Về Danh Xưng Công Giáo

          Khi nói về Đạo Công giáo người ta hay sử dụng hai danh từ Thiên Chúa giáo và Ki Tô giáo để thay thế. Tuy nhiên cả hai danh từ này đều đưa đến có sự hiểu lầm. Thiên Chúa giáo có thể  hiểu là những tôn giáo tôn thờ Thiên Chúa chẳng hạn Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo v.v…Còn Ki Tô giáo  để chỉ cho những tôn giáo  tôn thờ Chúa Ki Tô và sử dụng chung cuốn sách Kinh Thánh như Tin Lành, Anh giáo hoặc Chính Thống giáo. Tuy nhiên việc thay thế ấy trong thực tế không  được áp dụng cả trong các văn kiện cũng như trong đời thường. Giáo Hội Công  Giáo vẫn tự nhận mình là Công Giáo chứ  không phải Giáo Hội Ki Tô. Trung Tâm Công Giáo  chứ không phải là Trung Tâm Ki Tô và trong đời thường cũng chẳng có người Công giáo nào lại nhận mình là người Ki Tô giáo v.v..

Mặc dầu vậy danh xưng Công giáo trong những năm tháng gần đây đã bị đem ra mổ sẻ  để đả phá với đầy ác ý “ Để gọi một tôn giáo người Việt ( hay đa số mọi quốc gia trên thế giới ) dùng tên người sáng lập ra tôn giáo hay triết lý của tôn giáo đó mà gọi như Phật giáo ( Buddha, Buddhisme ) Khổng giáo ( Conficius, Confusianisme ) Lão giáo ( Lao Tsu, Taoisme ) hoặc lấy tên của dân tộc, sắc dân  đã khai sinh ra tôn giáo đó để đặt tên như Ấn giáo ( India, Hinduisme ) Hồi giáo ( Muslim, Islam ) Do Thái giáo ( Jews, Judaisme )  Anh giáo ( English, American ) v.v… và cũng theo nguyên tắc đó mà người Việt ( Hay đa số các quốc gia trên thế giới đã gọi đạo Catholics là đạo Gia Tô ( Giê Su, Jesus ) hay Cơ Đốc ( Christ ) hoặc Đạo Chúa.

Trước thập niên 50 người Việt đã không gọi Catholics là “Công giáo” vì không có một vị nào tên là “Công” hay một dân tộc nào tên là “Công” cả. Chữ “Công giáo” chỉ xuất hiện như đã chứng minh bằng một số văn bản ở trên từ khi có chế độ Ngô Đình Diệm” ( Nguồn Sachhiem.Net – 28 Jul – 2012 – Nguyễn Hy Thần – Danh từ Công giáo: Chữ và Nghĩa ). Cho rằng không có vị giáo chủ nào  tên là “Công” cũng như không có dân tộc nào tên là “Công” để rồi  thẳng thừng bác bỏ danh xưng Công giáo điều ấy thật hàm hồ, chẳng nên chấp nhất làm gì. Mặc dầu như thế  chúng ta cũng  nên xét lại tại sao không được phép gọi là Thiên Chúa giáo hoặc Ki Tô giáo mà chỉ có thể là Công giáo ?

Danh xưng Thiên Chúa giáo có xuất xứ từ Trung Hoa vào năm 1582, vị thừa sai nước Ý Matteo Ricci đến truyền giáo tại Trung Hoa. Thời đó đang là vua Vạn Lịch triều Minh là một nước lớn trung ương tập quyền đã kế thừa tư tưởng Nho Giáo gần hai ngàn năm, muốn dân nước đó đón nhận tín ngưỡng tây phương là việc rất khó khăn. Cha Ricci không vội khuyên người ta trở lại đạo mà trước tiên nghiên cứu bối cảnh lịch sử và văn hoá của người Trung Hoa. Ngài phát hiện kể từ đức vua đến bá tánh đều kính Thiên ( Trời ) là Đấng cao quý nhất. Trong niềm tin Công giáo cũng tin Đấng Tạo Thành Trời Đất là Chủ Tể Trời Đất nên ngài mượn  câu  cổ văn Trung Hoa “ Chí Cao mạc nhược Thiên, chí tôn  mạc nhược chủ” ( Cao nhất không gì bằng trời, đáng kính  trọng nhất không gì bằng Chúa ) Tên gọi này có ý nghĩa rất sâu rộng hợp với  tư tưởng  người Trung Quốc, ngài cũng đặt tên cho Giáo Hội ( Đạo ) Công giáo là Thiên Chủ giáo. ( Lm Stephano Huỳnh Trụ. Công giáo – Thiên Chủ giáo ).

Lấy tên Thiên Chúa giáo để thay cho Đạo Công giáo bởi vì người Trung Hoa cũng kính thờ Thiên Chúa như người Công giáo. Lý do này  thật sự không có cơ sở. Tại sao ? Bởi vì người Trung Hoa nói chung và Nho giáo nói riêng có quan niệm về Trời khác hẳn người Công giáo. Theo Khổng Tử thì Trời chỉ là một nguyên lý và nguyên lý ấy chính là Dịch mà Dịch thì  biến hoá khôn lường “ Biến hoá giã tiến hoá chi tương giã. Dịch – Hệ Từ Thượng ) Phàm sự vật phải có biến thì mới tiến. Không  biến tức là dừng mà dừng là thoái. Đạo Trời là không cố định vì cứ biết cái qua thì có cái lại, qua qua lại lại không cùng. Đó là sự hành động của thần ( T.T. Kim Nho giáo – Quyển Thượng ).

Triết lý Khổng Mạnh  đều tin có Trời  thế nhưng Trời chỉ là một thứ nguyên lý chứ không  có cái kiểu nhân cách hoá như Do Thái giáo. Mặt khác theo Tuân Tử  thì Trời cũng chẳng có quan hệ gì với người “ Thiên hành hữu thường, bất vị Nghiêu tồn bất vị Kiệt vong. Ứng chi dĩ tri tắc cát ứng chi dĩ loạn tắc hung” ( Việc làm của Trời có đạo thường, không vì vua Nghiêu mà đạo ấy còn, không vì vua Kiệt mà đạo ấy mất. Lấy sự trị mà đối phó với đạo ấy thì lành, lấy sự loạn mà đối phó với đạo ấy thì dữ – Thiên Luận XVII ).

Lại nữa cũng không thể thay thế Công giáo bằng Ki Tô giáo bởi lẽ Ki Tô giáo thực chất chỉ là cái quan niệm của Thần học lấy Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người để thay cho Đấng Tạo Hoá. Mục đích của Đấng Thiên Chúa Làm Người là để chỉ dạy cho con người …cách làm người “ Chỉ trong mầu nhiệm ngôi Lời nhập Thể mầu nhiệm con người mới sáng tỏ. Thiên Chúa đã làm người để con người trở thành người, con người trọn vẹn và đích thực là người” ( Đgm Phaolô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác – Đức Ki Tô hôm qua hôm nay và mãi mãi ).

Không thể thay Công giáo bằng  Thiên Chúa giáo hoặc Ki Tô giáo, vậy chúng ta cần phải hiểu thế nào về danh xưng này ? Theo linh mục Stephano Huỳnh Trụ thì thuật ngữ Công giáo được dùng để  dịch chữ Hi Lạp katholikos từ gốc là kát holon với ý nghĩa đó là đạo chung đạo phổ quát đạo công cộng đón nhận mọi người chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào. Về tính chất “ Công” của Đạo Công giáo không nên hiểu  đó là đạo được nhà nước công nhận như là quốc giáo. Sự thật thì trong thời Trung Cổ, Đạo Công giáo cũng đã được vài ba quốc gia lấy làm quốc giáo và đã gây ra không biết bao là tai hoạ cả cho đạo lẫn đời.

Tuy rằng thời thế đã thay đổi nhưng Đạo Công giáo vẫn bị hiểu lầm kể cả thù ghét. Thế nhưng tất cả những điều ấy  không hề làm giảm giá trị của Đạo bởi sự ghét bỏ ấy đã được Đức Ki Tô báo trước “ Ví bằng thế gian ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét bỏ Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi  thuộc  về thế gian thì thế gian  chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 18 019).

Lý do khiến đạo Công giáo bị ghét bỏ là vì những người ấy như Chúa nói họ không thuộc thế gian. Người đời cho thế gian là thật có nên mới ra sức bám lấy và sống chết vì nó. Trái lại người theo Chúa thì khinh chê  thế gian cho nó là giả không xứng với mình. Tôn giáo còn gọi là đạo tức con đường thực hiện tâm linh siêu xuất thế gian. Đức Ki Tô từ trời xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời  và trước khi về trời Ngài đã ban bố mệnh lệnh cho các Tông Đồ “ Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16).

Tin có Nước Trời ( Thiên Đàng ) và Chúa Giê Su Ki Tô là Đấng dẫn đường  duy nhất  để cho ta có thể đến được chốn ấy đó là niềm tin chân thật của người Công giáo. Thế nhưng làm sao có thể có được đức tin nếu không có Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền. ? Tính chất Tông Truyền ở đây tức là  thông truyền đức tin từ đời này sang đời khác về  Đức Ki Tô Đấng dẫn đường duy nhất “ Đức  Giê Su Ki Tô hôm qua hôm nay và cho đến muôn đời vẫn y nguyên là một. Chớ để cho các thứ giáo lạ lôi kéo anh em” ( Dt 13, 8 01 ).

Để có thể không bị các thứ lạc giáo lôi kéo là điều rất khó. Chính bởi vậy Đức Ki Tô mới thiết lập Hội Thánh Tông Truyền  và trao cho đầy đủ năng quyền. Chúa nói với Phê Rô “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hoả Ngục chẳng thể thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khoá Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 18 -19 ).

Nên nhớ Chúa chỉ  trao cho Phê Rô, một mình Thánh Phê Rô thôi  chứ không phải tập thể các Tông Đồ cái quyền đóng mở Nước Trời. Điều ấy hết sức quan trọng bởi chỉ như thế mới  có thể giữ vững được đức tin cho Giáo Hội  cũng là Thân Mầu Nhiệm  “ Ta là cây nho các ngươi là nhành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được.” ( Ga 15, 5 ).

Vì là Thân Mầu Nhiệm nên Giáo Hội cần phải có đầy đủ bốn đặc tính đó là Duy Nhất Thánh Thiện Công Giáo và Tông Truyền. Bốn đặc tính này có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Không thể tách rời phần nào mà không ảnh hưởng tới ba phần còn lại. Để là Duy Nhất thì Giáo hội phải Thánh Thiện hay nói cách  khác  Giáo hội chỉ Thánh Thiện khi nào có sự hiệp nhất với nhau trên con đường  nhận biết Thiên Chúa là Cha  hầu có được sự sống đời đời “ Hễ ai Cha đã ban cho Con thì Con ban cho họ sự sống đời đời. Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha tức Chân Thần duy nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 2 -3).

Nhận biết Cha có nghĩa là nhận ra một Thực Tại hằng hữu hằng sống ở nơi chính mình. Thực Tại ấy không một ai lại không sẵn đủ bất kể họ theo một tôn giáo nào  kể  cả những người tự nhận mình là vô thần. Mặc dù Thực Tại ấy ai cũng sẵn đủ nhưng duy chỉ Đức Ki Tô mới thấy biết và Ngài muốn thông qua Giáo Hội để truyền đạt cho hết thảy mọi người trong cõi thế gian này. Phải chăng  đây chính là ý nghĩa chân thực của danh xưng Công Giáo trong Kinh Tin Kính mà chúng ta vẫn thường tuyên xưng?

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts