Hạnh Phúc – Chương 1

PHẢI CHĂNG CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI CÒN LÂU MỚI ĐƯỢC BÌNH AN?

Không ai thực sự là bất hạnh nếu như hiểu được hạnh phúc là gì. Cuộc sống chỉ trở thành không thể chịu đựng nổi đối với những kẻ chẳng biết lý do tại sao họ lại sống. Trong trạng thái tâm hồn như thế người ta thường đồng hoá hạnh phúc với khoái lạc (lẽ ra đó là một vấn đề khác hẳn) và đồng hoá niềm vui với sự rung động của các mấu dây thần kinh (cũng là điều khác hẳn). Thế nhưng sự vật bên ngoài chúng ta lại chẳng bao giờ mang lại cho chúng ta bình an nội tâm. Càng cố tìm thoả mãn và nhắm mắt đạt đến một điều gì ngoài tầm kiểm soát của mình, người ta càng cảm thấy điều đó bấp bênh và càng dễ rơi vào thất vọng.

Có hai hành trình dẫn đến hạnh phúc. Thứ nhất là rút lui khỏi thế giới bên ngoài… khỏi sự quá đắm chìm vào những sự vật trần thế. Hành trình thứ hai sâu sắc hơn nhiều đó là thăng hoa những gì thấp kém trong chúng ta từ sự bo bo giữ cho chính mình trở thành sự hiến dâng cho Chúa. Con người hiện đại đã từng cảm nghiệm được hành trình thứ nhất, các sự vật bên ngoài từng trở nên bao nguồn khổ sở cho hắn. Chiến tranh phiền muộn, bất an và trống rỗng của cuộc sống từng làm con người kinh hãi đến mức họ cố gắng cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và bắt đầu tìm kiếm sự thoả mãn nơi bản ngã giới hạn của họ. Điều đó khiến cho khoa phân tâm nở rộ: tâm hồn con người hiện đại, hoảng hốt với sự vật bên ngoài, vội chui vào vỏ ốc của mình và bắt đầu tìm thoả mãn trong việc phân tích tiềm thức, với các nỗi âu lo, sợ hãi, cũng như các trạng thái buồn bã và thất vọng của mình.

Nhưng như thế khác nào tự nhốt mình vào một nhà tù, bởi vì người ta đã tự cô lập mình với cái ngã riêng mình như thế. Không có sự giam hãm nào mãnh liệt hơn trên trần gian này cho bằng sự giam hãm do chính mình tự cô lập mình. Không bao giờ được dùng mũi dao phân tâm mổ sẻ cục ung luân lý nội tâm để nhìn nó xì ra, làm thế là gây tác hại trầm trọng cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc. Đúng hơn, muốn chữa trị, người ta cần phải khám phá ra cho được tại sao con người bị cô đơn, sợ lẻ loi – bởi vì hầu như người ta đều sợ ở một mình mà chẳng biết tại sao viễn tượng ấy làm họ sợ hãi.

Vấn đề của chúng ta hôm nay là tìm cho được an bình nội tâm, và đây là điểm mà thế kỷ 20 được đánh dấu là tách biệt với thế kỷ 19. Một trăm năm trước đây con người nhìn vào thế giới bên ngoài để tìm câu trả lời cho những vấn đề của họ: họ tôn thờ khoa học hoặc thiên nhiên, hy vọng hạnh phúc sẽ đến nhờ vào tiến bộ về mặt chính trị hoặc lợi nhuận. Con người của thế kỷ 20 âu lo về chính mình: họ còn quan tâm về vấn đề tính dục hơn là đam mê chính tính dục – họ chú trọng đến thái độ tinh thần cần có đối với tính dục hơn là sự thoả mãn thể lý cũng như sự sinh con đẻ cái. Giá trị, tâm thức, cũng như thái độ của họ chiếm hết toàn bộ ưu tư của họ.

Dù có khá nhiều điều phi lý được viết ra về cuộc sống nội tâm của con người thời đại chúng ta, tuy nhiên thế kỷ 20 thực sự gần gũi Thiên Chúa hơn thế kỷ 19. Chúng ta đang sống vào ngày áp của một trong những cuộc canh tân tinh thần vĩ đại của lịch sử nhân loại. Đôi khi các tâm hồn lại gần gũi Chúa hơn bao giờ hết ngay cả khi mà họ cảm thấy xa cách Ngài nhất trong cơn tuyệt vọng. Bởi vì đối với một tâm hồn trống rỗng, Thiên Chúa có thể lấp đầy; một tâm hồn âu lo, Đấng Vô Biên có thể mang lại bình an. Còn một tâm hồn vị kỷ, kiêu ngạo thì không thể nào đến được với ÂN SỦNG.

Con người hiện đại đã bị bẽ bàng: những kỳ vọng đầy kiêu hãnh về sự tiến bộ cũng như về khoa học không thành tựu như họ từng hy vọng. Tuy nhiên họ vẫn chưa biết tự khiêm. Họ vẫn đóng khuôn giam mình trong bản ngã nên có thể chẳng thấy điều gì khác nữa. Các nhà phân tâm có thể được phép đào bới những tư tưởng của mình thêm vài năm nữa, nhưng rồi không bao lâu con người hiện đại sẽ phải thốt ra lời kêu gọi cuống cuồng xin Chúa nâng họ lên khỏi bồn nước trống rỗng của bản ngã. Thánh Augustinô biết rõ điều ấy. ngài nói: “Tâm hồn chúng con sẽ còn xao xuyến mãi cho đến khi nào được yên nghỉ trong CHÚA”.

Đó là lý do tại sao – dù cho chiến tranh thảm khốc đe doạ chúng ta – thời gian hiện tại vẫn không được xem là quá tồi tệ. Con người hiện đại tuy chưa trở về với Chúa, nhưng ít là đã trở về với chính mình. Sau này con người sẽ vượt qua và sẽ thăng hoa chính mình nhờ vào ân sủng của Chúa mà hiện con người đang tìm kiếm. Chẳng ai lại đi tìm kiếm cái gì mà mình biết là không hiện hữu; ngày hôm nay tâm hồn thất vọng đang tìm kiếm Chúa với niềm hồi tưởng về một danh xưng mà họ đã từng biết.

Khác biệt giữa những kẻ đã gặp được Chúa trong đức tin và những kẻ đang tìm kiếm Ngài có thể sánh với sự khác biệt giữa một người vợ đang hạnh phúc được bầu bạn với chồng mình và một thiếu nữ đang thao thức không hiểu mình sẽ kiếm được một người chồng không, hoặc có lẽ cô nàng đang cố gắng quyến rũ đàn ông bằng phương cách sai lạc. Những kẻ tìm kiếm lạc thú, danh vọng và của cải đều là đang tìm kiếm TUYỆT ĐỐI, tuy nhiên họ vẫn còn nằm bên ngoài kinh thành VĨNH CỬU. Những kẻ có đức tin đã đi vào nơi trú ngụ đích thực của mình trong lòng Đấng Vô Biên và đã tìm được “sự an bình mà thế gian không thể trao tặng được”. Giống như người ta có thể nhìn thấy một khuôn mặt từ đằng xa nhưng chưa nhận ra đó là người bạn bị thất lạc từ lâu, cũng thế người ta có thể ý thức được nhu cầu về Đấng Vô Biên và niềm ước muốn có được trạng thái ngây ngất bất tận của tình yêu dù vẫn chưa nhận biết đó chính là Thiên Chúa.

Dù cho một tâm hồn có xấu xa mấy đi nữa thì vẫn rõ ràng là không ai không ý thức được sự lệ thuộc và nô lệ của mình khi mình bị khuất phục trước những lạc thú bất chính. Có lẽ đó là lý do tại sao những người nghiện rượu thường là những kẻ nói dối: môi miệng họ từ chối sự nô lệ mà chính cuộc sống của họ rõ ràng đang chấp nhận. Những cá nhân ấy, dù không muốn chấp nhận chính mình đã sai lầm, vẫn từ chối không chịu xác tín về chân lý của Chúa, tuy nhiên sự buồn bã và trống rỗng của họ cuối cùng sẽ lôi họ đến với Thiên Chúa xót thương.

Thế giới bên ngoài của chúng ta hôm nay đang gặp những khó khăn trầm trọng, nhưng thế giới nội tâm con người vẫn chưa rơi vào tuyệt vọng. Thế giới chính trị và kinh tế ì ạch đi sau những phát triển tâm lý của chính con người. Thế giới xa cách Chúa nhưng trái tim con người không thế. Đó là lý do khiến cho sự bình an sẽ đến không phải nhờ vào những thay đổi chính trị cho bằng nơi chính con người; sau khi ẩn núp vào cõi tâm tư của mình xa lánh tiếng ồn ào bên ngoài, con người sẽ được nâng cao hơn chính nó để đến với nguồn hạnh phúc đã được định cho nó.

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment