- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Hội viên Legio với Kinh Thánh

Ở đây vẫn còn mấy đơn vị vẫn đọc Kinh Thánh trong buổi họp praesidium  hàng tuần. Có  đội thì đọc trước Kinh Khai Mạc, có đội thì  vừa đọc Thủ Bản vừa đọc Phúc Âm, có đội thì thay thế hoàn toàn Thủ Bản bằng Phúc Âm. Việc đọc P ( sau lần chuỗi năm mươi ) đã được tiến hành theo đúng nghi thức phụng vụ Lời Chúa nghĩa là tất cả đều đứng và sau khi người trưởng đọc dứt câu “  Đó là Lời Chúa” thì mọi người vì  dấu rồi xướng lên câu “ Lạy Chúa Kito ngợi khen Chúa”. Còn nhớ cách đây khá lâu, việc  đọc P trong phiên họp đã được nêu lên nhiều lần và có cả HĐ Comitium về  giải quyết nhưng rồi sự việc vẫn cứ tái diễn  đến nỗi hầu như đã được mặc nhiên chấp nhận.
Có thể nói Legio coi việc tôn trọng kỷ luật là lẽ sống của mình. Chính bởi đó mà  Thủ Bản mới có một chương riêng trong đó đề ra những nguyên tắc bất di bất dịch “ Hội viên không có quyền thay đổi các quy luật hay cách thực hành. Hệ thống mô tả đây là hệ thống của Legio. Mỗi thay đổi dù nhỏ bé đến đâu cũng không tránh khỏi những biến đổi khác. Và không bao lâu tổ chức Legio chỉ là hữu danh vô thực. Một khi biết đơn vị nào thay đổi như vậy Legio sẽ không ngần ngại khai trừ đơn vị ấy dù họ đã thể hiện những công tác có giá trị” ( TB câu 241 Chg 20 ).

Kỷ luật Legio rất dễ theo, bởi vì nó  quy định hết sức cụ thể rõ ràng từ  cách chưng dọn bàn thờ, sắp xếp chỗ ngồi của các  ủy viên cho đến ấn định khi nào làm dấu Thánh Giá, hoặc thêu khăn trải bàn thì không được thêu Thánh hiệu của pre’sidium  v.v… Những chi tiết tuy nhỏ  nhặt như thế nhưng buộc phải giữ, bỏ đi hoặc không tuân thủ bất cứ một điều nào  đó, tất yếu cũng đưa đến phá hỏng toàn bộ  hệ thống “ Vải gai dệt bởi chỉ mành. Bứt  đi một sợi tan tành đến nơi”.  Những việc nhỏ  nhặt như thế mà cũng thành luật không thể thêm bớt thay đổi  huống chi là việc đọc Phúc Âm thay Thủ Bản trong phiên hội.

Đọc P. thay cho TB là đã vi phạm kỷ luật Legio  cả trong quy luật lẫn thực hành. Quy luật của Legio là phải tuần tự theo đúng chương trình họp, không thêm không bớt một kinh nào, dù chỉ  là lời cầu một vị Thánh ( TB câu 258 Chg 23 ). Còn trong cách thực hành thì đọc P.  theo cách thức phụng vụ Lời Chúa như thế, nó đã biến đổi  cả bầu khí vốn có của một buổi hội. Lại nữa, việc đọc P. khiến cho phần huấn từ cũng phải thay đổi bởi vì việc huấn từ trong Legio gần như quy định là phải theo Thủ Bản. Thế nhưng phần Sách Thiêng không đọc TB thì biết lấy gì mà huấn từ theo TB ?.

Thủ Bản là kim chỉ nam hành động của người Legio. Theo đúng sự hướng dẫn của TB thì chẳng những dễ dàng treong hoạt động mà còn bảo  đảm đi đúng đường. Trái lại chỉ cần cố  tình thay đổi thêm bớt không theo đúng dù chỉ  một chi tiết thôi thì cũng dần dà đi đến chỗ phá hỏng Legio “ Ta phải nhận nguyên vẹn hay vứt bỏ tất cả, bớt đi chỉ sinh yếu nhược, cắt xén chỉ làm cho què quặt. Nếu nhận tất cả chỉ trừ một điểm thôi  thì thật là vô ý thức, vì điểm nào cũng như điểm nào, có nó mới nên trọn vẹn” ( TB câu 244 Chg 20 – ĐHY Newman ).

Chỉ cần bỏ không theo một chi tiết nào đó  được quy định cũng làm hỏng Legio. Ấy vậy tại sao lại có những trưởng cho đọc P. thay TB, một  điều rõ ràng là vi phạm nguyên tắc bất di bất dịch ? Lý do mà người ta đưa ra để đọc P. đó là họ căn cứ do nơi TB nói rằng có thể lấy bất cứ sách nào để làm Sách Thiêng ( TB c. 196 Chg 18 ). Quả đúng là TB có  nói như vậy thế nhưng nên nhớ tiếp ngay sau đó lại nói “ Rất tự do trong việc chọn Sách Thiêng liêng để đọc nhưng tha thiết van nài trong những năm đầu của pre’sidium phải chọn Thủ  Bản làm Sách Thiêng liêng để hội viên biết trong đó dạy những gì và khích lệ hội viên chăm học TB” ( TB câu 196 Chg 18 ).

Ở đây ta cần lưu ý hai điều:

Thứ nhất
  – Thủ Bản khuyên những năm đầu của pre’sidium nhất thiết cần phải chọn TB làm Sách Thiêng. Đang khi đó mỗi một pre’sidium đều có những người mới gia nhập, điều này khiến cho praesidium luôn ở  trong tình trạng…những năm đầu thành lập. Nếu praesidium nào đó mà cứ đọc P. thay TB thì  thử hỏi với người HV mới gia nhập làm sao không khiến người đó cứ tưởng đây là chủ trương của Legio? Vả lại mục đích của việc đọc TB là để cho HV thấm nhuần đường lối, thế  nhưng thấm nhuần thế nào được nếu không siêng năng đọc và tìm hiểu Thủ Bản ? Vả lại đọc TB trong chương trình họp như thế còn được Chúa Thánh Thần soi sáng một cách đặc biệt để rồi tiếp đó người trưởng hay linh giám biết đường căn cứ vào đó mà huấn từ.

Thứ hai
– Sách Thiêng liêng mà TB đề cập tới ở đây là trích đoạn của những sách đạo đức mà tác giả phải là các Thánh chứ  không phải muốn lấy sách nào, của ai cũng được. Mặt khác và đây là điều hết sức quan trọng cần nhấn mạnh đó là KT không thể xếp ngang hàng với các sách đạo đức khác dù là của bất cứ  vị Thánh nào. Tại sao không thể xếp KT ngang hàng với các sách đạo đức khác ? Xin thưa là vì Kinh Thánh là sách chứa đựng các Giao Ước mà  Thiên Chúa đã chủ động ký kết với các tổ phụ. Sách kinh Thánh như tên gọi của nó  là sách chép về các Giao Ước  = sách KT Cựu  ước chép về Giao ước Cũ, còn sách KT Tân Ước chép về Giao Ước Mới. Giao ước tức là sự  cam kết ước hẹn và nếu nói theo ngôn ngữ  thời nay thì giao ước tức là hợp đồng mà  đã nói đến hợp đồng thì bao giờ cũng phải có đối tác = Bên A bên B với những điều kiện kèm theo. Thiên Chúa chủ động ký kết Giao Ước  với điều kiện nếu con người thực hiện thì sẽ đạt được kết quả viên mãn, ngược lại thì không. Kinh Thánh ghi lại một Giao ước quan trọng bậc nhất đó là Giao ước Tình yêu “ Đức Chúa là Thiên Chúa thành tín giữ sự giao ước  và nhân từ đến muôn ngàn đời cho những kẻ yêu mến Ngài, vâng giữ các giới răn Ngài và Ngài báo ứng nhãn tiền cho những kẻ nào ghét bỏ Ngài mà hủy diệt chúng nó đi” ( Đnl 7, 9 -10).

Kinh Thánh là sách chép các Giao Ước của Thiên Chúa, do đó không thể  sánh ngang với các sách đạo đức. Tất cả các sách ấy dù là của các Thánh cũng chỉ là những điều mà các ngài gặt hái được do việc thực hiện Giao Ước mà thôi. Thủ Bản Legio là một phương pháp tuyệt vời nhất  để giúp ta thực hiện Giao Ước với Thiên Chúa. Hiểu như thế thì Thủ Bản chính là một thứ kim chỉ nam  mà hội viên chúng ta cần phải nắm chắc lấy hầu có thể về tới bờ bến an toàn là Nước Chúa đời sau. Chúng ta vẫn nói Legio Mariae là quân binh, là chiến sĩ của Đức Mẹ nhưng những quân binh ấy nếu không tuân giữ kỷ luật thì họ chẳng những chẳng làm nên trò trống gì mà còn gây tác hại lớn lao đến trận chiến đức tin mà giáo hội hiện nay đang phải đương đầu “ Các chiến sĩ nam nữ sẽ chiến đấu chống lại ma quỷ, thế gian, xác thịt trong khoảng thời gian suy đồi sắp tới” ( TB câu 262 Chg 24 – Thánh L.M. Mongfort = Tận hiến cho Đức Mẹ ).

PHÙNG  VĂN  HÓA

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]