Năm Đức Tin với Thánh Tôma – Bài 30: Yêu thương người lân cận

Sau nhập đề về điều răn “mến Chúa”, Thánh Tôma bước sáng điều “yêu người”.  Bài hôm nay gồm 3 mục chính: 1/ Bốn lý do để yêu thương  người thân cận. 2/ Ý nghĩa của lệnh truyền yêu thương người thân cận “như chính mình”. 3/ Năm lý do để tha thứ cho kẻ thù.

***
YÊU THƯƠNG NGƯỜI THÂN CẬN

Khi được chất vấn về điều răn nào quan trọng nhất, Đức Giêsu đã đưa ra 2 câu trả lời cho một câu hỏi. Câu trả lời thứ nhất là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”, mà chúng ta vừa mới bàn; câu trả lời thứ hai là: “và người phải yêu mến người thân cận như chính mình”. Ai giữ được cả hai điều thì đã chu toàn tất cả lề luật. Thánh Phaolô Tông đồ cũng đã nói: “Yêu thương là chu toàn Lề luật.” (Rm 13,10)

I. 4 lý do để yêu thương người thân cận

Có 4 lý do để yêu thương người thân cận:

1/ Lòng yêu mến Thiên Chúa và lòng yêu mến Đức Kitô

Lý do thứ nhất là lòng yêu mến Chúa, bởi vì như Thánh Gioan đã nói: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.” (1 Ga 4,20) Thật vậy, nếu ai nói rằng “tôi yêu mến anh”, nhưng lại ghét con cái và thân hữu của người mình yêu mến thì kẻ ấy đang dối lòng. Tất cả tín hữu chúng ta đều là những con cái Chúa và là chỉ thể của Đức Kitô. Thánh Phaolô tông đồ nói rằng: “Anh em là thân thể của Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.” (1 Cr 12,27). Vì vậy, ai mà ghét người thân cận thì không thể nói là yêu mến Thiên Chúa.

2/ Vì Đức Kitô đã truyền lệnh

Lý do thứ hai để yêu mến người thân cận là vì nó là lệnh truyền của Chúa. Thật vậy, trước  khi từ biệt các Tông đồ, Đức Giêsu đã nhấn mạnh với họ rằng đây là mệnh lệnh cao quý nhất: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12) Do đó, nếu ai ghét người thân cận thì họ không tuân thủ các điều răn của Chúa; đối lại, yêu mến người thân cận là dấu hiệu chứng tỏviệc tuân thủ luật của Chúa. Quả vậy, Chúa đã  với các Tông đồ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35) Chúa không nói rằng: người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ  nếu anh em cho kẻ chết sống lại hay là làm phép gì khác;  nhưng chỉ có một dấu hiệu cho thấy anh em là những môn đệ của Thầy, đó là: “anh em có lòng yêu thương nhau.” Thánh Gioan đã hiểu rõ điều đó khi viết: “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống.” (1 Ga 3,14) Tại sao vậy? “Vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết.”

3/ Vì có chung bản tính loài người

Lý do thứ ba khiến chúng ta yêu thương người thân cận là vì chúng ta có cùng chung  bản tính, như sách Huấn ca (13,19)  đã dạy: “Mọi động vật đều yêu quý đồng loại của mình.” Vì tất cả con người đều giống nhau về bản tính cho nên họ phải yêu thương nhau. Vì vậy, hễ ai ghét người thân cận thì không những trái nghịch với luật của Chúa, mà trái nghịch luật thiên nhiên nữa[1].

4/ Vì được chia sẻ vào các lợi ích do tình yêu mang lại

Lý do thứ tư thúc đẩy yêu thương người thân cận là những lợi ích do tình yêu mang lại. Nhờ đức ái, tất cả mọi thiện ích của người này trở nênhữu ích cho người kia. Thật vậy, đức ái kết hợp tất cả mọi tín hữu thành một Giáo Hội, và đặt tất cả mọi sự làm của chung. Đó cũng là điều khiến cho Thánh vịnh gia thốt lên: “Con chia sẻ với  mọi người kính sợ Chúa và những ai tuân giữ huấn lệnh Ngài.” (Tv 118,63)

II. Tiêu chuẩn yêu thương người thân cận

Điều răn thứ hai của lề luật là “hãy yêu thương người thân cận như chính mình”. Chúng ta đã bàn về ý nghĩa của người thân cận mà ta phải yêu thương; bây giờ phải xét đến phải yêu thương như thế nào. Chúa đã dạy: “Hãy yêu thương như chính mình.” Về điều này, có năm điểm mà chúng ta phải thi hành trong việc yêu thương người thân cận.

1/ Yêu người vì người, chứ không vì ta

Điều thứ nhất là  chúng ta phải yêu thương người thân cậncách chân thật như chính chúng ta vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta yêu thương họ vì họ chứ không phải vì ta. Để hiểu rõ hơn, nên ghi nhận rằng có 3 thứ tình yêu; nhưng hai thứ tình đầu tiên không chân thật, mà chỉ cái tình thứ ba mới chân thật.

Tình yêu thứ nhất mang tính vụ lợi, như sách Huấn ca đã viết: “Có người là bạn khi đồng bàn với con, nhưng ngày con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa.” (Hc 6,10) Tình yêu này không chân thật, bởi vì không còn lợi ích  thì tình yêu cũng tan rã. Trong tình yêu như vậy, thì chúng ta không mong ước điều tốt lành cho người thân cận, mà đúng hơn, chúng ta chỉ mong muốn nơi họ một điều gì lợi ích cho bản thân.

Loại tình yêu thứ hai mang động lực là sự thích thú, và vì thế cũng không chân thật, bởi vì khi nào hết thích thú thì tình yêu cũng chấm dứt. Nơi loại tình yêu này, chúng ta không mong muốn điều tốt cho người thân cận, nhưng mà chúng ta chỉ mong muốn điều tốt đó cho bản thân mình.

Loại tình yêu thứ ba lấy động lực là nhân đức. Chỉ có loại yêu thương này mới là chân thật, bởi vì chúng ta yêu người thân cận vì lợi ích của họ, chứ không phải vì lợi ích của bản thân ta.

2/ Yêu thương có thứ tự

Điểm thứ hai phải giữ  là phải yêu thương có trật tự. Có nghĩa là chúng ta không được yêu mến họ hơn hoặc ngang bằng Thiên Chúa, nhưng yêu mến họ hợp theo ý Chúa, cũng giống như khi yêu mến chính mình. Thiên Chúa đã dạy chúng ta yêu thương có thứ tự (x. Dc 2,4). Thứ tự này được Chúa Giêsu đề cập trong Tin Mừng: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10,37)

3/ Tình yêu hữu hiệu

Điểm thứ ba là chúng ta phải yêu người thân cận bằng hành động cụ thể. Thật vậy, khi yêu mến bản thân, thì ta nỗ lực tìm kiếm những cái gì cần thiết và tránh xa những sự dữ. Bạn cũng phải thực hành điều tương tự với người thân cận, như thánh Gioan đã dạy: “Hỡi các con, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3,18) Dĩ nhiên, thật là tráo trở khi kẻ nào  nói “tôi yêu anh” ngoài miệng mà trong lòng lại tìm cách làm hại họ! Chính hạng người ấy mà vịnh gia đã nói (27,3): “Miệng thì những nói bình an, mà lòng thâm độc chỉ toan hại người.” Thánh Phaolô Tông đồ cũng đã cảnh báo: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ.” (Rm 12,9)

4/ Kiên nhẫn, lúc gặp nghịch cảnh cũng như khi thịnh vượng

Điểm thứ tư là chúng ta phải kiên nhẫn khi yêu người thân cận, cũng giống như bạn kiên nhẫn khi yêu chính mình vậy. Chúng ta đọc thấy trong sách Châm ngôn: “Bè bạn thương nhau mọi thời mọi lúc, vào ngày hoạn nạn họ tỏ ra làanh em.” (Cn 17,17) Điều đó có nghĩa là cần bày tỏ tình yêu vào lúc gặp nghịch cảnh cũng như lúc thịnh vượng; hơn thế nữa, như vừa Kinh Thánh vừa nhắc, chính lúc hoạn nạn mà người ta nhận biết  một người bạn chân thật.

Nên biết là có hai nhân đức giúp duy trì tình bằng hữu. Thứ nhất là sự kiên nhẫn, bởi vì “kẻ hay gây gổ khiến cãi cọ bùng lên” như sách Châm ngôn (26,21) đã nói. Thứ hai là lòng khiêm tốn.Khiêm tốn sinh ra kiên nhẫn, bởi vì “tự mãn tự kiêu luôn gây ra cãi cọ” (Cn 13,10). Thật vậy, kẻ nào nghĩ mình lớn lao và xem thường người khác thì không thể nào chịu đựng những thiếu sót của họ.

5/ Yêu với mối tình thánh thiện

Điểm thứ năm là chúng ta phải yêu thương người thân cận với tình yêu ngay chính và thánh thiện, nghĩa là phải loại trừ  tội lỗi; bởi vì ngay cả đối với bản thân, ta cũng không thể nào yêu mình đến nỗi làm mất tình nghĩa với Thiên Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu đã mời gọi: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15,9) Sách Huấn ca cũng nói đến thứ tình yêu ấu qua lời khuyên của Đức Khôn Ngoan: “Tôi là người mẹ của tình yêu xinh đẹp.” (Hc 24,24)

“Hãy yêu thương người thân cận như chính mình.” Những người Do Thái và Pharisêu đã hiểu lệnh truyền này cách lệch lạc; họ cho rằng Thiên Chúa truyền hãy yêu thương bạn hữu và ghét bỏ kẻ thù. Vì thế, đối với họ, “người thân cận” là những bạn bè. Nhưng Đức Giêsu đã chỉ trích lối giải thích ấy khi nói: “Hãy yêu kẻ thù và làm điều thiện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Cần biết rằng, ai ghét anh em mình thì không được ơn cứu độ, như Thánh Gioan viết: “Ai ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối.” (1 Ga 2,9) Tuy nhiên, có người đã phản bác câu nói này bằng cách trưng dẫn những câu Kinh Thánh nói ngược lại. Thánh vịnh cho thấy rằng các thánh cũng ghét vài hạng người nào đó: “Lạy Chúa, con ghét chúng, ghét cay ghét đắng.” (Tv 138,22) Còn Chúa Giêsu cũng bảo rằng: “Ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26)

Trong hoàn cảnh này, cần phải lấy gương mẫu hành động nơi các  việc làm của Chúa Giêsu. Thế mà Thiên Chúa vừa yêu lại vừa ghét. Thật vậy, cần lưu ý rằng nơibất cứ người nào cũng có hai khía cạnh, đó là: bản tính là điều tốt, và tội lỗi là điều xấu. Dĩ nhiên là cần phải yêu bản tính con người và cần phải ghét tội của họ. Vì thế, nếu ta muốn cho ai đó xuống hỏa ngục thì đó là ghét bản tính; ngược lại, nếu ta muốn điều tốt cho ai thì hẳn là phải gớm ghét tội lỗi nơi họ. Vịnh gia thưa với Chúa: “Chúa  gớm ghê phường giảo quyệt” (Tv 5,7), và sách Khôn ngoan cũng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Ngài yêu thương mọi vật tồn tại trên mặt đất, và nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì?” (Kn 11,25) Vì vậy, hãy xem Thiên Chúa yêu thương và chê ghét cái gì: Người yêu thương bản tính và ghét bỏ tội lỗi.

Tuy nhiên, theo gương Chúa, đôi khi chúng ta có thể muốn một điều gì xấu để được một điều tốt hơn; thậm chí vài người có thể làm một điều xấu để đạt được điều tốt hơn (chẳng hạn như các nhà giáo dục, các quan toà). Ngoài ra, cũng nên biết rằng đôi khi một người làm điều xấu mà không phạm tội, đó là khi làm một điều xấu nhưng mà vẫn muốn điều tốt. Chính Thiên Chúa cũng cư xử như vậy, chẳng hạn như một người nào đó bị ngã bệnh và đã hối cải, còn khi khỏe mạnh thì anh ta lại phạm tội. Cũng tương tự như vậy, khi một người gặp hoạn nạn thì họ lại hoán cải và trở nên tốt, còn khi thịnh vượng thì lại làm điều xấu, như Ngôn sứ Isaia đã nói: “Sự thử thách giúp cho bạn hiều được điều đã nói với bạn.” (Is 28,19) Một cách tương tự như vậy, (bạn không phạm tội) nếu bạn muốn sự chết của bạo vương đang phá hoại Giáo Hội: bạn muốn sự tốt lành cho Giáo Hội chứ không phải cái chết của bạo vương Vì thế, sách Macabê đã nói: “Xin chúc tụng Thiên Chúa chúng ta vì mọi việc đã làm: Người đã trừng trị quân vô đạo.” (2 Mcb 1,17) Tất cả chúng ta không những phải muốn hình phạt ấy mà còn muốn thấy nó thực hiện nữa. Thật vậy, hành quyết các phạm nhân  khi có lý do chính đáng thì không phải là tội; bởi vì như Thánh Phaolô đã viết (Rm 13,4), họ hành động như vậy như là công cụ của Thiên Chúa và họ làm điều bác ái; thật vậy, nếu hình phạt đôi khi có mục đích là trừng trị nhưng đôi khi nó cũng nhắm đạt được một mục tiêu tốt hơn và thần linh. Thật vậy, điều thiện của cả một cộng đồng thì quý hơn mạng sống của một cá nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không muốn điều xấu mà thôi thì chưa đủ; cần phải muốn điều tốt nhữa, nghĩa là muốn cho tội nhân cải thiện và muốn cho y được sự sống vĩnh cửu. Ta có thể muốn điều tốt cho người khác bằng 2 cách: một là muốn một cách tổng quát, bởi vì họ là một thụ tạo của Thiên Chúa và có khả năng thông dự vào sự sống đời đời; hai là muốn một cách đặc thù, xét vì họ là một người  bạn hữu hoặc đồng hành. Không được phép loại trừ ai ra khỏi tình yêu phổ quát; thật vậy, mỗi người phải cầu nguyện tất cả mọi người và giúp đỡ bất cứ ai đang lâm cảnh túng quẫn. Nhưng bạn không buộc phải đối xử thân tình với tất cả mọi người, đừng kể khi họ đến xin tha thứ: lúc ấy họ trở thành người bạn, và nếu ta xua đuổi họ thì ta sẽ tỏ ra ghét bỏ người bạn. Vì vậy, Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6,14-15) Và trong Kinh Lạy Cha, Người dạy chúng ta cầu xin: “Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ chúng con.” (Mt 6,12)

III. Những lý do yêu thương kẻ thù

“Hãy yêu người thân cận như chính mình.” Như vừa nói, nếu bạn không tha thứ cho kẻ đến xin tha thì bạn sẽ mắc tội; còn nếu bạn xích lại gần họ thì tuy không buộc nhưng bạn đã làm một hành vi hoàn thiện của đức ái. Có nhiều lý do khiến bạn xích lại gần kẻ xúc phạm đến mình.

1/ Duy trì phẩm giá làm con cái Chúa

Lý do thứ nhất là giữ được phẩm giá của mình. Các thứ phẩm giá khác nhau được biểu lộ qua những dấu hiệu khác nhau. Không ai được phép bỏ các dấu hiệu của phẩm giá của mình. Phẩm giá cao quý nhất của con người là được làm con cái Thiên Chúa, và dấu hiệu của phẩm giá này là yêu thương kẻ thù, như Chúa Giêsu đã nói: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,44-45). Bởi lẽ, nếu chỉ yêu bạn hữu mà thôi thì không phải là dấu hiệu của con cái Chúa, xét vì các kẻ thâu thuế và tội lỗi cũng làm như vậy (x. Mt 5,46).

2/ Chiến thắng sự dữ bằng sự thiện

Lý do thứ hai để tha thứ cho kẻ xúc phạm là đạt được chiến thắng; đây là điều mà hết mọi người đều ước mong. Vì vậy, hoặc là bạn dùng sự tốt lành của mình để thu hút kẻ đã xúc phạm, như thế là bạn thắng; hoặc là bạn để người khác lôi kéo vào vòng thù ghét, và thế là bạn đã thua. Thế nhưng, Thánh Phaolô đã nói: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.” (Rm 12,21)

3/ Biến kẻ thù thành bạn

Lý do thứ ba để tha thứ là đạt được nhiều mối lợi ích. Thật vậy, nhờ tha thứ mà bạn có được thêm bạn bè, như thánh Phaolô đã nói: “Nếu kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống. Làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó.” (Rm 12,20) Thánh Augustinô nhận xét: “Không có phương thế nào tốt hơn để khêu gợi lên tình yêu cho bằng đi bước trước trong tình yêu. Bởi vì người ta có thể khước từ bộc lộ tình yêu tự phát, nhưng thử hỏi có ai chai lì đến nỗi dám khước từ đáp lại tình yêu đã được trao?” Một cách tương tự như thế, sách Huấn ca nói: “Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành.” (Hc 6,15) Còn sách Châm ngôn thì khẳng định: “Nếu ai đẹp lòng Chúa thì Ngài khiến cả quân thù cũng làm hoà với kẻ ấy.” (Cn 16,7)

4/ Chúa sẽ nhậm lời cầu

Lý do thứ bốn để tha thứ là nhờ thế những lời cầu nguyện của bạn được Thiên Chúa dễ chấp nhận hơn. Về điều này, khi chú giải đoạn văn Giêrêmia (15,1): “Cho dù Môsê và Samuel có đứng trước nhan Ta”, thì Thánh Grêgôriô viết: Ông Giêrêmia nhắc đến hai vị thánh này bởi vì các ngài chuyển cầu cho kẻ thù. Đức Giêsu cũng cầu nguyện như vậy: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ.” (Lc 23,34) Và Thánh Stêphanô đã cầu nguyện cho kẻ thù và đem lại lợi ích lớn lao cho Giáo Hội, đó là ơn hoán hoán cải ông Phaolô.

5/ Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta

Lý do thứ năm là được giải thoát khỏi tội lỗi, là một hồng ân mà ta phải mong ước hơn hết. Thật vậy, đôi khi chúng ta phạm tội và không muốn tìm kiếm Thiên Chúa nữa. Vì vậy, Thiên Chúa lôi kéo chúng ta về với Ngài bằng sự đau ốm, hoặc bằng cách thức nào tương tự, như sách Hôsê đã nói: “Vì thế, Ta sẽ lấy gai góc để chặn đường của nó.” (Hs 2,5) Thiên Chúa đã lôi kéo ông Phaolô bằng đường lối ấy. Thánh vịnh 118 (câu 176) nói: “Con phiêu bạt tựa hồ chiên lạc lối,xin kiếm tìm tôi tớ Ngài đây”, và sách Diễm ca (1,3): “Xin lôi kéo con về với Chúa.” Chúng ta sẽ xin được điều ấy  nếu chúng ta lôi kéo kẻ thù về với mình, trước hết bằng cách tha thứ cho họ, vì  như Chúa đã nói: “Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ được nhận lại bằng đấu ấy.” (Lc 6,36) và “anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37), rồi Chúa nói: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7) Bởi lẽ, không có lòng xót thương nào lớn hơn là tha thứ cho một người đã xúc phạm.

—————

[1] Natural law có thể dịch là: luật thiên nhiên, luật tự nhiên, luật theo bản tính.

Nguồn: Đaminh VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment