Năm Đức Tin với Thánh Tôma – Bài 22

KINH LẠY CHA
VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON

Chúng ta bước sang lời cầu xin thứ 5. Điều đầu tiên đáng ghi nhận là Thánh Tôma bắt đầu với một ơn của Thánh Linh. Chúng ta đã thấy một lối tiếp cận tương tự trong lời cầu xin trước đây. Vì thế tuy là chúng ta đọc “Lời kinh Chúa (Giêsu) đã dạy”, nhưng Thánh Tôma không ngần ngại nói rằng chính Thánh Linh thúc đẩy chúng ta cầu nguyện, như Thánh Phaolô đã có lần nói (Rm 8,26). Lời cầu xin tha thứ được gắn với ơn “chỉ giáo” (consilium). Trong tiếng Latinh, consilium có nghĩa là lời khuyên, lời bàn; vì thế có người dịch ơn này là “ơn bàn luận, chỉ dẫn”. Cụ thể, Thánh Linh khuyên nhủ chúng ta nhận biết thân phận tội lỗi của mình, và xin Chúa tha thứ.

Thánh Tôma nêu lên ba câu hỏi liên quan đến việc xin tha thứ: Tại sao xin Chúa tha thứ? Làm thế nào xin Chúa tha thứ? Làm gì để được Chúa tha thứ?

1/ Bài giáo lý của Thánh Tiến sĩ Thiên thần bao gồm nhiều điểm đạo lý liên quan đến ơn tha thứ tội lỗi, đã từng là những điểm tranh luận trong lịch sử Giáo Hội.

– Có người không cần biết đến ơn tha thứ, bởi vì họ cho rằng mình tự sức khả năng sống thánh thiện. Chúng ta có thể liên tưởng đến nhóm Pelagiô.

– Đối lại, có người cho rằng Chúa không ban ơn tha thứ cho người tội lỗi, bởi vì ơn này chỉ được ban một lần vào lúc lãnh bí tích rửa tội. Đó là chủ trương của Novaxiô.

Giữa hai thái cực trên, chúng ta phải giữ thái độ trung dung: đó là khiêm tốn nhìn nhận rằng con người cần ơn tha thứ bởi vì tất cả đều phạm tội; đồng thời cũng cần hy vọng rằng Chúa sẽ tha thứ dù phạm tội thế nào đi nữa.

2/ Làm thế nào để được Chúa tha thứ? Dĩ nhiên là cần phải ăn năn sám hối. Nhưng nếu mình sám hối và được Chúa tha rồi, thì tại sao phải đi xưng tội nữa? Thánh Tôma phân biệt hai khía cạnh của tội: a) một bên là “lỗi” (culpa) xúc phạm đến Chúa; điều này được tha thứ khi ta hối cải; b) một đàng là “hình phạt” (poena) nghĩa là sự xáo trộn cần được sửa chữa. Hình phạt sẽ được xá giải nhờ Bí tích Giao Hoà. Một phương thế khác để xá giải “hình phạt” là các ân xá do Giáo Hội ban.

3/ Phải làm gì để được tha thứ?Theo lời xin trong Kinh Lạy Cha, chúng ta phải tha thứ cho kẻ xúc phạm đến chúng ta. Tuy nhiên, Thánh Tôma phân biệt 2 cấp độ: a) trọn hảo: chính ta đi tìm kẻ đã xúc phạm để tha thứ; b) phổ quát: mình sẵn sàng tha thứ khi người ta đến xin lỗi.

Lời cầu xin này được gắn với chân phúc dành cho kẻ biết thương xót (Mt 5,7).

***

XIN THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON

Có những người rất thông minh và cương nghị, nhưng bởi vì họ tự tin thái quá vào sức mạnh của họ, cho nên hành động thiếu khôn ngoan và vì thế họ không hoàn thành công việc của họ theo như đã dự định. Họ không quan tâm đến những lời khuyên[1]: “Hãy suy tính các điều mà bạn dự tính, và hãy đi bàn hỏi” (Cn 20,18). Vì thế, Thánh Linh là Đấng đã ban ơn dũng cảm thì cũng ban ơn chỉ giáo, bởi vì mọi lời  khuyên tốt liên quan đến ơn cứu độ của con người đều đến từ Thánh Linh. Ơn chỉ giáo rất cần thiêt cho con người khi bị thử thách. Cũng như khi ốm đau thì con người đến xin y sĩ chỉ dẫn thế nào, thì khi ốm đau về tinh thần do tội lỗi, con người cũng cần xin chỉ dẫn để được chữa lành như vậy.

Ngôn sứ Đaniel đã cho thấy rằng ơn chỉ giáo cần thiết đối với kẻ có tội khi ông tâu với vua Nabucôđônôxô: “Tâu đức vua, xin vui lòng nghe theo lời chỉ dẫn của thần đây. Đức vua hãy chuộc tội bằng cách làm việc nghĩa, và xá lỗi bằng cách tỏ lòng từ bi đối với người nghèo” (Đn 4,24). Lời khuyên “làm việc nghĩa” và “tỏ lòng từ bi” là một lời chỉ giáo tuyệt vời để xoá bỏ những tội lỗi đã phạm. Vì thế, Thánh Linh đã dạy cho những tội nhân hãy cầu xin: “Xin tha nợ cho chúng con”.

Chúng ta mắc nợ Thiên Chúa mỗi khi chúng ta xúc phạm đến quyền lợi của Ngài. Thiên Chúa có quyền đòi chúng ta phải tuân theo ý của Ngài chứ không phải là theo ý riêng của ta. Khi chúng ta đặt ý riêng của mình lên trên ý của Chúa thì chúng ta xúc phạm đến quyền lợi của Ngài, đó chính là tội lỗi. Do đó, tội lỗi là những món nợ của chúng ta đối với Thiên Chúa. Và chính Thánh Linh đến chỉ dạy chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban ơn tha thứ tội lỗi, qua lời khẩn cầu: “Xin tha nợ cho chúng con”.

Liên quan đến lời xin này, 3 câu hỏi được đặt ra: a) thứ nhất, tại sao chúng ta phải cầu xin ơn tha thứ?; b) thứ hai, làm thế nào để xin ơn tha thứ?; c) thứ ba, có sự đòi hỏi nào về phía chúng ta không?

I. Tại sao chúng ta phải cầu xin: “Xin Cha tha nợ cho chúng con?”

Qua lời cầu xin, chúng ta có thể rút ra 2 lời dạy bảo cần thiết cho cuộc sống.

1) Lời dạy thứ nhất là: con người cần phải luôn luôn sống trong tâm tình kính sợ và khiêm tốn. Thật vậy, có những người ngạo mạn dám dạy rằng khi sống ở đời này, con người có thể nhờ sức riêng để tránh tội lỗi. Nhưng chẳng có ai được ban ơn ấy, ngoại trừ  Đức Giêsu Kitô, Người được tràn đầy Thần Khí (Ga 3,34), và Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đầy ân sủng và không hề mắc tội nào, như Thánh Augustinô đã viết: “Khi nói về các tội lỗi thì tôi không muốn nhắc đến Đức Trinh Nữ”[2]. Không vị thánh nào không mắc tội, ít là tội nhẹ, vì vậy, Thánh Gioan đã viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8). Như vậy, đã rõ là tất cả các thánh cũng như hết mọi người đều có thể đọc Kinh Lạy Cha, trong đó có lời cầu: “Xin tha nợ chúng con”, bởi vì nhìn nhận và thú nhận rằng mình là tội nhân, là con nợ. Do đó, nếu như bạn là tội nhân, thì bạn phải sợ hãi và khiêm tốn.

2) Lời dạy thứ hai rút ra từ lời cầu xin là chúng ta phải luôn sống trong hy vọng. Thật vậy, dù là tội nhân nhưng chúng ta đừng mất hy vọng; bởi vì sự thất vọng có thể thúc đẩy chúng ta đến chỗ phạm nhiều tội khác nặng hơn, như đã xảy ra cho dân ngoại, theo như lời Thánh Phaolô: “Vì rơi vào tuyệt vọng, họđã buông thả, sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ” (Ep 4,19). Bởi vậy, thật là rất hữu ích khi chúng ta luôn luôn hy vọng. Dù con người đã phạm tội nặng đi nữa, thì cần tin tưởng rằng nếu mìnhthống hối thì Chúa sẽ tha thứ. Niềm hy vọng này được củng cố vững chắc khi chúng ta nói lên: “Lạy Cha chúng con, xin Cha tha nợ cho chúng con”. Niềm hy vọng vào ơn tha thứ đã bị phái Novatianô (thế kỷ III) phủ nhận khi họ quả quyết rằng: nếu sau khi chịu Phép Rửa mà bạn phạm tội dù chỉ là một lần mà thôi thì bạn sẽ không tài nào được tha thứ! Nhưng nói như vậy là không đúng, bởi vì Chúa Kitô đã nói: “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin” (Mt 18, 32). Do đó, bạn sẽ nhận được ơn tha thứ bất cứ tội lỗi nào nếu bạn nài xin Chúa với lòng thống hối.

Nói tóm lại, lời cầu “xin Cha tha nợ cho chúng con” làm phát sinh trong chúng ta hai tâm tình: sợ hãi và hy vọng, bởi vì  tất cả mọi tội nhân có lòng ăn năn và thú nhận lỗi lầm thì sẽ nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Bởi vậy, lời nguyện xin này rất cần thiết.

II. Làm thế nào để lời cầu “xin Cha tha nợ chúng con” được thực hiện?

Để trả lời cho câu hỏi này, nên biết rằng cần phải phân biệt hai khía cạnh trong tội: “lỗi” (culpa) là hành động xúc phạm đến Thiên Chúa, và“hình phạt” (poena) gây ra bởi lỗi.

“Lỗi” được tha thứ do việc  thống hối ăn năn, kèm theo quyết định  xưng thú và đền bù, như lời Thánh vịnh: “Con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con” (Tv 32,5). Vì vậy, không có lý do để thất vọng, bởi vì để được tha thứ tội lỗi thì chỉ cần ăn năn sám hối cùng việc quyết tâm xưng tội là đủ.

Nhưng có người sẽ đặt vấn nạn: Nếu chỉ cần ăn năn sám hối là đủ để được tha tội, thế thì đâu cần linh mục nữa? Để trả lời câu hỏi xin nói như sau: Nhờ lòng ăn năn sám hối, quả thật Thiên Chúa xoá bỏ “lỗi” phạm, nhưng“hình phạt đời đời” được chuyển thành “hình phạt tạm thời”; vì vậy, tội nhân vẫn còn phải chịu hình phạt tạm thời này. Cho nên giả như nó chết mà không xưng tội, không phải vì khinh thường việc xưng tội nhưng bởi vì không thể nào thi hành được, thì nó sẽ phải vào luyện tội, nơi mà hình phạt rất là khổ cực, theo như Thánh Augustinô đã nói.

Bởi vậy, khi bạn đã xưng thú tội lỗi thì bạn được linh mục xá giải khỏi hình phạt này nhờ  “quyền Chìa Khoá” (quyền tha tội mà Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội qua Thánh Phêrô và các Thánh Tông đồ, x. Mt 16,19; 18,18); bởi lẽ Chúa đã nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Vì thế, khi ta xưng tội một lần thì hình phạt này được tha một phần, và những lần xưng tội kế tiếp cũng vậy; ta có thể xưng tội mãi cho đến khi nào hình phạt được xá giải hoàn toàn.

Những người kế vị các Thánh Tông đồ đã nghĩ ra một cách thức khác để tha hình phạt tạm, đó là các ân xá, nhờ đó những ai sống đức ái thì hưởng ơn xá giải trong mức độ và theo những điều kiện đã được đặt ra. Không ai nghi ngờ về thẩm quyền của Đức Giáo hoàng được ban ân xá. Bởi vì nhiều vị thánh đã làm rất nhiều việc thiện và họ không phạm tội, ít là tội trọng. Vì thế, những việc lành của họ đã làm lợi ích cho Giáo Hội. Một cách tương tự như vậy, công trạng của Chúa Kitô và của Đức Mẹ Maria tạo thành một kho tàng chung. Vì thế, Đức Giáo hoàng và những kẻ được người ban năng quyền, có thể phân phát gia tài ấy khi người xét thấy là cần thiết. Nhờ vậy, các tội được tha thứ xét về “lỗi” nhờ sự sám hối, và xét về “hình phạt” nhờ nhờ việc xưng tội và nhờ các ân xá.

III. Chúng ta phải làm gì để lời cầu khẩn “xin tha nợ chúng con” được Chúa chấp nhận?

Câu trả lời sẽ là: Thiên Chúa đòi hỏi rằng chúng ta cũng phải tha thứ cho tha nhân về những lỗi phạm mà họ đã làm cho chúng ta. Vì thế, chúng ta cầu xin: “Như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”. Nếu không làm như thế thì Thiên Chúa cũng sẽ chẳng tha thứ cho chúng ta; như có lời trong sách Huấn ca: “Hãy tha thứ cho tha nhân điều xúc phạm họ gây ra, thì như thế khi bạn cầu nguyện, tội lỗi bạn sẽ được tha. Nếu ai cứ nuôi lòng hờn giận với người khác, thì làm sao lại dám xin Chúa chữa lành?” (Hc 28,2-3). Và Đức Giêsu cũng nói: “Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37). Đó là lý do tại sao mà chỉ lời cầu xin này mới đặt điều kiện “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Vì thế, nếu bạn không tha thứ thì bạn sẽ không được thứ tha.

– Bạn có thể vặn lại: đã vậy thì tôi sẽ đọc phần thứ nhất của lời xin – “xin Cha tha nợ chúng con” – và bỏ qua phần thứ hai – “cũng như chúng con tha kẻ có nợ chúng con”.

Nhưng bạn tưởng rằng mình có thể đánh lừa Đức Kitô hay sao? Chắc chắn là không được rồi, bởi vì Đức Kitô đã soạn ra những lời cầu nguyện này cho nên Người nhớ lắm, và đâu có thể đánh lừa nổi! Vì vậy, điều gì bạn đọc ngoài môi miệng, thì hãy lo chu toàn trong tâm hồn.

– Có thể nêu thắc mắc rằng: Nếu ai không chủ tâm tha thứ cho tha nhân thì có nên đọc những lời “như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con” không? Xem ra là không được, bởi vì như vậy thì cũng tựa như là cầu xin Chúa đừng tha nợ cho mình vậy! Thiết tưởng nên trả lời như sau: Họ cứ phải đọc lời ấy đi, bởi vì mình không đọc nhân danh bản thân mình, nhưng là nhân danh Giáo hội là kẻ không tự lừa dối. Chính vì mà lời cầu xin được đặt ở số nhiều (“như chúng con cũng tha”).

Cũng cần biết là có hai cách để tha thứ cho tha nhân. Cách thứ nhất là của những người trọn hảo: chính người bị xúc phạm đi tìm kẻ đã xúc phạm mình, theo như lời khuyên của Thánh vịnh gia: “Hãy tìm kiếm bình an và ăn ở thuận hoà” (Tv 34,15). Cách thứ hai thì chung cho hết mọi người và tất cả chúng đều bắt buộc tuân hành, đó là chấp nhận tha thứ cho kẻ đến xin, theo lời sách Huấn ca: “Hãy tha thứ cho kẻ khác sự xúc phạm thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2).

Lời cầu xin này được gắn với chân phúc dành cho những kẻ biết thương xót, bởi vì chính lòng thương xót thúc đẩy chúng ta động lòng trắc ẩn với tha nhân.

_________________

[1] Như đã nói trên, consilium có thể dịch là: lời khuyên, sự bàn hỏi, chỉ dẫn.
[2] De natura et gratia 36,42.

Nguồn: Đaminh VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment