Năm Đức Tin: Trách nhiệm Ngôn Sứ của người Tông Đồ và của người Tín Hữu giáo dân

Năm Đức Tin sắp kết thúc vào ngày 24 tháng 11 này, xin được nói lại những đòi hỏi của đức tin đối với mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội đang sống và đương đầu với những thách đố của thế giới quá tục hóa ngày nay.

Đây là thời điểm thích hợp để toàn thể Giáo Hội nhìn lại đời sống đức tin của mình dựa trên nền tảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian làm Con Người để rao giảng Tin Mừng, và hy sinh “ hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20: 28)

Nghĩa là mọi người trong Giáo Hội – Hàng Giáo Phẩm, Giáo sĩ, Tu sì và Giáo dân- đều được mời gọi để canh tân, củng cố và sống niềm tin của mình vào Chúa Kitô cách hữu hiệu hơn nữa để ứng phó với những thách đố của thời đại tục hóa ( vulgarism) tôn thờ khoái lạc ( hedonism) vô thần (atheism) và phi luân ( amoralism), là những đặc trưng của “văn hóa sự chết” đang lan tràn ở khắp nơi trên thế giới ngày nay để lôi cuốn biết bao người vào hố diệt vong . Giệt vong vì không có niêm tin vào một Quyên Lực , hay một Đấng tối cao mà người tín hữu chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa, Đấng dựng nên và thưởng phạt con người về những việc mình làm trong cuộc sống trên đời này. Vì không có niềm tin này, nên người ta tự do sống thác loan, làm những sự dữ và tội ác không sao tả cho siết được.. Thực trạng này phải là mối ưu tư hàng đầu của những ai muốn sống niềm tin có Thiên Chúa cực tốt cực lành, đã sai Con Một là Chúa Kitô đến trần gian vì “ muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( ! Tm 2 : 4)

Nhưng muốn được cứu độ và nhận biết chân lý thì phải thực sự và thực tâm tin yêu Chúa Kitô và thể hiện niềm tin và lòng mến ấy cách cụ thể bằng thực hành hay sống theo Tin Mừng Cứu độ của Người.

Thật vậy, Phức Ăm Sự Sống hay Tin Mừng Cứu Độ mà Chúa Kitô đã rao giảng và trả giá bằng chính mạng sống của Người trên thập giá cách nay trên 2000 năm, cho đến nay vẫn còn xa lạ đối với đa số người trên trái đất này; vì hiện còn trên 5 tỷ người chưa biết Chúa Kitô và đang còn ở ngoài Giáo Hội Công Giáo, là phương tiện hữu hiệu nhất để chuyên chở ơn cứu độ của Chúa Kitô đến cho mọi dân mọi nước trên khắp địa cầu cho đến ngày mãn thời gian .

Vì thế, sứ mang Phúc âm hóa thế giới vẫn là trọng trách và là mối ưu tư hàng đầu của Giáo Hội .Và để thi hành sứ mang này cách hiệu quả hơn, Giáo hội cần nhìn lại chính mình để xem Tin Mừng của Chúa Kitô đã thấm sâu vào tim óc của mình đến đâu cũng như đã biến đổi chính mình ra sao, trước khi tiếp tục sứ mạng phúc âm hóa người khác, tức mời gọi thêm nhiều người nữa đón nhận và tin Chúa Kitô là Đấng cứu chuộc duy nhất của nhân loại.

Đó là lý do Giáo Hội mở Năm Đức Tin để toàn thể Giáo Hội được dịp kiểm điểm đời sống đức tin của mình trước khi quảng bá đức tin ấy cho những người chưa nhận được Tin Mừng này.

Ngày 22 tháng 9 -2012 vừa qua, nhân tiếp kiến một số đông tân Giám mục ở Rôma, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 ( nay đã về hưu) đã lưu ý các tân Giám mục về sứ mệnh phúc âm hóa như sau :

“ Công cuộc Phúc âm hóa quả thực không phải là công việc của các chuyên gia mà là của toàn thể dân Chúa trong Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của các chủ chăn.Mỗi thành viên của tập thể tín hữu ở trong và cùng với cộng đồng Giáo Hội phải cảm thấy mình có trách nhiêm công bố và làm nhân chứng cho Tin Mừng.” (Evangelization , indeed, is not a work of specialists, but of the entire people of God under the guidance of theirs Pastors. Every member of the faithful , in and with the ecclesial community must feel responsible for proclaiming and witnessing to the Gospel. (L’Osservatore Romano, September 26,2012, p.5)

Đây chính là sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Đồ trước tiên và cho toàn thể Giáo Hội ngày nay trước khi Người về Trời:

“ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.

Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án.” ( Mc 16 :16)

Như thế loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm hóa thế giới phải là sứ mênh quan trọng nhất của Giáo Hội nhận lãnh từ chính Chúa Kitô sau khi Người hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa qua khổ hình thập giá, chết ,sống lại và lên Trời.

Nhưng muốn cho công cuộc Phúc âm hóa được kết quả mong muốn thì người công bố phải là người chứng tá cho Tin Mừng mình loan truyền cho người khác, như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở các Tân Giám Mục trên đây. .Nghĩa là chính mình phải sống Tin Mừng ấy cách đích thực và sâu đậm thì mới có sức thuyết phục người khác tin điều mình rao giảng cho họ.

I. Trách nhiệm ngôn sứ và nhân chứng của người Tông Đồ.

Thật vậy, người Tông Đồ xưa và nay là người được Chúa kêu goi cách riêng đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng..Thế giới xưa và đặc biệt ngày nay, đã và đang thách đố niềm tin Kitô Giáo và những ai rao giảng Tin Mừng của Chúa với thực trạng của “ văn hóa sự chết” chối bỏ Thiên Chúa và mọi giáo lý của Người để quyến rũ con người vào đường hư mất đời đời.

Vì thế cho nên “ khốn khó cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” ( 1 Cor 9: 16) như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chính mình và những ai được ơn gọi đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô, là linh dược để chữa lành mọi bệnh tật của linh hồn và bảo đảm hy vọng được sống hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Nói khác đi, để đối kháng với mọi thách đố của “văn hóa sự chết” chỉ có Phúc Âm sự sống của Chúa Kitô mới có sức hóa giải mọi độc hại của các tà thuyết vô thần, tôn thờ tiền bạc và của cải vật chất , chuộng khoái lạc vô luân vô đạo, dừng dưng trước sự đau khổ , nghèo đói của người khác. .

Nhưng cho được thuyết phục người khác nghe và tin Chúa Kitô, người Tông Đồ phải là người chứng tá trung thực của Tin Mừng mình rao giảng.

Cụ thế, nếu người Tông Đồ cũng ham mê tiền của và hư danh trần thế, để vận động hay mua chuộc ai hầu được tiến cử vào các chức vụ lãnh đạo trong Giáo hội hoàn vũ hay địa phương, – -hoặc tệ hại hơn nữa- làm tay sai cho thế quyền để mưu lợi ích cá nhân, thì chắc chắn sẽ không thể giảng sự khó nghèo của Phúc Âm và thuyết phục được ai sống tinh thần khó nghèo và khiêm tốn phục vụ theo gương Chúa Kitô, Người đã sống lang thang, khó nghèo đến nỗi “không có nơi tựa đầu, trong khi con chồn có hang, chim trời có tổ.” ) Mt 8: 21)

Như vậy, nếu dính bén vào của cải trần thê,và chạy theo danh vọng hư hèn thì đã khinh chê tinh thần khó nghèo của chính Chúa Kitô.

Mặt khác, để nói lên sự khinh chê về những ham muốn danh vọng hư hão trên đời này v à cũng để trả lời các môn đệ đến hỏi Chúa xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, Chúa Giêsu đã nói với họ như sau : “ ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18 : 4)

Đó chính là gương phục vụ sáng chói mà Chúa Giêsu đã nêu cao khi Người cúi mình rửa chân cho các môn đệ trong Bữa tiệc Ly sau hết trước khi Người bị trao nộp và tử nạn trên thập giá để đền tội thay nhân loại và cứu chuộc cho muôn người.khỏi chết đời đời vì tội.

Như thế , sống đức tin cho có chiều sâu và có sức thuyết phục người khác trong Năm Đức Tin này cũng đòi hỏi cách riêng người Tông Đồ lớn nhỏ ngày nay phải nhìn lại đời sống đức tin của chính mình, xem mình có thực sự sống cốt lõi của Tin Mừng hay chưa , -và đặc biệt- đã thực sự sống tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô ” Đấng vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo vì anh em , để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.” ( 2 Cor 8: 9) ?

Nếu người Tông Đồ mà không là mẫu mục đức tin, đức cậy , đức mến , kèm với tinh thần phục vụ khiêm tốn và khó nghèo theo gương Chúa Kitô, thì làm sao có thể thuyết phục được ai nghe mình giảng dạy về những nhân đức này nữa ? Chúa nói: “ Ai có tai nghe thì nghe.” ( Mt 13 : 43; Mc 4: 23; Lc 8: 8)

II- Trách nhiệm ngôn sứ và chứng tá của người tín hữu giáo dân:

Không phải chỉ người Tông Đồ mới có trách nhiệm rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.

Ngược lại, qua bí tích Rửa tội, người giáo dân cũng tham dự vào ba chức Tư Tê, Ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô nhưng với thể thức khác với hàng Giáo phẩm, giáo sĩ và tu sĩ..

Cụ thể , hàng Giáo sĩ và Tu sĩ thừa tác (Ministerial clergy and religious) như các Giám mục và linh mục Dòng và Triều thi hành chức năng tư tế bằng việc tế lễ trên bàn thờ, tức là dâng lại hy Tế thập giá của Chúa Kitô, giảng Phúc Âm và cử hành các bí tích trong nhà thờ nhân danh Chúa ( in persona Christi).

Người tín hữu giáo dân, ngược lại, dâng chính đời sống của mình với mọi vui buồn, sướng khổ để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Kitô trên thập giá xưa và cách bí nhiệm ngày nay trên bàn thờ mỗi khi tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn ( Eucharist) được cử hành để cảm tạ Chúa Cha và xin ơn tha tội cho chúng ta ngày nay cùng thể thức và mục đích của Hy tế Chúa Kitô đã dâng lần đầu tiên trên thập giá.

Cũng vậy, người tín hữu giáo dân thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình bằng chính đời sống của mình trước mặt người đời để “ họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” ( Mt 5: 16).

Nghĩa là trong khi những người không có niềm tin vào Chúa Kitô và đang làm những sự xấu sự dữ như giết người, giết thai nhi, thay vợ đổi chồng, dâm ô trác táng, gian manh, trộm cắp, cờ bạc , căm thù, chia rẽ , coi nhẹ lương tâm để lường gạt, bóc lột người khác…thì người có niềm tin nơi Chúa phải sống niềm tin ấy cách cụ thể và sống động để nêu cao những giá trị của niềm tin là tôn trọng sự sống, tôn trọng công bình, lương thiện, thực thi bác ái, yêu thương, tha thứ , “ như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch , không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” ( Pl 2: 15) theo lời dạy của Thánh Phaolô Tông Đồ.

Thật vậy, sống trong thời đại của “văn hóa sự chết” , đức tin của người tín hữu Chúa Kitô đang bị thách đố nặng nề bởi những kẻ không có niềm tin nào , nên chỉ biết chay theo những quyến rũ của tiền bạc và danh vọng hư hão, coi nhẹ luân thường ,đạo lý để làm những sự độc ác như giết người không gớm tay, lường đảo, gian manh, pha chế chất độc vào thực phẩm

để làm làm giầu bất kể nguy hại cho sức khỏe của dân chúng, trông cây thuốc phiện, cần sa, ma túy , mở sòng bạc, nhà điếm, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ mãi dâm, ấu dâm vô cùng khốn nạn và tội lỗi, chỉ vì mục đích kiếm tiền cách tội lỗi..

Nếu người tín hữu Chúa Kitô mà cũng tham gia vào những việc tội lỗi nói trên, thì đã tự đánh mất niềm tin của mình và đã thỏa hiệp với thế gian vô đạo cách rõ nét nhất. Và như thế thì thay vì làm nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người đời, người tín hữu sẽ trở thánh phản chứng ( anti-witness) bằng chính đời sống của mình trước mặt người khác.

Mặt khác, khi người tín hữu Chúa Kitô tích cực hoạt động để bảo vệ cho sự sống, bảo vệ và nêu cao những giá trị của luân lý Kitô Giáo về hôn nhân, về gia đình, về sự chung thủy của vợ chồng trong hôn nhân, về công bình xã hội, về tôn trọng quyền sống của con người ..thì đã góp phần tích cực vào việc mở mang Nước Chúa là Vương quốc của sự bình an, công bình, yêu thương và thánh thiện.

.Đó là trách nhiệm ngôn sứ và làm nhân chứng của người giáo dân trong Giáo Hội. Công Đồng Vaticanô II đã đặc biệt nói đến trách nhiệm này trong Hiến Chế Lumen Gentium ( Ánh sáng muôn dân LG) như sau:

“ ..Vì thế , giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh của Giáo Hội. Mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ qua việc nhận lãnh Phép Rửa và Thêm sức,…Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian.” ( x LG 33)

Nói khác đi, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hôi đều có trách nhiệm rao giảng lời Chúa và làm nhân chứng cho Chúa để đem ánh sáng Chúa Kitô vào nơi tối tăm ô uế vì ham chuộng khoái lạc dâm ô, nhảy nhót mất nết, đem công bình vào nơi bóc lột và bất công, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem bình an vào nơi đang sôi sục lửa chiến tranh và khủng bố.

Tóm lại, Năm Đức Tin là thời cơ thuận lợi cho mọi người trong Giáo Hội kiểm điểm đời sống đức tin của mình để canh tân và đào sâu thêm đức tin vào Chúa Kitô trong hai chiều kích đi loan truyền và làm nhân chứng cho Tin Mừng Cứu Độ để mời gọi thêm nhiều người nữa tin và yêu mến Chúa Kitô để được cứu độ và được vinh phúc “ thông phần bản tính Thiên Chúa sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian này.”theo lời dạy của Thánh Phêrô. ( 1 Pr 1 : 4)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment