- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thói đời

Người ta thường thở dài và nói: “Đời là thế!”. Cũng với ý đó, người Pháp nói: “C’est la vie!”, còn người Anh nói: “It’s life”. Khi nói câu này, có lẽ người ta đã nhận ra điều gì đó bí ẩn mà không thể hiểu và “đành” chấp nhận, dù muốn hay không muốn, vừa mặc nhiên vừa minh nhiên.

Cậu bé Giêsu nghèo ở xóm lao động tại làng Nadarét càng thêm tuổi càng thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và được ân nghĩa với Thiên Chúa (Lc 2:40). Còn chúng ta, dù không hoàn hảo, nhưng càng có tuổi cũng càng thêm kinh nghiệm – dù ít hay nhiều, nhưng cũng chỉ nói được: “Đời là thế!”. Người ta gọi đó là thế thái nhân tình, hay nói ngắn gọn là “thói đời”.

Những người trung niên trở lên hẳn là có thể từng nghe đến tên Mặc Thế Nhân (*), nhất là những người yêu thích âm nhạc, hoặc không biết ông là tác giả một số ca khúc phổ biến (ngày nay vẫn được hát) thì cũng đã từng nghe hoặc hát nhạc của ông. Một trong số ca khúc nổi tiếng của ông là ca khúc “Thói Đời”. Một tựa đề đầy “chất đời”.

Ca khúc này nói về cái “đời là thế” của thế thái nhân tình đầy bạc bẽo! Ca từ giản dị mà thâm thúy, giai điệu không cầu kỳ mà vẫn “đẹp” và tạo sự lắng đọng trong tâm hồn.

Đoạn MỘT: “Đường thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người. Trong thói đời cười ra nước mắt, xưa trắng tay gọi tên bằng hữu, giờ giàu sang quên nghĩa tâm giao, còn gian dối cho nhau”.

NS Mặc Thế Nhân viết ca khúc này khi ông còn trẻ, thế mà ông đã có “tầm nhìn” vừa sâu vừa rộng để có thể “nghiệm” được “sự đời” như thế. Sinh ra ai cũng bật khóc như “thấy trước” được “đường thương đau đầy ải nhân gian” vậy! Ông xác định: “Ai chưa qua chưa phải là người”, như một lời tiên tri vậy. Quả thật, chính đau khổ mới khiến người ta “nên người”, chính gian nan vất vả mới làm người ta thành nhân, chứ không phải sự giàu sang sung sướng.

Ông nhận xét rất thực tế: “Trong thói đời cười ra nước mắt, xưa trắng tay gọi tên bằng hữu, giờ giàu sang quên nghĩa tâm giao, còn gian dối cho nhau”. Cuộc đời có những tình huống khiến người ta “cười ra nước mắt”. Không chỉ “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, mà người ta còn giả dối và lọc lừa nhau bằng mọi thủ đoạn bỉ ổi, như ngày nay người ta mỉa mai: “Lương tâm không bằng lương tháng”.

Đoạn HAI: “Người yêu ta rồi cũng xa ta nên chung thân ta giận cuộc đời. Đôi mắt nào từng đêm buốt giá, bên chiếu chăn tình xa nhịp thở, tiền đổi tay khi rũ cơn mê để chua xót trên lối về”.

Ngay cả trong tình yêu cũng vậy thôi: “Người yêu ta rồi cũng xa ta nên chung thân ta giận cuộc đời”. Người yêu, vợ hoặc chồng còn bỏ ta thì còn ai không bỏ ta? Nghĩa là ai cũng bỏ ta, dù “bỏ” theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Vì thế mà người bị tình phụ có thể “hận đời”, thậm chí có những người tuyệt vọng đến nỗi quyên sinh. Buồn lắm, buồn đến nỗi “đôi mắt từng đêm buốt giá, bên chiếu chăn tình xa nhịp thở”, xót xa lắm, vì “tiền đổi tay khi rũ cơn mê” rồi thì chỉ còn một mình “chua xót trên lối về”. Đau lắm!

Đoạn BA: “Rượu trần ai gội niềm cay đắng, những suy tư in đậm đường hành, mình còn ai đâu để vui khi trót sa vũng lầy nhân thế, cỏ ưu tư, muộn phiền nên xám môi”.

Đau lòng quá nên người ta muốn tìm quên trong men rượu: “Rượu trần ai gội niềm cay đắng”, mặc cho “những suy tư in đậm đường hành”. Bởi vì “mình còn ai đâu để vui khi trót sa vũng lầy nhân thế”. Chắc hẳn ai cũng đã từng hơn một lần sa vào “vũng lầy nhân thế”, dù mức độ khác nhau và mỗi “vũng” cũng khác nhau. Chính lúc này mới cần “bản lĩnh sống”. Nếu thiếu bản lĩnh này, người ta sẽ sa đà vào nhiều thứ nguy hiểm, nguy hiểm đến nỗi mình cũng khó biết mình đang bị nguy hiểm. Con người quá yếu đuối. Người vui cảnh cũng vui, người buồn cảnh cũng buồn, thế nên “cỏ ưu tư” – tức là mình ưu tư mà thấy cỏ cũng như đồng cảm, đến nỗi “muộn phiền nên xám môi”. Suy nghĩ quá và buồn quá nên mất ngủ, mất ngủ nên mắt thâm quầng, tất nhiên “xám môi” là lẽ đương nhiên.

Đoạn BỐN: “Bạn quên ta tình cũng quên ta, nên chân đêm thui thủi một mình. Soi bóng đời bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngời lên tròng mắt, đoạn buồn xa ta đã đi qua ngày vui tới ta vẫn chờ”.

Khi chúng ta sa cơ thất thế, chẳng ai còn muốn quen ta chứ nói chi muốn gần ta. Một mình bước đi lầm lũi, đi không ai biết, về chẳng ai hay: “Chân đêm thui thủi một mình”. Mình nhìn ta, mình nhìn bóng, tự độc thoại giữa bốn bức tường vắng lặng: “Soi bóng đời bằng gương vỡ nát”, thế nên nhiều lúc “nghe xót xa ngời lên tròng mắt”, và con người vẫn muốn thoát khỏi vũng lầy đó: “Đoạn buồn xa ta đã đi qua ngày vui tới ta vẫn chờ”. Vì thế mà người ta có thể gượng đứng dậy mà tiếp tục sống…

Thói đời là thế. Xưa nay vẫn vậy. Chấp nhận để tâm hồn thanh thản, chấp nhận để biết mình hữu hạn và cần sự trợ giúp của Đấng Vô Hạn, Đấng đó có thể cứu mình, có thể biến thất vọng hoặc tuyệt vọng trở thành hy vọng. Đấng đó là Thiên Chúa. Không ai thấy Thiên Chúa, nhưng qua Kinh thánh, chúng ta đã biết rõ Đức Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, chắc chắn ai thật lòng tin vào Đức Giêsu và thực hành điều Ngài truyền dạy thì được cứu độ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

Quả thật, nếu chỉ trông mong vào con người thì chúng ta chắc chắn sẽ hoàn toàn tuyệt vọng. Vì thế, chúng ta luôn “như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn cũng trông mong được gần Chúa” (Tv 42:2). Đức tin quan trọng hơn phép lạ, thế nên rất cần tin tưởng vào Lòng Chúa Thương Xót, vì “chẳng ai trông cậy Chúa mà lại phải nhục nhằn tủi hổ” (Tv 25:3). Chắc chắn là vậy: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27:10).

Chúng ta quen nghe nói về “Phẩm hàm Men-ki-xê-đê”. Nhưng Men-ki-xê-đê là ai? Thánh Phaolô cho biết: “Ông Men-ki-xê-đê (tên này nghĩa là Vua Công Chính) là vua Sa-lem, nghĩa là Vua Bình An. Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế” (Dt 7:2-3). Men-ki-xê-đê chỉ là người tứ cố vô thân, thế nhưng lại được Thiên Chúa xót thương muôn đời.

Biết như thế, chúng ta càng thêm vững tin vào Thiên Chúa. Chính điều này khả dĩ củng cố đức tin, dù bạn đang là người cô đơn nhất thế gian này. Thói đời là thế, thế thái nhân tình là vậy, nhưng đừng quan ngại, vì Thiên Chúa yêu bạn vì “bạn là bạn”, Ngài vẫn mãi nhân từ và trọn tình thương với bạn đến muôn đời! (1 Sbn 16:345; 1 Sbn 16:41; 2 Sbn 5:13; 2 Sbn 7:3; 2 Sbn 7:6; 2 Sbn 20:21; 1 Mcb 4:24; Tv 100:5; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118 1-4 & 29; Tv 136:1-4).

TRẦM THIÊN THU

Nửa đêm mùa Đông – 2012

_____________

(*) Mặc Thế Nhân là một nhạc sĩ  nổi tiếng ở Việt Nam trước năm 1975 với nhiều ca khúc tình cảm đặc sắc. Được biết tới nhiều nhất là 10 ca khúc mang tựa đề Tương Tư của ông, trong đó nổi bật hơn cả là bài “Tương Tư 4” được trình bầy bởi nhiều giọng ca nam nổi tiếng như Elvis Phương, Sĩ Phú,… Ngoài những bản tình ca, ông còn sáng tác những nhạc phẩm mang âm điệu quê hương. Ngoài phần là một nghệ sĩ, ông còn nghiên cứu về tâm linh.

NS Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, sinh năm 1939 tại Gia Định, trong một gia đình trung lưu. Theo Tây học, ông đã có một tâm hồn nghệ sĩ ngay từ thuở còn thơ ấu. Bắt đầu học nhạc lúc 17 tuổi với các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lâm, Nguyễn Cầu, Nguyễn Quý Lãm, Xuân Bình, tại trường Ca Vũ Nhạc Phổ thông. Ròng rã hai năm trời thụ mãn, ông ra trường và gia nhập ban Hoa Niên. Ngoài ra ông còn hợp tác với ban đàn dây Xuân Bình để trình diễn ở đài phát thanh. Thời gian này ông đã hoạt động văn nghệ nhiều nhất.

Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản “Trăng Quê Hương”” (1958), sau đó là bản “Vui Tàn Ánh Lửa” (1959). Ông cũng đã dạy nhạc lý cho một trường tư thục tại Saigon và rèn luyện cho một vài ca sĩ nổi tiếng thời đó. Ông còn là một ký giả tân nhạc kịch trường, cộng tác với nhật báo Lẽ Sống và tuần báo Bình Dân, với các bút hiệu Mộng Thu và Giang Ái Sĩ.

Năm 1960, ông đã xuất bản nhạc phẩm “Rồi Một Ngày”, đó là tiếng nói lo âu của một đôi tim trong lứa tuối yêu đương, lúc nào cũng lo sẽ có ngày phải xa cách. Tiếp theo là các nhạc phẩm Xích Lại Gần Anh Tí Nữa, Thế Hãy Còn Xa Lắm, và Tiếng Vạc Sầu Đêm. Ngoài việc sáng tác nhạc, ông còn là một kịch sĩ và là một Khẩu cầm thủ hữu hạng lúc bấy giờ.

Ngoài các nhạc phẩm mang nặng tính chất lãnh mạn trữ tình, ông còn sang tác những nhạc phẩm ca tụng kiếp sống hải hồ với những chuyện tình thơ mộng như trong các ca khúc Người Em Hải Đảo, Sầu Đất Tổ, Sầu Nhân Thế, Cho Vừa Lòng Em, Đừng, Ngày Xuân Vui Cười, Trả Lại Anh,…

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]