Thử tìm một hướng giáo dục Kitô giáo cho người trẻ hôm nay

I. Thực Trạng…

Một đời người bắt đầu bằng tuổi trẻ, nếu được nuôi dưỡng, giáo dục và sống trong môi trường tốt thì chắc chắn giới trẻ sẽ có những đóng góp rất tích cực cho xã hội phát triển. Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng thường có những chuyên mục nói về giới trẻ. Đôi khi là những tấm gương sáng về nghị lực, tính sáng tạo, và sự năng động của giới trẻ, nhưng đôi khi lại là những bài viết bày tỏ những mối quan ngại, lo âu, thậm chí chỉ trích về thế hệ trẻ ngày nay. Thời gian gần đây, trước một xã hội đầy những biến động với sự phát triển nhanh chóng về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin. Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều thành tích xuất phát từ tài năng và nghị lực của giới trẻ mang tính đột phá và vượt bậc. Báo đài liên tục đưa tin về những người trẻ đã góp phần làm cho xã hội thăng tiến hay làm vẻ vang dân tộc qua những nỗ lực của mình. Tuy nhiên, xã hội lại không ngừng than phiền về họ và sử dụng những cụm từ như hưởng thụ, sa đọa, đua đòi… để nhận định về lối sống của những người trẻ, những người được sinh ra và lớn lên trong một đất nước hòa bình và phát triển từng ngày.

Sống trong một xã hội, với bối cảnh kinh tế chính trị và bối cảnh toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ, mặc dầu giới trẻ Việt Nam ngày nay đang có rất nhiều cơ hội để thăng tiến về vật chất lẫn tinh thần, nhưng bên cạnh đó giới trẻ cũng phải đương đầu với những khó khăn và thách thức vì xã hội ngày càng phức tạp do những phát triển thiếu cân bằng. Làm sao để có một phương pháp giáo dục để cho giới trẻ có thể phát triển toàn diện và phát huy được hết sức mạnh tiềm tàng nơi giới trẻ, đang làm đau đầu những người có trách nhiệm trong xã hội. Cùng với những suy tư trăn trở của xã hội về giáo dục giới trẻ, Giáo hội công giáo Việt Nam cũng dành riêng năm 2008 để nói về việc dục Kitô giáo cho mọi người, nhằm giúp cho mỗi tín hữu có thể sống tốt đạo đẹp đời. Đặc biệt, Giáo hội Việt Nam cũng rất quan tâm đến giới trẻ, vì giới trẻ là tương lai của Giáo hội và xã hội, nên họ cũng cần nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các nhà giáo dục và các thế hệ đi trước để nhiệt huyết tuổi trẻ của họ thực sự được vận dụng vào công cuộc xây dựng xã hội và Giáo hội.

Trong lòng xã hội Việt Nam, giới trẻ nói chung và giới trẻ công giáo nói riêng đang loay hoay tìm cho mình một hướng đi, để hòa nhập với xu hướng phát triển chung của của thế giới. Người ta vừa lo âu lẫn lạc quan, hy vọng; nhất là ráo riết hoạch định những chương trình học hành, sinh hoạt ổn định và phát triển về mọi mặt cho kịp cho phù hợp với một thế giới mới tiến bộ, và có thể khác lạ với những thế kỷ đã qua. Giới trẻ quả thực là tương lai, là nền tảng của xã hội cũng như của giáo hội. Sẽ không thể phát triển được nếu không có sự thừa kế, mà giới trẻ là một lực lượng thừa kế hùng mạnh. Trong mọi hoàn cảnh giới trẻ luôn luôn nhạy bén trước những cơ hội, can đảm trước những thử thách và thích ứng nhanh với sự phát triển. Tuy nhiên trong cơ chế thị trường mọi sự diễn ra quá nhanh, nếu không được chuẩn bị kỹ, người trẻ rất dễ bị hụt hẫng, chán nản. Từ đó dẫn đến thiếu niềm tin trong cuộc sống, trở nên những con người ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân mình.

Chắc hẳn, không ai nghĩ rằng hiện tượng nơi giới trẻ này, là do họ thiếu kiến thức, bởi vì hiện nay có người trẻ đã có sự chuẩn bị rất kỹ về mặt tri thức trước khi bước chân vào đời. Tuy nhiên với đà tiến hiện nay dễ chừng giới trẻ dễ đánh mất mình. Chúng ta không thể cản trở bước phát triển của xã hội, mà phải tìm ra cách thức thích hợp nhằm trang bị cho giới trẻ những điều cần thiết giúp họ tự tin trên bước đường tương lai. Giáo dục Kitô giáo đối với giới trẻ, chúng ta không nhất thiết phải nghĩ tới những điều cao xa, không phù hợp với những suy nghĩ những ước mong của giới trẻ. Cùng với những suy tư trăn trở của nhiều người về vấn đề giáo dục giới trẻ, mong tìm được một phương pháp thích hợp. Với bài viết ngắn gọn chỉ trong vòng vài trang giấy, hy vọng sẽ tìm ra được một vài hướng đi, để khôi phục lại những gì đang dần bị đánh mất của giới trẻ Việt Nam nói chung và của giới trẻ công giáo Việt Nam nói riêng.

II. …ngày hôm nay

Giới trẻ hôm nay đang sống trong một xã hội phát triển về mọi mặt, đặc biệt là khoa học kỹ thuật phát triển chưa từng thấy. Những phát minh mới về các thiết bị máy móc đã nâng cao tầm nhìn và cuộc sống của con người cách toàn diện. Chính sự phát triển về khoa học kỹ thuật, đã tạo cho con người có một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tầng lớp giới trẻ, vì họ được tiếp cận sớm hơn với các phương tiện kỹ thuật, nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập cũng như công việc hiệu quả nhất. Nhưng trong bất cứ môi trường hoàn cảnh nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng của nó. Ngày hôm nay, giới trẻ đang đứng trước nhiều sự phát triển và những cơ may, bên cạnh đó cũng không thiếu những khó khăn thách đố. Khó khăn đến từ nhiều phía và được nhìn dưới nhiều phương diện, ở đây chỉ đề cập đến một vài điều cơ bản có liên quan đến khía cạnh giáo dục đức tin.

Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội đã tạo ra nhiều cơ hội để tiến thân, nhưng cũng tạo nên một trạng thái hoang mang nơi người trẻ, họ không biết lựa đời mình đi theo hướng nào, vì vậy mà không ít người trẻ rơi vào trạng thái rã rời, chán nản. Bất mãn với hiện tại, hoang mang lo lắng về tương lai, mất tin tưởng vào cuộc đời, mất hào hứng trong cuộc sống; đó là tâm trạng thường gặp nơi người trẻ hôm nay. Từ đó đưa họ tới một lối sống bừa bãi, phải chăng hay chớ, thích hưởng thụ và không muốn xây dựng. Ngoài ra những cám dỗ, lôi cuốn của xã hội, của lối sống ăn chơi, của phim ảnh trụy lạc, của bạn bè xấu… lôi kéo người trẻ vào những sa mù của cuộc sống mà không biết lối ra.[1] Để thấy rõ hơn về thực trạng của một số đông các bạn trẻ, đang chìm sâu trong vũng lầy của những tệ nạn, chúng ta có thể đọc những thiên phóng sự của tác giả Cù Mai Công về chốn Sài Gòn về đêm.

Nói đến giới trẻ, chúng ta không thể không nói đến thái độ đối với niềm tin. Với nền kinh tế thị trường phát triển ngày càng mạnh, đã làm cho người trẻ dường như chỉ tin vào sức mạnh của vật chất, của đồng tiền, của quyền lực. Có thể họ đánh đổi tất cả để đổi lấy những thứ để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ ngày một cao. Hiện nay trên các trang báo, chúng ta thấy nhan nhản các bài đăng tải về những vụ tự sát, trong các vụ tự sát này, đa số là những thanh niên, mà lẽ ra họ phải là những người yêu đời, đáng sống hơn hết. Tại sao lại như vậy? Thật đơn giản, vì tuổi trẻ thường có những khát vọng, khi không đạt được mục tiêu người trẻ thường tỏ ra chán đời, thất vọng, bế tắc… từ đó không còn muốn sống. Một khi đã không còn lý tưởng sống, nói cách khác là đánh mất niềm tin, thì việc tự sát là việc sẽ đến sau đó. Nếu niềm tin của giới trẻ nơi thế giới vật chất còn bị lung lạc, thì việc làm cho họ tin vào Thiên Chúa hết sức khó khăn. Quả thật, phần đông người trẻ ngày nay khó đón nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, thế giới này đã cung cấp cho giới trẻ quá nhiều phương tiện tối tân, để rồi họ tự tin trước các thành quả mà họ làm ra. Dẫn đến việc họ lầm tưởng minh có thể làm được mọi thứ, và không tin vào Thiên Chúa. Chính vì điều này, đã làm cho cuộc sống của họ trở nên bế tắc không có lối ra.

Người trẻ ngày nay cũng đang đánh mất nền đạo đức căn bản và sống không đạo đức. Điều này đã được thể hiện nơi lối sống bừa bãi của họ. Sống ích kỷ, chạy theo vật chất, hưởng thụ đời sống… là những điều mà ta thường thấy nơi giới trẻ ngày nay. Chính bởi không có lý tưởng không có niềm tin nên người trẻ coi thường đạo đức là điều tất nhiên. Do ảnh hưởng những tư duy thực dụng, và lối sống tự do, làm cho người trẻ không đủ can đảm để thoát khỏi chính mình mà sống theo những tiêu chuẩn đạo đức. Vì thiếu đạo đức nên các thanh niên thường có những biểu hiện vô kỷ luật, coi thường luật pháp, chẳng biết kính trên nhường dưới. Người trẻ hôm nay đang ngả theo những chiều hướng tiêu cực, đó là việc sống phóng đãng, chiều theo những thú vui dục vọng[2] (phim ảnh sách báo đồi trụy, đua xe, ăn mặc lố lăng, hút chích…).

III. Giáo dục Kitô giáo, giúp người trẻ đi tìm giá trị cuộc sống

Trong thư chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, phần đối tượng ưu tiên của giáo dục Kitô giáo đề cập đến việc giáo dục giới trẻ, không chỉ về mặt kiến thức mà còn được hướng dẫn về mặt nhân cách để sống lành mạnh, đạo đức, có lý tưởng và đóng góp vào việc xây dựng gia đình và xã hội. Như vậy theo tinh thần giáo dục Kitô giáo, chúng ta lên đường đi tìm những giá trị tưởng chừng như đã mất trong tầng lớp giới trẻ ngày nay, để giúp cho giới trẻ có sống một cuộc sống có giá trị hơn đối với bản thân và những người xung quanh.

Giáo dục trường học ngày nay, người ta thường quan tâm giáo dục cho giới trẻ về mặt kiến thức nhiều hơn việc hình thành nhân cách. Nếu như trước đây môn đạo đức học, môn công dân được chú trọng, thì bây giờ người ta không mấy quan tâm. Chính điều này đã tạo ra những con người đầu to mà có trái tim teo. Để thành công trong đời sống xã hội, người ta không chỉ giỏi về mặt tri thức mà cần phải thể hiện được nhiều những thứ cần thiết khác nữa. Giáo dục Kitô giáo đối với tầng lớp giới trẻ, làm sao giúp cho giới trẻ sống theo tinh thần Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, một tinh thần sống phó thác hết mình vì người khác, cho dù có phải thiệt thòi đến bản thân. Người trẻ ngày hôm nay họ được học rất nhiều thứ, và họ tỏ ra rất giỏi trong nhiều lĩnh vực nhưng cuộc đời họ vẫn chưa tìm ra được giá trị đích thực của cuộc sống, vì vậy mà họ thường tỏ ra chán nản thất vọng trong cuộc sống và không thỏa mãn với những thứ mình có.

Từ thực trạng với những vấn đề mà giới trẻ đang gặp phải, giáo dục cho giới trẻ nhất thiết phải tìm lại những giá trị đích thực, nhằm tạo cho giới trẻ có một đời sống quân bình. Những giá trị, theo tôi nghĩ rằng, đó là một đời sống đạo đức, một lương tâm ngay thẳng, một tấm lòng bác ái… Đây chắc hẳn chỉ là một vài trong những giá trị cần thiết giúp cho người trẻ có thể đối phó được với những khó khăn và phức tạp trong cuộc sống hằng ngày.

Cuộc sống với trăm ngàn mánh khóe lọc lừa, người trẻ rất dễ bị lôi cuốn vào những tệ nạn. Vì vậy để đứng vững được trước những cám dỗ của cuộc sống và không bị cuỗn vào những thói hư tật xấu, người trẻ cần tập cho mình những phẩm chất đạo đức. Hiện nay trong các môi trường làm việc người ta thường nói nhiều đến đạo đức và cách nào đó đạo đức trở thành giá trị thật của con người. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người trẻ cũng cần thể hiện một nếp sống đạo đức. Đạo đức sẽ giúp cho người trẻ phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu… có trước có sau và biết xử sự đúng mức với mọi người. Nhìn vào tuổi trẻ ngày hôm nay, chúng ta thấy rằng điều này đang còn thiếu trầm trọng. Người trẻ hôm nay thích gì làm nấy, sống ngổ ngáo, chẳng xem ai ra gì… Chính vì điều này những nhà làm giáo dục nhất thiết phải tập cho người trẻ có một đời sống đạo đức để họ có thể sống xứng đáng là một con người.

Lương tâm cũng là điều cần nói đến khi giáo dục người trẻ. Vì lương tâm là đèn soi, là thước đo về điểm tốt xấu của hành động và cách cư xử của con người. Một khi con người đánh mất tiếng nói trong lương tâm, thì họ không còn biết phân biệt phải trái đúng sai, sẵn sàng làm tất cả những gì miễn là đem lại lợi ích cho bản thân. Chúng ta vẫn biết rằng, khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ chẳng mang theo được gì. Cho nên làm việc gì, cũng cần thiết phải theo lẽ phải. Tất cả những việc làm hôm nay, đều phải trả giá ở đời sau. Điều này hầu như trong tất cả các tôn giáo đều có nói tới. Nhưng trong thực tế không phải ai cũng làm được điều đó. Để được tiếng tốt, biết đâu nhiều người đã chẳng ngần ngại đi báo cáo láo, và như vậy làm thiệt hại cho người khác. Trong một xã hội lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện, tốt là phàm trù dễ bị lạm dụng nhất như học tốt, làm tốt, tham gia tốt… Người trẻ rất dễ bị ngộ nhận rằng điều này, để trở thành người tốt, họ có thể làm bằng mọi giá, ngay cả lọc lừa, gian lận. Dĩ nhiên thành công là điều tốt mà mọi người ai cũng hướng tới, tuy nhiên cái tốt ấy không phải là tất cả cuộc sống của con người.[3] Có thể giới trẻ họ nghĩ sẽ bị thua thiệt khi sống bằng một lương tâm ngay thẳng. Làm sao chúng ta phải cho họ thấy rằng tiếng nói lương tâm là tiếng nói chung cuộc mà con người cần tìm kiếm, cho dù vì lương tâm ngay thẳng có dẫn đến thua thiệt. Sống có lương tâm, chắc chắn phần thưởng dành cho họ sẽ vô cùng lớn lao và trọng đạo. Khi sống với một lương tâm ngay thẳng, con người sẽ cảm thấy an vui, bình an và hạnh phúc. Như vậy cách nào đó, chúng ta cần cho người trẻ ý thức được về phải có một lương tâm trong sáng, không bị lu mờ bởi lợi danh hay ác tâm, để ngọn đèn lương tâm luôn luôn cháy sáng và dẫn đường để người trẻ bước đi vững vàng.

Còn nữa, còn nữa rất nhiều giá trị hướng người trẻ đạt tới, nhưng có một điều không thể bỏ qua đó là tạo ra nơi người trẻ một tấm lòng bác ái vị tha, sẵn sàng dấn thân trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta thường hay than phiền rằng, tuổi trẻ bây giờ sao mà ích kỷ thế, chỉ biết sống cho mình mà không nghĩ đến người khác. Thực sự không phải như vậy, lòng tốt lòng bác ái luôn sẵn có trong mỗi một con người, đặc biệt là nơi những người trẻ, họ sẵn sàng dấn thân làm việc bác ái. Điển hình ta thấy gương của những người trẻ sẵn sàng bỏ công sức của mình, để đến với những vùng sâu vùng xa để làm việc từ thiện bác ái. Một tinh thần dấn thân là hết sức cần thiết nơi người trẻ. Làm sao để họ thấy được những việc họ làm mang lại lợi ích cho những người khác. Khơi gợi cho người trẻ và cho họ chứng kiến những cảnh đời khổ cực thiếu may mắn trong cuộc sống, để họ thấy được rằng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Và như vậy rất có thể người trẻ sẽ cảm thấy đời mình có ý nghĩa hơn. Cơn lốc thị trường đã cuốn giới trẻ vào, họ ra sức làm việc để có thật nhiều tiền. Thực sự ngày nay tuổi trẻ ra rất nhiều tiền, vì họ vừa có sức khỏe vừa có kiến thức về khoa học kỹ thuật. Nhưng bên cạnh việc làm ra nhiều tiền, họ cũng tiêu xài thật khủng khiếp. Hằng đêm nếu có dịp đến những khu vui chơi giải trí, chúng ta sẽ thấy được mức độ ăn chơi của người trẻ rất đáng rùng rợn. Nơi vũ trường, quán bar không ít những bạn trẻ sẵn sàng bỏ ra cả triệu bạc để uống chỉ một chai rượu. Thật sự là vô nghĩa nếu xài tiền vào những thứ ăn chơi vô bổ như vậy, trong những cuộc vui đó người trẻ không thật sự tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Sau những cuộc vui chóng qua đó, họ lại rơi vào sự chán nản và thất vọng. Vì vậy, cách nào đó chúng ta phải biết cách hướng người trẻ vào những việc làm bổ ích, những việc làm không chỉ mang lại ích lợi cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Phải biết tạo ra cho người trẻ những cơ hội để họ tham gia vào công việc bác ái xã hội, những việc làm thật sự có ý nghĩa. Có như vậy người trẻ sẽ cảm thấy cuộc đời thật đáng để sống.

IV. Giáo dục Kitô giáo nhằm định hướng cho giới trẻ

Như con thuyền bơi giữa dòng, nó cứ mãi xoay vòng nếu không tìm được hướng đi. Người trẻ cũng vậy, giữa dòng đời mênh mông họ rất khó xác định cho mình một hướng đi nếu không được sự hướng dẫn chỉ bảo của những người đi trước. Định hướng là một công việc hết sức cần thiết, nhằm giúp cho người trẻ tìm được cho mình một con đường, một lối đi. Đứng trước bao điều lạ lẫm, người trẻ thường cảm thấy rụt rè, sợ hãi không dám bước, nhưng nếu được hướng dẫn họ dễ dàng vượt lên để đi trọn con đường. Cũng như con tàu, người trẻ cần phải định hướng để đi đến đích cuối cùng. Giáo dục Kitô giáo cho người trẻ, chúng ta sẽ không dọn sẵn, mà là khai mở là gợi lên những con đường.

Ngày nay giới trẻ đang đứng trước một vận mạng mới một vận mạng có thể làm cho người trẻ đạt được sự thành công nhất định. Tuy nhiên sự thành công ấy chắc chắn phải bằng mồ hôi, đôi khi có cả nước mắt. Để định hướng cho người trẻ, trước hết cần vạch ra cho họ thấy được những viễn tượng tương lai tươi sáng, với biết bao nhiêu thứ đang chờ họ ở phía trước. Và làm sao để người trẻ ý thức được trách nhiệm cũng như vinh dự mà xã hội mong chờ nơi họ. Cuộc đời con người, ai cũng cần có một lý tưởng, một đích tới, tức là một cuộc đời tương lai đã được chọn lựa để nhắm đạt đến, đạt được. Người sống không có lý tưởng, không mục đích, không được định hướng, khác nào như con thuyền vô định, lênh đênh phiêu dạt, mặc cho cuộc đời đưa đẩy nổi trôi. Vì sống không có mục tiêu nên cũng không cần cố gắng, nếu không cố gắng thì làm sao mà thành công được. Một người trẻ muốn sau này muốn mình thành tài, trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học… thì người đó không còn cách nào khác là phải miệt mài học hành nghiên cứu, tận dụng mọi cơ hội để trau dồi tri thức, để đạt được những điều mình đã đặt ra. Như vậy, các bạn trẻ muốn thành công trong cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai, cần phải định hướng trước cho cuộc đời của mình, phải đặt một đích tới, và tìm một hướng đi, cùng với quyết tâm đi đến đích.[4] Vậy phải định hướng cuộc đời như thế nào đây?

Trước hết, chúng ta cần phải biết mình là ai? Mình được sinh ra để làm gì? Cuối cùng mình sẽ đi về đâu? Chúng ta đã phần nào biết được rằng, cuộc đời chúng ta là hồng ân, là quà tặng của Thượng Đế. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta như một tác phẩm tuyệt hảo và mang giá trị cao quý hơn mọi loại thụ tạo khác. Một khi chúng ta đã ý thức được rằng mình là một thụ tạo cao quý, chúng ta phải cố gắng sống xứng đáng với danh nghĩa, với địa vị ấy. Đừng tự hạ giá trị của mình bằng lối sống bất xứng, bằng sự thất bại và bất hạnh. Mỗi người chúng ta chỉ có một lần sinh ra, chỉ được sống một lần, vì vậy đừng để phí và thất bại.

Vẫn biết cần phải giúp cho người trẻ có sự định hướng, nhưng trên hết là sự định hướng đúng. Và muốn định hướng đúng mỗi người trẻ cần phải xét đến hoàn cảnh hiện có của mình, và với hoàn cảnh đó nó cho phép chúng ta làm gì? Hoàn cảnh đó là cả gia đình và xã hội. Chúng ta phải biết liệu cơm gắp mắm trong điều kiện mỗi người có được. Không nên mơ mộng hão huyền, mà hãy nhắm đến những điều có thể thực hiện được, như vậy chúng ta sẽ không phải rơi vào tình huống trèo cao té nặng. Ngoài hoàn cảnh gia đình và xã hội khi định hướng chúng ta cũng cần phải xét đến khả năng của bản thân chúng ta có thể làm được gì, biết được mình như thế nào, thì chúng ta sẽ có những lựa chọn phù hợp. Sự lựa chọn phù hợp là điều kiện mang đến thành công cho chúng ta. Và cuối cùng, để được gọi là định hướng đúng, thì mục đích chúng ta cần nhắm đến phải nằm trong khuôn khổ đạo đức, có ý hướng tốt, có sự thành thật không gian dối, tham lam, lừa đảo, hay ít nhất cũng không làm hại ai, nghĩa là phải phù hợp với ý trời và ý người. Tục ngữ có câu “gieo nhân nào gặt quả nấy”, nếu hiểu được câu này chắc hẳn rằng chúng ta sẽ chắn làm những điều thất đức, dù có lợi ích cho chúng ta trước mắt, nhưng chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả về sau. Như vậy để thành công trên đường đời, chúng ta phải biết định hướng đúng cho cuộc đời mình, và phải tận tâm tận lực với sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có niềm tin tưởng và phó thác vào sự hỗ trợ của Thượng Đế, Đấng luôn luôn hỗ trợ và đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

V. Giáo dục Kitô giáo nhằm dẫn người trẻ đến với niềm tin

Hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, đọc qua chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước hiện trạng tự tử trong giới trẻ. Ở tuổi này, đúng ra họ phải là những người yêu đời, ham sống, nhưng thực tế lại đang đi ngược lại.Tại sao người trẻ lại tự hủy hoại cuộc sống như vậy? Đi sâu vào việc tìm hiểu nguyên nhân của những vụ tự sát, chúng ta thấy được rằng hầu hết là do chán đời, thất vọng trước những biến cố trong cuộc đời. Tại sao họ lại thất vọng và chán đời đến vậy? Chắc hẳn rằng, nơi một số những người trẻ, họ đã không tìm được lý tưởng sống, họ không tìm được niềm tin, hay đã đánh mất niềm tin. Quả thực trong cuộc sống con người chỉ có thể vui sống, khi người ta có được một niềm tin, sức mạnh của niềm tin sẽ làm cho họ lướt qua những chán trường và thất vọng. Bởi vì không có niềm tin, dù là niềm tin tự nhiên, người trẻ dễ cảm thấy chới với vì không có đích để vươn tới, không có điểm tựa để bám víu. Vì vậy giáo dục giới trẻ, là việc khơi dậy nơi giới trẻ niềm tin, tin vào một cái gì đó.[5]

Đã sinh ra làm người, dù không có hay chưa có được một niềm tin siêu nhiên, nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận những giá trị cao quý, nhân vị của chúng ta, hơn hẳn những loại sinh vật khác. Chúng ta có khả năng nhận thức, có trí thông minh, có sự không ngoan hơn hết mọi loài, khiến chúng ta có thể tận dụng và làm chủ cả thế giới, cả vũ trụ. Nhân loại dù còn có nhiều người không tốt, dù còn có nhiều khuyết điểm nơi mỗi cá nhân, nhưng tất cả mỗi người đều mang trong mình một bản chất tự nhiên là biết phân biệt phải trái, tốt xấu, và cùng hướng về chân thiện mỹ. Chính bản chất người ấy đã tạo cho chúng ta một niềm tin tưởng nơi con người, nơi nhân vị cao quý của chúng ta. Nó cũng là động lực giữ gìn và thúc đẩy cho chúng ta biết sống đúng nhân cách, đạo đức của con người. Và điều này đã góp phần nâng cao cuộc sống của chúng ta và của người khác. Có như vậy chúng ta sẽ không buông trôi thả lỏng cuộc đời, không gây nên những phiền toái bất lợi cho môi trường sống của nhân loại. Chỉ cần duy trì một niềm tin tự nhiên như trên, cũng có thể tạo cho chúng ta một nếp sống có văn hóa, đạo đức, một nếp sống cần thiết cho chúng ta và mọi người.

Đối với giới trẻ công giáo, nhất thiết chúng ta phải tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, đặt mọi công việc của chúng ta trong bàn tay quan phòng của Ngài. Chúng ta hãy thử nghĩ xem, trong cuộc đời giả sử chúng ta gặp được một người nào đó yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, thì chắc chắn một điều chúng ta sẽ dễ dàng đặt niềm tin tưởng vào người đó, đồng thời chúng ta cũng yêu thương người đó hết lòng. Như vậy chỉ với một người mà chúng ta đã có sự tin tưởng, cậy trông và yêu mến như thế, huống chi là Thiên Chúa, Đấng là cha luôn đồng hành và che chở chúng ta trong mọi thử thách và gian nan của cuộc đời. Như vậy không có lý do gì chúng ta lại không đặt hết tin tưởng vào Người. Niềm tin vào Thiên Chúa rất cần thiết cho mỗi chúng ta, vì nó như ngọn đèn soi dẫn chúng ta trong đêm tối, niềm tin đem lại bình yên cho cũng như sẽ dẫn đưa chúng ta đến với hạnh phúc. Nhưng tin vào Thiên Chúa không có nghĩa là tin chỉ đề mà tin suông. Như kiểu nếu không tin thì sẽ bị phạt, tư tưởng như vậy sẽ tạo tạo cho chúng ta một niềm tin mang tính đối phó nhất thời, sẽ không có kết quả tốt, trong một niềm tin như vậy. Niềm tin vào Thiên Chúa sẽ giúp cho mỗi người chúng ta có được sự cậy trông, phó thác dù gặp phải bất cứ chuyện gì. Bởi đó chúng ta cần có niềm tin để sống và sống một cách hăng say, chân thành, không lắng lo, không thất vọng nản lòng, vì còn có Thiên Chúa ở bên và hỗ trợ chúng ta, Người sẽ bênh vực sự công chính và lẽ phải, Người sẽ giữ gìn và bảo vệ kẻ ngay lành chống lại sự dữ sự bất công. Niềm tin sẽ giúp chúng ta sống tốt, sống xứng đáng là một con người.[6]

Niềm tin nhất là niềm tin siêu nhiên, là yếu tố vô cùng cần thiết cho mọi con người chúng ta trong cuộc sống. Nó cần thiết như tay lái của con tàu, như ngọn đèn soi dẫn trong đêm tối để chúng ta khỏi phải vấp ngã, và đi tới đích đã định cho cuộc đời mỗi người chúng ta. Đó là tay vịn cho chúng ta tránh khỏi chao đảo khi bước đi trên quãng đường gian nan khó khăn trong đời sống. Hẳn nhiên, nói tới đây thì chúng ta thấy được tầm quan trọng như thế nào của niềm tin trong cuộc sống. Sức lực của con người sẽ không là gì, nếu không có sự hỗ trợ, sự trợ lực của Thiên Chúa. Và vì vậy, là giới trẻ chúng ta hãy cố gắng tạo cho mình một niềm tin, dù chỉ ở mức độ bình thường tự nhiên. Có như thế chúng ta mới có thể an âm vui sống, và mới có động cơ để chúng ta tiến về phía trước của cuộc sống mà không đứng khựng tại chỗ, hay rẽ ngang vào những ngả đường sại lạc.

VI. Tóm kết

Giới trẻ dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng mang trong mình những trọng trách lớn lao. Trọng trách đó có thực hiện được hay không là do sự hướng dẫn giáo dục một nên. Được lớn lên và hấp thụ một nền giáo dục tốt, chắc chắn rằng nơi người trẻ sẽ phát huy được hết những phẩm giá của mình. Có ai đó đã ví tuổi trẻ như chiếc bình sành, tuy sáng bóng và rất đẹp, nhưng cũng rất mỏng manh và dễ vỡ, có thể vỡ toang bất cứ lúc nào… Phải nhìn nhận rằng, giới trẻ ngày nay khác xa với giới trẻ cách đây vài thập kỷ, nơi giới trẻ ngày nay có rất nhiều điểm đáng khen ngợi, bởi họ tỏ ra rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt cái mới, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có rất nhiều điều tiêu cực đang xảy ra nơi phần lớn giới trẻ, họ dễ dàng đánh mất mình. Chúng ta không thể chối bỏ hay kìm hãm sự phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật, song cũng chính vì sự phát triển này đã đang và làm lu mờ đi những nét đẹp truyền thống, những băng hoại của xã hội.

Giáo dục nói chung và giáo dục Kitô giáo cho người trẻ nói riêng, cần thiết phải làm cho người trẻ trở thành những công dân không những có một nền tri thức rộng, mà còn có một nền tảng đạo đức tốt, có như vậy, mới mong ước người trẻ trở thành nền tảng là trụ cột của xã hội cũng như Giáo hội. Một sự chuẩn bị tốt sẽ là hành trang để người trẻ vững bước vào đời, với bao điều tốt đẹp đang chờ đón. Lời cuối cùng cho bài viết, cũng chính là những gửi gắm, những tin tưởng vào một thế hệ giới trẻ trong tương lai. Đứng trước những thay đổi, những cái mới lạ, hy vọng rằng giới trẻ sẽ có những chọn lọc, không để bị đánh mất mình.

Hoàng Anh, OP. (catechesis.net)

_______________

[1] Tony Trần, “Nhìn Về Giới Trẻ Tây Nguyên Trong Thời Kỳ Đổi Mới” trong Thế Hệ Mới Những Cơ Hội Và Thách Đố, Lê Nhân Tâm biên tập (Tp. HCM: Tp HCM, 2005, tr 69-70.

[2] Tony Trần, Sđd, tr. 70-71.

[3] Phút cầu nguyện cuối ngày, tập 1, 2000, tr. 61-63.

[4] Cao Đình Trị, Mai Như Ba &Trần Thị Thanh Mai, Cẩm nang người trẻ vào đời, (Huế; Thuận Hóa, 1994), tr. 40-41.

[5] Cao Đình Trị, Mai Như Ba &Trần Thị Thanh Mai, Sđd, tr. 48-49.

[6] Sđd, tr.50-51.

Nguồn: Lam Hồng

Chia sẻ Bài này:

Related posts