Hạnh Phúc – Chương 3: Tình Yêu

 

VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH YÊU

Để nguỵ trang cho những lý do thực sự của lòng vị kỷ, cái tôi thường viện dẫn ra một phương cách đặc biệt nào đó. Nó có thể làm bộ như lo lắng cho việc an sinh của kẻ khác song thực sự nó đang tìm kiếm lạc thú cho riêng mình.

Có vài người thường thích khoác lác là mình bao dung nhưng thực sự chẳng qua họ bị cái tôi vị kỷ sai khiến. Họ muốn đừng ai rớ đến những gì họ đang nghĩ dù có sai trái mấy đi nữa, vì thế họ bênh vực cho lòng bao dung đối với tư tưởng của kẻ khác. Tuy nhiên bao dung kiểu đó rất là nguy hiểm bởi vì ngay khi cái tôi bị quấy rầy hay đe doạ thì người ta sẽ trở thành bất nhẫn ngay lập tức. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao một nền văn minh khoan dung với các ý tưởng xấu mà cứ tưởng là bác ái với tha nhân, thì chắc hẳn không bao lâu sẽ khơi mào cho những cuộc bắt bớ tàn nhẫn.

Kẻ vị kỷ luôn luôn cảm thấy cái tôi của mình thiếu một thứ gì đó. Hành vi chính yếu của hắn là luôn luôn phải lôi kéo về cho mình một cái gì đó, tương tự như cái họng lúc nào cũng muốn tọng thức ăn vào. Chẳng hề muốn cho ra, chẳng hề thích phục vụ, và chẳng bao giờ chấp nhận một hy sinh nào, bởi vì theo hắn hy sinh có nghĩa làm giảm đi chính mình.

Ngược lại, tình yêu đích thực luôn cảm thấy nhu cầu cho đi mãnh liệt thôi thúc mình hơn nhu cầu nhận lãnh. Khi tình yêu này khởi đầu, người ta luôn cảm thấy không bao giờ mình có thể cho đi cho đủ. Và dù tặng phẩm có quí giá ngần nào, nó vẫn xem ra chưa sánh được với lòng muốn cho thêm. Giá cả thì sá gì, bởi vì chúng ta nào muốn nhìn nhận một tỷ lệ tương xứng giữa quà tặng và nhu cầu trao ban. Thảm kịch sẽ xảy ra khi tình yêu bắt đầu tàn lụi, bởi vì lúc đó người ta sẽ không còn muốn cho ngay cả cái họ có sẵn. Lúc này không còn là vấn đề không thể cho người kia cho đủ nữa, mà đúng hơn là chẳng cho người kia cái gì ráo.

Trong tình yêu đích thực thì luôn bao hàm sự xót thương và sự cần thiết. Xót thương ở đây có nghĩa là người ta cảm thấy nhu cầu trải rộng và trao ban triệt để; còn cần thiết ở đây có nghĩa là bởi vì tình yêu hàm chứa một khoảng trống mà con người muốn thấy được lấp đầy. Tình yêu đích thực sẽ đón nhận mà chẳng bao giờ giải thích những gì được trao ban, chẳng bao giờ tìm kiếm một động lực nào khác ngoài chính tình yêu. Kẻ nào còn hỏi “tại sao” lại cho đi một vật gì đó thì chứng tỏ kẻ ấy chưa tin tưởng.

Một trong những bi kịch của thời đại chúng ta là người ta thường chỉ nghĩ rằng tự do là thoát khỏi một điều gì đó thay vì lẽ ra phải nghĩ rằng tự do là để phục vụ cho tình yêu. Kẻ nào yêu mến tất cả mọi người thì mới đúng là kẻ tự do, còn kẻ nào nuôi lòng căm giận thì thực sự đã nô lệ hoá chính mình. Kẻ căm ghét thì lệ thuộc cái mà hắn ta không thể yêu nổi và do đó, hắn ta chẳng thể có tự do. Thù ghét anh láng giềng là một hình thức hạn chế tự do của mình, bởi vì mình buộc phải đi vòng thêm một khu phố để tránh gặp mặt anh láng giềng đó, hoặc phải chờ cho anh ta ra khỏi nhà rồi mình mới rời khỏi nhà mình được.

Chính tình yêu và dục vọng của chúng ta qui định nỗi đau khổ của chúng ta. Chẳng hạn nếu chúng ta cực kỳ yêu thích lạc thú của thân xác thì niềm đau lớn nhất của chúng ta là mất sức khoẻ, nếu chúng ta cực kỳ ham mê của cải thì nỗi âu sầu lớn nhất của chúng ta là sự bất an toàn, còn nếu chúng ta cực kỳ yêu mến Chúa thì nỗi sợ lớn nhất của chúng ta chính là tội lỗi.

Mầu nhiệm vĩ đại không phải là ở chỗ tại sao chúng ta yêu, mà là tại sao chúng ta lại được yêu. Tại sao chúng ta yêu thì dễ hiểu thôi, bởi vì chúng ta khiếm khuyết và luôn bất mãn vì tình trạng chưa tốt đẹp của mình. Còn tại sao lại có kẻ nào đó yêu chúng ta thì mới là mầu nhiệm, bởi vì khi nhìn vào cái bản thể thực sự của mình, chúng ta biết được chúng ta rất ít đáng yêu. Tuy nhiên vấn đề các loài thụ tạo khác yêu mến chúng ta dầu sao cũng chưa phải là một mầu nhiệm quá lớn lao vì họ cũng bất toàn như chúng ta. Còn riêng đối với tình yêu Chúa dành cho chúng ta thì quả thật chúng ta sẽ không bao giờ hiểu nổi. Khi một linh hồn mới trở về với tình yêu mến Chúa thì thể nào cũng xốn xang trong lòng vì đã lỡ đánh mất quá nhiều thời gian. Như thánh Augustinô từng nói: “Ôi Thiên Chúa mỹ lệ tự ngàn xưa, con yêu Ngài quá trễ đi thôi”. Tuy nhiên, nỗi ân hận này được đền bù khi linh hồn ấy biết được rằng kế hoạch của Chúa luôn luôn là muốn cho chúng ta cuối cùng rồi cũng sẽ tìm đến nhận biết Ngài.

Chúng ta yêu thích được thấy kẻ khác lý tưởng hoá chúng ta trong tâm trí họ. Đó là một trong những niềm hoan lạc thú vị của tình yêu. Chúng ta trở thành tươi mát, ngây thơ, can đảm, mạnh mẽ trong tâm trí người mình yêu. Tình yêu khoả lấp đi sự hư hoại của linh hồn. Nụ xuân mới làm ta quên đi mùa đông ảm đạm. Không bao lâu, kẻ đang yêu sẽ thay thế những gì hiện đang có trong trí mình bằng những gì hiện đang nằm trong tâm trí người kia. Đây chính là điều mà trong tình yêu thương xảy ra sự lý tưởng hoá khiến người ta rất hài lòng. Đó là lý do tại sao tình yêu làm cho người ta nên tốt đẹp hơn. Khi kẻ kia nghĩ tốt về chúng ta thì thường là chúng ta sẽ cố gắng làm sao cho xứng đáng với ý nghĩ ấy. Những kẻ khác nghĩ rằng chúng ta tốt thì đó quả là nguồn khích lệ to tát giúp chúng ta trở nên tốt. Đó cũng là lý do tại sao mà một trong những nguyên tắc nền tảng của cuộc sống là phải nghĩ tốt cho kẻ khác, làm như thế chúng ta sẽ giúp họ trở nên tốt.

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment