- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Năm Đức Tin với Thánh Tôma – Bài 33: Ngươi hãy thánh hóa ngày Sabat

MƯỜI ĐIỀU RĂN
ĐIỀU RĂN THỨ BA
“NGƯƠI HÃY NHỚ THÁNH HOÁ NGÀY SABAT” (Xh 20,8)

=========

Trong bản kinh tiếng Việt, điều răn thứ ba được phát biểu như sau: “Thứ ba giữ ngày Chúa Nhật”. Thánh Tôma phát biểu theo bản văn Kinh Thánh Cựu ước “Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày sabat” và tìm cách giải thích theo chiều hướng Kitô giáo. Trong tiếng Do Thái, sabbath có nghĩa là nghỉ ngơi, và được dùng để đặt tên cho ngày thứ bảy trong tuần. Luật nghỉ ngơi ngày sabat được nhấn mạnh từ sau thời lưu đày, và lắm khi trở thành câu nệ, được các  sách Tin Mừng thuật lại qua những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ. Các Kitô hữu đã chuyển ngày nghỉ hàng tuần từ thứ bảy sang Chúa nhật, ngày mừng Chúa Phục Sinh. Trong các thế kỷ đầu tiên, việc “giữ ngày Chúa Nhật” hệ tại tụ họp nhau để cử hành Thánh lễ, và sau đó các tín hữu lại trở về công việc thường nhật. Mãi đến thế kỷ IV, Hoàng đế Constantinô mới tuyên bố Chúa Nhật là lễ nghỉ việc. Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, người ta lại rơi vào não trạng của các luật sĩ Do Thái trước đây, nghĩa là không những chú trọng đến việc nghỉ ngơi (hơn là phụng tự), nhưng còn ra những luật chi ly để xác định những việc nào được phép làm, và những việc nào cấm làm. Tiêu chuẩn của các việc cấm làm là những “việc xác”, mà trong nguyên gốc Latinh là “những việc của người nô lệ” (opus servile).

Trong bài diễn giảng dưới đây, Thánh Tôma tuy vẫn giữ từ sabat nhưng hiểu về ngày Chúa Nhật (và các lễ trọng). Hơn thế nữa, tác giả chú trọng đến việc “thánh hoá” ngày ấy, hơn là “kiêng việc xác”. Tác giả bàn 3 điểm: 1/ Lý do tại sao có luật thánh hoá ngày sabat. 2/ Những việc cấm làm trong ngày sabat (tác giả nhấn mạnh đến việc tránh phạm tội, kể cả trong việc nhàn cư). 3/ Một cách tích cực hơn, những việc cần phải làm để thánh hoá ngày Chúa Nhật. Thánh nhân nói đến việc dâng hy lễ của linh hồn (cầu nguyện), của thân xác (ca hát chúc tụng), của tài sản (việc bác ái từ thiện).

***

Lệnh truyền thánh hoá ngày sabat được đặt ở hàng thứ ba, và thật là thích hợp. Thật vậy, tiên vàn chúng ta phải tôn kính Thiên Chúa bằng trái tim, vì thế có lệnh truyền rằng chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa: “Ngươi không được có thần ngoại nào trước mặt Ta.” Thứ đến, chúng ta phải tôn kính Thiên Chúa bằng môi miệng, vì thế, có lệnh truyền rằng “ngươi không được kêu tên Thiên Chúa cách bất xứng”. Thứ ba, chúng ta phải tôn kính Thiên Chúa bằng việc làm, vì thế lệnh truyền thứ ba là “ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày sabat”. Thật vậy, Chúa muốn có một ngày được con người dành ra để phụng sự Ngài.

I. Năm lý do của lệnh truyền

Lệnh truyền này được ban bố vì 5 lý do.

1. Trước hết, lệnh được ban hành để phá bỏ một sự sai lầm

Bởi vì Thánh Thần đã thấy trước rằng sẽ đến ngày mà người ta sẽ quả quyết rằng thế giới này vĩnh cửu, như Thánh Phêrô đã mô tả: “Trong những ngày sau hết, sẽ xuất hiện những kẻ nhạo báng chê cười, sống theo đam mê riêng của họ. Họ nói: ‘Đâu rồi lời Người hứa sẽ quang lâm? Vì từ ngày các bậc cha ông an nghỉ, mọi sư vẫn y nguyên như khi trời đất mới được tạo thành’. Thật vậy, họ không muốn biết rằng từ lâu đã có trời và đất, và đất từ nước mà ra và nước mà đứng vững do lời của Thiên Chúa.” (2 Pr 3,3-5). Vì thế, Thiên Chúa đã muốn rằng người ta giữ một ngày để nhớ lại Ngài đã dựng nên vạn vật trong 6 ngày, và Ngài nghỉ ngơi ngày thứ bảy, không dựng loài nào khác nữa. Chính vì thế mà Chúa đã truyền là “hãy nhớ thánh hóa ngày sabat”.

Những người Do Thái mừng ngày sabat để tưởng nhớ cuộc tạo dựng thứ nhất, còn người Kitô giáo mừng ngày chúa nhật để tưởng nhớ cuộc tạo dựng thứ hai, bắt đầu bằng cuộc phục sinh của Đức Kitô. Người Do Thái mừng ngày sabat để tưởng nhớ cuộc tạo dựng thứ nhất; thế nhưng, Đức Kitô đã đến để hoàn thành một cuộc tạo dựng mới. Thật vậy, nhờ cuộc tạo dựng thứ nhất, con người hạ giới được thành hình và nhờ cuộc tạo dựng thứ hai, con người thiên giới được thành hình. Thánh Tông đồ viết: “Trong Đức Giêsu Kitô, việc cắt bì chẳng là gì, việc không cắt bì cũng chẳng là gì; điều đáng kể là cuộc tạo dựng mới.” (Gl 6,15). Cuộc tạo dựng mới là công trình ân sủng, bắt nguồn từ cuộc phục sinh của Đức Kitô. “Như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một cuộc đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” (Rm 6,4-5). Bởi vì Đức Kitô sống lại vào ngày Chúa Nhật, cho nên chúng ta mừng trọng thể ngày ấy, cũng như người Do Thái mừng ngày sabat để nhớ cuộc tạo dựng thứ nhất.

2. Lệnh truyền giữ ngày sabat được ban bố để dạy dỗ chúng ta niềm tin vào Chúa Cứu Thế

Thật vậy, thân xác của đức Kitô không bị huỷ hoại trong mộ, như Thánh vịnh (15,9-10) đã nói: “Thân xác  con nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa không để cho kẻ hiếu trung phải huỷ diệt.” Bởi vậy, Thiên Chúa muốn cho loài người tuân giữ ngày sabat, bởi vì cũng như các hy lễ của Cựu ước ám chỉ cái chết của Đức Kitô thế nào, thì việc nghỉ ngơi ngày sabat ám chỉ sự nghỉ ngơi của thân xác Người như vậy. Chúng ta không tuân giữ các hy lễ của Cựu ước bởi vì khi thực tại và chân lý đã đến thì hình bóng phải lùi bước, giống như khi mặt trời xuất hiện thì bóng tối biến đi. Tuy nhiên, chúng ta duy trì ngày sabat để kính nhớ Đức Trinh nữ Maria, bởi vì Mẹ đã giữ vững lòng tin vào ngày Chúa chết.[1]

3. Luật truyền giữ ngày sabat được ban bố để củng cố và báo trước chân lý của lời hứa

Thiên Chúa đã hứa cho chúng ta được an nghỉ, như sách Isaia đã viết, “vào ngày ấy, Thiên Chúa sẽ ban cho người được nghỉ ngơi sau khi làm lụng, sau khi bị áp bức và nô dịch mà người đã phải chịu” (Is 14,3); “dân Ta sẽ được nghỉ ngơi trong vẻ đẹp của bình an, trong sự yên hàn của lều trại, trong sự sung túc của an nhàn” (Is 32,18). Sự an nghỉ trong chốn vĩnh cửu sẽ là sự nghỉ ngơi khỏi cảnh gian lao của đời này, nghỉ ngơi khỏi những cám dỗ và nô lệ Satan. Ngay từ bây giờ, Đức Kitô đã cho các môn đệ của Người được nếm hưởng sự an nghỉ ấy.

Nên lưu ý là chúng ta mong được nghỉ ngơi khỏi 3 cơn thử thách: cảnh gian lao của đời này, sự xao xuyến vì cơn cám dỗ và cảnh nô lệ ma quỷ. Chúa Giêsu đã hứa ban sự nghỉ ngơi ấy cho những ai đến với Người khi nói: “Hết thảy những ai khó nhọc và gồng gánh nặng nề, hãy đến với Tôi và Tôi sẽ đỡ gánh cho. Hãy mang ách của Tôi và hãy học cùng Tôi, bởi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng; và các bạn sẽ tìm thấy sự an nghỉ trong tâm hồn, bởi vì ách của Tôi thì êm ái và gánh của Tôi thì nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30). Ta nên lưu ý, “Thiên Chúa đã làm việc sáu ngày và Ngài nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy”, bởi vì cần phải hoàn tất công việc trước khi được nghỉ ngơi. Thời gian lao nhọc thì ngắn ngủi, so sánh với sự nghỉ ngơi kéo dài vô tận, như lời sách Huấn ca, “tôi đã làm việc chút ít, và tôi đã đạt được sự nghỉ ngơi lớn lao.” (Hc 51,35). Thật vậy, cuộc sống vĩnh cửu dài hơn thời gian hiện tại, vượt xa hơn ngàn ngày so với một ngày.

4. Luật truyền giữ ngày sabat được ban bố để hâm nóng tình yêu

Sách Khôn ngoan viết: “Thân xác hư tàn khiến cho linh hồn thành nặng nề.” (Kn 9,15). Vì thế, con người luôn hướng về những sự vật dưới đất nếu không bắt buộc nó phải nâng cao lên cõi thế tục. Bởi thế cho nên cần dành ra một thời gian nhất định để gác bỏ những chuyện trần thế. Do đó, có những người cố gắng thực hiện điều đó cách thường xuyên, như vịnh gia đã thốt lên: “Tôi sẽ luôn luôn chúc tụng Thiên Chúa, miệng tôi không ngừng ngợi khen Ngài.” (Tv 33,2). Hoặc Thánh Tông đồ cũng khuyên nhủ: “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng.” (1 Tx 5,17). Những người như thế sống ngày sabat cách liên tục. Những người khác thực hành việc ngợi khên Chúa vào một vài lúc trong ngày, và có thể áp dụng câu Thánh vịnh sau đây cho họ: “Con sẽ ca tụng Chúa mỗi ngày bảy lượt.” (Tv 118,164). Đối với những người còn lại thì cần phải ấn định một ngày nhất định dành cho Thiên Chúa ngõ hầu họ không bỏ quên Ngài, và lòng mến Chúa sẽ ra nguội lạnh. Ngôn sứ Isaia đã nói về họ: “Nếu ngươi gọi ngày sabat là ngon ngọt … thì ngươi sẽ tìm thấy sự ngon ngọt trong Chúa.” (Is 58,13-14). Sách Giob (22,26) cũng viết: “Ngươi hãy đặt sự khoái lạc nơi Đấng Toàn năng, và hãy ngẩng đầu lên cùng Thiên Chúa. Chúa không thiết lập ngày sabat để cho con người vui chơi tiêu khiển, nhưng là để con người cầu nguyện và chúc tụng Ngài.” Thật vậy, ngày sabat được lập ra không phải để trác táng nhưng để chúc tụng và cầu nguyện. Thánh Augustinô nói rằng ngày hôm ấy mà làm việc thì không tệ cho bằng trác táng.

5. Luật truyền ngày sabat được ban bố để các chủ nhân bày tỏ lòng yêu thương đối với các thuộc cấp

Thật vậy, một số người tàn ác đối với chính mình và với thuộc cấp, đã làm việc không ngơi nghỉ để kiếm lời, như trường hợp các người Do Thái vì họ hết sức tham lam. Sách Đệ nhị luật dạy: “Hãy giữ ngày sabat… ngõ hầu đầy tớ gia nhân của ngươi được nghỉ ngơi, cũng như chính ngươi cũng phải nghỉ ngơi nữa. Trong ngày ấy, ngươi không được làm việc nào hết, chính bản thân ngươi, con cái của ngươi, tôi nam tớ nữ của ngươi, bò và lừa và các súc vật của ngươi cũng vậy.” (Đnl 5,12-14).

Đó là 5 lý do vì sao luật truyền giữ ngày sabat.

II. Phải thánh hoá ngày Chúa Nhật và các lễ trọng như thế nào?

Hãy nhớ thánh hoá ngày sabat. Như đã nói, cũng như người Do Thái cử hành ngày sabat thế nào, người Kitô giáo cử hành Chúa Nhật và lễ trọng như vậy. Vì thế, chúng ta hãy tìm hiểu xem phải tuân giữ lệnh truyền như thế nào. Cần phải biết rằng, Chúa không dạy “người hãy giữ ngày sabat” nhưng là “ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày sabat”.

Từ thánh có 2 nghĩa khác nhau. Thật vậy, đôi khi thánh đồng nghĩa với trong sạch, chẳng hạn như trong đoạn văn sau đây: “Anh em đã được tẩy rửa, anh em đã được thánh hoá.” (1 Cr 6,11). Đôi khi một vật được gọi là thánh khi được cung hiến để dành vào việc phụng tự, chẳng hạn như nơi thánh, thời gian thánh, phẩm phục thánh, bình thánh. Vì thế, chúng ta cần phải cử hành các ngày lễ bằng 2 cách thức, đó là với sự thanh sạch (trong tâm hồn) và bằng cách thờ phượng Chúa. Do đó, có 2 điều cần suy xét trong điều răn này: trước tiên, những điều phải tránh; kế đó, những điều nên làm.

A. Những điều phải tránh

Chúng ta phải tránh 3 điều: tránh làm công tác nô lệ; tránh tội lỗi; tránh nhàn cư.

1. Thứ nhất, tránh công tác nô lệ. Ngôn sứ Giêrêmia (17,22) đã nói: “Anh em thánh hoá ngày sabat bằng cách đừng làm công tác nô lệ trong ngày ấy.” Luật cũng truyền như vậy: “Ngươi không được làm công tác nô lệ nào trong ngày ấy.” (Lv 23,25). Công tác nô lệ là việc làm phần xác, còn công tác tự do là một việc của linh hồn, chẳng hạn như khi làm công việc trí tuệ hay những công việc tương tự, bởi vì đó là những việc mà không ai bị cưỡng bách.

Tuy nhiên, cần biết rằng có thể làm các công việc phần xác vào ngày sabat vì 4 lý do: trong hoàn cảnh cần thiết, vì ích lợi của Giáo Hội, vì ích lợi tha nhân, vì vâng lệnh cấp trên.

Trước hết, vì hoàn cảnh cần thiết. Vì thế, Chúa Giêsu đã bào chữa các môn đệ khi họ bứt lúa vào ngày sabat, như Tin Mừng Matthêu (12,3-7) đã kể lại. Thứ hai, vì ích lợi của Giáo Hội. Do đó, Tin Mừng (Mt 12,5) nói rằng các tư tế phải làm những điều cần phải làm trong đền thờ vào ngày sabat. Thứ ba, có thể làm các việc phần xác vì ích lợi tha nhân. Vì thế, Chúa Giêsu đã chữa lành một người bại tay, và đã vặn lại người Do Thái bắt bẻ bằng ví dụ về con chiên sa xuống hố (x. Mt 12,11-12). Thứ tư, vì vâng lời cấp trên. Vì thế, Chúa đã truyền cho người Do Thái phải làm phép cắt bì trong ngày đó, như Thánh Gioan (Ga 7,23) đã thuật lại.

2. Thứ hai, chúng ta phải tránh phạm tội vào ngày sabat. Ngôn sứ Giêrêmia (17,21) có nói: “Hãy giữ gìn linh hồn, và đừng vác gánh nặng trong ngày sabat.” Gánh nặng của linh hồn là tội lỗi, theo như lời Thánh vịnh, “tội lỗi của con tựa như gánh đè nặng trên con” (Tv 37,5). Tội lỗi là một công việc nô lệ bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “Phàm ai phạm tội là trở thành nô lệ cho tội.” (Ga 8,34). Bởi vậy, lệnh truyền “ngươi không được làm công tác nô lệ trong ngày ấy” thì cần hiểu là tội lỗi. Vì thế, ai phạm tội trong ngày sabat là vi phạm luật truyền này, bởi vì Thiên Chúa bị xúc phạm trong ngày ấy bởi lao công và bởi tội lỗi. “Ta không chịu nổi ngày sabát, ngày đại hội. Tại sao? Tại vì tội lỗi ngự trị trong các buổi họp của các ngươi. Ta chán ngấy các lễ lạt của các ngươi.” (Is 1,13-14).

3. Thứ ba, chúng ta phải tránh nhàn cư. Bởi vì “nhàn cư vi bất thiện” như sách Giảng viên (33,29) đã viết. Vì thế, Thánh Hiêronimô đã viết cho Rusticô: “Đừng ngừng làm công việc tốt gì đó, để cho ma quỷ thấy anh luôn luôn bận rộn.” Vì thế, thật là điều trái phép nếu bạn mừng các ngày lễ trọng, rồi sau đó chẳng làm gì hết, như Thánh vịnh (98,4) đã nói, “điều vinh dự nhà vua là giữ công lý”, nghĩa là sự khôn ngoan quân bình. Sách Macabê quyển I (2,34-38) thuật lại rằng đã đi trốn quân địch, và cho rằng không được phép tự vệ vào ngày sabat; vì thế, quân địch đã xông vào và giết họ. Điều này cũng xảy ra cho những kẻ ở nhàn cư vào các ngày lễ. “Quân thù đã thấy thành Giêrusalem và đã chê cười những kẻ không làm gì trong ngày sabat.” (Ac 1,7). Tốt hơn là nên bắt chước những người Do Thái đã tuyên bố: “Kẻ nào đến tấn công chúng ta vào ngày sabat, thì chúng ta hãy chiến đấu chống trả.” (1 Mc 2,41).

B. Những điều phải làm

Hãy nhớ thánh hoá ngày sabat. Như đã nói trước đây, con người phải thánh hoá các ngày lễ. Chúng ta cũng đã nói rằng từ thánh có 2 nghĩa: khi thì hiểu như là trong sạch, khi thì hiểu như là được cung hiến cho Thiên Chúa. Sau khi đã nói những điều phải tránh vào ngày sabat, bây giờ cần phải nói những công việc phải làm trong ngày đó. Có 3 việc sau đây: dâng hy lễ; nghe Lời Chúa; lo việc Chúa.

1. Thứ nhất, cần phải dâng hy lễ

Sách Dân số đã truyền: “Mỗi ngày, người hãy dâng cho Thiên Chúa một con chiên vào ban sáng và một con chiên vào ban chiều, nhưng ngày sabat thì phải tăng hy lễ lên gấp đôi.” (Ds 28,3-10). Điều này có nghĩa là trong ngày này chúng ta phải dâng lên Thiên Chúa một hy lễ và dâng cho Ngài tất cả những gì chúng ta sở hữu. “Tất cả mọi sự là của Chúa, và chúng con hiến dâng những gì chúng con đã lãnh nhận từ tay Chúa.” (1 Sbn 29,14).

Vì thế, tiên vàn chúng ta cần phải tự nguyện hiến dâng linh hồn chúng ta, một đàng bằng sự đau đớn vì tội lỗi, bởi vì vịnh gia đã nói, “một tấm lòng tan nát giày vò là hy lễ đẹp lòng Chúa” (Tv 50,19); đàng khác, bằng việc cầu xin những ơn lành, “lạy Chúa, nguyện cho lời con nguyện cầu bay lên trước nhan Chúa như hương thơm” (Tv 140,2). Thật vậy, các ngày lễ được đặt ra để ta được hưởng niềm vui bởi việc cầu nguyện. Vì thế, trong những ngày ấy, cần tăng gia cầu nguyện. Thứ đến, chúng ta hãy dâng hy lễ thân xác. Thánh Phaolô đã viết, “tôi van nài anh em, hãy dâng thân mình cho Thiên Chúa làm hiến lễ sống động và thánh thiện” (Rm 12,1), bằng việc chay tịnh và bằng việc ngợi khen, như lời Thánh vịnh, “kẻ dâng hy lễ ngợi khen sẽ làm hiển danh Ta” (Tv 49,23). Vì thế, trong các ngày lễ trọng, người ta tăng thêm những bài ca chúc tụng.

Sau cùng, chúng ta hãy dâng hy lễ tài sản qua công tác từ thiện bác ái. “Đừng quên đức bác ái và chia sẻ các nguồn lợi” (Dt 13,16), bởi vì nhờ các lễ phẩm này mà ta được giao hoà với Thiên Chúa. Trong những ngày này, cần phải dâng lễ phẩm gấp đôi các ngày khác, bởi vì niềm hoan lạc đang dạt dào. “Hãy mang thêm phần cho những ai không chuẩn vị phần cho mình, bởi vì là ngày thánh của Thiên Chúa.” (Nkm 8,10).

2. Học hỏi Lời Chúa

Thứ hai, vào ngày sabat, chúng ta phải học hỏi Lời Chúa, giống như người Do Thái vẫn tiếp tục thực hành, “mỗi ngày thứ bảy, người ta đọc các ngôn sứ” (Cv 13,27). Do đó, các Kitô hữu vì trổi vượt hơn về đường công chính, nên phải để nghe giảng. Chúa nói: “Ai thuộc về Thiên Chúa thì lắng nghe lời Chúa.” (Ga 8,47). Đồng thời, họ cũng hãy nói những lời tốt lành, như Thánh Tông đồ đã nhắn nhủ: “Đừng để lời xấu nào thoát ra khỏi miệng anh em, nhưng nếu có phải nói thì hãy nói lời xây dựng.” (Ep 4,29).

Hai điều vừa nói (học hỏi lời Chúa và nói lời xây dựng) có ích lợi cho linh hồn người tội lỗi vì nó làm thay lòng đổi dạ. “Những lời của Ta giống như lửa cháy bừng, và như chiếc búa đập vỡ cục đá.” (Gr 23,29). Ngược lại, nếu những người lành thánh mà không nói hay nghe những lời tốt thì sẽ ra xấu. Thật vậy, Thánh Phaolô đã nói: “Những giao du xấu làm hư hại phong hoá tốt. Người công chính hãy canh chừng và đừng phạm tội.” (1 Cr 15,33-34). Và Thánh vịnh gia nói: “Con đã cất giữ Lời Ngài trong tim con.” (Tv 118,11). Thật vậy, Lời Chúa dạy dỗ kẻ ngu muội, như lời Thánh vịnh, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước” (Tv 118,105), hâm nóng kẻ nguội lạnh, “Lời Chúa thiêu đốt” (Tv 104,19).

3. Lo việc của Chúa

Thứ ba, vào ngày sabat, chúng ta phải lo việc của Chúa; đây là mối bận tâm của những người trọn lành. “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.” (Tv 33,9). Mục đích của công tác này là sự an nghỉ của linh hồn. Thật vậy, cũng như thân xác mệt mỏi mong được nghỉ ngơi, thì linh hồn cũng vậy. Nơi nghỉ của linh hồn là Thiên Chúa, như Thánh vịnh nói, “xin Ngài hãy nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con” (Tv 30,3), và Thánh Tông đồ viết, “dân Thiên Chúa còn có thể được nghỉ như Thiên Chúa nghỉ ngày sabat, vì ai đã vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa, thì cũng đã nghỉ sau khi làm xong công việc của mình” (Dt 4,8-9). Sau cùng, sách Khôn ngoan cũng nói, “khi vào nơi yên tĩnh, tôi sẽ nghỉ với Đức Khôn ngoan” (Kn 8,16).

Nhưng trước khi linh hồn đạt tới chốn nghỉ ngơi ấy thì cần phải trải qua ba thứ nghỉ ngơi khác. Thứ nhất là nghỉ khỏi sự xao xuyến của tội lỗi, vì Ngôn sứ Isaia (57,20) đã nói, “trái tim của kẻ bất lương thì giống như biển động không thể nào lặng”. Thứ hai là nghỉ khỏi những đam mê xác thịt, bởi vì xác thịt thì ước muốn những điều trái nghịch với thần khí, còn thần khí ước muốn những điều trái nghịch với xác thịt (x. Gl 4,17). Thứ ba là nghỉ khỏi những bận tâm của thế gian, như Chúa đã nói với bà Martha, “Martha, Martha, con lăng xăng và lo lắng trăm việc” (Lc 10,41). Sau cùng, linh hồn sẽ thảnh thơi nghỉ ngơi trong Chúa, “nếu ngươi gọi ngày sabat là ngon ngọt, thì ngươi sẽ thấy khoan khoái trong Chúa” (Is 58,13-14).

Đó là lý do vì sao các thánh đã từ bỏ tất cả mọi sự, vì đó là viên ngọc quý mà một người đã tìm được và giấu đi; thế rồi, anh vui sướng bán hết những tài sản của mình để mua viên ngọc ấy (x. Mt 13,45) Sự nghỉ ngơi ấy là cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui vĩnh cửu. “Đó là nơi tôi sẽ an nghỉ đời đời, tôi sẽ trú ngụ ở đó vì tôi đã chọn nó.” (Tv 131,14). Ước gì Thiên Chúa đoái thương dẫn chúng ta đến nơi ấy!

____________________

[1]
Việc dành ngày thứ bảy trong tuần để kính Đức Mẹ đã có từ thế kỷ VIII. Các nhà thần học thời Trung Cổ đưa ra lý do giải thích là ngày thứ bảy nằm giữa ngày Chúa chết (thứ sáu) và ngày Chúa sống lại (Chúa Nhật). Đức Maria là gương mẫu về lòng can trường, vững niềm tin và hy vọng trước cơn thử thách, và chuẩn bị đón mừng cuộc Phục sinh.

Nguồn: Đaminh VN

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]