Hạnh Phúc – Chương 1

CÁI TÔI VÀ LỀ LUẬT LUÂN LÝ

Các nhà tâm lý học vĩ đại của mọi thời đều đồng thanh công nhận rằng cội nguồn mọi nỗi bất hạnh là lòng vị kỷ hay còn gọi là lòng ích kỷ. Ích kỷ là từ chối không chịu tuân theo hai giới răn mến Chúa yêu người, đồng thời xác định cái tôi là tiêu chuẩn mọi chân lý và luân lý.

Những kẻ sống đóng kín trong cái ngã của mình thường trải qua ba giai đoạn tâm trí như sau: thứ nhất là giai đoạn tự buông thả. Một khi cái ngã đã tự cho là tuyệt đối thì lúc đó mọi kẻ khác, mọi sự cố sự vật khác đều trở thành một phương tiện để thoả mãn cho nó. Lúc người ta còn trẻ, cái ngã ấy chỉ ước muốn thoả mãn nhục dục riêng mình, chẳng để ý gì đến các nhân cách khác, ở tuổi trung niên, cái ngã ấy khao khát quyền lực và khi con người về già, cái ngã ấy thường biến thành tính biển lận và lòng yêu thích được “an toàn”. Kẻ nào phủ nhận linh hồn bất tử thì hầu như luôn luôn thay thế vào đó sự bất tử của những phương tiện giúp tồn sinh. Ham khoái lạc mà tách lìa Chúa thì rốt cuộc luôn luôn sẽ buông mình theo nhục cảm.

Nhưng bởi vì không thể lúc nào cũng sống theo lối tự buông thả được bởi vì không những người sống buông thả xung đột với những cá thể sống buông thả khác mà còn bởi vì hưởng hoài thì khoái lạc dần dà sẽ giảm sút, nên cuối cùng cái ngã bị rơi xuống trạng thái tâm trí thứ hai là sợ hãi. Sợ hãi chính là lòng tự yêu mình bị thoái hoá. Kẻ nào chỉ biết sống hướng ngoại, chỉ luôn tìm kiếm lạc thú hoàn toàn ngoài bản ngã, thì hầu như thường rơi vào nỗi sợ mất mát bởi vì kẻ ấy đã đặt niềm tin vào những vật ít lệ thuộc vào sự kiểm soát của ý chí mình. Một người càng dựa vào chiếc gậy thuộc về một tay ích kỷ khác thì càng dễ có thể bị ngã té! Sự thất vọng là số phần của những kẻ sống hoàn toàn dựa vào giác quan! Mọi kẻ bi quan đều là những kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc nhưng bị thất bại!

Thất vọng, thừa mứa, chán chường sản sinh ra nỗi sợ. Ích kỷ càng to sợ hãi càng lớn; cá nhân nào càng ích kỷ thì nỗi sợ hãi của hắn càng thê lương. Toàn bộ môi trường chung quanh trở nên đen nghịt kẻ thù: “Mọi người đều chống lại tôi”. Một số người sợ tuổi già, số khác sợ chết, số khác nữa sợ sự tự sát, cho đến khi cuối cùng là nỗi tuyệt vọng ngự trị, cái ngã bị trả về cội nguồn của nó để rồi phải chấp nhận mình chỉ là hư không.

Trạng thái thứ ba là sự ngu dốt. Bởi vì sự ích kỷ cắt đứt mọi liên lạc với Chúa và tha nhân nên đồng thời nó cũng cắt đứt tri thức về cả hai nguồn này, chỉ còn để lại tri thức về nỗi khốn khổ của riêng nó. Cái tôi dần dà trở nên mất ý thức về định mệnh và mục đích sống của mình. Nó có thể thu thập các sự kiện nhưng không thể kết hợp chúng lại với nhau. Tri thức của nó trở nên giống như các giáo trình trong một trường đại học hiện đại, các giáo trình này được thu thập để kiếm một tín chỉ nhưng lại chẳng hề mang lại một triết lý về cuộc sống. Sự ngu dốt càng gia tăng khi một người biết được nhiều điều nhưng lại không ăn khớp với nhau. Người khôn ngoan thì chỉ biết mỗi một điều đó là điều thiện và mọi điều khác đều được kết hiệp trong đó. Còn sự ngu dốt của kẻ ích kỷ khiến hắn chua chát và ngạo đời, thứ nhất là vì hắn không bao giờ có thể thôi ước muốn điều thiện mà Chúa đã trông cậy nơi linh hồn hắn, và thứ hai là vì hắn biết rằng mình không còn năng lực để ước muốn điều ấy nữa.

Những hậu quả bi đát của lòng tự yêu mình không phải là không có thuốc chữa. Kể cũng khá kỳ lạ, Kitô giáo khởi đầu bằng giả định rằng có nhiều người sống ích kỷ. Lệnh Chúa truyền phải yêu mến Chúa và yêu tha nhân như mình hàm chứa giả định là mọi người đều yêu chính mình. Hai từ nho nhỏ chẳng hạn “như mình” cho thấy tất cả lòng tự yêu mình. Chúng cho thấy rõ ràng là con người tự yêu mình biết bao. Luôn luôn phải có điều gì đó lộ cho thấy một người yêu thích chính mình hay điều gì đó cho thấy hắn không bằng lòng chính mình. Chẳng hạn hắn tỏ ra ham sống, khi hắn ngồi ghế xích đu mặc quần áo xịn, trau chuốt xác thân.v.v… Hắn không bằng lòng với mình khi lỡ làm điều rồ dại hoặc lỡ lăng mạ một người bạn. Nói cách khác khi thấy mình giống như tạo vật được dựng theo hình ảnh của Chúa thì hắn cảm thấy yêu mình, còn hắn sẽ không cảm thấy yêu mình khi hắn lỡ làm nhơ bẩn hình tượng ấy. Vì lẽ đó, ta phải yêu tha nhân như yêu một nhân vị dù cả khi đó là một kẻ tội lỗi vì tội nhân dầu sao cũng là một nhân vị. Tuy nhiên không được yêu tội lỗi của hắn vì tội lỗi làm mờ đi chân dung của Chúa. Nói cụ thể hơn, người ta phải yêu những người Cộng sản dù không ưa chế độ Cộng sản.

Chỉ có một lối trốn thoát khỏi lề luật này đó là tranh luận xem ai là “kẻ thân cận” giống người luật sĩ nọ từng làm. Chúa chúng ta đã trả lời rằng “kẻ thân cận” không nhất thiết phải là người sống gần cửa nhà chúng ta. Có thể đó là kẻ mà chúng ta từng xem như kẻ thù. Tuy nhiên, Chúa đã không loại trừ khả năng kẻ thù ấy vẫn có thể sống gần cửa nhà chúng ta đấy!

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment