Truyền thống

Tin mừng tường thuật trong thời gian công khai đi rao giảng Chúa Giêsu không ít lần phớt lờ, đúng hơn là đã nhiều lần cố tình vi phạm truyền thống của người Do Thái. Truyền thống vốn là tốt nhưng nó có thể trở thành xấu khi làm cản trở dòng chảy đức tin và ân sủng. Đó là lúc nó bị xơ cứng, vón cục hoặc được nâng lên hàng tối thượng của các quy phạm chân lý.

Giáo Hội Công giáo mãi xác tín vào các chân lý từ hai kho tàng lưu truyền Mạc khải là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói, được ghi chép lại dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần. Để hiểu Thánh Kinh thì cần biện phân giữa điều mà tác giả Thánh Kinh trình bày và điều Thiên Chúa muốn truyền dạy (x.MK số 12). Như thế cần chân nhận rằng không hẳn đương nhiên luôn có sự tương hợp giữa điều tác giả Thánh Kinh trình bày với chân lý Thiên Chúa muốn dạy. Để đón nhận chân lý từ Thánh Kinh thì Giáo hội dạy tín hữu cần phải lưu ý đến các quy tắc sau:

– Tìm hiểu đúng điều các thánh sử trình bày, đặc biết qua các thể văn mà các ngài dùng trong khung cảnh văn hóa mà các ngài sống lúc bấy giờ.

– Đọc và hiểu Thánh Kinh dưới tác động của Chúa Thánh Thần vì Giáo hội tin rằng nhờ bởi Chúa Thánh Thần linh hứng thì Thánh Kinh mới được viết ra.

– Chúa Kitô là Lời Mạc khải hoàn hảo. Vì thế cần phải lấy cuộc đời của Chúa Kitô, lời giảng dạy của Người, nhất là cuộc khổ nạn và phục sinh của Người làm điểm quy chiếu để tìm hiểu toàn bộ Thánh Kinh, Cựu Ước lẫn Tân Ước.

– Thánh Kinh (xét như là một bộ sách) được Giáo Hội chuẩn nhận vì tương hợp với niềm tin của mình, do đó cần phải đọc hiểu Thánh Kinh theo truyền thống sống động của Giáo hội.

– Phải chú ý đến “tính tương hợp của đức tin”, nghĩa là các chân lý đức tin phải có sự liên hệ hài hòa cách nào đó.

Cần thú nhận rằng đã và đang còn đó không ít Kitô hữu tiếp cận chân lý từ Thánh Kinh một cách bất cập, thiếu sót và kể cả sai lầm.

Xét về nguồn Mạc khải là Thánh Kinh, ta dễ đón nhận đồng thời tin nhận Thánh Kinh truyền dạy chân lý Mạc khải và không sai lầm vì có Thiên Chúa là tác giả chính, là nguyên nhân đệ nhất, có Đức Kitô là Lời của Thiên Chúa, có Thánh Thần là nguồn linh hứng cho các tác giả nhân loại. Tuy nhiên ngay cả trong Thánh Kinh, các chân lý được trình bày chỉ có tính chắc chắn và không sai lầm nơi những gì Thiên Chúa muốn dạy chứ không phải ở nơi cách thế trình bày của các tác giả nhân loại. Như thế vấn đề còn lắm phức tạp vì cần phải biết phân biệt văn phong, phương pháp trình bày của từng tác giả, đối tượng nhắm đến của từng tác giả cũng như môi trường, hoàn cảnh sống của từng thời kỳ. Hơn thế nữa, toàn bộ Thánh Kinh như là bức tranh mô tả chân dung Thiên Chúa thì chắc chắn có đó những nét phác thảo mập mờ hoặc chưa chính xác vì bức tranh ấy chỉ hoàn thiện nơi chính Đức Kitô, cách đặc biệt được bốn quyển Tin Mừng trình bày. Như thế, tính không sai lầm nơi các sách khác sẽ có phần hạn chế vì tự chúng, chúng không diễn tả cách đầy đủ. “Cựu ước dù là một phần của Thánh Kinh không thể thiếu được nhưng vẫn còn chứa đựng nhiều bất toàn và tạm thời” (x.GLCGC số 121-122). Những sách khác của Tân uớc như các Thư, sách Công vụ Tông đồ… cần phải được quy chiếu với các sách Tin Mừng bởi “các sách Tin Mừng là trung tâm của Thánh Kinh vì là chứng từ tuyệt hảo về cuộc đời và giáo huấn của Ngôi Lời nhập thể, Đấng Cứu Độ chúng ta” (MK 18 – GLCG số 125). Ngay cả nơi các sách Tin Mừng thì người ta cũng còn phải phân biệt đâu là những lời dạy đích thực của Chúa Giêsu (ipsissima verba), đâu là những suy tư, thêm thắt của các tông đồ, các tác giả. Chẳng hạn những chương đầu của Tin Mừng thánh Matthêu và Luca tường thuật thời thơ ấu và niên thiếu của Chúa Giêsu, chúng ta cần phân biệt dữ kiện nào là có tính lịch sử và dữ kiện nào được kể lại chỉ để trình bày chủ ý thần học của tác giả. Điều này giải thích những dị biệt của các tường thuật Tin Mừng giữa các tác giả đôi khi về cùng một sự kiện.

Thánh Truyền là Lời Thiên Chúa đã được Đức Kitô và Chúa Thánh Thần ký thác cho các Tông Đồ và được truyền đạt nguyên vẹn cho các đấng kế vị (x.MK 9).

Cần phân biệt sự truyền đạt và sự tiếp nhận. Theo thiển ý thì hai phạm trù này không luôn đương nhiên đồng nhất với nhau. Kitô hữu chúng ta tin nhận lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn mỗi người để giúp họ nhận biết chân lý đồng thời thúc bách con người “làm lành lánh dữ”. Lời Chúa nói thì luôn là chân lý và không hề sai lầm, thế nhưng phần phía con người khi đón nhận thì có thể bị sai lệch vì nhiều lý do chủ quan hay khách quan và do đó mới có nhiều hình thái “lương tâm sai lầm”.

Trở lại với nguồn lưu truyền Mạc khải là Thánh Truyền. Chúng ta đừng quên ngay đêm Tiệc ly Chúa Kitô đã minh nhiên nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều muốn nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn…” (Ga 16,12-15). Một sự thật hiển nhiên đó là Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Chân Lý, vẫn còn thực thi sứ mạng cho đến ngày Chúa Kitô quang lâm.

Để tiếp cận chân lý nguyên với nguồn Mạc khải là Thánh Kinh ta cũng thấy nhiều vất vả. Việc đón nhận chân lý từ nguồn Thánh Truyền hẳn sẽ còn nhiều khó khăn hơn. Nói đến Thánh Truyền ta không thể không nói đến các Công đồng. Công đồng Giêrusalem, một Công đồng do những người đã cùng ăn cùng ở với Đức Giêsu một thời gian trên dưới ba năm thế mà những quyết định của các Nghị phụ -Tông đồ vẫn có đó những hạn chế: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm” (Cv 15,28-29). Chắc chắn điều thứ ba là không sai lầm, còn hai điều kia, đặc biệt điều thứ hai còn nhiều hạn chế do bởi quan niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi máu huyết. Ngay cả thánh Phaolô, vị Tông đồ xem chừng tự do với các tập truyền Do thái cũng không thoát được những hạn chế về sự bình đẳng nam nữ. Ngài dạy tín hữu Côrintô: “Tôi muốn anh em biết rằng thủ lãnh của người nam là Đức Kitô, thủ lãnh của người nữ là người nam…” (1Cr 11,3). “Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng; vì Ađam được tạo dựng trước, rồi mới đến Evà. Cũng không phải Ađam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội khi bị dụ dỗ” (1Tm 2,12-14).

Nói đến Thánh Truyền ta cũng không thể không nói đến giáo lý của Hội Thánh. Kho tàng giáo lý Hội Thánh dạy có thể ví như một Ngôi đền. Ngôi đền ấy không phải được xây dựng trong một sớm một chiều. Để có quyển sách Giáo Lý Công giáo chung do Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 11/10/1992 thì đã có một quá trình xây dựng, tu sửa, chỉnh lý không chỉ trong thời gian biên soạn mà là cả khoảng thời gian kể từ lúc mẹ Hội Thánh được khai sinh. Nhiều điều, nhiều chân lý còn phải được nghiên cứu, khám phá và tiếp cận luôn mãi. Chẳng hạn giáo lý về tội nguyên tổ, một tín điều đã được nhấn mạnh và xem như hình thành từ thời thánh giáo phụ Augstinô, một giáo phụ có cái nhìn không mấy tốt về bản tính tự nhiên của con người nếu không muốn nói rằng ngài chủ trương: “nhân chi sơ tính bản ác”. Thế nhưng, ngay chính thánh giáo phụ này cũng còn nhiều hạn chế khi trình bày nội dung giáo lý này, đặc biệt ngài đã sai lầm khi giảng dạy về sự lưu truyền tội nguyên tổ (ngài cho rằng tội nguyên tổ được lưu truyền cho hậu duệ loài người qua sự kết hợp nam nữ. Chính mầm sống của đàn ông là thủ phạm!). Từ đó ngài Giáo Phụ luận suy rằng “đời sống vợ chồng” chỉ được “tạm chấp nhận” kiểu chẳng đặng đừng (tolérance) vì lý do lưu truyền nòi giống.

Chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là Chân lý và Chân lý ấy được bày tỏ nơi Đức Kitô, Đấng tự giới thiệu “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Loài người chúng ta, trên đường lữ thứ này không một ai dám tự hào mình nắm được chân lý toàn vẹn. Chúng ta chỉ có thể tiếp cận chân lý cách nào đó. Gần điều này thì xa điều kia. Cái chúng ta cần xa đó là những hạn chế chủ quan lẫn khách quan. Không phải là môn đệ của “hoài nghi chủ nghĩa” (scepticisme) hay là một thành viên của “tương đối chủ nghĩa” (relativisme), nhưng để tiếp cận chân lý, một tiền đề của việc sống trong chân lý thì chúng ta cũng cần biết đặt lại vấn đề, biết truy vấn. Biết đặt vấn đề thì quan trọng hơn là giải quyết vấn đề. Và nhiều khi biết đặt vấn đề là đã có cách để giải quyết vấn đề dù rằng khó có thể rốt ráo.

Với những biện phân trên đây, xin mạo muội có một vài nhận định dù là thiển ý nhân có một vài ý kiến xem ra khác chiều và có khi trái chiều với huấn giáo của Đức Phanxicô, đặc biệt qua Tông Huấn Amoris laetitia. Những ý kiến này thường quy kết là huấn giáo của Đức Phanxicô là trái với Truyền Thống, cụ thể hơn là đi ngược với lời giảng dạy của một số vị tiền nhiệm.

Xin thử hỏi phải chăng Giáo hội đã thủ đắc chân lý cách vẹn toàn và phải chăng các đấng bậc có vai trò lớn trong việc xây dựng nội dung đức tin của Kitô giáo là hoàn toàn không sai lầm? Ngoại trừ trường hợp đặc thù mà Công Đồng Vaticanô I khẳng định về ơn vô ngộ của Đấng kế vị thánh Phêrô, thì phải chăng nhiều vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô đều là vô ngộ mỗi khi giảng dạy chân lý về đức tin và luân lý, về việc thực hành các bí tích ?

Thánh tông đồ lương dân đã từng nhìn nhận: “bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1 Cr 13,12).

Hạn chế và sai lầm là những thuộc tính của kiếp phàm trần. Dù như là một cuộc cách mạng để vượt qua “Do Thái giáo” thì Công Đồng Giêrusalem vẫn còn vài hạn chế như đã đề cập ở trên. Dù là bậc Giáo phụ lớn nhưng thánh Âugustinô cũng sai sót nhiều trong huấn giáo về đời sống hôn nhân và gia đình. Dù là nhà thần học lỗi lạc góp công xây dựng hệ thống giáo lý Công giáo thì trong lãnh vực đời sống hôn nhân gia đình, thánh Tôma Aquinô cũng còn hạn chế khi cho rằng thời gian con người chính thức hình thành trong dạ mẹ là vào khoảng 40 ngày sau khi thụ thai, vì khi ấy thai nhi mới có linh hồn.

Với Hiến Chế về Giáo Hội phải chăng Công Đồng Vaticanô II hoàn toàn xa lìa Thánh Truyền khi đưa ra cái nhìn về Giáo Hội hầu như trái ngược với quan niệm theo truyền thống và trái ngược với nhiều vị Giáo Hoàng trước đó, chẳng hạn như Đức Thánh Cha Piô X. Chúng ta cũng đừng quên ngay trước Công Đồng Vaticanô II, Đức Giáo Hoàng Piô XII còn quá bất cập và có nhiều hạn chế về phạm trù lương tâm và tự do tôn giáo. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II, Ngài có xem nhẹ truyền thống chăng khi công bố Tông huấn Familiaris consortio mà một nội dung của Tông Huấn là không còn xem các trường hợp ly dị tái hôn là bị “tuyệt thông” như truyền thống trước đó? Hiện nay, ngoại trừ số người theo Giám Mục Marcel Lefèvre (anh em Huynh Đoàn Piô X) thì chắc chắn Kitô hữu Công giáo ít có ai dám to gan nói rằng Công Đồng Vaticanô II và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đi ngược với truyền thống hay đứng bên lề của dòng chảy Thánh Truyền.

Thế thì cần phải có cái nhìn đúng về Thánh Truyền cũng như ‘truyền thống”. Thánh Truyền hay truyền thống không phải là một cái tủ hay một caí kho chứa đựng sẳn đủ đầy những tín điều, giáo thuyết ‘vô ngộ” hay các kỷ luật luôn “hợp thời” của một thời đã qua mà Kitô hữu dù ở đâu và ở thời đại nào hãy cứ thế mà lấy ra để áp dụng cho mọi trường hợp lớn bé. Có thể nói Thánh Truyền là một hành trình tiếp cận chân lý và sống đức tin của Giáo Hội, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, khởi đi từ các Tông Đồ cho đến ngày Chúa Kitô lại đến trong vinh quang.

Cùng với Đức Giáo Hoàng danh dự Benêđictô XVI và cách riêng với Đức đương kim Phanxicô chúng ta cần khẳng định rằng “chân lý” luôn còn ở phía trước chúng ta. Và hành trình tiến về Giêrusalem trên trời của Giáo Hội chắc chắn không phải bao giờ cũng thẳng hướng. Có những lúc khập khiễng, có những chặng đường lệch hướng là chuyện bình thường của kiếp người. Tuy nhiên chúng ta tin rằng Chúa Kitô luôn mãi đồng hành với Giáo Hội mà Người thiết lập, đặc biệt bằng Thánh Thần mà Người ban tặng. Chính vì thế, là con cái chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận huấn giáo của vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian trong tình thảo hiếu. Tuy nhiên đây phải là một tình thảo hiếu có biện phân như là những người con trưởng thành chứ không phải như người cuồng tín hoặc ấu trĩ.

Tạ ơn Chúa, vị cha chung của toàn thể Giáo Hội hiện nay là Đức Phanxicô đã từng minh nhiên khẳng định rằng trong Giáo Hội, sự góp ý, nhận định và phê bình để cải cách là cần thiết vì Giáo Hội là một cơ thể sống. Và cũng như vị tiền nhiệm, Ngài sẵn sàng đón nhận các nhận định, góp ý kể cả phê bình. Tuy nhiên cần phải cẩn trọng với một vài kiểu cách phê bình, góp ý mà theo như lời Ngài đã nói: “phản ứng kháng cự lại cải cách là điều bình thường, nhưng một số hình thức chống đối có thể đã được “Satan truyền cảm hứng”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chia sẻ Bài này:

Related posts