Môi sinh văn hóa thấm đẫm Tình Yêu – Lòng Thương Xót

Chủ đề Mục vụ tháng 7/2016 là: “Tân Phúc-Âm-hóa để môi sinh văn hóa thấm đẫm Tình Yêu – Lòng Thương Xót” (xc. “Gợi ý Mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót”). Thử tìm hiểu xem Tân Phúc-Âm-hóa là gì và vì sao cần “Tân Phúc-Âm-hóa để môi sinh văn hóa thấm đẫm Tình Yêu – Lòng Thương Xót”.

I. Khái niệm về Tân Phúc-Âm-hóa:

1- Phúc-Âm-hóa:  Phúc-Âm-hóa là làm cho tinh thần của Phúc Âm được thấm nhuần trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Nói cách khác, Phúc-Âm-hóa là phương cách biến đổi con người theo Phúc Âm. Chính cuộc đời người Ki-tô hữu phải được biến đổi, phải được củng cố và làm mới lại đức tin của bản thân, nhiên hậu giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Thư Chung 2013 của HĐGMVN (số 3) đã giải thích: “Mục tiêu của Phúc-Âm-hoá là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giê-su Ki-tô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.”

Như vậy, “Phúc Âm hóa” là sứ vụ Truyền giáo, cũng tức là làm “muối, men và ánh sáng cho trần gian” như chính Lời dạy của Đức Ki-tô: “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5, 13-16). Người muốn các môn đệ làm “muối” ướp cho đời, “muối” phải biết chấp nhận hoà tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, vị tha. Là ánh sáng cho trần gian cũng tức là phải tỏa sáng trung thực “Ánh sáng Đức Ki-tô”. Cụ thể hơn, phải làm sao cho mình được trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô” (Pl 3, 10) – “Đấng là ánh sáng cứu dộ trần gian” để “tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16). Hơn thế nữa, Đức Ki-tô còn dùng dụ ngôn “Men trong bột” (chỉ cần một nắm men nhỏ cũng làm cho cả thúng bột dậy men – Lc 13, 20-21) để nói về Nước Trời mà Người muốn các môn đệ rao giảng.

Dụ ngôn “muối, men, ánh sáng” không gì khác hơn là những tư tưởng, hành động mà Đức Giê-su mong muốn các môn đệ thực thi trong sứ vụ do Người sai đi. Đó chính là: “Ðược Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát”, Giáo hội, vì những đòi hỏi căn bản của công giáo tính và vì mệnh lệnh của Ðấng Sáng Lập, nhất quyết loan báo Phúc Âm cho hết mọi người. Thực vậy, chính các Tông Ðồ, nền tảng của Giáo hội, đã theo chân Chúa Ki-tô, “rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn”. Do đó, những người kế vị các Tông Ðồ có nhiệm vụ tiếp tục công việc này, để “Lời Chúa được lan tràn và sáng tỏ” (2Tx 3, 1), nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian.” (Sắc lệnh Truyền giáo “Ad Gentes”, số 1).

2- Tân Phúc-Âm-hóa: Phúc-Âm-hóa là hoạt động đem các giá trị Phúc Âm thấm nhuần vào các thực tại trần thế như muối, men và ánh sáng, để biến đổi mọi sự cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Trong một thế giới luôn biến động, con người cũng luôn thay đổi theo trào lưu tiến hóa chung của xã hội, vì thế, công cuộc Phúc-Âm-hóa cũng luôn đòi hỏi phải được cải tiến sao cho phù hợp với thời đại văn minh tiến bộ. Việc cải tiến đó chính là việc làm mới lại (canh tân) đời sống chứng nhân, đổi mới phương cách rao truyền Phúc Âm. Nói gọn lại thì đó chính là công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa vậy.

Với tiêu đề “Canh tân các sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa tại châu Á”, Sứ điệp “Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục châu Á” (16/12/2012), đã viết nơi phần mở đầu: “Chính Thần khí đã từng thúc đẩy Công đồng Vatican II nay cũng đang hiệu triệu chúng ta thành những sứ giả được đổi mới của Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa… Để trở nên những thừa sai mới, chúng ta phải đáp lại Thần khí đang hoạt động tích cực trong thế giới, trong sâu thẳm hiện hữu của chúng ta, trong các dấu chỉ thời đại và trong tất cả những gì thực sự thuộc về con người. Chúng ta cần phải sống linh đạo Tân Phúc-Âm-hóa.”

Như vậy, “Tân Phúc-Âm-hoá” là đổi mới công cuộc loan báo Tin Mừng, chủ yếu là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giê-su Ki-tô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hoá, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.” (Thư Chung của HĐGMVN – 2013, số 4)

II. Tân Phúc-Âm-hóa môi sinh văn hóa:

1- Môi sinh văn hóa là gì? Theo từ nguyên thì “Văn hóa” mang ý nghĩa: Thành quả chung của quá trình phát triển sáng tạo của loài người trong lịch sử; bao quát các phương diện tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật, khoa học v.v… Nói một cách giản dị thì văn hóa là tất cả những yếu tố vật chất, tinh thần đặc trưng cho một cộng đồng xã hội, được cộng đồng đó chấp nhận, sử dụng và gìn giữ nó theo thời gian. Văn hóa là yếu tố đã được cả cộng đồng dân cư lựa chọn. Một yếu tố chỉ được coi là văn hóa của một cộng đồng khi nó “sống” và tồn tại với cộng đồng đó trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, còn một đặc tính quan trọng khác đó là văn hóa có thể thay đổi, bổ sung và phát triển theo thời gian, cùng với sự thay đổi và phát triển của xã hội.

Hiến chế Vui mừng và Hy vọng “Gaudium Et Spes” (số 53) cũng giải thích: “Theo nghĩa tổng quát, chữ “văn hóa” chỉ tất cả những gì con người dùng để trau giồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn. Vì vậy, văn hóa nhân loại thiết yếu mang tính cách lịch sử và xã hội, và chữ “văn hóa” thường mặc thêm một ý nghĩa xã hội học cũng như dân chủng học.”

2- Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội: Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ nhưng để tạo nên sự liên kết xã hội. Ngay từ khởi thủy, khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã dựng nên có nam có nữ và phán: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1, 28). Khi loài người sa vòng tội lỗi, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện.

Tính chất cộng đoàn này nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô được kiện toàn và hoàn tất. Chính Ngôi Lời Nhập Thể đã muốn chia sẻ tình liên đới nhân loại. Người đã hiện diện tại tiệc cưới Cana, đã vào nhà Da-kêu, đã ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi. Người đã mạc khải tình yêu thương của Chúa Cha và sứ mệnh cao cả của Người khi nhắc tới những điều hết sức thông thường trong xã hội và dùng những kiểu nói bình dân cũng như sử dụng những hình ảnh hoàn toàn thuộc cuộc sống thường nhật. Tự ý tuân phục những luật lệ trong một quốc gia trần thế (It-ra-en), Người đã thánh hóa những mối liên hệ của con người, nhất là những liên hệ thuộc về gia đình là nguồn gốc phát sinh những liên hệ xã hội. Người đã muốn sống cuộc sống của những thợ thuyền với người đương thời nơi quê hương Người (Na-da-ret).

Hiến chế “Lumen Gentium” (số 9) đã giải thích rõ ràng về tính cách xã hội hóa của cộng đồng Dân Chúa: “Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Ki-tô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo hội để Giáo hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người. Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo hội của Thiên Chúa (x. 2Esd 13,  1; Ds 20, 4; Dnl 23, 1tt), dân Israel Mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dt 13, 14) cũng được gọi là Giáo hội Chúa Ki-tô (x. Mt 16, 18). Thực vậy, chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo hội đó (x. Cv 20, 28), Người đổ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình.”

Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội là đòi hỏi tất yếu của sứ vụ, bởi lẽ người Ki-tô hữu không sống đức tin trong cõi trừu tượng nào đó, nhưng ở đây, giữa lòng xã hội, với những tương quan đa chiều của đời sống. Chính ở đó, người môn đệ Chúa Giê-su được mời gọi đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào những tương quan và môi trường mình đang hiện diện, sinh sống, làm việc. Để thực hiện đường hướng Tân Phúc-Âm-hóa xã hội, “các Ki-tô hữu, công dân của cả hai đô thị (Trần thế – Thiên quốc), hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Theo gương Chúa Giê-su đã sống như một người thợ, các Ki-tô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất, các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo.” (Hiến chế “Gaudium Et Spes”, số 43).

3- Tân Phúc-Âm-hóa môi sinh văn hóa: Có thể coi “Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội” là Phúc-Âm-hóa những nền văn hóa của loài người. Nói cách cụ thể thì đó là hành trình đi từ con người và lại quy về những tương quan giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa. Như vậy Giáo hội phải dồn mọi nỗ lực để tiến tới sự Phúc-Âm-hóa một cách rộng rãi, nhằm mục đích Phúc-Âm-hóa mọi nền văn hóa. “Như thế, Phúc-Âm-hóa các nền văn hóa phải được thực hiện một cách sống động sâu xa cho tới tận gốc rễ, chứ không theo một cách trang trí như lớp sơn bóng ngoài mặt. Chúng phải được cải hóa nhờ tiếp xúc với Tin Mừng, nhưng sẽ không có tiếp xúc nếu Tin Mừng không được công bố.” (Tông huấn Loan Báo Tin Mừng “Evangelii Nuntiandi”, số 20). Điều tất yếu là toàn bộ môi sinh văn hóa rất cần được làm mới lại việc Phúc-Âm-hóa, nhằm mục đích tối hậu là chiếu tỏa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho đến tận cùng trái đất.

III. Tân Phúc-Âm-hóa để môi sinh văn hóa thấm đẫm tình yêu – Lòng Thương Xót:

Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus” (số 12) đã khẳng định: “Giáo hội có sứ mạng  công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, công bố con tim đang sôi sục của Tin Mừng. Nhờ đó, Lòng Thương Xót sẽ đạt tới được con tim và khối óc của con người. Hiền thê của Chúa Ki-tô biến hành động của Con Thiên Chúa thành hành động của mình, và đi đến với tất cả mọi người cũng như không loại trừ bất cứ ai. Trong thời đại chúng ta, mà trong đó Giáo hội đã dành cho việc tái loan báo Tin Mừng, điều này có ý nghĩa như là việc mang đề tài Lòng Thương Xót với niềm hăng hái mới cũng như với một công cuộc mục vụ được canh tân, tiến về phía trước.”

“Công bố lòng thương xót” chính là công cuộc loan báo Tin Mừng, là sứ vụ nhất quán của Giáo hội: Truyền giáo. Nói cách cụ thể là Giáo hội có trách nhiệm đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho muôn dân, bởi “Chân lý đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Ki-tô. Giáo Hội biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu này và làm trung gian của tình yêu ấy cho tất cả mọi người: một tình yêu tha thứ và thể hiện bản thân nó như sự trao ban chính mình.” (Tông chiếu “Misericordiae Vultus”, số 12). Vì thế, Giáo hội nhắc nhở mọi tín hữu: “Hãy có lòng xót thương như Chúa Cha. Vị Thánh Sử nhắc nhở chúng ta về giáo huấn của Chúa Giê-su, Đấng đã phán: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót” (Lc 6, 36).” (ibid, số 13). Rõ ràng mục đích tối hậu của công cuộc canh tân sứ vụ Truyền giáo không gí khác hơn là “Tân Phúc-Âm-hóa để môi sinh văn hóa xã hội thấm đẫm Tình Yêu – Lòng Thương Xót”.

Kết luận:

Tóm lại, “Ðặc điểm của một nhân vị là chỉ đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa, nghĩa là nhờ việc trau giồi những ưu phẩm và giá trị của bản tính. Vì vậy, mỗi khi đề cập đến cuộc sống nhân loại, bản tính và văn hóa liên kết với nhau hết sức chặt chẽ.” (Hiến chế “Gaudium Et Spes”, số 53). Cũng vì tính cách đặc biệt của bản tính con người liên kết chặt chẽ với văn hóa, nên khi Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội chính là đem Tình Yêu Thiên Chúa đến cho xã hội, tác động vào môi trường văn hóa, để từ đó làm cho xã hội ngày một tốt đẹp văn minh hơn.

Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội nhắm đến mục tiêu duy nhất là đổi mới công cuộc rao giảng Tin Mừng, đem đến cho môi trường văn hóa xã hội Tình Yêu của Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót. Ý thức vấn đề như vậy, người Ki-tô hữu hãy canh tân sứ vụ Truyền giáo (Tân Phúc-Âm-hóa) làm sao để bản thân thực sự trở thành “muối, men và ánh sáng” trong môi trường văn hóa giữa lòng xã hội, “để môi sinh văn hóa xã hội thấm đẫm Tình Yêu – Lòng Thương Xót”. Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:

Related posts