Đọc, hiểu và sống Kinh Thánh

          Nếu căn cứ vào số lượng người đọc cũng như quan tâm đến một cuốn sách thì không có cuốn nào có thể sánh bằng Kinh Thánh. Thế nhưng có thể nói cũng không có cuốn sách nào lại bị  người ta kể cả trong đạo lẫn ngoài đạo hiểu lầm nhiều đến thế. Sự hiểu lầm đối với Kinh Thánh  không phải chỉ ngày nay mới có mà đã diễn ra trong suốt lịch sử tồn tại lâu hàng ngàn năm của nó. Từ góc độ của mỗi trường phái hoặc  cá nhân mà Kinh Thánh đã bị đánh giá một cách sai lạc khác nhau “ Cho tới nay dường như vẫn có nhiều người nghĩ rằng Kinh Thánh là sách nói về giáo lý của đạo Ki Tô, chỉ dùng cho các tín đồ Ki Tô giáo mà ta quen gọi là “ Thuốc phiện của nhân dân” chớ có dại mà đụng chạm tới. Vì vậy ai không theo Ki Tô giáo thì chẳng cần và chớ nên đọc Kinh Thánh. Cuốn sách gối đầu giường của hơn một tỷ tín đồ và  được cả thế giới không ngừng xuất bản với số lượng nhiều nhất này chưa từng thấy bán tại các hiệu sách ở ta, báo in, báo điện tử ngại đăng các bài viết liên quan đến Kinh Thánh” ( Nguồn Ephata số 703 ngày 24/7/2016 – Nguyễn Hải Hoành – Một số hiểu làm về Kinh Thánh ).

Cho rằng Kinh Thánh  không phải là sách giáo lý của đạo Ki Tô vậy đó là sách gì ? “ Kinh Thánh là một bộ sách có tính tổng hợp, một Bách Khoa Toàn Thư rất hữu ích trong việc nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử pháp luật luân lý đạo đức kinh tế khoa học kỹ thuật y học văn hoá…Chưa dân tộc nào viết được bộ sử của mình một cách khái quát hữu ích  như Cựu Ước. Bộ sử này không viết nhiều về hành vi của các vua chúa ( Như Sử Ký của Tư Mã Thiên ). Nhưng viết rất kỹ về quá trình di chuyển, các tai hoạ dân tộc ( chiến tranh đói kém…) Các kinh nghiệm…và đời sống của dân tộc này qua đó đời sau có thể học được nhiều điều bổ ích” ( Nguồn Ephata 703 đã dẫn ).

Tác giả bài báo được giới thiệu ở đây là một dịch giả và nhà nghiên cứu …tự do hiện sống tại Hà Nội. Bởi đó cho nên chúng ta cũng chẳng lạ gì  với quan điểm  của ông cho rằng Kinh Thánh giống như một cuốn Bách Khoa Toàn Thư có thể sử dụng để…nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử từ chính trị quân sự cho tới văn hoá kỹ thuật kể cả …phương pháp tránh thai !!!???. Cũng vì cho Kinh Thánh giống như cuốn Bách Khoa Toàn Thư thế nên cần sử dụng nó để nghiên cứu lịch sử nhân loại cổ đại…Một khi đã phủ nhận  tính chất tôn giáo ( Đạo ) của Kinh Thánh để quay sang nghiên cứu như một thứ sách …Đời thì sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được Kinh Thánh như nó cần được hiểu. Tại sao vậy ?. Bởi lý do đơn giản là vì  Sách Đời  chỉ có thể nói về Đời nghĩa là những sự vật sự việc ở trong cõi đời  tức trong thế giới hiện tương này thôi. Đang khi đó Kinh Thánh nói về đường Đạo tức con đường thực hiện tâm linh  hầu trở về với bản thể chân như ở nơi mỗi người.

Chúng ta có thể khẳng định Kinh Thánh nói về con đường thực hiện tâm linh  vì rằng ngay cái tên của sách đã thể hiện rõ ràng điều ấy. Ai cũng biết Kinh Thánh gồm bởi hai phần đó là Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước tức là Giao Ước Cũ. Còn Tân Ước là Giao Ước Mới. Về cách nhìn nhận Kinh Thánh như là con đường thực  thi các Giao Ước như vậy thật hết sức đơn giản đồng thời cũng  hoàn toàn chính xác. Thế nhưng từ bấy lâu nay người ta  với những lối giải thích  phức tạp mà đã khiến  Kinh Thánh trở thành một cuốn sách chẳng những khó hiểu mà còn không thể hiểu. Làm cho Kinh Thánh phải đi đến chỗ không thể hiểu, tất cả nguyên nhân là do Thần học.

 

I/-  Thần học với việc giải nghĩa Kinh Thánh

          Kinh Thánh gọi là Sách Thánh, do đó để đọc và hiểu  được sách này thì nhất định là  cần phải có người giải nghĩa. Tông đồ Philip hỏi người Ethiopi đang đọc sách tiên tri Isaia = Ông hiểu lời ông đọc đó chăng ? Hoạn quan đó trả lời rằng. Nếu chẳng có ai  giải nghĩa cho thì thể nào hiểu được. “ ( Cv 8, 30 -31). Lý do đọc Kinh Thánh cần có người giải nghiã  là vì cái…nghĩa của Kinh Thánh  là nghĩa siêu nhiên vượt ngoài trí hiểu thông thường của con người. Trong bất cứ thời đại nào xưa cũng như nay  việc giải nghĩa Kinh Thánh  là điều cần thiết. Vì lẽ đó  Công đồng Vatican II  cho rằng  việc nghiên cứu ( giải nghĩa ) Kinh Thánh phải được coi như cái hồn của Thần học “ Kinh Thánh chứa đựng Lời của Thiên chúa và vì được linh hứng nên thật sự là Lời của Thiên Chúa bởi thế việc nghiên cứu Thánh Kinh phải trở nên như linh hồn của Khoa Thần học” ( HC Dei Verbum Số 24 ).

Theo Công Đồng thì mọi suy tư thần học đều phải y cứ vào Kinh Thánh vì đó là Lời của Thiên Chúa, được Thiên Chúa linh ứng. Tuy nhiên cũng chính vì quan niệm như thế mà đã nảy sinh đủ thứ Thần học cùng với các phương pháp tiếp cận ( đọc ) khác nhau. Người Công giáo kể cả Tin Lành vẫn luôn tin tưởng  Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh bởi vậy những gì được ghi chép trong Kinh Thánh đều là những  chân lý vĩnh cửu không thể sai lầm. Mặc dầu vậy trong cái thời đại duy lý này người ta đã nhân danh khoa học để bác bỏ nhiều điều chứa đựng  trong Kinh Thánh đặc biệt là sách Sáng Thế ký. Một đàng cho rằng Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật  trong đó có con người ( Adam – Eva ) ngay từ nguyên thuỷ. Một đàng là do tiến hoá và sự tiến hoá  ấy đã trải qua hàng tỷ năm từ vô cơ đến hữu cơ, từ loài sinh vật tới loài người v.v…Với chỉ duy một phi bác này thôi thì đã chứng tỏ Thiên Chúa không thể nào là tác giả của Kinh Thánh một công trình chứa đựng những sai lầm …hiển nhiên như thế. Hơn nữa điều ấy còn chứng minh cho một sự thật này là không hề có một đấng gọi là …Tạo Hoá ?

Muốn nói chi thì nói lập luận của Thuyết Tiến Hoá đã gây ảnh hưởng rất đáng kể trong Giáo Hội và rồi Thần học với đủ mọi thứ …nghiên cứu cũng đã xét lại quan điểm cho Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh. Với phương pháp Phê Bình Lịch Sử người ta  cho thấy “ Kinh Thánh không phải là một tác phẩm duy nhất nhưng là một tuyển tập của nhiều tác giả khác nhau. Các tác phẩm này  rất thường nhất là đối với Cựu ước  lại không phải là thành quả sáng tạo của một tác giả độc nhất nhưng  đã có cả một tiền sử dài, liên kết mật thiết với lịch sử của Itsraen và với lịch sử của HT tiên khởi” ( UBKTGH 0 Việc Giải Nghĩa KT trong HT ).

Chẳng những Thiên Chúa không phải  là tác giả của KT mà ngay đến Mai Sen cũng chẳng phải là tác giả của Ngũ Thư “ Khoa Phê Bình Văn Chương từ lâu được đồng hoá với nỗ lực phân biệt những nguồn khác nhau trong các bản văn. Vì vậy vào  thế kỷ XIX giả thuyết “ Các Văn Kiện” đã được khai triển. Giả thuyết này tìm cách nghiên cứu việc biên soạn Ngũ Thư. Theo  giả thuyết này bốn văn kiện một phần song song với nhau nhưng ra đời vào những thời kỳ khác nhau có lẽ đã được trộn lẫn với nhau, văn kiện Giavit, văn kiện Eloit, văn kiện Đệ Nhị Luật và văn kiện Tư Tế ( Nguồn Sđd ).

Không thể cho Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh bởi chưng Kinh Thánh chỉ là tuyển tập của nhiều tác giả trong nhiều thời đại khác nhau. Vậy theo Thần học thì nội dung Kinh Thánh ấy là gì ? Với Khoa Phân Tích Văn Chương thì “ Kinh Thánh không chỉ là phát biểu thuần tuý những chân lý. Đó là một  Sứ Điệp có sẵn nơi mình một chức năng thông truyền trong một bối cảnh cụ thể nào đó, một Sứ Điệp mang theo mình một sức mạnh lập luận và một chiến lược Tu Từ Học nào đó” ( Nguồn Sđd ). Cũng theo Khoa Phân Tích Văn Chương này thì nội dung KT  cũng có thể được hiểu theo một hướng hoàn toàn khác “ Kinh Thánh là một lời nói về cái thực mà Thiên Chúa đã loan ra trong lịch sử mà Người đang ngỏ với chúng ta hôm nay qua những tác giả con người. Lối tiếp cận Ký Hiệu phải mở ra đón nhận lịch sử, trước tiên là lịch sử của những nhân vật có vai trò trong các bản văn rồi đến lịch sử của những nhân vật có vai trò trong các bản văn rồi đến lịch sử của các tác giả và độc giả của bản văn đó” ( Nguồn Sđd ).

Qua đủ thứ …tiếp cận ( đọc ) KT của Thần học hôm nay cho thấy Thiên Chúa  chân thật đã bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho những suy tư mang nặng tính chất duy lý. Một khi đã vướng vào duy lý thì tất nhiên Thiên Chúa không thể được nhìn nhận đúng như Ngài Là để thành ra một thứ Thiên Chúa của …người nghèo “ Thần học Giải Phóng hàm chứa những  yếu tố mới  chắc chắn có giá trị: ý thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa Đấng Cứu Thoát, nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn của đức tin nhu cầu cấp bách cần có một praxis giải phóng đặt căn bản chắc chắn trên công bình và bác ái. Đọc lại Kinh Thánh cách mới mẻ để tìm cách làm cho Lời Thiên Chúa nên ánh sáng và lương thực cho Dân  Thiên Chúa giữa những đấu tranh và những hy vọng.” ( Nguồn Sđd ).

Giải nghĩa là để hiểu Kinh Thánh, thế nhưng việc giải nghĩa ấy chắc chắn sẽ đưa đến bế tắc nếu đi vào con đường duy lý của Thần học. Tại sao ? Bởi vì KT là sự linh hứng của  Chúa Thánh Thần không thể dùng lý trí mà hiểu được. Mặt khác muốn hiểu KT thì phải sống KT. Thánh Phao Lô nói với môn đệ mình là Ti Mô Thê “ Từ khi con còn thơ ấu đã biết KT vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Giê Su Ki Tô. Cả KT đều được ĐCT hà hơi vào, có ích cho sự dạy dỗ thuyết phục sửa trị luyện tập trong sự công chính hầu cho người của ĐCT được trọn vẹn và sẵn sàng đầy đủ để làm mọi việc lành” ( 2Tm 3, 15 -17).Muốn hiểu KT thì chẳng có cách nào khác ngoài ra là phải sống KT tức đi theo con đường thực hiện các Giao Ước.

 

II/- Kinh Thánh và con đường thực hiện Giao Ước

          Như đã biết KT gồm bởi hai phần = Cựu Ước và Tân Ước. Chữ “Ước” ở đây chỉ có thể hiểu là Giao Ước và như vậy Giao Ước chính là nội dung của KT. Cựu Ước nói về Giao Ước Cũ  còn Tân Ước nói về Giao Ước Mới. Người theo Do Thái giáo không nhìn nhận Tân Ước thế nên KT của họ trước sau vẫn chỉ là sách các Tiên Tri hoặc sách Luật. Hai phần Cựu Ước và Tân Ước này có thể được ví như một dòng chảy tương tục trong đó Cựu Ước là thượng lưu còn Tân Ước là hạ lưu. Nói thượng lưu bởi đó là nơi phát xuất của dòng sông. Còn nói hạ lưu bởi đây là phần cuối tiếp giáp với đại dương.

Tuy nói thượng nói hạ  nhưng đây chỉ là  cái tên xuông còn thực chất đó vẫn là một dòng chảy duy nhất không thể chia phân. Dòng sông nếu chia phân ngăn lấp thì phần thượng lưu chỉ còn là một cái hồ tù đọng. Còn hạ lưu  bỗng chốc sẽ bị cạn kiệt. Do Thái giáo vì không nhìn nhận Tân Ước thế nên trước sau gì cũng vẫn chỉ là Do Thái giáo có nghĩa hoàn toàn bế tắc  không  bao giờ có thể thực hiện tâm linh tính cho mình. Đối với Do Thái giáo đã vậy còn với Ki Tô giáo thì phần tâm linh sớm muộn gì cũng phải đi đến chỗ cạn kiệt vì đã rời bỏ Cựu Ước. Về tính chất liên quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, Thánh Augustino nói “ Tân Ước giấu ẩn trong Cựu Ước. Còn Cựu Ước tỏ lộ trong tân Ước” ( Novum Testamentum in Vetere latet et in Novo Vetus patet ).

Nói Tân Ước giấu ẩn trong Cựu Ước có nghĩa chúng ta chỉ có thể đọc và hiểu Tân Ước một khi đã thâm nhập Cựu Ước. Ngược lại Cựu Ước cũng chỉ có thể hiểu ( tỏ lộ ) khi đi vào con đường thực hiện Tân Ước.Giữa Cựu Ước và Tân Ước  có sự liên đới chặt chẽ với nhau không thể bỏ đi phần nào mà không ảnh hưởng tới phần còn lại. Nói cách khác để hiểu Kinh Thánh như là Lời Chúa được linh hứng thì cần phải sống tức thực hiện các Giao ước. Có ba Giao ước chính yếu cần thực hiện đó là Giao ước thành lập Dân Riêng, Giao ước Ban Đấng Cứu Thế và Giao Ước  Ban Đất Hứa.

1/- Giao ước thành lập Dân Riêng.

          Dân Riêng trước hết là để ám chỉ Itsraen, một dân tộc được tuyển chọn “ Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất đặng làm một  Dân thuộc Riêng về Ngài. Đức Giêhova trìu mến và chọn lấy các ngươi chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu. Thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì Đức Giêhova thương yêu các ngươi và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ phụ các ngươi” ( Đnl 7, 6 -8). Ý nghĩa “Lời Thề” trong KT Cựu Ước đồng nghĩa với thiết lập Giao Ước và Giao Ước mà Đức Chúa Giêhova đã lập với  Apraham là cho ông trở thành tổ phụ một dân tộc lớn “ Ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến XỨ  Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2).

Lời hứa của Thiên Chúa quả nhiên  đã được thực hiện, Apraham trở thành tổ phụ một dân tộc lớn đông vô số kể những người có lòng tin  nơi Đấng Thiên Chúa Hằng Hữu.. Thế nhưng nếu chỉ nhìn nhận Itsraen  như mọi quốc gia khác trên trái đất này thì Lời Hứa ấy chẳng  giá trị gì. Lý do là vì dân Itsraen sau gần hai chục thế kỷ lưu lạc trên khắp thế giới, họ cũng chỉ mới quy tụ để thành lập quốc gia vào năm 1949 trong thế kỷ 20 vừa qua với dân số khoảng 07 triệu  người, đâu thể gọi được là…dân tộc lớn ? Lời hứa cho  Apraham làm tổ phụ  của một dân tộc lớn  và  dân ấy chính là Hội Thánh Công Giáo Tông Truyền do Đức Ki Tô thiết lập trên nền tảng Thánh Phê Rô “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này cửa Hoả Ngục chẳng thắng được nó” ( Mt 16, 18 ). Chỉ có HT Công giáo trong tính chất Tông Truyền của nó  mới có thể thể hiện mình là dòng dõi Con Thiên Chúa “ Vì những kẻ ra từ Itsraen  chẳng phải hết thảy đều là người Itsraen đâu. Cũng không phải vì họ là dòng giống Apraham mà hết thảy đều là con cái đâu. Bởi duy kẻ ra từ Isaac mới gọi là dòng giống ngươi. Nghĩa là chẳng phải con cái thuộc xác thịt là con cái của ĐCT, duy con cái thuộc Lời Hứa mới được kể là dòng giống vậy” ( Rm 9, 6 -8).

Chúng ta biết tổ phụ Apraham có hai người con trai, một là Isaac con của bà chính thất Sara và hai là Itmaen con của nữ tỳ Aga người Ai Cập. Chỉ Isac mới là con thừa tự và được hưởng phần gia tài còn Itmaen thì không. Gia tài mà Isaac được hưởng đó chính  là Đấng Thiên Chúa của kẻ sống “ ĐCT của Apraham của Isaac của Giacop. Ấy  Ngài chẳng phải là ĐCT của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38).

Bởi Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống thế nên được kể là Dân Riêng  những ai biết quay về tìm kiếm Thiên Chúa ở nơi  nội tâm  “ Sau những ngày đó. Ta sẽ để luật pháp Ta trong tâm ý họ. Ghi tạc nó vào lòng họ. Ta sẽ làm ĐCT của họ và họ sẽ làm dân Ta” ( Dt 8, 10 ). Dân  Itsraen đã không còn tìm kiếm Thiên Chúa, vì thế họ  đã trở nên ngu muội “ Thật dân Ta là ngu muội, chúng chẳng nhìn biết Ta. Ấy là những con cái khờ dại, vô trí, khéo làm điều ác mà không biết làm điều thiện” ( Gr 4, 22). Sự phản bội của Itsraen đã tạo nên những cơn khủng hoảng liên tiếp và trong cơn bĩ cực đó người ta trông đợi sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế “ Hỡi trời cao hãy đổ sương xuống. Hỡi ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu Độ” ( Es 45, 8 ).

2/-  Giao Ước Ban Đấng Cứu Thế.

          Trước tình hình dân chúng kêu than trách móc về nỗi gian nan khổ cực của cuộc vượt qua. Mai Sen một lần nữa khẩn cầu Thiên Chúa và Ngài đã ban cho lời hứa “ Ta sẽ lập lên cho chúng một Đấng Tiên Tri giống như ngươi thuộc trong anh em chúng. Ta sẽ lấy các lời Ta để trong miệng Người thì Người sẽ nói cho chúng mọi điều Ta phán dạy Người” ( Đnl 18, 18 ).

Thiên Chúa hứa với Mai Sen sẽ lập Đấng Tiên Tri giống như ông và sự giống nhau đó là cả hai đều được sai đến. Mai Sen nhận mình đã được sai đi để cứu Dân Người “ ĐCT của tổ phụ các ngươi  sai Ta đến với các ngươi” ( Xh 3, 13 ). Còn Đức Ki Tô cũng vậy lúc nào Người cũng nhận mình được Chúa Cha sai đến “ Bởi ta chẳng nói tự mình bèn là Cha Ta đã sai Ta, đã truyền cho Ta phải nói điều chi, phải giảng điều chi” ( Ga 12, 49 ).

Cùng được sai đi nhưng tính chất lại rất khác biệt, Chúa Giê Su hoàn toàn tự nguyện, dám hy sinh mạng sống cho sứ mạng “ Cha thương yêu Ta vì Ta bỏ mạng sống Ta để lấy lại. Chẳng ai có thể cất mạng sống Ta đi nhưng Ta tự bỏ. Ta có quyền bỏ đi cũng có quyền lấy lại. Mạng lịnh ấy Ta đã nhận lãnh ở nơi Cha Ta” ( Ga 10, 17 -18). Còn Mai Sen trái lại khi nghe dân sự trách móc kêu than thì thốt lên lời phàn nàn “ Khi  nghe dân sự khóc lóc kể lể ở nơi  trại mình, Mai Sen  lấy làm buồn bực về điều đó bèn thưa lên cùng Đức Giê ho va rằng = Sao Ngài làm cho tôi tớ Ngài buồn bã. Sao tôi chẳng được ơn trước mặt Ngài và sao Ngài lại chất gánh nặng của hết thảy dân sự này lên mình tôi ? ( Xh 11, 10 -11).

Sở dĩ có khác biệt trong tinh thần nhận lãnh sứ mạng thiên sai như thế đó là vì giữa Chúa Giê Su và tiên tri Mai Sen không có cùng khả năng nhận biết Thiên Chúa. Chúa Giê Su luôn khẳng định mình thấy biết Thiên Chúa “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy” ( Ga 8, 55). Chúa Giê Su nói Ngài biết Thiên Chúa; cái biết này là biết trực tiếp không qua bất cứ một trung gian nào. Trái lại Mai Sen thì phải qua trung gian “ Mai Sen thưa rằng = Tôi xin Ngài cho tôi xem vinh hiển của Ngài. Đức Giê hova phán rằng Ta sẽ làm cho  các sự nhân từ Ta phát ra trước mặt ngươi. Ta hô Danh Giêhova trước mặt ngươi, làm ơn cho ai muốn làm ơn và thương xót ai Ta muốn thương xót. Ngài lại phán rằng ngươi sẽ chẳng thấy được mặt Ta vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống. Đức Giêhova lại phán = Đây có một chỗ gần Ta ngươi hãy đứng trên hòn đá kia. Khi sự vinh hiển Ta đi ngang qua, Ta sẽ để ngươi  trong bọng đá, lấy tay Ta che ngươi cho đến chừng nào Ta đã đi qua rồi. Ta sẽ rút tay lại và ngươi thấy phía sau Ta nhưng không thể thấy mặt Ta” ( Xh 33, 18 -23).

Sự khác biệt giữa Chúa Giê Su với Mai Sen cũng như hết thảy phàm nhân chúng ta chính là ở cái sự Thấy Biết này đây chứ chẳng phải điều chi khác. Về sự Thấy Biết dĩ nhiên không phải là thấy biết bằng con mắt xác thịt nhưng là bằng Trí Tuệ Vô Phân Biệt. Cũng vì sự Thấy Biết ấy mà Chúa Giê Su nói “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 30). Tính chất “ Là Một” ấy hoàn toàn không  mang ý nghĩa đồng hoá nhưng đây là chân lý kết hợp “ Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”.

Chúa Giê Su là Đấng thấy biết về Cha và chính do nơi sự thấy biết ấy mà Ngài đã trở thành con đường chắc chắn dẫn đưa chúng ta về với Thiên Chúa Đấng là Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Về với Cha đó phải là  cái ước nguyện thâm sâu của những người Con Chúa. Như những đứa con hoang đàng xa lạc Nhà Cha mình từ muôn kiếp ( Lc 15, 11 -32 ) không ai trong chúng ta lại không mong mỏi ngày về và một khi đã mong thì thế nào cũng được bởi lẽ đã có Lời Hứa của Thiên Chúa.

3/- Giao Ước Ban Đất Hứa

          Thiên Chúa hứa ban cho Apraham trở thành tổ phụ một dân tộc lớn đồng thời cũng sẽ chỉ cho một XỨ để đến đó cư ngụ “ Sau khi Lót lìa khỏi Apram rồi Đức Giêhova phán cùng  Apram rằng = Hãy nhướng mắt lên nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương bắc phương nam và phương tây. Vì cả Xứ nào ngươi thấy Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đời đời. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên đất. Thế thì kẻ nào đếm đặng bụi trên đất thì cũng sẽ đếm đặng dòng dõi ngươi vậy. Hãy đứng dậy đi khắp trong XỨ  bề dài và bề ngang vì Ta sẽ ban cho ngươi XỨ này ( St 13, 14 -17 ).

Theo cách hiểu của người Do Thái thì XỨ mà Thiên Chúa chỉ cho tổ phụ  cùng con cháu đến đấy cư ngụ là miền đất Canan tại Trung Đông. Tuy nhiên trong thực tế Canaan từ thuở xa xưa ấy cho đến ngày nay vẫn là miền …đất dữ. Thực vậy ngay từ khi Apraham vừa đến ở chẳng được bao lâu thì đã xảy ra tranh chấp với  các bộ tộc bản xứ, phải đánh nhau rất dữ mới đuổi được họ đi ( St 14, 15 ). Có thể nói trong suốt những năm tháng cư ngụ tại đất Canaan ấy là một chuỗi những  cuộc giao chiến một mất một còn với những bộ tộc chung quanh  để dành giật nguồn nước và đồng cỏ chăn  thả súc vật. Rồi nạn đói khốc liệt xảy đến, dân Do Thái lại phải chạy qua nước Ai Cập, làm nô lệ tại đó hơn bốn trăm năm mới trở về. Nhưng về lại đất Canaan  chẳng bao lâu lại bị các quốc gia hùng mạnh lân bang xâm chiếm bắt dân chúng làm nô lệ và phân tán khắp nơi muôn phần khổ cực…

Với thực trạng đắng cay như vậy Canaan hiển nhiên không phải là Đất mà Thiên Chúa đã Hứa ban cho tổ phụ và dòng dõi cháu con cho đến đời đời. Vấn đề ở đây là tại sao Canaan trong bấy lâu nay đã bị hiểu lầm là Đất Hứa như vậy ? Xin thưa là vì người ta đã đọc Sách Sáng Thế theo  nghĩa…đen hay còn gọi là nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ) Theo đó thì Đức Chúa nói với tổ phụ “ Hãy nhướng mắt lên nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương bắc phương nam và phương đông…thì cái sự nhướng mắt ấy  chỉ là con mắt xác thịt, dù có nhướng tới cỡ nào thì cái nhìn ấy cũng bị hạn chế trong vòng năm cây số là cùng. Miền đất mà chỉ hạn hẹp trong vòng có…năm cây số thì  đâu có chi  là rộng là lớn ?

Để có thể hiễu  ĐẤT mà Thiên Chúa HỨA ban cho Dân Người  rộng đến vô biên vô tận thì phải …nhìn bằng con mắt  đức tin hay  mắt tuệ trí vô phân biệt. Đất Hứa ấy hoàn toàn không phải là đất Canaan  hay bất cứ lãnh thổ nào trên trái đất này nhưng đó chính là Nước Trời  mà Đức Ki Tô rao giảng “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được đây này hay đó kia. Vì này Nước ĐCT ở trong ( lòng ) các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

Không thể nói đây này, đó kia  nởi vì Nước Trời là một thực tại siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Nước Trời siêu việt ấy mầu nhiệm thay nó lại hiện hữu ngay ở nơi cung lòng mỗi  người chỉ cần hết lòng tìm kiếm sẽ gặp “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài….”) Mt 6,23 ).

Nước Trời cần hết lòng tìm kiếm mới gặp đó là sự khó trong mọi sự khó. Khi nghe  Chúa Giê Su nói người giàu khó vào Nước Trời giống như con lạc đà chui qua lỗ kim. Các môn đệ kinh ngạc quá đỗi hỏi Thế thì ai có thể được cứu ? Chúa đáp = Điều ấy đối với loài người vẫn bất năng nhưng đối với  ĐCT mọi sự đều được” ( Mt 19, 23 -26 ). Đối với Thiên Chúa mọi sự đều được bởi vì Ngài luôn trung thành với  mọi điều đã hứa và thánh  thiện trong mọi việc Ngài làm./.

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts