- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Cứu Chuộc? Cứu Rỗi? Cứu Độ?

1. Người Công giáo Việt Nam thường sử dụng những từ cứu độ, cứu chuộc và cứu rỗi để dịch nghĩa hai chữ salut và rédemption (hoặc những chữ có liên hệ với hai chữ này như: salvation, salvatio, soter, salvator, salvatus, salvare,…; redemption, redemptio, redemptor, redempteur, redeemer, sauveur, savior, saviour, redimere, redeem,…).

Nhiều người sử dụng những từ này như thể chúng đồng nghĩa với nhau, ví dụ:

(1) Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh Việt[1] dịch chữ: Salvation là: Sự cứu viện, cứu chuộc, cứu ân, cứu thế, cứu rỗi, đắc cứu, giải cứu, cứu trợ, siêu độ, tế độ. Redemption là: Sự cứu viện, ơn cứu rỗi, cứu ân, cứu chuộc, cứu thế, tế độ, siêu độ, chuộc tội, bồi thường, bồi hoàn.

(2) Tự Điển Đức Tin Kitô Giáo Pháp-Việt[2] dịch chữ: Salut là: sự (ơn) cứu độ, cứu rỗi, cứu thoát. Rédemption là sự cứu chuộc, sự cứu độ; và Sotériologie là cứu độ học, cứu chuộc học, cứu thế học.

(3) Trong tuyên ngôn phát biểu trước Thượng hội đồng Do Thái, thánh Phêrô đã khẳng định Đức Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Độ” và nhờ Chúa Giêsu mà ơn tha thứ tội lỗi đã được ban xuống cho toàn dân (Cv 5,31). Danh hiệu “Đấng Cứu Độ”[3] trong Cv 5,31 dịch từ tiếng La Tinh là Salvator. Salvator có người dịch là Đấng Cứu Thế[4], Đấng Cứu Tinh[5], Đấng Cứu Chuộc[6], Cứu Chúa[7], Đấng CứuRỗi[8].

Trong bài này, chúng ta thử xét ý nghĩa của ba từ cứu độcứu rỗi và cứu chuộc.

2. Ý nghĩa của những từ cứu, độ, chuộc và rỗi:

2.1. Cứu: có những chữ Hán này: 救(捄), 究, 灸, 疚, 廏(廄, 廐, 厩).Trong từ cứu độ, cứu chuộc… chữ cứu viết là 救(bộ phác). Chữ này có nghĩa: (đt.) (1) Làm cho thoát khỏi mối đe dọa sự an toàn, sự sống còn. (2) Gỡ khỏi cảnh khổ. (3) Giúp. (4) Chạy chữa. (5) Ngăn cản. (6) Sửa dạy. (7) An ủi. (8) Bảo hộ. (dt.) (9) Họ Cứu. (10) Giúp đỡ. (11) Chữa (chạy). (12) Chữ này đã hóa Nôm: Cứu đói.

2.2Độ: có những chữ Hán này: 度, 渡, 鍍(镀).Trong từ cứu độ, chữ độ viết là 度(độ bộ nghiễm), ngày nay nhiều người dùng chữ 渡 (độ bộ thủy). Thật ra chữ 度(độ bộ nghiễm), cũng có nghĩa của chữ 渡(độ bộ thủy) và có nhiều nghĩa hơn. Chữ 度(độ bộ nghiễm) có những nghĩa này: (đt.) (1) Thông qua. (2) Cạo tóc cho tăng ni. (3) Cứu giúp theo nghĩa tôn giáo. (4) Qua sông, đồng nghĩa với chữ 渡(độ bộ thủy). (dt.) (5) Công hạnh của vị Bồ Tát. (6) Đơn vị đo cung, đo góc. (7) Đơn vị trong thang đo: Nhiệt độ, nồng độ. (8) Pháp chế. (9) Khí lượng con người: Độ lượng. (10) Kiểu dáng con người: Thái độ. (11) Tiêu chuẩn nhất định. (12) Đơn vị đo thời gian. (13) Phạm vi. (14) Ngày sinh. (15) Chi phí. (16) Họ Độ. (đt.) (17) (Nôm) ước lượng, đoán phỏng. (dt.) (18) Hạn kỳ. (19) Quảng đường. (20) Trận, bàn, ván. (21) (Tiếng đôi) đụng độ.

Những nghĩa (1), (2), (3), (4), (5) của chữ độ đều có nguồn gốc từ Phật giáo, như có thể thấy trong Phật Học Từ Điển[9]: “Độ là chở người ta bằng đò. Lấy sự sanh tử (luân hồi) thí dụ với biển, độ là chở người ta qua biển sanh tử vậy. Và lấy sự mê muội, khổ não thí dụ với sông, độ là đưa chúng sanh khỏi sông mê, sông ân ái, sông khổ sở”. Độ chỉ đến các “công hạnh của một vị Bồ Tát”[10] trong quá trình tu tập theo Đại Thừa: “Ba-la-mật (Paramita): Kêu trọn chữ theo Phạn: Ba la mật đa.(波羅蜜多). Dịch nghĩa: Cứu cánh, đáo bỉ ngạn, độ vô cực, độ: Tức là đại hạnh của bực Bồ Tát.” Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Độ: vốn là một khái niệm Phật Giáo, dịch từ tiếng Phạn paramita, nghĩa là “vượt qua giới hạn” (giữa mê tối và giác ngộ), “đạt đến bờ bên kia” (到彼岸đáo bỉ ngạn) dần dần mang thêm nghĩa thông thường là cho phép xuất gia tu hành. Khi một người lần đầu tiên đến chùa, được phép gọt tóc đi tu, gọi là độ, hoặc thế độ (thế剃có nghĩa là gọt tóc). Mặc dù nghĩa “đáo bỉ ngạn”, rất được thông dụng tại Đông Nam Á nhưng cách dịch nghĩa này có lẽ không chính xác theo từ nguyên Phạn ngữ. Cách dịch “chỗ tối hậu của sự việc” (事究竟sự cứu cánh[11]) có vẻ đúng hơn và cũng được nhiều nhà Phật học hiện nay áp dụng. Nó tương đương từ perfection trong Anh ngữ và Vollkommenheit trong Đức ngữ[12].

2.3. Chuộc (tiếng Nôm), có nghĩa: (đt.) (1) Lấy lại bằng tiền của cái đã cầm cho người ta. (2) Lấy lại cái đã mất: Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi (Hồ Xuân Hương). (3) Làm điều tốt đẹp để bù lại lỗi lầm do mình gây ra trước đây. (dt.) (4) Tên loài vật: con chẫu chuộc, một loại ếch.

2.4. Rỗi (tiếng Nôm), nghĩa là (tt.) (1) Ở trạng thái ít hoặc không có việc phải làm; nhàn; thong thả; (2) Ăn nhiều hơn bình thường (tằm ăn thật nhiều lần cuối cùng trước khi làm tổ; người ốm mới khỏi); (đt.) (3) (Linh hồn) được cứu vớt khỏi mọi sự ràng buộc tội lỗi, được giải thoát, theo quan niệm của một số tôn giáo; (4) Tâu xin cho.

3. Ý nghĩa của những từ cứu độ, cứu chuộc và cứu rỗi:

Không mấy tự điển có 3 từ này, thử tra khá nhiều tự điển nhưng chúng tôi chỉ thấy có Đại Từ Điển Tiếng Việt giải nghĩa chữ: Cứu rỗi là: (1) Giúp cho thoát nạn; (2) Cứu vớt linh hồn, theo quan niệm của một số tôn giáo. Từ Điển Từ và Ngữ Tiếng Việt của Gs. Nguyễn Lân giải thích:Cứu rỗi (đt.) Nói Chúa Trời cứu cho linh hồn người ta khỏi sa địa ngục, theo tôn giáo. Từ điển của cha Gouin ghi:Cứu độ = cứu giúp = sécourir[13], aider[14]. Cứu chuộc = cứu thục = racheter[15]. (Xin xem trích dẫn bài của Phan Tân và Trần Văn Minh trong phần phụ lục).

“Có thể nói cứu độ là một quan niệm phức biệt và dị nghĩa, nhưng hiện diện hầu như trong tất cả các tôn giáo. Nếu được phép đơn giản hoá vấn đề, chúng ta có thể thu gọn vào một kinh nghiệm nền tảng: được cứu độ là được giải thoát khỏi một nguy hiểm có thể gây đau thương và chết chóc. Tùy theo bản chất củanguy hiểm mà hành vi cứu độ được hiểu như bảo vệ, cứu chữa, cứu chuộc hay giải thoát. Tuỳ theo truyền thống tôn giáo, cứu độ lại được hiểu như cảm nhận cuộc sống sung mãn, được giải thoát hay giác ngộ, đạt tới mức độ viên mãn, tự thực hiện, hạnh phúc vĩnh cửu, kết hợp với Thực Tại Tối Hậu”[16] . Với Kitô Giáo: “Cứu độ là mầu nhiệm về cuộc giải phóng khỏi một cảnh nô lệ, đã được thực hiện do quyền năng của Thiên Chúa, và trong công trình giải phóng này, Con Thiên Chúa nhập thể đã đem chính mạng sống mình mà đền bù”[17]

Salvation (cứu rỗi): Giúp cho thoát nạn. “Cứu vớt linh hồn, theo quan niệm của một số tôn giáo”. Tiếng Hipri là Ieshua (dt.), hay Iasha(đt.) nghĩa là an toàn, không bị ràng buộc, rồi được áp dụng vào thần học, nghĩa là cứu vớt, cứu trợ. Bản LXX dịch là Soteria (dt.) hay Sozo(đt.) (và những chữ phát xuất từ nó), tiếng La Tinh là Salus (dt.) hay Salvare (đt). Salvare là cứu giúp thoát khỏi nguy hại, tùy theo bản chất nguy hiểm mà hành vi cứu rỗi được hiểu như việc (sau này có nghĩa là) bảo vệ, giải thoát, cứu chuộc, chữa lành, và sự cứu rỗi được hiểu như một chiến thắng, sự sống và bình an, từ này có nhiều điểm giống từ Redemptio. Trong Thánh Kinh, từ này chỉ Thiên Chúa cứu vớt để loài người thoát khỏi bất hạnh và chết chóc, để thế gian khôi phục tình trạng nguyên thuỷ. Thuật từ cứu rỗi cũng đúng với nghĩa của các từ Sozohay Salvare”.

Theo The New Bible Dictionary:

Redemption nghĩa là giải thoát khỏi tội lỗi bằng việc trả giá, không phải là giải thoát đơn thuần. Như các tù nhân chiến tranh được giải thoát bằng một khoản tiền gọi là “tiền chuộc” (ransom, Hy Lạp: lytron).

Salvation, thuật ngữ tiếng Anh này được dùng trong các tác phẩm có thế giá bắt nguồn từ tiếng La Tinh salvare (cứu) và salus (chữa lành, giúp đỡ) và dịch từ Hipri là yesua và các từ có liên hệ (rộng rãi, thoải mái, an toàn) và tiếng Hy Lạp soteria và các từ có liên hệ (chữa lành, phục hồi, cứu chuộc, cứu chữa, cứu nguy, bảo vệ). Từ này có nghĩa là hành động hay kết quả của việc giải thoát hay bảo vệ khỏi nguy hiểm hay bệnh tật, sự an toàn nào đó, sức khoẻ, thịnh vượng. Xu hướng trong Thánh Kinh là từ chỗ nhiều cái thể lý bề ngoài hướng đến sự giải thoát tinh thần và luân lý.

Về mặt thần học, salvation (việc cứu rỗi) bao hàm 3 nội dung như sau:

– cứu khỏi cái gì, chẳng hạn như khỏi hoàn cảnh đau khổ hay khỏi tình trạng tội lỗi, cũng gọi là giải thoát (deliverance).

– cứu để làm gì, chẳng hạn như để được hạnh phúc đời sau, hoặc để tham phần vào cuộc sống trong Nước Chúa, cũng gọi là cứu chuộc(redemption)

– một tiến trình chữa lành hay biến đổi tới tình trạng hoàn hảo, chẳng hạn như tri thức hưởng kiến, thần hoá (theo nghĩa loại suy), cũng có liên quan đến sự áp dụng của ơn cứu rỗi (salve).

Redemption (cứu chuộc) là một khái niệm liên quan đến việc tha tội hay xá giải những tội đã phạm và bảo vệ khỏi án phạt đời đời.Redemption (cứu chuộc) là khái niệm có trong nhiều tôn giáo thế giới và trong tất cả các tôn giáo có nguồn gốc từAbraham, đặc biệt là Kitô Giáo và Hồi Giáo. Trong Kitô Giáo, redemption (cứu chuộc) đồng nghĩa với salvation (cứu rỗi)[18].

Chúng tôi tìm thấy người ta gọi Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ loài người hay Đấng Cứu Chuộc loài người.

Nói lịch sử ơn cứu độ; không thấy nói: lịch sử ơn cứu chuộc.

Công trình cứu độ là của Thiên Chúa (Ba Ngôi) thực hiện.

Công trình cứu chuộc là của Ngôi Hai Thiên Chúa thực hiện.

Nói Chúa Cha cứu độ; không thấy nói: Chúa Cha cứu chuộc.

ĐNTHTK (của Giaó Hoàng Học Viện Piô X) đã dịch salut là cứu rỗi và rédemption là cứu chuộc, và đã giải thích rất rõ nội dung của hai khái niệm này trong Thánh Kinh.

3.1Cứu độ (từ Hán Việt):

Cứu độ trong Phật Giáo có nghĩa “cứu giúp và đưa qua”. Đưa qua đâu? Đưa qua bờ bên kia, bờ bên này là mê, bờ bên kia là ngộ, là rõ được chân lý, hiểu được Phật Pháp rồi từ đó tiến tới tự giải thoát.

Công Giáo dùng từ cứu độ để dịch nghĩa của chữ salvation, (tiếng Hy Lạp là soter chỉ người chữa bịnh, người cứu giúp). Cứu độ bao hàm ý nghĩa một tình trạng suy đồi, nay được sửa lại nguyên vẹn như xưa, nhờ sự giúp đỡ, cứu vớt của một vị cứu tinh, ra tay cứu nhân độ thế”[19].

Vì vậy, thuật từ cứu độ hiểu là giúp đưa qua, từ tình trạng tội lỗi qua tình trạng sạch tội, từ chỗ nô lệ đến tự do (giải thoát), từ đau khổ đến hạnh phúc.

3.2. Cứu chuộc (từ Nôm): Thuật ngữ Kitô Giáo dùng để dịch chữ redemptio[20] trong La ngữ, chỉ “công cuộc cứu thế do Đức Chúa Giêsu Kitô thực hiện. Theo nghĩa đen, cứu chuộc là giải thoát hay chuộc lại. Bị nô lệ tội lỗi, nhân loại chẳng khác nào bị cầm tù. Ác thần đã quyến rũ con người phạm tội và đã khống chế con người, nên có thể nói, con người bị nô lệ cho ác thần. Hơn nữa, tình trạng bị cầm tù ấy chính là một món nợ, mà theo đức công bình của Thiên Chúa, con người buộc phải trả. Trước tình cảnh đó, cuộc khổ nạn của Đức Kitô chẳng những đủ mà còn thừa sức đền bù cho tội con người và cho hình phạt phải chịu vì tội ấy. Có thể nói, cuộc khổ nạn của Đức Kitô là tiền chuộc hay một cái giá phải trả để giải thoát con người khỏi hai ràng buộc ấy. Đức Kitô đền tội không phải bằng cách trả tiền nhưng bằng cách cống hiến cái đáng giá nhất là chính bản thân Đức Kitô. Vì thế cuộc khổ nạn của Đức Kitô được gọi là sự cứu chuộc nhân loại”[21].

Khái niệm về “cứu chuộc” (Hy Lạp: lytrosis hay apolytrosis) nhờ đó Thiên Chúa “giải phóng” hay “chuộc lại” (Hl. lytrusthai) dân Chúa và một khái niệm khác rất gần với khái niệm trên, đó là khái niệm về “kiếm được” (Hl peripoìesis), nhờ đó Thiên Chúa “mua” dân Chúa (Hl agorazein), Những khái niệm này liên kết mật thiết với khái niệm “cứu rỗi” trong Thánh Kinh. Chúng chỉ rõ phương thế đặc biệt đã được Thiên Chúa chọn để cứu dân Israel bằng cách giải phóng dân này khỏi nô lệ Ai Cập (Xh 12,27; 14,13; x. Is 63,9) và bằng cách lập họ thành “dân riêng” của Chúa (Xh 19,5; Đnl 26,18). Trong Tân Ươc, bản văn Tit 2,13t, phản ánh rõ ràng giáo lý sơ khai, biểu lộ nguồn gốc mà tác giả dựa vào để diễn tả công cuộc của Đức Kitô: Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Thế” với tư cách “chuộc chúng ta khỏi mọi tội ác” và “tinh lọc một dân riêng cho Ngài”. Như vậy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa được thể hiện cáchliên tục, nhưng không vì thế mà chối bỏ những gì mới mẻ và bất ngờ trong việc thực hiện lời sứ ngôn đích thực (ĐNTHTK).

3.3. Cứu rỗi (từ Nôm):

Công Giáo thường dùng từ cứu rỗi[22] hoặc cứu độ[23] để dịch chữ salut (La ngữ: salvus (tt.): trọn vẹn, y nguyên, an toàn; salvare (đt.): cứu; Salvator (dt.): Đấng cứu thế…). Cứu rỗi là việc kéo ra khỏi sự hư mất và phục hồi sự toàn vẹn; nguồn gốc của sự hư mất là tội lỗi; nên yếu tố đầu tiên của sự cứu rỗi thực sự và thiêng liêng là sự cứu thoát khỏi tội lỗi. Sự cứu rỗi nhân loại đáng được và có được, trong nguồn mạch của nó, nhờ cuộc vượt qua của Đức Kitô Giêsu: Nó được đóng ấn mỗi người khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và trong đức tin mà ở đó người Kitô hữu được cứu thoát mọi tội lỗi và trở nên người tham dự vào bản tính thần linh; nó được hoàn tất bởi việc đi vào đời sống vĩnh cửu của người Kitô hữu, sau khi chết và bởi sự sống lại của toàn thể và sự tham dự vào thành Giêrusalem trên trời.

Hành vi cứu rỗi được hiểu như là việc bảo vệ, giải thoát, cứu chuộc hay chữa lành và ơn cứu rỗi có hai mặt: tiêu cực là xoá bỏ tội lỗi, tích cực là thần hoá (dĩ nhiên là theo nghĩa loại suy).

Theo chúng tôi nhận xét:

Cứu rỗi / cứu độ (salut) là ý định.

– Ngoại trừ một ít trường hợp như Ep 5,23 ĐHY và CGKPV dùng từ cứu chuộc để dịch chữ salvator. Hầu hết tác giả dùng từ cứu rỗi hoặc cứu độđể dịch chữ salvare và cứu chuộc dịch chữ redemptio.

– Trong tiếng Việt, cứu rỗi và cứu chuộc là hai thuật ngữ đặc thù Kitô Giáo. Tam Giáo (Nho, Phật, Lão) không có khái niệm “rỗi” hay “chuộc”. Nhưng “độ” là khái niệm quen thuộc trong Phật Giáo.

Hai từ cứu chuộc (redemptio) và cứu rỗi (salvare) hơi giống nhau, nhưng cũng có khác biệt:

– Cứu rỗi không bao gồm phải trả giá, còn cứu chuộc thường thì phải trả giá.

– Cứu rỗi > cứu chuộc

Do đó, cứu chuộc thường là cứu rỗi, mà cứu rỗi thì không nhất thiệt là cứu chuộc. Đối với Thiên Chúa cứu chuộc thể hiện tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa, đối với con người thì được hưởng tự do và hạnh phúc.

Cho nên chúng ta phải phân biệt rõ hai từ này khi sử dụng, và không nên dùng từ cứu độ là một từ ngữ Phật Giáo.

Phụ lục:

(*) Phan Tân và Trần Văn Minh trong bài: Góp ý về quyển ‘Nghi thức Thánh Lễ 2005′[24] có đề nghị dùng từ cứu chuộc thay cho cứu độ vì: “Chúa Giêsu xuống thế gian để “cứu chuộc” cả nhân loại thoát khỏi án phạt đời đời. Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế (Redemptor, Salvator, Redempter, Sauver, Savior…), Người là Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hoá đầy quyền năng. Chứ Người không phải là người trần tục (như nhiều bè rối và bọn “Modernism” chủ trương) chỉ “cứu độ” (Auxilium, Aide, Help, Paramita, Paramedic…) chúng sinh. Vì thế, nếu có thể được xin quý vị thay từ “cứu độ” bằng từ “cứu chuộc” để thật trọn nghĩa và để nói lên quyền phép cùng tình thương vô biên của Người.”

(**) Thanh Quang Trường trong bài “Bàn về quyển ‘Nghi thức Thánh Lễ 2005’ chúng ta nên làm gì?[25]“ có nêu ý kiến: “(1) Linh mục BĐS nói rằng: “cứu chuộc” là tiếng cổ rồi. Còn “cứu độ” là tiếng mới. Hai tiếng giống nhau y hệt.” (2) Nhưng linh mục TTH lại nói: “Hai tiếng khác nhau xa. “cứu chuộc” hay “cứu rỗi” là trọn vẹn. Còn “cứu độ” chỉ giúp vào thôi; hoặc phỏng chừng nào đó thôi… nghĩa của hai từ “cứu chuộc” và “cứu độ” khác nhau như thế nào? Một vài tôn giáo khác, họ dùng từ “cứu độ” lại rất thích hợp cho triết lý của tôn giáo đó. Nhưng họ không dám dùng từ “cứu chuộc”, vì không phù hợp với chủ trương, đường lối và năng quyền của đấng sáng lập tôn giáo đó. Còn theo tín lý và giáo lý đạo Công Giáo chúng ta, thì Chúa Giêsu thể hiện tình thương của Người không những qua cuộc sống, mà còn chính cái chếtthảm khốc không thể tưởng tượng được của Người trên thập giá, đến nỗi không còn một giọt máu trong tim. Người thể hiện một tình yêu trọng đại và trọn vẹn trên mọi sự trọn vẹn mà chỉ có Đức Chúa Trời làm được thôi.”

LM. Stêphanô Huỳnh Trụ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. LM. Vũ Kim Chính, SJ và ndg dịch từ Tự Điển Tín Lý Thần Học Anh Trung, nxb Quang Khải, Đài Loan.

2. Olivier de La Brosse & ntg, Dictionnaire de la foi chrétienne, nxb Cerf, 1968. Người dịch khuyết danh.

3. Ban giáo sư Trường Thần Học Bùi Chu, DANH TỪ THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC, Tủ sách Liên Chủng Viện, Bùi Chu, 1952.

4. LM. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.

5. Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, nxb. Trường Thi, Sài Gòn, 1957, in lần thứ ba.

6. Cao Thụ Phan, HÌNH ÂM NGHĨA TỔNG HỢP ĐẠI TỰ ĐIỂN, Đài Loan, 1971.

7. GH Học Viện Piô X, NGỮ VỰNG THƯỜNG DÙNG TRONG THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC, bản đánh máy, Đà Lạt, không ghi năm xb.

8. Hoàng Văn Hành (chủ biên), Viện Ngôn Ngữ Học: TỪ ĐIỂN YẾU TỐ HÁN VIỆT THÔNG DỤNG, nxb KHXH, Hà Nội, 1991.

9. Lý Lạc Nghị, TÌM VỀ CỘI NGUỒN CHỮ HÁN, nxb. Thế Giới, Hà Nội, 1997.

10. Bộ GDĐT: Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. VHTT, Hà Nội, 1999.

11. Viện Ngôn Ngữ Học: Phan Văn Các (chủ biên), TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT, Tp. HCM, 2002.

12. La Trúc Phong (chủ biên), HÁN NGỮ ĐẠI TỪ ĐIỂN, Thượng Hải, Trung Quốc, 2003.

13. Châu Hà, QUỐC NGỮ HOẠT DỤNG TỪ ĐIỂN, Đài Loan, 2004.

14. Trần Phục Hoa (chủ biên), CỔ ĐẠI HÁN NGỮ TỪ ĐIỂN, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2005.


[1] LM. Vũ Kim Chính, SJ và ndg dịch từ Tự Điển Tín Lý Thần Học Anh Trung, Nxb. Quang Khải, Đài Loan.

[2]Olivier de La Brosse & ntg, Dictionnaire de la foi chrétienne, nxb Cerf, 1968. Người dịch khuyết danh.

[3]Bản dịch KT của Nhóm CGKPV.

[4]Bản dịch KT của ĐHY Trịnh Văn Căn và LM. Trần Đức Huân.

[5]Bản dịch KT của LM. Nguyễn Thế Thuấn và LM. An Sơn Vị.

[6]Bản dịch KT của ĐHY Trịnh Văn Căn và của Nhóm CGKPV trong Ep 5,23.

[7]Bản dịch KT của LM. Nguyễn Thế Thuấn trong Ep 5,23.

[8]Bản dịch KT của anh em Tin Lành trong www.biblegateway.com.

[9]Phật Học Từ Điển (tập I, Đoàn Trung Còn, 1963).

[10]Phật Học từ điển (tập I, Đoàn Trung Còn, 1963): Ba-la-mật (Paramita): Đại hạnh của Bồ Tát là có thể làm cho trót các hạnh để giáo hóa người, qua đến mé bên kia: Bỉ ngạn, niết bàn, lại nhơn cái đại hạnh ấy, độ hết các pháp rộng xa, nên kêu là độ vô cực.

Ba la mật của Bồ Tát hiệp lại là sáu nền đại hạnh.

Một vị Bồ Tát có khi cả muôn kiếp làm một nền đại hạnh cũng chưa thấy tròn. Rồi cả muôn kiếp mới làm xong một nền hạnh khác. Lần lượt như vậy cho đến hành xong, sáu Ba la mật thì thành Phật. Đó là Lục Ba la mật hay Lục độ. Ba la mật lại là bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của chư Phật, chư Bồ Tát. Bốn đức này thi hành cho dũng mãnh thì đưa nhà học đạo Đại Thừa đến bờ bên kia, tức là Niết Bàn của bực Phật. (Xem: Tứ đức Ba la mật).

[11]Chữ cứu 究ở đây không phải là cứu giúp, mà có nghĩa “xét cho cùng”, từ cứu cánh 究竟có nghĩa là tình hình cuối cùng.

[12]Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (http://vi.wikipedia.org) và theo chú thích [381] trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSK Bản Kỷ Toàn Thư, Quyển II: Kỷ Nhà Lý), Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… soạn thảo (1272 – 1697). Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 – 1992). Nxb. Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993).

[13]sécourir = cứu giúp, giúp đỡ, cứu trợ, cứu vớt.

[14]aider = cứu giúp, giúp đỡ, cứu trợ, đỡ đần, viện trợ, phò trợ.

[15]racheter = mua lại, mua lần nữa; mua lại của ai; chuộc lại; bù lại.

[16]Nguyễn Thái Hợp, O.P.: “Đức Giêsu Kitô và các con đường cứu độ khác”.

[17]Dictionnaire de la Foi catholique (P. Oury), tr. 202: http://www.htth.org/so35/351_cong_cuoc_cuu_do.htm_ftnref2).

[18]xem The New Bible Dictionary và http://en.wikipedia.org/wiki/Salvation, http://www.brainyencyclopedia.com/encyclopedia/s/sa/salvation.html

[19]Cao Phương Kỷ, Thiên Chúa Giáo và tam giáo, Đường Thi xb, Chương IV, tr.131-176.

[20]Redemptio do động từ redimere, nghĩa là mua lại, chuộc về.

[21]Từ điển Công giáo phổ thông, khuyết danh, dịch từ Pocket Catholic Dictionary của John A Hardon, SJ., Image Books, New York, 1985.

[22]Điển Ngữ Thần Học Thánh kinh.

[23]Kinh thánh, Bản dịch của NPVCGK.

[24]xem Phan Tân và Trần Văn Minh trong bài: Góp ý về quyển “Nghi thức Thánh Lễ 2005” trên www.chuacuuthe.com/ucan/hai29_01.html.

[25] xem Thanh Quang Trường trong bài: Bàn về quyển “Nghi thức Thánh Lễ 2005” chúng ta nên làm gì? trên vietcatholic.net/News/Html/40910.htm.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]