- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Vấn đề học Thủ Bản trong Legio Mariae

Học Thủ Bản được coi là một trong những nhiệm vụ căn bản của Legio, hơn nữa việc học ấy còn được đề ra như một thứ luật buộc mà hễ đã nói đến luật thì bất cứ ai cũng phải biết và thi hành , đó mới đích thực là hội viên chân chánh. Việc học Thủ Bản là nhiệm vụ của tất cả hội viên nhưng đặc biệt là các ủy viên. Thủ bản nói ủy viên mà chưa thông Thủ bản thì không thể khai thác Legio cho đúng mức được. Không khai thác đúng mức, điều ấy cũng có nghĩa đã làm thiệt thòi rất nhiều cho Legio và thiệt cho Legio là thiệt cho  Đức Mẹ và cho các linh hồn. Tại sao không khai thác đúng mức Thủ bản lại gây thiệt hại như thế? Đó bởi vì Legio là chính Đức Maria mà Đức Maria lại là chính việc Tông đồ. TB câu số 50 nói “ Không thể nói Legio đặt trên hai nguyên lý Đức Maria và hoạt động Tông đồ, chỉ có một nguyên lý Đức Maria, còn hoạt động tông đồ là hiệu quả tự nhiên hoặc hiểu cho đúng hơn đây là tất cả lẽ sống của Kito  hữu”

Nếu hoạt động Tông đồ là lẽ sống của mọi Kito hữu thì lẽ sống ấy tất nhiên cũng phải là của tất cả mọi hội viên Legio bất kể họ là ủy viên hay hội viên. Tuy nhiên làm sao để cho tinh thần tông đồ có thể trở nên như một lẽ sống của mọi Kito hữu thì đó lại là một vấn đề thật không dễ chút nào. Thật vậy ngay trong Legio chúng ta, một đoàn thể từ lâu đã được mệnh danh là chính việc tông đồ , là phép lạ của thời đại văn minh (lời của Đức Hồng Y Riberi ( TB số 123) nhưng trong thực tế ngày nay ra sao ?

Tình trạng sa sút và yếu kém trong hoạt  động  Legio hiện nay như thế nào ?
Đó là một câu hỏi không khó để có câu trả lời.

Là đoàn thể tông đồ có nghĩa Legio phải là men là muối ướp cho đời thế nhưng những men, muối ấy mà không làm tròn cái chức năng của mình thì chỉ có việc quăng ra ngoài để người ta chà đạp thôi (MT 5, 13) Mang danh tông đồ mà lại không làm việc tông đồ đấy là điều  người Legio chúng ta phải tự xét lại mình để tìm cho ra đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng Chúa quở trách đó? Nguyên nhân ấy đúng như TB nhận định đó là ủy viên chưa thông thủ bản. Vậy thế nào là thông TB?

Thủ bản là bản giải thích chính của Legio gồm cả hai phần lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết cũng gọi là Thần học trong đó bao gồm tất cả những nguyên tắc, đặc điểm bổn phận cốt yếu …Còn phần thực hành cũng tức là những phương pháp áp dụng, chẳng hạn như việc thành lập, quản trị, những hướng dẫn về bầu cử, ứng cử , những quy định nhiệm vụ cho các BQT, các cấp v.v…

Để có thể được gọi là thông thủ bản thì phải có sự hiểu biết đầy đủ về cả hai phần lý thuyết và thực hành. Chỉ thông có một phần thì chưa được kể là thông. Tuy nhiên ở đây ta cần lưu ý điểm này rất có thể có người thông thạo phần thực hành nhưng lại không thông phần lý thuyết, đó chưa được gọi là thông  Thủ bản. Hiểu biết phương pháp tổ chức của Legio thực ra không khó, chỉ cần để ý một chút là được. Riêng phần lý thuyết thì không phải vậy, phải thú thật rằng đây là phần hết sức khó và sở dĩ anh chị em Legio chúng ta ngán ngại (sợ) học Thủ Bản chính là do cái phần này đây. Anh chị em ngại học TB không phải vì nó….dài quá bởi mỗi tuần chỉ học có năm phút đồng hồ , một hoặc hai câu là cùng. Mặt khác cũng không phải vì nó chứa đựng những từ ngữ khó hiểu. Thật sự thì tất cả những  câu chữ trong TB  không có một chữ một câu nào ngoài giáo lý, ngoài Kinh Thánh. Mặc dầu vậy, vẫn phải công nhận Thủ bản rất khó học và cái khó này là ở nội dung chứ không phải ở cách trình bày. Ở đây ta có thể thấy có hai thái độ:

1/ – Hội viên mặc nhiên chấp nhận việc học bởi vì chương trình đã ấn định như thế không thể khác. Với kiểu này thì cái gọi là học ấy chỉ là thụ động khó mà tiếp thu được gì.

2/- Ngầm coi thường vì cho rằng dẫu sao nó cũng chỉ là một cuốn sách được gọi là thủ bản của một hội đoàn giáo dân cũng chẳng lớn lao gì.

Cả hai thái độ này đối với một hội viên Legio chân chính không thể chấp nhận được. Dù cho Thủ bản rất khó, có thể nói còn khó hơn cả học toán, ngoại ngữ nhưng ta vẫn cứ phải học bởi học đây không phải là để đậu bằng này cấp kia, tốt nghiệp rồi ra đi làm kiếm tiền kiếm bạc nhưng nên nhớ một điều hết sức quan trọng là chúng ta đang theo đuổi con đường trọn lành nên Thánh, “Legio đòi hỏi phải phụng sự triệt để nghĩa là không giới hạn nào cả. Điều này không phải chỉ là một lời khuyên để nên hoàn hảo mà chính là một  điều khẩn thiết vì nếu không nhắm đến chỗ hoàn hảo thì không thể gia nhập Legio lâu dài được. Kiên trì làm việc tông đồ suốt đời thật là anh hùng và phải tiếp tục luôn mãi. Có làm những việc anh hùng thì mới kiên trì đến cùng được. (TB c.12)

Đường trọn lành đòi hỏi ta phải phụng sự triệt để nghĩa là làm những việc đạo đức quên mình một cách kiên trì. Thế nhưng để ta có thể làm được những việc hiến thân phụng sự một cách kiên trì bền bỉ như thế đòi hỏi cần phải am hiểu cả về đường lối lẫn phương pháp. Không nắm vững được đường lối thì không thể có sự kiên trì đến cùng được. Mặt khác, có đường lối nhưng không có phương pháp áp dụng cho tốt thì cũng chỉ là lý thuyết suông vô ích. Đường lối ví như bánh lái còn phương pháp ví như tay chèo. Cả hai phải bổ túc cho nhau đầy đủ thì kết quả mới hoàn mãn được.

Thủ bản Legio cung cấp cho ta cả về đường lối cũng như phương pháp, bởi thế cho nên rất cần phải học. Tuy nhiên một lần nữa cần phải xác định học TB không giống như học các môn khác. Một đàng học để nên trọn lành, nên Thánh, một đàng học để tìm kiếm danh vọng này nọ. Hai sự học ấy hoàn toàn khác nhau, bởi thế mà nó cũng khác biệt về nhiều phương diện. Sau đây là ba phương diện mà TB đề ra cho việc học:

Thứ nhất:Về tinh thần học.

Có một thực tế đáng buồn là chúng ta đã tổ chức không ít những buổi tập huấn, hơn nữa hàng tuần đều có học TB nhưng kết quả thu lượm có thể nói là rất ít. Minh chứng cho thực tế này không cần phải tìm kiếm ở đâu xa cứ dự một buổi họp của một praesidium nào đó sẽ thấy. Hoặc trưởng cho thông qua với lý do còn để thì giờ làm  đủ thứ việc khác như đọc văn thư, tông huấn , Kinh Thánh ….Hoặc chia cho hai anh chị nào đó đọc lên rồi thôi, chẳng có chi mà gọi là học. Chỉ có dăm phút học TB thôi mà sao thấy quá nặng nề. Nguyên nhân thì nhiều  nhưng chủ yếu là hội viên chưa nhận ra được ích lợi sâu xa  của hoạt động Legio nói riêng và  việc tông đồ nói chung. Mặt khác sở dĩ việc học chẳng mấy ích lợi là vì đã thiếu tinh thần trong việc học hay nói cách khác là đã không đặt sự học dưới sự hướng dẫn của Đức Mẹ. Với dẫn chứng phép lạ nơi tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-10). Thủ bản câu 354 cho ta thấy vai trò của Mẹ Maria quan trọng là dường nào, nhà đám hết rượu giữa chừng nhưng họ có biết gì đâu ngoài ra cái việc chờ đợi những lời trách móc của khách? Nhưng Đức Maria thì biết sự lúng túng của họ, bèn xin với Chúa làm phép và rồi nước lã đã biến thành rượu. Đúng là đã có phép lạ nhưng để có được phép lạ ở đây ta thấy cần phải có hai yếu tố. Một là do Đức Mẹ xin thì Chúa mới làm phép lạ và hai là do có sự cộng tác của con người. Đức Mẹ nói với đám gia nhân “Hễ người bảo gì thì  hãy làm theo” (Ga 2, 5). Giả sử mấy người ấy không chịu đi múc nước đổ vào chum vào vại thì chắc chắn  Chúa  cũng không thể làm phép. Trong việc học TB là học đòi con đường nên Thánh cũng vậy, thật sự thì chúng ta chẳng những chẳng biết phải học thế nào mà còn không biết học để làm gì nhưng Đức Mẹ thì biết rất rõ, vì vậy về phần Ngài thì thúc giục chúng ta phải siêng năng đi họp , tích cực trong công tác và hăng say trong việc học…Còn chúng ta thì phải như đám gia nhân , mau mắn vâng lời,  có thế việc học TB mới có cơ tiến bộ được.

Thứ hai: Về cách học

Tình trạng thụ động diễn ra trong những phiên họp hàng tuần của các presidia cũng như những buổi tập huấn chung của Curia là phổ biến. Chỉ có một người nói theo lối diễn thuyết còn những người khác chỉ biết nghe, chẳng thắc mắc gì mà cũng chẳng để tâm gì mấy với việc học, Đây là thực trạng chung của đại bộ phận giáo dân chúng ta chứ chẳng riêng gì của hội viên Legio trong tất cả mọi việc sống đạo. Thế nhưng đây là điều cần phải cố gắng khắc phục, có như thế mới xứng danh nghĩa Legio những người con chiến sĩ của Mẹ. Thủ bản quan niệm “việc học không giống như hành khách ngồi trên xe đò, mỗi hội viên phải như người lội dưới ruộng sau chiếc cày hay chiếc bừa đang chậm rãi xới đất” ( TB cũ số 449) Như khách ngồi trên xe thì có thể ngủ hoặc ngắm phong cảnh cuối cùng cũng tới được bến vừa nhanh lại vừa chẳng mệt nhọc chút nào. Trái lại với người cày ruộng thì khác hẳn, người cày phải đi sau cái cày, đầu óc tỉnh táo, hai tay phải nắm chắc lấy cán cày. Học TB giống như người cày ruộng, tức là phải làm sao cho tất cả đều phải tham dự, không một ai ngồi không hoặc nói chuyện riêng, ngủ gật…., người nào cũng góp ý dù hay dù dở. Trước có thể e ngại rụt rè nhưng càng về sau sẽ càng thấy hứng thú bởi vì qua những buổi học hoặc tập huấn đó mà mình như được lớn lên vững chãi hơn trên con đường phục vụ Chúa và tha nhân.

Thứ ba: HỌC VÀ HÀNH

Mỗi người đều có bổn phận nên Thánh theo như lệnh truyền “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48). Bổn phận này cũng là lý tưởng của chúng ta khi gia nhập hàng ngũ Legio. Tuy nhiên như trên đã nói để đi trên con đường trọn lành này ta cần phải thông suốt cả về  đường lối  cũng như phương pháp. Có hiểu thì mới mộ mến, có mộ mến thì mới có thể ..  “chạy hết  quãng đường” tức bền đỗ tới cùng trên con đường trọn lành được. Có hiểu thì mới mộ mến, nhưng cần nên nhớ sự hiểu biết này không như hiểu biết một thứ lý thuyết suông. Muốn thực sự hiểu biết Legio thì chỉ có một cách duy nhất là thực hành nó. Càng trung thành phục vụ bao nhiêu thì càng có sự hiểu biết sâu rộng bấy nhiêu, trái lại không thực hành thì không bao giờ có thể hiểu được. Sở dĩ việc hiểu biết TB quan hệ mật thiết với thực hành như thế vì chỉ trong thực hành tức là trung thành từng nét với đường lối Legio ( TB câu 142) mà  Đức Mẹ mới có thể dạy dỗ hướng dẫn chúng ta trên con đường trọn lành. Chính Đức Mẹ sẽ hướng dẫn dạy dỗ chúng ta, đó là điều mà Thánh Bonaventura cho rằng “ sự hiểu biết là do ơn soi sáng bên trong”.

Chúng ta trong bao năm qua dự đã không biết bao nhiêu là lớp tập huấn, nào là của Senatus, của Comitium, của Curia rồi hàng tuần đều có học TB ấy vậy mà dường như vẫn  chẵng có được sự tiến bộ nào. Lý do phải chăng có phải vì đã không có được sự soi sáng từ bên trong. Đức Mẹ thì lúc nào cũng muốn soi sáng nhưng Ngài soi sáng là để cho chúng ta cất bước đi, thực hành những điều đã học, đã nghe chứ đâu có phải học, nghe rồi để đó thì sáng soi cũng đâu được ích lợi gì . Mỗi bước chúng ta đi nghĩa là mỗi phiên họp hàng tuần, mỗi kinh Catena đọc hàng ngày, mỗi giờ công tác…đều có Đức Mẹ cầm đèn soi sáng đi trước chỉ lối dẫn đường. Nếu ta tiếp tục tiến bước thì ánh sáng sẽ tiếp tục soi chiếu còn nếu ta chùng bước thối lui thì ánh sáng sẽ không còn nữa.

Có Đức Mẹ soi đường chỉ lối thì còn lo gì mà không gặp được Chúa Giesu Con Chí Thánh của Mẹ bởi chưng ai mà chẳng biết khẩu hiệu của Legio chúng ta là  Ad Jesum Per Maria.

 

Phùng  Văn  Hóa

( Bài chia sẻ tập huấn tại Curia Trà Cổ ngày 12/7/2014 )

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]