Hạnh Phúc – Chương 2: Công Việc

NHỮNG KẺ NHÀN RỖI NGOÀI PHỐ CHỢ

Một nhà tâm lý học vĩ đại và xuất chúng nọ có lần đã nói thảm kịch của con người ngày nay là họ không còn tin rằng mình có một linh hồn cần được cứu độ. Chúa chúng ta đã trả lời cho nhóm người ấy bằng một dụ ngôn thú vị về những người thợ làm vườn nho. Vào cuối ngày, chủ vườn nho đến nơi phố chợ và nói: “Tại sao các anh lại đứng đây suốt ngày chẳng làm gì cả” Trong một số vùng ở mạn Đông, tập tục này vẫn còn thịnh hành, người ta tụ nhau trước các giáo đường Hồi giáo hay những chỗ phố chợ tay cầm sẵn cuốc xẻng chờ được thuê mướn.

Câu chuyện này nói lên một bài học siêu nhiên và liên hệ đến những loại người rỗi rảnh khác nhau. Thêm vào những kẻ nhàn rỗi theo đúng nghĩa, có những kẻ cà lơ thất thơ chẳng biết làm gì. Nhiều người thì nhàn rỗi trong ý nghĩa là những kẻ tà lọt chăm chỉ cần cù nhưng lại quá mỏi mệt vì lao khổ đến nỗi chả làm được một việc gì gọi là có giá trị. Nhiều người khác nhàn rỗi vì cứ mãi do dự còn những kẻ khác thì vì thất vọng lo âu chẳng biết được mục đích của cuộc sống. Trước mắt người đời thì quả có ít người nhàn rỗi, nhưng trước cặp mắt từ trời cao nhìn xuống trái đất thì quả đây là chốn phố chợ thênh thang có ít người thực sự lao động. Đối với Chúa, mọi hoạt động như tìm kiếm của cải, dựng vợ gả chồng, mua bán, nghiên cứu sáng tác… đều là những phương tiện để đạt đến cùng đích tối thượng là sự cứu rỗi linh hồn. Mọi sự sử dụng năng lực con người để biến phương tiện thành cứu cánh, để cô lập cuộc sống khỏi mục đích cuộc sống đều là một sự nhàn rỗi gây mệt mỏi, một sự không thực tế đáng buồn.

Mặc dầu Chúa chúng ta đưa ra cái định nghĩa mới mẻ và gai góc này về sự nhàn rỗi, chúng ta vẫn còn nhiều hy vọng khi đọc câu chuyện trên bởi vì một số người vẫn được thuê mướn vào giờ thứ mười một và họ lại nhận được đầy đủ như những kẻ đã lao động suốt cả ngày dài. Đối với ân sủng Chúa thì chẳng bao giờ là quá trễ. Có một sự kiện tâm lý đặc biệt là những kẻ quay về Chúa muộn màng trong cuộc sống thường xem tất cả quãng đời trước kia của họ là phí phạm. Thánh Augustinô khi hồi tưởng lại tuổi trẻ phí phạm của mình đã thốt lên: “Ôi, Vẻ Đẹp ngàn xưa, con đã yêu Ngài trễ quá rồi!” Không hề có những trường hợp đến mức không còn hy vọng được nữa, không cuộc sống nào tiêu tan đi đến mức không thể bù đắp được, không sự nhàn rỗi lâu dài nào trở được vài giây phút làm việc hữu ích trong vườn nho của Chúa ngay cả những giây phút cuối đời như trường hợp tên trộm lành.

Vào lúc cuối ngày, khi Chúa ban cho mọi người cùng tiền lương như nhau thì những kẻ dầm nắng suốt ngày phàn nàn tại sao những kẻ vào làm giờ thứ mười một cũng được được lãnh nhiều như thế. Chúa chúng ta liền vặn lại: “Tại sao ánh mắt các ngươi lại nhìn thấy điều xấu xa chỉ vì ta làm điều tốt?” Ý tưởng về phần thưởng không hề có trong việc phụng sự ở trên trời. Những người sống tử tế suốt 40 năm để rồi phản đối ơn cứu độ của những kẻ mới đến sau cùng là những kẻ có tinh thần thuê mướn. Mọi hành vi đích thực của một con người sống siêu nhiên đều phát xuất từ tình yêu chứ không phải lòng ước muốn được thưởng. Không thể nào nói chuyện phần thưởng cho một tình yêu đích thực trong một cuộc hôn nhân mà lại không lăng nhục đôi vợ chồng ấy. Người ta không thể đền bù cho xứng hợp cái tình thương khiến đứa bé ôm quàng cổ mẹ hay khiến mẹ nó thức đêm canh đứa con bị bệnh. Người ta cũng không thể trao phần thưởng nào cho xứng hợp với hành vi anh hùng của một người liều mạng để cứu kẻ khác. Xét theo cách thức này thì những kẻ thực hành sự đạo đức và tôn giáo mỗi ngày cũng thấm đầy nét duyên dáng, hấp dẫn và vinh quang của lòng nhiệt tình quên mình hệt như bất cứ hành vi anh hùng nào đã nêu.

Sự nhàn rỗi thể lý làm hư hại tâm trí, sự nhàn rỗi thiêng liêng làm hư hại trái tim. Hành vi liên kết giữa không khí và nước có thể biến một thanh sắt thành rỉ sét. Vì thế vào mỗi giờ nơi phố chợ, người ta đều phải tự vấn mình: “Tại sao tôi lại đứng nhàn nhã ở đây?”

Trang 1 – CÔNG VIỆC

Trang 2 – NGHỈ NGƠI

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment