Hạnh Phúc – Chương 3: Tình Yêu

BA NGUYÊN NHÂN TẠO NÊN TÌNH YÊU

Mọi tình yêu đều dựa trên ba chân, nghĩa là mọi tình yêu đều dựa trên ba nền tảng là sự thiện, sự hiểu biết và sự tương đồng.

Trước hết hãy xét đến sự thiện: một người có thể bị lầm lẫn trong việc lựa chọn điều mà xem ra là tốt đối với anh ta, tuy nhiên anh ta sẽ chẳng bao giờ có thể ước ao bất cứ điều gì trừ phi anh ta tin vào tính cách tốt lành nội tại của điều ấy. Gã con hoang cũng đang gắng tìm sự thiện đối với hắn đấy chứ, nghĩa là hắn đang tìm một điều gì đó để thoả mãn cơn đói của hắn – khi hắn cố gắng tọng vỏ trấu vô họng, có điều hắn chỉ sai lầm trong phán đoán của mình khi nghĩ rằng vỏ trấu là thức ăn thích hợp đối với một con người. Tất cả chúng ta cũng đều ở trong tình cảnh khó xử giống như hắn ta. Chúng ta luôn luôn gắng lấp đầy cuộc sống mình, tâm trí mình, xác thân mình, nhà cửa mình bằng những “điều thiện” và chúng ta sẽ chẳng chấp nhận điều gì nếu nó không ẩn chứa một cái gì tốt trong đó. Tuy nhiên sự đánh giá của chúng ta không phải lúc nào cũng chính xác, chúng ta có thể lầm lẫn giữa cái bề ngoài và cái tốt thực sự, và điều đó đã làm hại chính chúng ta.

Nếu không nhắm đến sự thiện thì cũng sẽ chẳng có tình yêu dù là yêu tổ quốc, yêu khoái lạc, yêu bè bạn hay yêu tình nhân. Qua yêu thương, mỗi con tim cố gắng tạo cho mình một sự hoàn hảo mà nó thiếu, hoặc cố gắng biểu lộ sự hoàn hảo mà nó đã có được. Mọi tình yêu phát sinh từ sự thiện, hướng về sự thiện thì tự bản chất nó thật đáng yêu đối với con người.

Sự thiện mà chúng ta yêu mến nơi kẻ khác không hẳn luôn luôn là sự thiện thuộc lãnh vực luân lý; nó có thể thuộc lãnh vực thể lý hoặc tiện ích. Trong những trường hợp như thế, cá nhân nào đó được chúng ta yêu có thể vì lạc thú người ấy mang lại cho chúng ta, hoặc người ấy hữu ích đối với chúng ta hoặc vì người ấy sinh lợi cho chúng ta và cũng có thể vì một lý do ích kỷ nào đó. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp như thế cũng vẫn có một điều tốt nào đó mà chúng ta kiếm tìm khi chúng ta yêu và nếu chẳng có điều gì xem ra tốt với chúng ta hết thì chắc chắn chúng ta đã chẳng thể nào quan tâm đến.

Tuy nhiên trong mọi tình yêu cũng đều hàm chứa sự hiểu biết: chúng ta không thể yêu những gì mà chúng ta chẳng biết (vô tri bất mộ). “Hãy giới thiệu tôi cho cô ấy” là câu nói mà một người đàn ông đang tìm cách làm quen với một phụ nữ thường nói khi anh ta biết rằng đây là điều kiện để anh ta có thể thực sự yêu cô nàng. Ngay cả “nàng tiên trong mộng” của một chàng độc thân nào đó cũng phải được chàng ta xây dựng nên từ những mảng tri thức anh ta có trong trí về cô nàng. Sự căm ghét đến từ thiếu hiểu biết như thế nào thì tình yêu cũng đến từ sự hiểu biết như vậy; bởi thế mà sự cố chấp liên quan đặc biệt với sự ngu dốt.

Trong những thời gian đầu, hiểu biết là điều kiện mang lại tình yêu; tuy nhiên một khi mối tương giao càng sâu đậm thì tình yêu càng làm tăng hiểu biết. Một cặp vợ chồng chung sống với nhau nhiều năm thì sẽ có được một loại hiểu biết mới mẻ về nhau, sâu sắc hơn bất cứ lời nói hay bất cứ sự phân tích động cơ nào có thể cung cấp được. Sự hiểu biết này (vào những tuần trăng mật không thể có được) dần dà đến từ yêu đương bằng hành động, giống như một loại trực giác nhờ đó mà ta hiểu được những gì ẩn chứa nơi tâm trí của người kia. Như thế chúng ta có thể yêu thương dù chưa biết nhiều về người đó. Chúng ta có thể để cho sự thành tín lấp đầy khiếm khuyết của trí năng chúng ta. Vì thế mà một người thành tín có thể yêu mến Chúa nhiều hơn một nhà thần học, và tình yêu này có thể giúp người ấy hiểu được sâu sắc những đường lối của Chúa đối với trái tim con người hơn bất cứ một nhà tâm lý nào khác.

Một trong những lý do khiến người đàng hoàng thường tránh bàn luận tầm thường về tính dục là vì trong một tương quan thân mật như thế, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai người không thể nào thông truyền cho người khác được. Cuộc trao đổi giữa hai người ấy quá nồng nàn đến nỗi không thể chia sẻ với kẻ bên ngoài; không thể dung tục hoá mối thâm tri thánh thiện ấy được. Có sự kiện tâm lý này là những người đã cảm nhận được kinh nghiệm về vấn đề tính dục trong tình yêu kết hiệp của hôn nhân thường rất ít muốn phô diễn sự huyền bí mà mình đã cảm nghiệm ấy ra trước ánh sáng cho đám đông bàn bạc. Chẳng phải là vì họ “mất ảo tưởng” về tính dục mà chẳng qua bởi vì giờ đây nghệ thuật yêu đương siêu vượt của họ đã biến đổi được hành vi tính dục đến nỗi những kẻ đứng bên ngoài không thể nào có thể hiểu được bản chất của kinh nghiệm chia sẻ đó.

Trái lại, những kẻ không thăng hoá được hành vi tính dục thành mầu nhiệm của tình yêu (những người này thường thấy thất vọng) lại là những kẻ khoái bàn bạc về tính dục. Những người vợ người chồng bất trung thường hay bàn bạc về những đề tài tính dục chứ các bậc làm cha làm mẹ sống hạnh phúc với nhau thì chẳng bao giờ muốn nhắc đến những câu chuyện ấy.

Khi sự hiểu biết giữa hai người đã chuyển biến thành tình yêu thì tâm hồn người ta cảm thấy tràn đầy đến nỗi chẳng cần một kẻ khác thêm thắt điều gì nữa cũng chẳng bao giờ cần phô bày mối thâm tình ấy ra cho ai cả. Kẻ nào mà bộc lộ những tương giao mật thiết ấy ra cho người khác nghe thì chứng tỏ tình yêu của kẻ ấy chưa cao vời đủ để đáng gọi là một mầu nhiệm: tình yêu đó vẫn còn nằm ở phạm vi những kẻ đi tìm tính dục mà thôi!

Điểm tựa thứ ba của tình yêu là sự tương đồng: tương đồng dẫn hai người đến tình yêu không nhất thiết là hai người ấy hoàn toàn giống y hệt nhau. Tương đồng ở đây chỉ muốn nói là điều mà người này đang có trong tiềm thể. Bởi vì tự bản chất tâm hồn con người là khiếm khuyết nên nó luôn ao ước sự hoàn thiện; và qua tình yêu chúng ta tìm cách bổ túc những khiếm khuyết của mình. Anh thanh niên chất phác sẽ mong cưới được một cô gái xinh đẹp bởi vì sắc đẹp tiềm tàng (cái mà anh ta không có nhưng hằng ao ước) lôi kéo anh ta tìm đến cái sắc đẹp vượt quá con người anh ta.

Nhờ vào đặc tính tương tự này mà ngay cả những gì tầm thường vô giá trị nhất trong tình yêu của chúng ta cũng được thăng hoa. Một phụ nữ đua tranh danh vọng thường say mê các bậc “anh hào” bởi vì các vị này đang có điều mà cô ta mong muốn nhưng chưa có. Xét về cấp độ cao hơn, các thánh thường yêu thương kẻ tội lỗi, không phải vì kẻ tội lỗi đã chia sẻ được các đặc tính đã được tâm hồn các thánh triển khai, mà chính vì một vị thánh có thể hiểu được cái nhân đức đang tiềm ẩn nơi kẻ tội lỗi. Đó là lý do tại sao Con của chính Thiên Chúa đã trở nên Con người: bởi vì Ngài yêu mến cái khả thể nơi con người hay nói theo lời thánh Augustinô “Ngài đã trở thành người ngõ hầu con người có thể trở thành Thiên Chúa”.

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment