Năm Đức Tin với Thánh Tôma – Bài 28: Những hiệu qủa của lòng mến Chúa

Bài hôm nay tiếp tục phần dẫn nhập vào đề tài luật yêu thương. Lần trước, Thánh Tôma ôn lại lịch sử của việc ban hành bốn luật trong lịch sử cứu độ: luật tự nhiên, luật dục vọng, luật Cựu ước (kính sợ), luật Tân ước (yêu thương).

Tiếp tục phần dẫn nhập, tác giả kể ra 9 hiệu quả của lòng mến Chúa. Nói đúng ra, lúc đầu tác giả chỉ nói đến 4 hiệu quả, nhưng đến khi giảng thì người tiếp tục khai triển thêm 5 hiệu quả nữa. (Đây là những điều ghi lại từ một bài giảng, chứ không phải là một cuốn sách đã được soạn thảo với một bố cục chặt chẽ).

Mặt khác, đức mến là một ơn ban, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị bằng những tâm tình thích đáng; tác giả kể ra 2 tâm tình để lãnh nhận, và 2 tâm tình để tăng gia.

Vì thế, ta có thể phân bài này thành 2 mục chính: 1/ Những hiệu quả của đức mến; 2/ Những tâm tình để lãnh nhận và tăng gia đức mến.

Những giáo huấn bình dân này chứa đựng rất nhiều đạo lý cao siêu về đời sống tâm linh Kitô giáo. Đức mến là linh hồn của tất cả đời sống tâm linh. Dù chúng ta có thể lãnh được nhiều đặc sủng, nhưng nếu thiếu đức mến thì những đặc sủng không ích lợi gì hết cho bản thân ta. Đức mến là đường dẫn ta đến kết hiệp với Thiên Chúa: khi yêu mến ai thì ta đồng hoá mình với đối tượng yêu mến (ngược lại, nếu ta yêu mến đồ tồi tệ thì con người chúng ta cũng trở thành tồi tệ). Dù sao, thánh Tôma không quên nhắc nhở rằng: chính Chúa yêu chúng ta trước; nhờ tình yêu ấy mà chúng ta có khả năng yêu mến Ngài.

Nên lưu ý về từ ngữ. Trong tiếng Latinh một danh từ “amor” (tương đương với “amour” tiếng Pháp, hoặc “love” tiếng Anh) có thể dịch sang nhiều từ trong tiếng Việt: “tình yêu, lòng mến, yêu thương, yêu mến, đức mến, đức ái,…”. Hơn thế nữa, đôi khi được hiểu về “lòng Chúa thương yêu ta” hoặc “lòng ta yêu mến Chúa”.

***

I. Những hiệu quả của lòng yêu mến Chúa

Luật yêu mến Chúa tạo ra nơi con người bốn hiệu quả rất đáng ước mong:

1/ Trước hết, nó ban cho tađời sống thiêng liêng

Hiển nhiên là theo bản tính, kẻ được yêu thì ở trong người yêu. Vì vậy, kẻ nào yêu mến Thiên Chúa thì chiếm hữu ngài ở trong mình, như Thánh Gioan Tông đồ đã khẳng định: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Cũng vậy, bản tính của tình yêu là nó biến đổi người yêu trở nên giống đối tượng mà mình yêu. Vì thế, nếu chúng ta yêu mến những vật hèn hạ hư nát, thì chính chúng ta cũng trở nên hèn hạ hư nát. Ông Hôsê đã ghi lại lời của Chúa phán với dân Israel như sau: “Cha ông các người trở nên kinh tởm, giống như các thần tượng mà họ yêu mến” (Hs 9,10). Ngược lại, nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta trở thành thánh thiêng, bởi vì thánh Tông đồ đã nói (1 Cr 6,17): “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.”

Ngoài ra, Thánh Augustinô đã khẳng định: “Cũng như linh hồn là sự sống của thể xác, thì Thiên Chúa là sự sống của linh hồn.” Đây là một chân lý hiển nhiên.Thật vậy, chúng ta nói rằng thân xác sống nhờ vào linh hồn khi nó thực hiện những chức năng của sự sống, như là hoạt động hay vận động; nhưng khi linh hồn lìa khỏi xác, thì thân xác không hoạt động mà cũng chẳng cử động được nữa. Tương tự như thế, linh hồn thi hành cáchành vi nhân đức và thiện hảo khi nó hành động trong đức mến. Nhờ nhân đức này Thiên Chúa cư ngụ trong linh hồn; nhưng nếu không có tình yêu thì linh hồn trở thành bất động như thánh Gioan đã viết: “Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1 Ga 3,14). Nên biết rằng nếu ai có hết tất cả các đặc sủng Thánh Linh nhưng thiếu đức yêu thương thì người ấy không có sự sống.Thật vậy, ơn nói tiếng lạ hoặc ơn đức tin hay bất cứ ơn nào khác, chẳng đem lại cho ta sự sống nếu thiếu có đức mến.Bởi vì giả như bạn trang điểm một xác chết bằng vàng bạc hay đá quý, thì thân xác đó cũng chẳng sống được. Thế nên, hiệu quả thứ nhất của luật yêu thương là ban sự sống.

2/ Hiệu quả thứ hai của tình yêu là tuân giữ các điều răn của Chúa

Thánh Grêgôriô đã nói: “Tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ bất động. Tình yêu làm nên  nhữngviệc lớn lao; nếu như không có hoạt động thì chứng tỏ là không có tình yêu.” Vì vậy, một dấu hiệu rõ ràng về tình yêu là mau mắnchu toàn các lệnh truyền. Do đó, ta thấy kẻ nào yêu thì thực hiện những điều lớn lao và khó nhọc dành cho người mình yêu của họ, như thánh Gioan đã khẳng định: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14,23)

Chúng ta cần chú ý rằng, ai tuân giữ lệnh truyền và luật mến Chúa thì đã chu toàn tất cả lề luật. Tuy nhiên có hai loại điều răn của Chúa. Loại thứ nhất thì mang tính khẳng định, và tình yêu  thi hành những mệnh lệnh này, bởi vì tình yêu là sự sung mãn của lề luật, tóm lại nơi các điều răn;  nhờ tình yêu mà các điều răn được tuân giữ. Loại thứ hai mang tính phủ định (ngăn cấm); và cũng tình yêu tuân hành những điều răn này, bởi vì tình yêu không thể nào làm điều bất chính, như Thánh Phaolô tông đồ đã quả quyết trong thư thứ nhất Côrintô (13,4).

3/ Hiệu quả thứ ba của tình yêu là mang lại hỗ trợ để đương đầu với những nghịch cảnh

Thật vậy, đối với kẻ có lòng yêu mến, thì chẳng có nghịch cảnh nào có thể làm tổn thương được; ngược lại, tình yêu biến đổi tất cả những nghịch cảnh thành điều hữu ích, như thánh Phaolô đã viết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người.” (Rm 8,28) Hơn thế nữa, đối với ai có lòng yêu mến thì kể cả những nghịch cảnh và trở ngại cũng trở nên dễ dàng, như kinh nghiệm cho thấy.

4/ Hiệu quả thứ tư của tình yêu là dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu

Thật vậy, hạnh phúc vĩnh cửu chỉ được hứa ban cho những ai có tình yêu; bởi vì nếu thiếu tình yêu, thì mọi sự đều bất cập. Thánh Phaolô đã viết: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4,8).

Nên biết rằng sự khác biệt cấp bậc hạnh phúc chỉ dựa trên sự khác biệt về đức ái chứ không dựa trên nhân đức nào khác. Có nhiều người hơn các Tông đồ về sự hãm minh; nhưng các Tông đồ vượt các người khác về hạnh phúc bởi vì các ngài vượt về đức ái, như Thánh Phaolô đã viết (Rm 8,23):  các ngài đã nhận được những hoa trái đầu tiên của Chúa Thánh Thần. Vì thế, sự khác biệt về hạnh phúc dựa trên sự  khác biệt về tình yêu.

Như vậy, đức mến đã sinh ra 4 hiệu quả nơi chúng ta.Ngoài ra, không nên bỏ qua nhiều công hiệu khác nữa.

5/ Tha thứ tội lỗi

Chúng ta nhận thấy điều này qua kinh nghiệm cuộc sống. Nếu ai xúc phạm một người nhưng sau đó lại yêu thương thân tình kẻ mà mình đã xúc phạm, thì qua sự bày tỏ tình yêu này, kẻ bị xúc phạm sẽ tha thứ lỗi lầm. Một cách tương tự như thế, Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho những ai yêu mến Người, như thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ đã viết: “Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.” (1 Pr 4,8) Tác giả nhấn mạnh đến từ “che phủ”, bởi vì Thiên Chúa không nhìn đến  những tội lỗi ấy để trừng phạt nữa. Và mặc dù thánh Phêrô nói “lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi”, nhưng vua Salômôn đã viết rằng “tình yêu che lấp tất cả mọi lỗi lầm” (Cn 10,12). Mẫu gương của bà Maria Mađalêna đã minh hoạ cho nét đẹp này: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha” (Lc 7,47), và lý do để được tha thứ là “bởi vì chị đã yêu mến nhiều”.

Nếu ai hỏi rằng “vì tình yêu có đủ khả năng lau sạch tội lỗi, nên đâu cần việc sám hối làm gì nữa?”, thì nên biết rằng: không ai thực sự yêu mến nếu họ không thực lòng thống hối. Vì rõ ràng là chúng ta càng yêu ai, thì chúng ta càng cảm thấy đau đớn nếu như chúng ta xúc phạm đến người đó. Và đây là một trong những hiệu quả của tình yêu.

6/ Soi sáng tâm trí

Hiệu quả khác của tình yêu là nó soi sáng tâm trí. Sách Gióp có nói: “Tất cả chúng tôi đều tối tăm mê muội.” (G 37,19). Chúng ta thường không biết điều gì phải làm hoặc phải ước muốn. Nhưng tình yêu dạy chúng ta hết những gì cần thiết cho ơn cứu độ. Vì vậy, thánh Gioan tông đồ đã nói rằng: “Dầu của Người [Đức Giêsu] dạy dỗ anh em mọi sự.” (1 Ga 2,27) Thật vậy, ở đâu  có tình yêu, thì đấy có Thánh Linh, Đấng thông biết mọi sự và dẫn đưa chúng ta trên đường nẻo ngay chính, như Thánh vịnh 142 đã nói. Vì thế, sách Huấn ca viết: “Hỡi các bạn là những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy yêu mến Ngài thì trái tim các bạn sẽ được chiếu sáng để biết những gì cần thiết cho ơn cứu độ.” (Hc 2,10)

7/ Niềm vui trọn hảo

Tình yêu mang lại niềm vui trọn hảo cho chúng ta. Thật vậy, chẳng có ai chiếm hữu niềm vui chân thật nếu không sống trong đức ái. Bất cứ ai ao ước một điều gì thì họ sẽ không vui mừng hoặc không nghỉ ngơi bao lâu chưa đạt được điều mình mong mỏi. Đối với những thực tại trần thế, điều xảy ra là khi chưa có điều gì thì chúng ta ao ước nó; đến khi đã chiếm hữu rồi, thì ta lại khinh thường nó vì nó gây ra nhàm chán. Nhưng đối với những thực tại thiêng liêng thì khác. Người nào yêu mến Thiên Chúa thì chiếm hữu Ngài; linh hồn của người yêu mến Chúa và mong ước Chúa thì được an nghỉ trong Ngài; vì như Thánh Gioan đã nói: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1 Ga 4,16)

8/ Bình an trọn hảo

Hơn nữa, tình yêu còn mang lại cho ta niềm an bình trọn hảo. Thật vậy, tâm hồn con người thường hướng về những sự vật tạm bợ; người ta ước mong những điều ấy, nhưng một khi đã đạt được điều ước nguyện thì lại không yên ổn; trái lại, khi đã được một điều ao ước thì lại ước ao một điều khác nữa. Ngôn sứ Isaia đã nói: “Lòng những người gian ác cứ như biển động không thể lặng yên.” (Is 57,20) Rồi ông tiếp: “Thiên Chúa phán, phường độc ác gian tà không được hưởng bình an.” Nhưng đối với lòng yêu mến Chúa thì lại khác, bởi vì những ai yêu mến Thiên Chúa sẽ có bình an trọn hảo, như Thánh vịnh đã ghi: “Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào.” (Tv 118,165) Lý do là bởi vì duy một mình Thiên Chúa mới lấp đầy mọi khát khao của chúng ta. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa lớn hơn trái tim của ta.” (1 Ga 3,20) Cũng thế, Thánh Augustinô đã tự thú: “Lạy Chúa, Ngài dựng nên chúng con cho Ngài, trái tim chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.” (ConfessionesI,1) Rồi Thánh vịnh cũng nói: “Chúa ban cho khát vọng của ngươi được chứa chan hạnh phúc.” (Tv 102,5)

9/ Phẩm giá cao quý: làm bạn hữu với Chúa

Đức mến ban cho con người phẩm giá lớn lao. Thật vậy, tất cả mọi loài thọ tạo đều phục vụ Đấng uy nghiêm cao cả (bởi vì chúng do Ngài làm ra), tựa như các sản phẩm phải phục vụ người đã chế tạo chúng. Thế nhưng tình yêu đã biến đổi người tôi tớ thành người tự do và bạn hữu. Vì vậy, Chúa đã nói với các Tông đồ rằng: “Thầy không còn gọi anh em là nô lệ hay tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu.” (Ga 15,15)

Thế nhưng, Thánh Phaolô chẳng phải là tôi tớ của Đức Kitô đấy ư, giống như các tông đồ khác, theo như các ngài tự xưng trong các lá thư?

Để trả lời, chúng ta nên phân biệt hai loại tôi tớ. Loại thứ nhất là thứ tôi tớ sợ hãi, một thứ dịch vụ vất vả và chẳng có công lao gì. Bởi lẽ những ai giữ mình để khỏi phạm tội chỉ vì sợ hình phạt thì họ chẳng đáng công trạng gì; họ vẫn còn là một nô lệ hầu hạ. Loại tôi tớ thứ hai là tình yêu. Thực vậy, nếu ai hành động không vì sợ sự công thẳng của Thiên Chúa nhưng là do lòng yêu mến ngài, thì  người ấy hành động không như một người nô lệ, nhưng như một người tự do, bởi vì họ hành động một cách tự tình. Đó là cách cư xử của các thánh tông đồ. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói với các ngài: “Thầy không còn gọi anh em là nô lệ nữa.” Tại sao vậy? Thánh Tông đồ trả lời: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử.” (Rm 8,15) Thật vậy, trong tình yêukhông còn sự sợ hãi nữa, như thánh Gioan đã nói (1Ga 4,18). Vì sự sợ hãi giả thiết một hình phạt.Tình yêu làm cho chúng ta không chỉ trở thành người tự do mà còn trở thành những người con; “chúng ta không chỉ mang danh là  con Thiên Chúa mà thực sự là như vậy” (1 Ga 3,1), như Thánh Gioan đã khẳng định.

Khi một người bên ngoài thủ đắc quyền thừa kế thì người ấy trở thành nghĩa tử của một ai đó. Vì vậy, nhờ đức ái mà chúng ta lãnh được quyền thừa kế gia tài của Thiên Chúa, đó là sự sống đời đời. Như Thánh Phaolô đã viết: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, nghĩa là đồng thừa kế với Đức Kitô.” (Rm 8,16-17) Sách Khôn ngoan cũng đã nói về những người công chính: “Này họ đã được kể vào số những con cái của Thiên Chúa.” (Kn 5,5)

II. Làm cách nào để thủ đắc và tăng gia lòng yêu mến Chúa

Chúng ta vừa nói đến những lợi ích của đức mến. Vì đức mến mang lại nhiều ích lợi to lớn như vậy, cho nên cần phải nỗ lực để đạt được và để duy trì nó. Tuy nhiên, nên biết rằng không ai tự sức mình có thể chiếm hữu đức mến; nó là một ân huệ Chúa ban cho chúng ta. Vì thế, Thánh Gioan nói: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước.” (1 Ga 4,10)

Có nghĩa là Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải tại vì chúng ta đã yêu Ngài trước; nhưng chính nhờ tình yêu của Ngài ban mà chúng ta yêu mến Ngài.

Chúng ta cũng nên suy đến điều này nữa: mặc dù tất cả mọi ân huệ đều phát xuất từ Chúa Cha là cội nguồn mọi ánh sáng, nhưng ân huệ tình yêu vượt trên tất cả mọi ân huệ. Thật vậy, ta có thể có tất cả những ân huệ khác mà không có đức mến và Chúa Thánh Linh; nhưng với đức mến thì chắc chắn là ta có Chúa Thánh Linh. Thánh Phaolô Tông đồ đã nói: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Linh được ban cho chúng ta.” (Rm 5,5) Bởi vì chúng ta có thể có các ơn nói tiếng lạ, ơn hiểu biết, ơn ngôn sứ nhưng lại không có ân sủng và Thánh Linh.

Tuy rằng đức mến là ân huệ Chúa ban, nhưng để sở hữu được nó thì cần có sự chuẩn bị về phía chúng ta. Nên biết là có hai tâm tình cân thiết để thủ đắc đức mến, và hai tâm tình để tăng gia đức mến đã có.

1/ Hai tâm tình để thủ đắc đức mến

a) Chú ý lắng nghe lời Chúa

Tâm tình thứ nhất để thủ đắc đức mến là chú ý lắng nghe lời Chúa. Kinh nghiệm bản thân đủ cho chúng ta hiểu được điều ấy. Khi chúng ta nghe những điều tốt về một ai đó, thì chúng ta được nung nấu lòng yêu mến người đó. Vì vậy, khi chúng ta nghe lời của Thiên Chúa, chúng ta được nung nấu yêu mến Ngài, như Thánh vịnh đã nói: “Lời của ngài đầy tràn lửa, và tôi tớ của ngài yêu thích.” (Tv 118,140) Tương tự, Thánh vịnh 105 (câu 19) nói về ông Giuse: “Lời Thiên Chúa đã nung nấu ông.” Và hai người môn đệ Emmaus được nung nấu bởi tình yêu Chúa, đã bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32) Và trong sách Công vụ Tông đồ (10,44) viết rằng đang khi ông Phêrô rao giảng, Thánh Linh ngự xuống trên những ai nghe lời Chúa. Và điều này thường xảy ra trong các bài giảng: tâm hồn những người chai đá đến nghe giảng đã được hun nóng nhờ lời vị giảng thuyết.

b) Suy gẫm những tư tưởng lành thánh

Tâm tình thứ hai là suy nghĩ liên tục về những điều lành thánh, như Thánh vịnh (38,4) đã nói: “Nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy.” Vì thế, nếu bạn muốn đạt được lòng mến Chúa thì hãy suy gẫm điều lành. Thật vậy,  người nào mang một trái tim hờ hững, nhưng khi suy gẫm về những ân huệ mà Chúa ban, về những hiểm nguy mà Chúa đã cứu thoát, về hạnh phúc mà  Chúa hứa, thì ắt hẳn sẽ được bừng lên lòng yêu mến Chúa. Thánh Augustinô đã nói: “Trái tim của con người thật là lì lợm, bởi vì chẳng những không muốn yêu mà cũng chẳng đáp lại tình yêu mà mình đã lãnh”. Và thật đúng khi nói rằng: những ý tưởng xấu xa sẽ hủy diệt đức mến, thì những ý tưởng tốt lành sẽ nảy sinh, nuôi dưỡng và duy trì đức mến. Vì thế, ngôn sứ Isaia yêu cầu chúng ta rằng “hãy vứt bỏ những ý tưởng xấu xacủa các ngươi cho khỏi mắt ta” (Is 1,16), bởi vì  “những ý tưởng ngang trái khiến con người lìa xa Thiên Chúa” (Kn 1,3).

2/ Hai tâm tình để gia tăng đức ái

Đàng khác, có 2 tâm tình làm gia tăng đức mến sẵn có.

a) Dứt bỏ lòng quyến luyến những điều trần tục

Thứ nhất là dứt bỏ khỏi lòng quyến luyến những điều phù phiếm trần tục. Thật vậy, con tim không thể nào hướng đến nhiều đối tượng khác biệt một cách hoàn toàn được. Không ai vừa yêu mến Thiên Chúa vừa quyến luyến thế gian. Vì vậy, trái tim chúng ta càng rời bỏ việc yêu mến thế gian, thì nó càng được cắm chặt trong tình yêu Thiên Chúa. Thánh Augustine đã viết: “Điều gây độc hại cho đức mến là sự trông mong thủ đắc hoặc giữ gìn những tài sản thế tạm. Điều sinh ra bổ dưỡng cho đức mến là giảm thiểu tính tham lam. Điều kiện toànđức mến là khử trừ tính tham lam” (Sách 83 vấn nạn), bởi vì “gốc rễ của tất cả sự dữ là lòng tham lam” (1 Tm 6,10). Vì vậy, phàm  ai muốn nuôi dưỡng đức mến thì hãy cố gắng  giảm bớt tính tham lam. Tính tham lam là ham mê thủ đắc hoặc bảo vệ những tài sản tạm bợ chóng qua. Muốn cắt giảm tính tham lam thì bắt đầu là kính sợ Thiên Chúa; bởi vì không thể nào kính sợ Chúa mà không yêu mến Ngài. Và các dòng tu đã được lập ra nhằm hủy diệt lòng tham lam. Trong các dòng và nhờ các dòng, tâm hồn người tu sĩ được thoát bỏ những sự mau tàn và thế gian và được nâng lên những sự thần linh. Đó là điều mà sách Macabê muốn nói “Mặt trời, trước đó bị mây che phủ, bây giờ bắt đầu chiếu sáng” (2 Mac 1,22). Mặt trời, đó là lý trí con người, bị đám mây che phủ khi nó bị trói chặt vào những chuyện thế trần; nhưng lý trí đó toả sáng khi nó thoát bỏ lòng quyến luyến những chuyện thế trần. Lúc ấy nó toả sáng và gia tăng lòng mến Chúa.

b) Kiên nhẫn trong nghịch cảnh

Yếu tố thứ hai giúp đức mến tăng trưởng là duy trì lòng trung kiên giữa những nghịch cảnh. Thật vậy, khi chúng ta chịu khổ sở vì người mình yêu, thì tình yêu đó không bị huỷ diệt mà lại tăng trưởng hơn nữa như sách Diễm ca đã nói: “Dòng nước cuộn – nghĩa là những gian truân – vẫn không thể dập tắt lòng yêu thương.” (Dc 8,7) Vì vậy, những người thánh thiện càng gánh chịu những nghịch cảnh vì Chúa thì càng được củng cố vững vàng trong lòng mến, giống như một người thợ thủ công ưa chuộng tác phẩm nào mà mình đã dày công nhào nặn. Đó là lý do tại sao những kẻ càng đau khổ sầu muộn vì Chúa, thì càng lớn lên trong tình mến Chúa. Ta thấy rõ điều này trong sách Sáng Thế (7,17): “Nước càng nhiều – tức là nhiều gian truân – thì càng nâng cao con tàu của ông Nôe”, là hình ảnh của Hội Thánh hoặc của linh hồn người công chính.

Nguồn: Đaminh VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment