phép lần hạt và khuyến khích mọi người ngài gặp gắn bó với phép lần hạt này.

Sau này, ngài được sai đi Đất Thánh như một đại biểu của Tòa Thánh với những Kitô hữu đang tham dự cuộc Thánh Chiến. Ngài đã thành công trong việc chinh phục được đạo binh Kitô hữu tin vào quyền phép của Kinh Mân Côi, đến nỗi, họ bắt đầu đọc kinh này, mỗi người cũng như tất cả mọi người, để đánh động ơn trợ giúp của trời cao cho cuộc chiến mà lực lượng của họ thật là đáng thương. Kết quả là chiến thắng đã về tay họ, ba ngàn Kitô hữu chiến thắng 100 ngàn địch quân.

Như chúng ta đã thấy, quỷ ma hằng sợ Kinh Mân Côi khủng khiếp. Thánh Bênađô nói rằng, Lời Chào Thiên Thần đánh đuổi chúng và làm cho hỏa ngục phải náo động.

Chân phước Alan quả quyết đã thấy nhiều người từ bỏ đời sống Kitô hữu, từ bỏ Chúa Giêsu, trao phó hồn xác mình cho ma quỷ, nhưng rồi đã thoát khỏi tay chúng nhờ có lòng sùng kính Kinh Mân Côi.

(Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 35.
Bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh).

 

TẬN HIẾN CHO MẸ

Lạy Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, tràn đầy tình yêu mến đối với Thiên Chúa và mọi người, con xin tận hiến toàn thân cho Mẹ. Con xin trao phó cho Mẹ phần rỗi của con. Với ơn phù trợ của Mẹ, ước chi con biết gớm ghét tội lỗi, biết yêu mến Thiên Chúa và người chung quanh, và đạt đến cuộc sống muôn đời với những người con yêu mến. Amen.

LỜI CẢM ƠN

Kinh Mân Côi – Dòng Đa Minh Việt Nam xin chân thành cảm ơn: 1- quý dì Đan Viện Đa Minh và quý thầy Học Viện Đa Minh đã tích cực và âm thầm cộng tác vào việc biên soạn nội san CỨ LÀM THEO này; 2- quý vị cộng tác viên, hội viên và những người thân quen đã tích cực trong việc phổ biến nội san; 3- quý độc giả đã sẵn sàng đón nhận nội san để sử dụng trong việc cầu nguyện riêng tư, hoặc trong gia đình, hoặc trong các hội đoàn, trong những buổi cầu nguyện chung; 4- quý vị ân nhân đã quảng đại đóng góp lời cầu nguyện và tiền của trong việc cổ võ Kinh Mân Côi và rao truyền Lời Chúa… Rất mong quý vị tiếp tục cộng tác, ủng hộ, phổ biến và sử dụng nội san CỨ LÀM THEO để Lời Chúa được vang xa hơn.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment