Vai trò của Giáo Hội trong cuộc sống hòa giải của Kitô hữu

Cũng như Chúa Giêsu xưa kia kêu gọi mọi người ”hoán cải và tin vào Tin Mừng”, Giáo Hội cũng không lơ là trong nhiệm vụ mời gọi tín hữu sám hối.

Giáo Hội khiến hiện diện trở lại lời đề nghị ơn cứu rỗi và kêu mời hoán cải của các ngôn sứ thời cựu ước, và khi thời gian tới hồi viên mãn, trong các lời rao giảng của Ngôi Lời nhập thể làm người. Khi đến Athènes thánh Phaolô đã rao giảng trước hội đồng Aeropago rằng: ”Thiên Chúa đã nhắm mắt bỏ qua những thời gian người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối” (Cv 17,30). Đây là một đề nghị thiết thực, bao hàm các thực hiện cụ thể giúp nhập thể cái chết cho tội lỗi của chúng ta: hãm mình, ăn chay, cầu nguyện, sống bác ái, làm phúc bố thí, chia sẻ với những người nghèo nàn thiếu thốn vv… Tất cả phải được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, khiến cho đề nghị trở thành một cống hiến nhưng không: qùa tặng và việc chấp nhận quà tặng.

Giáo Hội kêu mời con cái mình sám hối qua lời giảng dậy. Sứ điệp hoán cải, lời mời gọi tố cáo và loan báo lòng thương xót, lời cứu độ mà Chúa Kitô đã diễn tả bằng lời nói và hành động, Giáo Hội không ngừng làm vang lên trở lại để trợ giúp các người tội lỗi.

Lời này của Chúa trong hình thức giáo hội vẫn còn được hướng tới chúng ta ngày nay trong cộng đoàn dân Chúa, cộng đoàn đức tin được quy tụ để tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa. Trong lòng cộng đoàn tín hữu lời này nhận được nhiều hình thái khác nhau. Nó không phải chỉ là lời được loan báo bởi việc rao giảng như trong thời Giáo Hội khai sinh (kerygma), hay bởi giáo lý giảng dậy bởi các Tông Đồ (didaskalia), hoặc lời khuyến dụ và mời gọi, nhưng cũng là một lời cầu nguyện, một lời thánh thi, hay lời chúc tụng Thiên Chúa, một công thức vinh danh, một lời tung hô, một lời chúc lành của vị linh mục vv… Các hình thái khác nhau này diễn tả các yếu tố phụng vụ cũng là các hình thái của lời duy nhất của Thiên Chúa. Và chúng ta tìm thấy chúng một cách đặc biêt trong phụng vụ lời Chúa của thánh lễ: trong các bài đọc kinh thánh, các bài giảng, các lời khẩn nài, các lời tung hô, các lời tuyên xưng đức tin. Tất cả các yếu tố cùng hợp nhau biểu lộ hai nhiệm vụ tông đồ của Giáo Hội: cầu nguyện và tin. Nhưng chúng ta không được nghĩ rằng việc loan báo lời Chúa kết thúc với phụng vụ lời Chúa: trong việc cử hành thánh thể chúng ta loan báo cái chết của Chúa (1 Cr 11,26). Vì thế việc tham dự tích cực vào buổi cử hành thánh thể là một trong các lời mời gọi thuận tiện và hữu hiệu nhất, mời tín hữu liên tục hoán cải trong cuộc sống kitô.

Như thế, lời giảng dạy của Giáo Hội bao trùm toàn cuộc sống tín hữu trong các cách thức khác nhau và mỗi một hình thức loan báo lời Chúa, một cách gián tiếp hay trực tiếp, đều bao gồm một lời mời gọi hoán cải, một thay đổi triệt để, toàn diện. Nhưng cuộc sống Giáo Hội cũng có những thời điểm mạnh mẽ và đặc ân dành cho việc rao giảng sứ điệp hoán cải. Giáo luật xác định một tiết nhịp theo tuần vào ngày thứ sáu, hay theo mùa, vào mùa vọng và mùa chay. Đó là các ngày và các mùa xác định, được lựa chọn giữa các ngày và các mùa gợi lại mầu nhiệm vượt qua một cách đặc biệt. Thứ sáu là ngày tưởng niệm cuộc khổ mạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Mùa vọng là thời gian chuẩn bị tinh thần tín hữu mừng biến cố Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh ra và bước vào trần gian sống thân phận làm người. Mùa chay là thời gian chuẩn bị tinh thần tín hữu cử hành Tuần Thánh tưởng niệm cuộc khổ nạn cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đặc biệt trong mùa chay, tín hữu được mời gọi hoán cải, ăn chay hãm mình đền tội, cầu nguyện, sống bác ái và làm phúc bố thí. Ngày xưa tín hữu cũng có thói quen ăn chay hãm mình cả trong mùa vọng nữa. Đây là ý nghĩa của thời gian ân phúc như thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô trong chương 6 thư thứ II gửi cho họ: ”Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyuên nhủ anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thỉ đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,1-2).

Nhưng nếu việc rao giảng cần thiết đối với việc vâng phục của đức tin, đối với lúc khởi đầu của sự hoán cải, thì bắt buộc phải có các thay đổi cụ thể để cho đức tin được thực sự và đích thực. Lương tâm giáo hội của việc hoán cải liên tục được diễn tả ra trong việc rao giảng kiên trì, và được biểu lộ ra trong việc thực hiện cụ thể các việc sám hối đền tội, và trong lời cầu nguyện phụng vụ.

Tuy nhiên, Giáo Hội không chỉ chú giải giáo huấn của Chúa một cách thuần túy lý thuyết, nhưng chú giải một cách cụ thể: toàn cuộc sống của Giáo Hội trở thành một lễ vượt qua liên lỉ, được ghi dấu bởi các cử chỉ cụ thể. Mặc dù nhấn mạnh trên sự không thể thiếu được của tính cách nội tâm và tôn giáo của việc hoán cải, Giáo Hội xác tín rằng việc trở về với Thiên Chúa không thể chỉ ở trên bình diện đơn sơ chuyển động nội tâm, mà phải nhập thể trong sự thay đổi cung cách sống, trong việc hãm mình, trong các cử chỉ công bằng và bác ái. Truyền thống giáo hội đã coi là luật của Thiên Chúa bổn phậm sám hối đền tội, bằng cách diển tả một cách trung thực những gì Chúa đã dạy dỗ bằng lời nói – nếu anh em không hoán cải, anh em tất cả sẽ chết (Lc 13,3-5) – và bằng việc làm, cầu nguyện và ăn chay trong sa mạc.

Trong viễn tượng đó Giáo Hội không chỉ hạn chế nơi việc gợi ý cho tín hữu biết khả thể biến cuộc sống thường ngày của chúng ta trở thành một lễ vượt qua liên tục, một cách đơn sơ thụ động, bằng cách thực hành nhân đức sám hối đền tội trong các bổn phận gắn liền với tình trạng sống của chúng ta, và bằng cách chịu đựng các nỗi buồn của cuộc sống. Trái lại, Giáo Hội còn mời gọi tất cả mọi tín hữu tuân giữ giới răn sám hối của Chúa, bằng cách thêm vào các bất tiện của cuộc sống và các bất ngờ không thấy trước được trong cuộc sống vài hành động tích cực nữa. Tuy vẫn để cho các tín hữu tự do lựa chọn các kiểu cách hãm mình, mỗi người tùy theo sở thích của mình, nhưng Giáo Hội nhấn mạnh ba kiểu sám hối đền tội: đó là cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.

Thứ nhất là cầu nguyện. Cầu nguyện là hoa trái đầu tiên của việc khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa và tội lỗi. Với lời cầu nguyện tín hữu được tình yêu kích thích nâng mình lên cao, và hướng tới chỗ kết hiệp với Chúa. Với lời cầu nguyện con người hiện thực tình yêu duy nhất đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân trong việc ăn chay và làm phúc, là những chiếc cánh khiến cho lời cầu nguyện bay lên tới tai của Đấng Tạo Hóa.

Thứ hai là ăn chay hãm mình. Ăn chay hãm mình phạt xác và khước từ của cải trần gian được coi như phương thế giúp chúng ta có khả năng hưởng nếm các của cải tinh thần thiêng liêng. Nó giúp lôi kéo con người ra khỏi các quyền lực của sự dữ để đặt nó dưới hoạt động của Thần Khí của Thiên Chúa. Trong nghĩa này sự hãm mình kitô không hề bao gồm việc lên án xác thịt, mà Con Thiên Chúa đã nhận lấy, khi nhập thể làm người. Đúng hơn, nó hướng tới chỗ giải thoát con người và làm sao để cho phẩm giá của điều kiện là người, đã bị thương tích bởi thiếu điều độ, được khỏi bởi ý chí sống thanh đạm, là một phương thuốc. Ăn chay chỉ là một phương tiện. Điều tốt lành và đẹp lòng Thiên Chúa không phải bởi bản chất của việc ăn chay, nhưng bởi các việc làm phúc đức khác. Và không phải trong mức độ, trong đó việc ăn chay có lý do là tình yêu đối với Thiên Chúa, được diễn tả ra trong lời cầu nguyện, mà nó có hiệu qủa là tình yêu đối với tha nhân, được diễn tả ra bằng các việc bác ái. Thánh Agostino khẳng định rằng: ”Phúc thay người ăn chay để nuôi người nghèo”, trong trường hợp trái lại ”ăn chay mà không thương xót thì không là gì cả” (Agostino, Sermo 25,7). Thánh Leô cũng nói: ”Ăn chay mà không làm phúc, thì làm khổ thân xác mà không thanh tẩy tâm hồn” (S. Leome, Sermo 15,2).

Liên quan tới việc làm phúc bố thí thánh Agostino coi đó như là qùa tặng và sự tha thứ, và có hiệu qủa là ơn tha thứ tội lỗi chúng ta: ”Lời Chúa liên quan tới tất cả những gì được chu toàn bởi một sự thương xót phục vụ: các ngươi hãy bố thí, và này đây tất cả đều sạch cho các ngươi” (Lc 11,41) Không phải chỉ có người cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, mà cả kẻ tha thứ cho người có tội cũng là làm phúc nữa… Có nhiều phẩm chất của việc làm phúc, mà khi chúng ta làm, tất cả chúng đều giúp chúng ta được tha thứ tội lỗi” (S. Agostino, Enchridion 19,72). Nhưng sự hữu hiệu của các việc làm phúc tùy thuộc một điều kiện: đó là chúng phải được làm theo tinh thần, mà Thiên Chúa đòi hỏi để đến với Chúa Kitô, chứ không phải để xa Người: ”bởi vì bạn cho Chúa Kitô nghèo khổ để được tha các tội của bạn. Bởi vì nếu bạn cho để được phép phạm tội mà không bị trừng phạt, thì không phải bạn nuôi Chúa Kitô bị đói, mà là tìm hối lộ cho một thẩm phán. Vì thế anh chị em hãy làm phúc để các lời cầu của anh chị em được khấng nhận và Thiên Chúa giúp anh chị em cải tiến cuộc sống của anh chị em” (S. Agostino, Sermo 39,4,6).

Cố gắng cá nhân trong việc sám hối đền tội này của kitô hữu như là chi thể của Giáo Hội, thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, được gắn liền với toàn cộng đoàn bởi một dây gắn bó thân tình, được trợ giúp và hoàn chỉnh bởi phong trào sám hối đền tội của toàn cộng đoàn giáo hội, ý thức được sự cần thiết của việc thanh tẩy. Giáo Hội không chỉ mời gọi con cái mình sám hối đền tội một cách cá nhân, nhưng cũng sám hối đền tội một cách tập thể trong các ngày xác định, để biểu lộ và thực hiện một cách cụ thể như là dân sám hối của Thiên Chúa, dân gánh lấy tội lỗi và đền bù tội lỗi của thế giới với Chúa mình, và liên tục hướng tới sự thánh thiện bằng cách hoán cải và thực thi bác ái. Theo truyền thống việc ăn chay là hình thức cử hành sám hối đền tội của cộng đoàn, và các ngày ăn chay nói chung được đi kèm bởi lời cầu nguyện và kết thúc với một buổi cử hành phụng tự của cộng đoàn.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1171)

Linh Tiến Khải

Nguồn: RV

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment