Nhân Năm Đức Tin, bàn về bản tính đức tin

Nhiều người tỏ ra băn khoăn lo ngại vì dường như giữa đức tin và cuộc đời có một cái gì bất ổn: bất ổn ở chỗ đức tin dạy một đàng trong khi người tin lại phải sống một nẻo với bao vấn đề cụ thể phức tạp. Đối với những người này, đức tin xem ra chỉ quả quyết mà không minh chứng, chỉ an ủi xoa dịu mà không giải quyết những nỗi khó khăn người ta gặp phải trên đường đời, chỉ chú trọng đến phần linh thiêng mà bỏ rơi hay coi nhẹ phần vật chất nơi con người. Nói tóm lại, giữa đức tin và cuộc đời cụ thể, có cái gì hình như xung khắc.

Thật vậy, nếu chỉ nhìn qua vấn đề thì không thể không có những cảm giác như thế. Nhưng nếu nhìn đức tin và cuộc đời mỗi bên theo một phương diện thì lại khác, vì phải nhận rằng hai bên thuôc hai phạm vi khác nhau, tuy rằng bên này có ảnh hưởng đến bên kia. Đã không giống nhau thì phải phân ra mà nhận định mới khỏi lẫn lộn và thấy rõ được pham vi của mỗi bên.

Đức tin thuộc phạm vi thiệng liêng và siêu nhiên. Chỉ nguyên thế cũng đã thấy đức tin là một thực tại không giống những thực tại khác rồi và đủ để gây ra những khó khăn cho người thời nay. Vậy cần phải hiểu rõ bản tính đức tin để thấy được phạm vi riêng biệt của đức này mà sống và giữ vững đường lối cần phải có của một tín hữu.

Tin là gì?

Tin là hoàn toàn xác nhận những điều Chúa nói, những việc Chúa làm là chân thật, dù ta chưa hiểu hết ý nghỉa hay thấu cảm thấy gì cả. Ngoài ra, tin cũng là công nhận Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại và đạo Người lập ra là đạo mặc khải từ trời mang xuống, dù đạo này bị người đời nhạo báng, khinh thường hay sát hại. Bản sắc của Kitô giáo chính là ở chỗ đó.

Quả thế, Thiên Chúa đã bày tỏ dự định cứu chuộc cho loài người qua những giai đoạn chuẩn bị trong lịch sừ, và khi đến thời đến buổi, Người đã sai Con minh đến giảng dạy, hướng dẫn và cuối cùng lấy cái chết của chính Người Con ấy, để minh chứng và làm dấu thị thực cho tình yêu của Người đối với nhân loại.

Thánh Phaolô định nghĩa đức tin là: “Substantia omnium rerum sperandarum et argumentum non apparentium” (Dt 11,1): Đức tin là bao đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Công đồng Vatican l cũng định nghĩa đức tin là “nhân đức siêu nhiên, nhờ đó, được ơn Chúa thúc đẩy và nâng đỡ, chúng ta tin những điều Người mặc khải là chân thật, không phải vì chân lý nội tại của sự việc mà ánh sáng tự nhiên của lý trí thấu hiểu nổi, nhưng vì uy quyền của chính Chúa mặc khải, vì Người không thể bị lừa cũng không thể đánh lừa”.

Cụ thể, tin là sáp nhập vào Chúa Kitô

Công đồng Vatican II, khi muốn định nghĩa Kitô hữu là ai đã lấy chính Đức Kitô để làm công việc này. Điều đó thật hiển nhiên vì Kitô hữu là người thuộc Đức Kitô, bởi Đức Kitô mà ra. Vì thế, trong các từ ngữ Âu Mỹ, danh hiệu Kitô hữu thường được rút ra từ chữ Kitô. Bởi vậy, Công đồng nói: “Kitô hữu công khai xưng tụng Đức Giêsu là Chúa và là Chủ, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, để tôn vinh Thiên Chúa độc nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Sắc lệnh Hiệp nhất, số 20). Đó là chân lý căn bản của Kitô giáo, trung tâm cốt yếu và sống động của đức tin. Ngay từ đầu, khi đạo mới được rao truyền, người ta đã gọi những người theo đạo là Kitô hữu: “Tại Antiôkia, lần đầu tiên, người theo đạo được gọi là Kitô hữu” (Cv 11,26), vì họ đã đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô, họ là những người theo môn phái Kitô.

Bởi đâu họ được phân loại như thế, nếu không phải vì họ tin theo Đức Kitô. Chính niềm tin này đã qui định thành phần cho họ. Đức tin đã ràng buộc họ vào một ngôi vị là Chúa Giêsu. Đối với họ, tin đã trở nên một hành động lựa chọn giữa hai đối tượng: một bên là Đức Kitô, một bên là người, vật, chủ nghĩa và bao sức hấp dẫn khác. Sự lựa chọn này mang tính tự do và ý thức dựa trên sự hiểu biết và ưng theo. Vì thế, tin trước hết là một ơn huệ Chúa ban, sau là hành vi cá nhân, tự lập, xây dựng trên việc ý thức và nhận định rõ ràng Đấng mình tin theo. Do đó, tin là trở thành môn đồ sống động của Đức Kitô, lấy Người làm tiêu chuẩn sống một cách quyết liệt, nhất thiết cái gì cũng dựa vào đức tin như Thánh Phaolô nói: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21), để nhờ đó mà nên người công chính, vì người công chính sống bởi đức tin (x. Rm 1,16) và mặc lấy tâm tình của Đức Kitô (x. Pl 11,5).

Bởi vậy, tin là một đòì hỏi căn bản trong đời Kitô hữu. Có đức tin và sống đức tin mới gọi được là Kitô hữu. Bỏ đức tin ra ngoài, người ta có thể là gì khác mà không phải là Kitô hữu. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết để được cứu rỗi. Trong cuộc đời truyền đạo, Chúa Giêsu hằng luôn tha thiết kêu gọi người ta đặt tin vào Tin Mừng Người rao giảng: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)

Sám hối và tin là hai điều kiện gắn liền với nhau để tín hữu được cứu rỗi. Khi tin, người ta không còn phải sợ như Chúa Giêsu nói: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” (Mc 5,36) Người tin làm được mọi sự: “Mọi sự đều có thể đối với người tin.” (Mc 9,23) Đó là trường hợp của người bất toại: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi” (Mt 9,2), của người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7,50), của người đàn bà mắc bệnh loạn huyết (x. Mt 9,22), của anh mù Bartimê (x. Mc 10,52), của người cùi ân nghĩa. Tất cả vì tin mà đã được cứu.

Tin là gặp gỡ, tiếp xúc với thiên Chúa

Nhưng tin không phải là thái độ chấp nhận hờ hững, mà chính là hành động dấn thân đưa con người tới chỗ gặp gỡ Thiên Chúa một cách thât mạnh mẽ. Gặp gỡ thân tình là biểu chứng của lòng thương yêu và điều kiện tất yếu để tăng cường đức tin của con người đối với Thiên Chúa. Chính nhờ tiếp xúc với Thiên Chúa mà tín hữu thêm hiểu biết và mến yêu Người. Bởi vậy, thiếu tiếp xúc, gặp gỡ Thiên Chúa, đức tin sẽ hoá ra cằn cỗi. Sự gặp gỡ này sẽ giúp khám phá ra Chúa mỗi ngày một hơn, để hình ảnh của Người biểu lộ dưới mắt ta với tất cả vẻ trìu mến, yêu thương và tiếng nói của Người trở nên ngọt ngào linh động như người có kinh nghiệm về Chúa đã nói: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy, hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người.” (Tv 33,9)

Kinh nghiệm này mang tính cá nhân, chỉ dành riêng cho những ai chịu làm quen với Chúa. Nhưng nhiều khi tìm gặp Chúa để gây thứ cảm xúc ngọt ngào này, chúng ta vẫn không được toại nguyện, vì Chúa như lân trốn, không chịu trao đổi thử cảm xúc này với những ai chủ tâm đi tìm nó. Đó là lúc Chúa như muốn thử thách những ai tìm kiếm Người và tước đoạt nơi họ mọi thứ cảm xúc, khiến họ chỉ còn giữ lại đức tin như một điểm son đã được thanh luyện cho khỏi pha trộn tính xúc cảm. Đây là đức tin thanh thoát đã được trút bỏ mọi tính giác quan. Người có đức tin này bám chặt vào Chúa một cách vô vị lợi. Tất nhiên phải có đức tin của người trưởng thành mới giữ được thái độ này và tập cho quen gỡ mình ra khỏi khuynh hướng tìm kiếm và yêu chuộng những rung cảm giác quan trong sinh hoạt đạo đức, đành rằng những thứ đó cũng góp phần thúc đẩy và tăng thêm những tình cảm sốt sắng. Nhưng không nên quá bận tâm lệ thuộc vào chúng đến nỗi chỉ tưởng mình đạo đức thánh thiện khi được những cảm giác đó yểm trợ. Vì vậy Chúa mới nói: “Giờ đã đến, những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật.” (Ga 4,23)

Tin là từ bỏ mình, ký thác vào Chúa

Có những lúc phải đắm chìm trong gian lao thử thách, tín hữu không biết cầu cứu ai ngoài Chúa. Tin vào sức mình ư? Tốt lắm. Nhưng sức mình có hạn và lắm khi bị não nề, người ta cũng đâm ra hoài nghi chính mình, dù đã vất vả chiến đấu. Đó là những giờ phút của nao núng, chán nản. Mà ai dám tự phụ mình không bao giờ nao núng chán nản. Bởi vậy, cần phải cậy trông vào Chúa, ký thác và bám chặt vào Người. Như vậy có phải là thoái nhiệm không? Không. Từ bỏ mình và ký thác cho Chúa là những hành động công nhận giới hạn thụ tạo của mình và chứng tỏ quyền năng của Chúa Tối Cao. Đó cũng không phải là ươn hèn, “khoán trắng” mọi sự cho Chúa như có người nghĩ, vì giữa tín nhiệm và “khoan trắng” khác nhau. “Khoán trắng” là một cử chỉ ươn lười, ích kỷ, lợi dụng; còn tín nhiệm là một hành vi thân tình, trọng kính và tin tưởng.

Nhưng tại sao phải từ bỏ mình và ký thác cho Chúa. Tự nhiên con người ta thường đề cao mình, tỏ ra độc lập đối với Thiên Chúa do ảnh hưởng di truyền của tội nguyên tổ thành ra dễ trở nên đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế, cần phải dẹp bỏ tính tự phụ, công nhận chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa và ký thác vận mệnh đời mình trong tay Người. Trông chờ ở quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa trong những giờ phút hoài nghi, hoang mang, chán nản, lo lắng không phải là một hành vi làm giảm thiểu khí thế con người, mà trái lại là một cử chỉ hợp lý chứng tỏ tính hạn định và bất túc của bản tính con người. Đàng khác không có gì phải xấu hổ khi thấy mình phải tùy thuộc ở Đấng đã ban chính sự sống cho ta, giống như con cái tín nhiệm và ký thác vào cha mẹ. Cha mẹ càng quý con cái khi thấy chúng hiếu nghĩa và đặt hết lòng tin tưởng của chúng nơi mình.

Kết luận

Đức tin là một ân huệ cao quý. Ơn này không phải tự nhiên mà có, nhưng là do tình thương của Chúa. Chúa ban ơn đức tin cho ai nấy để được sống muôn đời. Nhận được đức tin, mỗi người phải lo gìn giữ, bảo vệ, nuôi dưỡng, làm cho tăng triển và tìm cách truyền thông cho người khác. NĂM ĐỨC TIN nhằm nhắc bảo cho người Công giáo những điều đó mà trọng tâm là săn sóc đến đức tin của mình và lo tái truyền giảng Tin Mừng cho người khác.

Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment