Hạnh Phúc – Chương 1

TRỞ VỀ VỚI HƯ KHÔNG

Chúa đã tạo dựng chúng ta từ hư không… và thật là tuyệt nếu thỉnh thoảng chúng ta nhớ lại sự kiện ấy. Vì được Chúa tạo ra nên chúng ta thật quí báu nhưng bởi vì chúng ta đến từ cõi hoàn toàn hư không nên không bao giờ chúng ta có thể khoe khoang về sự tự đủ của mình. Và bởi vì đến từ Chúa nên chúng ta luôn mang khát vọng khôn nguôi được trở về kết hiệp với sự sống, chân lý và tình yêu nơi Ngài. Tuy nhiên vì chúng ta cũng là con cái của hư không, nên chúng ta cũng lệ thuộc vào Chúa như những tia nắng lệ thuộc vào mặt trời.

Khi nhìn thấy Chúa lần đầu tiên, ý thức về sự hư không này đã khiến Gioan Tẩy Giả thốt lên: “Tôi phải nhỏ xuống còn Ngài phải lớn lên”. Điều này không thể gán cho Gioan là khiêm tốn giả tạo cũng như không được giả định thiếu thực tế rằng hành vi của ông là vô giá trị. Đây chỉ đơn giản như sự thừa nhận là bất cứ ngôi sao chói lọi nào cũng phải mất đi nét rực rỡ của mình khi so với vinh quang đang lên của mặt trời. Gioan tự hạ mình trước mặt Chúa, chúng ta cũng nên làm giống như thế bằng cách thỉnh thoảng nhắc nhớ rằng chúng ta từ hư không mà đến. Chúng ta có thể làm điều này bằng việc thực tập đức khiêm tốn… và nhờ hành động như thế, chúng ta lại được tái tạo. Về mặt tâm lý học, chúng ta trở về với vòm hư không tức bụng mẹ bằng cách giải thoát mình khỏi tất cả những gì không phải là Thiên Chúa và như thế chúng ta trở về với con số không trần trụi mà từ đó Chúa kéo chúng ta ra.

Khi nhìn thẳng vào các sự kiện đích thực trong cuộc hiện sinh của mình, chúng ta hẳn phải thấy rằng Chúa là tất cả và không gì chúng ta có được mà lại không đến từ Ngài. Lúc đó chúng ta sẽ nhận thức được rằng Chúa nắm giữ hiện hữu của chúng ta từng giây từng phút. Chúng ta sẽ bắt đầu ý thức được rằng không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì cả. Thiên Chúa Cứu Độ của chúng ta đã nhắc các môn đệ về sự hư không của họ khi Ngài mô tả thái độ thích hợp của các Kitô hữu nơi một bàn tiệc: họ đừng nên xông ngay tới đầu bàn, liệt mình vào hàng khách quan trọng, họ nên xử sự như thể mình chẳng là gì chứ đừng cố làm ra vẻ ta đây. Sau đó ít lâu, trong khi thi hành sứ vụ Ngài đã trở lại đề tài này và ca ngợi người thu thuế nọ là người đã ẩn mình cuối đền thờ nhìn nhận sự hư không của mình khác với tên biệt phái tự xông mình ra phía trước. Chúa đưa ra lời phán quyết của nước trời: “Hễ ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên”. Tuy nhiên, bảo chúng ta phải khiêm tốn không có nghĩa là bảo chúng ta phải sống suốt cuộc đời trong tâm thức “tự ti mặc cảm”. Chúng ta không được tìm kiếm thung lũng nhục nhằn chỉ để mà co rúm lại ở đó trong bóng tối, mà đúng hơn là để từ thung lũng ấy, chúng ta có thể nhìn thấy núi Chúa và tìm được sự tán dương của chúng ta ở đó. Hướng đi lên từ ý thức về sự bé nhỏ của bản ngã mình đến niềm vui mừng vì sự cao cả của Chúa đã được diễn tả tuyệt vời trong những lời của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu: “Ngài đã đoái thương phận hèn tớ nữ Ngài”. Việc Đức Maria nhận biết sự hư không của mình so với Chúa đã khiến Mẹ tự đánh giá mình thấp hèn hơn mọi người, nhờ thế Mẹ càng được tôn vinh cao cả hơn.

Chúng ta càng chỉ nghĩ đến mình thì chúng ta càng ít nghĩ đến Chúa; mọi kẻ ích kỷ đều chống đối tôn giáo. Điều kiện thiêng liêng để được trông thấy Chúa là chúng ta không được để cho cái bản ngã của mình bị mù loà vì quá kiêu ngạo và kênh kiệu. Chúng ta không được thần thánh hoá cái bản ngã của mình. Chỉ cái gì trống rỗng mới được lấp đầy, chỉ tiêu trừ lòng ích kỷ mới mong được thần thánh hoá. Nước trong không thể nào thêm vào chiếc tách đã đầy bùn; và chỉ tâm hồn khiêm tốn, siêu thoát mới có thể được tràn đầy nước Hằng Sống. Thông thường khi sinh thời chúng ta hay nhét đầy bùn và đá sỏi của lòng vị kỷ vào chiếc tách của chúng ta. Đám bùn này, tức lòng kiêu ngạo giả dối, sự trọng vọng cái ngã quá đáng không đếm xỉa đến Chúa, sẽ làm cho cuộc sống phức tạp và ngăn cản không cho linh hồn kết hiệp với Đấng mà nó đã được tạo dựng nên vì Ngài. Tựa như sương mù ngăn cản ánh mặt trời chiếu dọi vào trái đất thế nào thì bản ngã cũng bị cắt lìa khỏi Chúa như thế nếu nó phủ nhận bản chất hư không của mình. Và như mặt trời vào đúng thời điểm sẽ làm tan sương mù bằng sức nóng của mình thế nào thì có lẽ Chúa cũng sẽ đốt cháy đi niềm kiêu ngạo của chúng ta để đạt đến linh hồn chúng ta y như thế.

Chính Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường khiêm tốn. Ngài đã xuống tận hư không khi tự hạ mình chết nhục nhã sau khi chịu đóng đinh thập tự để rồi trỗi dậy trong vinh quang của mình nhờ vào sức mạnh Thần Linh khôn lường kéo lên. Đối với chúng ta cũng thế, con đường duy nhất đến với Chúa là phải tự tạo thường xây dựng trên bản ngã riêng mình và… thường được kể như một kiến trúc sư tồi. Còn những người được Chúa tạo thì khinh thường bản ngã của mình đến mức không dám dùng nó làm rui nhà hay đá góc và người ấy để cho Chúa tự ý thiết lập nên toà nhà của đời họ.

Họ có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi được như hiện nay là nhờ ơn Chúa”, và rồi tự cảm thấy hạnh phúc trong sự khiêm tốn thẳng thắn của mình.

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment