- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Tu thân

1. Sau Công nghị Tổng Giáo phận Sài Gòn, ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn có nhắc đến việc cần phải canh tân cuộc sống, và ngài thường dùng câu nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cụ thể là trong Lời Chủ Chăn tháng 1-2012. Một thầy dòng cũng hỏi tôi: “Tu thân là gì?”. Chúng ta thử tìm hiểu thuật từ “tu thân”.

2. Nghĩa của chữ tu, thân

2.1. Tu có 7 chữ Hán: 鬚, 須 (须), 羞, 修, 脩, 嬃 (媭), 饈 (馐). Tu trong tu thân là chữ修, gồm bộ彡(sam: lông dài; bộ gốc trong các tự tả vật có dạng như tóc) nói về nghĩa và chữ攸 (du: vụt, thoáng) cho âm đọc. Tu修 có nghĩa là: (dt.) (1) Người có nhân đức phẩm cách: Tiền tu (người có nhân đức trước như tiền hiền); (2) Họ Tu. (đt.) (3) Xây dựng: Tu tạo thiết lộ (xây dựng đường sắt); (4) Sửa mình, chuyển hoá khí chất, sống khắc khe theo những giáo lý quy định chặt chẽ của tôn giáo nào đó: Tu đạo Phật, tu hành, tu sĩ; (5) Sửa chữa: Tu xa (sửa xe), tu hài (sửa giày), phòng tu (cấm sửa đổi); (6) Tỉa xén: Tu chi (tỉa cành cây), tu từ (khoa dạy viết văn); (7) Bôi phết: Tu sức (bôi phết cho đẹp), tu giáp (cắt sửa móng); (8) Học tập, chú tâm vào việc học tập và rèn luyện: Tự tu (tự học, không có thầy); (9) Tìm tài liệu để viết: Tu sử (tìm tài liệu viết lịch sử), tu thư (tìm tài liệu viết sách, viết thơ); (tt.) (10) Cao lớn (cổ văn): Tu trường (dáng cao mà gầy), mậu lâm tu trúc (rừng tốt tre cao). (11) Lương thiện và tốt: Tu mỹ (lương thiện và đẹp).

2.2. Thân có 7 chữ Hán: 身, 紳 (绅), 申, 伸, 砷, 親 (亲), 侁. Thân trong tu thân là chữ身, nghĩa là (dt.) (1) Hình hài người hay động vật: Thân tâm (xác hồn); (2) Đời sống: Vị quốc xả thân; (3) Phần chính yếu của vật thể: Thụ thân (phần cốt của cây); (4) Tính tình, phẩm cách: Tu thân (sửa tính sửa nết); (5) Năng lực: Khuynh thân sự chi (dùng hết năng lục để phục vụ); (6) Có mang: Hữu thân (đàn bà chửa); (7) Danh phận: Thiếp thân vị minh (danh phận thiếp chưa rõ); (8) Thuyết luân hồi ba đời của Phật Giáo: Tiền thân, hiện thân, lai thân; (9) Tuổi; (10) Từ giúp đếm (quần áo): Nhất thân tân y (cả bộ quần áo mới); (11) Hành động: Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ (người ở trong giang hồ, hành động không thể do mình định); (12) Tự kỷ, chính mình, bản thân: Dĩ thân tác tắc (tự mình nêu gương); (đdt.) (13) Tự xưng mình, ta: Chí thân thanh vân (ta hẳn làm cho đến ngôi cao); (tt.) (14) Thuộc về mình; (pht.) (15) Một cách đích thân, mình: Thân thể lực hành (đích thân mình cố sức làm).

Nghĩa Nôm: (1) Phần làm cốt trụ: Thân cây. (2) Mình: Một thân nuôi già dạy trẻ.

2.3. Tu thân

– Theo nghĩa thông thường là tu dưỡng về đạo đức để tiến bộ.

– Theo nghĩa tôn giáo là bỏ nếp sống bình thường để theo đúng giới luật của một tôn giáo nào đó.

3. Tu thân trong tam giáo và Kitô giáo

Ngày nay, khi nói đến tu thân, người ta thường liên tưởng đến tư tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” xuất phát từ sách Đại học của Nho giáo. Trong bối cảnh lịch sử thời Chu (770-256 TCN): Vua Chu được gọi là vương hay thiên tử. Chư hầu thì được gọi là quốc (nước), người đứng đầu quốc gọi là công. Dưới chư hầu là gia tộc (tông tộc), người đứng đầu gia tộc gọi là khanh hay đại phu. Nghĩa là:

Lược đồ này giúp chúng ta hiểu rõ các khái niệm về thiên hạ, quốc, gia trong tư tưởng “tu – tề – trị – bình”: Tu thân: Sửa tính sửa nết, cụ thể là phải đi học đầy đủ, đạo đức cao thượng và có một kỹ năng. Tề gia: Quản lý gia tộc, tông tộc cho tốt, chứ không phải chỉ là một gia đình. Trị quốc: Cai trị nước chư hầu cho tốt, không phải là khái niệm nước bây giờ, mà như một bang. Bình thiên hạ: Yên ủi dân trong triều Chu, tức là quốc gia của Chu, làm cho ấm no hạnh phúc, an cư lạc nghiệp.

Tuy nhiên, cũng như ở Trung Quốc, văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi tam giáo (Khổng, Phật, Lão) rất sâu đậm. Thuật từ “tu thân” cũng được nhắc tới trong cả 3 tôn giáo này. Vì vậy, sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm “tu thân” trong tam giáo.

3.1. Tu thân trong Khổng giáo

Đạo Khổng nhằm thực tế: Xây dựng đời sống con người tới chỗ an hoà nhu thuận. Có thể xem tư tưởng Khổng giáo là một hệ thống tư tưởng nhân sinh. Con đường này có hai ngã: Một là đường thành nhân chung cho mọi người; hai là đường thành đạo riêng cho hiền nhân quân tử. Ở đây, chúng ta nhìn lại những nét chính yếu của hai con đường đó để thấy rõ hơn ý nghĩa và vai trò việc tu thân trong Khổng học:

3.1.1. Đường thành nhân: Trên con đường thành nhân chung cho tất cả mọi người, Đức Khổng Tử vạch ra là con đường tu thânxử thế:

a. Tu thân: Muốn thành người phải tu thân. Tu thân là đường lối hướng dẫn con người theo lẽ phải để hành động. Đường lối ấy là căn bản đầu tiên mà sách Đại học đã nêu lên: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản: Từ vua cho đến thường dân, ai ai cũng đều lấy sự sửa mình làm gốc”. Muốn sửa mình cho thành người có đức hạnh hoàn toàn thì trước hết phải giữ cái tâm của mình cho chính (chính tâm), cái ý của mình cho thành (thành ý). Đường tu thân ở đây chú trọng vào hai điểm đức dụctrí dục. Đức dục: Đạo đức Khổng Mạnh không ngoài cái khuôn khổ tam cương (quân thần: đạo trung; phụ tử: đạo hiếu; phu phụ: đạo tiết nghĩa) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín): Đó là những giềng mối ràng buộc con người vào nề nếp lễ giáo. Trí dục: Học vấn rất cần thiết: “Ngọc bất trác, bất thành khí ; nhân bất học, bất tri lý: Ngọc không mài, không thành món đồ quí; Người không học, không biết đạo lý”, nhưng học phải đi đôi với hành: bác học, thận tư, minh biệnđốc hành và học với mục đích tri (biết), hiếu (thích), lạc (vui).

b. Xử thế: Nguyên tắc xử thế là trungthời. Đường lối xử thế là chính danh, thuận ngônhành thiện.

3.1.2. Đường thành đạo: Con đường của một số người muốn tiến xa hơn trong đời sống tâm linh: định, tĩnh, an, lự. Và để trở thành một bậc hiền nhân quân tử, đắc đạo tâm linh: trí tri, cách vật; nghĩa là hiểu rõ các sự vật và biết đến cùng cực cái biết.

3.2. Tu thân trong Phật giáo

Giáo điển của Phật giáo tuy nhiều, nhưng thâu tóm lại không ngoài bài kệ bốn câu của Đức Phật Ca Diếp đã nói: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo: Chớ làm các điều ác. Siêng làm các việc lành. Giữ tâm ý trong sạch. Đó là lời Phật dạy”. Vì thế, theo Phật giáo, tu là tránh điều ác, làm điều thiện và đồng thời giữ tâm ý thanh tịnh.

Phương pháp tu thân: Hàng ngày lễ kính Phật, đọc tụng kinh điển, sửa dần nết hạnh, giữ gìn lời ăn tiếng nói cho ôn hoà, ngay thật, tâm ý chân chính, từ bi, đó là tu thân. Nếu mỗi người đều tu thân, thì nhà nhà trở nên hoà lạc, xã hội trở nên thái bình. Do đó, thuật từ “tu thân” có nghĩa là “sửa mình, tu tập thân mạng y theo kinh điển, giới luật của đạo lý mà sửa mình, làm thiện. Thường nói về người tu tại gia giữ ngũ giớithập thiện nghiệp”.

3.3. Tu thân trong Lão giáo

Lão giáo hệ tại việc trở về hoặc bảo vệ tình trạng bản nhiên tinh tuyền. Con đường vô vi chẳng qua cũng chỉ là một phương pháp đạt Đạo có vẻ tâm linh hơn. Để thực hiện con đường tâm linh đó, Lão Tử đưa ra một con đường tu luyện phù hợp với nhiều người hơn mà đời sau gọi là nhân sinh học hay luân lý của Đạo.

Nhân sinh học của Lão giáo thực hiện ở 3 giai đoạn trong đời sống con người: chuẩn bị, hành động và hồi tĩnh. Ở giai đoạn chuẩn bị, người tập đạo phải lo tu thân: tồn tâm dưỡng tính; sang giai đoạn hành động thì nêu tài xử thế; tới giai đoạn hồi tĩnh thì thoát trần nhập Đạo (trở về nguồn).

Phương pháp tu thân: Muốn tu thân cần phải dưỡng thân trước, nghĩa là phải chú ý vấn đề thể dục: “Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vi ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn! – Ta sở dĩ có điều lo lớn vì ta có cái thân. Nếu ta không có thân, thì còn lo gì nữa”, phải làm sao cho thân điều hoà, chất phác, thư nhàn, tự do và hoà hợp với thiên nhiên: “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn”. Kế đó là dưỡng tính tức là hàm dưỡng huân tập chờ nó tự thay đổi, công phu âm thầm, siêng năng thủ trung (Nho giáo gọi là ‘chấp trung’), chớ phóng dật, ngoại bất nhập, nội bất xuất, hoàn bổn nguyên, vạn sự hoàn tất.

Tắt một lời: Tu thân tức là trở về nguồn, tới chỗ cực trống rỗng và hồn nhiên, trong đó tâm linh không còn tự ràng buộc bởi một vọng tưởng hay vọng dục nào: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc: đạt đến chỗ cùng cực của hư không, giữ vững cái tĩnh”.

3.4. Tu thân trong Công giáo

Là thực hành 3 việc truyền thống: cầu nguyện, chay tịnh và bố thí. “Con đường tiến đến hoàn thiện phải ngang qua thập giá. Không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải có khổ chế và hãm mình, từng bước giúp người tín hữu sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc thật”.

Phương pháp tu thân theo Công giáo:

Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy: “Ai muốn trung thành với những lời hứa khi được rửa tội và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những phương thế sau: Phải biết mình, khổ chế tuỳ theo hoàn cảnh, tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thực hành các đức tính luân lý và chuyên cần cầu nguyện”.

Biết mình: Nghĩa là nhận thức giới hạn của chính mình: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Do đó: (1) Xa lánh dịp tội: “Nếu mắt ngươi nên dịp tội làm cho người vấp phạm thì hãy móc mắt mà quảng đi khỏi ngươi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là toàn thân bị xô vào hoả ngục” (Mt 5,29-30). (2) Tỉnh thức đề phòng và chống trả chước cám dỗ ngay từ đầu: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5, 8).

Khổ chế tuỳ hoàn cảnh: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23) vì: “Những ai thuộc về Đức Kitô thì đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24).

Tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa: Không làm điều ác: “Làm sao tôi dám phạm tội ghê gớm như thế trước mặt Đấng sẽ xử án tôi?” (Đn 13,23). Nhưng thi hành lòng mến Chúa, yêu người (x. Mc 12,30-31).

Thực hành các nhân đức: Khôn ngoan, can đảm, công bằng, tiết độ và tất cả “những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).

Chuyên cần cầu nguyện vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5) và lãnh nhận các bí tích, “ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).

***

Tiếng Tây không có chữ tương ứng với chữ tu trong tu thân, khi dịch ‘tu thân’ người ta thường chỉ dịch là ‘cultivate oneself’ hay ‘improve oneself’ (tự trau giồi, tu dưỡng). Động từ cultivate hay improve không diễn tả được ý nghĩa sâu xa của thuật từ tu thân trong các triết thuyết Phương Đông.

Theo thiển nghĩ của chúng tôi: Khoa tu đức Công giáo cho phép hiểu tu thân là “những nỗ lực có phương pháp, những tập luyện kiên trì của ý chí, được ân sủng nâng đỡ, nhằm hãm dẹp những khuynh hướng xấu hoặc nguy hiểm nhằm phát huy những nhân đức, để làm cho mình được đẹp lòng Chúa”. Nói cách khác, tu thân là “những hình thức kỷ luật, bao hàm việc khước từ những ý muốn hoặc sở thích, nhằm thông dự vào cuộc tử nạn của Đức Kitô và tuân hành ý Chúa”. Và đó chính là ý nghĩa của những chữ ascesis (Latinh), ascetic (Anh), ascèse (Pháp) mà chúng ta thường dịch là khổ chế, khổ hạnh, khổ tu… vậy.

4. Kết luận

Khái niệm tu thân trong các tôn giáo, tuy rất khác nhau về quan điểm và phương thế, nhưng kết quả đều muốn truy cầu như nhau mà thôi.

– Tu thân không phải chỉ có một ý nghĩa tiêu cực là sửa trị nết xấu mà là bao hàm một chương trình rộng rãi trau dồi tài đức.

– Tu thân không phải chỉ có một quan niệm hoàn toàn về cá nhân, vì phép tắc đối với mình tức là “xử kỷ” phải luôn luôn đi kèm với phép tắc đối với người và việc, tức là “tiếp vật”.

– Tu thân chẳng những là cần thiết cho đời mình mà còn rất quan hệ đến việc tiến hoá của quốc gia xã hội.

Khi Đức Hồng Y đề nghị canh tân cuộc sống trong Lời Chủ Chăn Năm Nhâm Thìn, ngài mời gọi chúng ta “thoát khỏi vòng kềm toả của những thói hư tật xấu, phát triển và toả sáng lòng mến Chúa yêu người… Nhờ việc học hỏi, suy gẫm và chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa, đưa những giá trị Tin Mừng vào cuộc sống, (ngõ hầu) đem lại niềm an vui và sức sống dồi dào cho gia đình Giáo Hội cùng cộng đồng xã hội hôm nay”. Đó chính là ý nghĩa của việc tu thân mà mọi Kitô hữu muốn bước theo Chúa Kitô phải nỗ lực hoàn thành vậy.

——————

[1] Bài Giảng Chúa Nhật, số 2.2012, trang 3.

[2] Lễ Ký.

[3] Kinh Pháp Cú, Phẩm Phật Đà, 183.

[4] Ngũ giới: 5 điều răn cấm (1) Không sát sinh; (2) Không trộm cướp; (3) Không tà dâm; (4) Không ăn uống say sưa; (5) Không gian dối.

[5] Thập thiện nghiệp: 10 điều lành thuộc về 3 điểm: Tư tưởng: Gột bỏ (1) đố kỵ, (2) hận thù, (3) si mê; Ngôn ngữ: Không: (4) nói dối, (5) đặt điều, (6) lưỡng ngôn, (7) hung ác; Hành vi: Không (8) sát sinh, (9) trộm cướp, (10) tà dâm.

[6] Đạo Đức Kinh, chương 13.

[7] Nam Hoa Kinh, Tiêu diêu du và Tề vật luận.

[8] Đạo Đức Kinh, chương 16.

[9] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2015.

[10] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2340.

[11] Olivier de La Brosse & Ntg, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, Cerf, Paris, 1968 : xem chữ Ascèse.

[12] Học viện Đa Minh Gò Vấp, THUẬT NGỮ THẦN HỌC ANH VIỆT, TP.HCM, 2003: xem chữ Asceticism.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Nguồn: emty

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]