Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần I – Bài 41: Giáo dân trong Giáo Hội

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 41: GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI

Sách giáo lý chỉ dành đúng 4 trang cho chủ đề về “Kitô hữu giáo dân” (số 897-913) từ hơn 700 trang của sách. Người ta có thể nhận xét: cực kỳ khiêm tốn! Tuy nhiên, nhận xét đó là hiểu sai hoàn toàn khi mặc định rằng chỉ có một vài trang liên quan đến giáo dân. Vì mọi điều được nói trong sách giáo lý về đức tin và đời sống của Kitô giáo cũng áp dụng cho tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Do vậy, thiết nghĩ đã đủ, nếu trong phần về các “bậc sống” trong Hội Thánh, có điều gì cần nói về giáo dân như phân biệt với những người có chức thánh và những người trong bậc tu trì (số 897).

Nền tảng ở đây là giáo lý của Công đồng về 3 nhiệm vụ trong sứ mệnh của Đức Kitô: Người được xức dầu bởi Thần Khí như tư tế, ngôn sứ và vương đế (số 783; 436). Tất cả những thành viên của Dân Thiên Chúa được chia sẻ 3 chức năng của Đức Kitô, mỗi người theo như ơn gọi của mình.

Công đồng nhấn mạnh cách đặc biệt “sứ mệnh trần thế” của giáo dân: “Vậy một cách đặc biệt, nhiệm vụ của họ là phải soi sáng và sắp xếp thế nào, để các thực tại trần gian, vốn liên kết mật thiết với họ, không ngừng được thực hiện và phát triển theo Đức Kitô” (số 898). Sứ mệnh này thuộc về Hội Thánh cũng như với giáo dân: “Giáo dân là Giáo Hội” (Piô XII). Như vậy, Giáo Hội hiện diện bất cứ đâu họ hiện diện (số 900). “Qua giáo dân, Giáo Hội là nguyên lý sống động của xã hội con người” (Piô XII).

Để hiểu chức năng tư tế của giáo dân, chúng ta phải suy nghĩ về chức tư tế cộng đồng của Bí tích Thánh Tẩy. Như Công đồng nói: “Nhờ chức tư tế vương giả, chúng ta tham dự vào việc dâng thánh lễ và thi hành chức tư tế đó bằng việc lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện và tạ ơn, bằng chứng tá đời sống thánh thiện, từ bỏ mình và bác ái tích cực” (GH, số 10). Toàn thể đời sống giáo dân từ thưởng nếm sâu xa kinh nghiệm của đời sống phụng vụ đến những công việc hằng ngày, đều là thi hành chức tư tế trước Thiên Chúa và dâng chính trần gian lên Thiên Chúa (số 901). Như thế, chính đời sống chúng ta trở thành “sự chúc lành” (số 1078).

Dân Thiên Chúa chia sẻ chức năng ngôn sứ của Đức Kitô trước hết qua “cảm thức siêu nhiên về đức tin” (số 785), nhờ đó “toàn thể các tín hữu… không thể sai lầm trong đức tin” (số 92). Đối với giáo dân cảm thức siêu nhiên về đức tin được tỏ hiện cách đặc biệt qua những chứng tá đời sống của họ, đồng thời qua việc nói công khai về Đức Kitô (số 905). Phúc Âm hoá là sứ mạng đối với tất cả các tín hữu.

Đức Kitô thực hiện quyền vương đế của Người, trước hết bằng việc ngự trị trong đời sống chúng ta: “Đối với Kitô hữu, ‘cai trị là phục vụ’ Đức Kitô” (số 786). Dân Thiên Chúa sống theo phẩm giá hoàng vương của mình, khi họ đặc biệt nhận ra trong những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh vị Vua bị đóng đinh, đội mão gai của họ, và phục vụ Người. Trong một nghĩa rộng, tất cả những dấn thân xã hội, văn hóa, chính trị của giáo dân được nuôi dưỡng bởi đức tin là tham dự vào chức năng vương đế của Đức Kitô (số 909).

Giáo dân dấn thân trong Hội thánh qua những lãnh vực phụng vụ, dạy giáo lý và quản trị (số 903; 906; 910) cũng là một phần sứ mệnh của họ. Từ Công đồng, những dấn thân này của giáo dân được gia tăng mạnh mẽ. Không thể hình dung đời sống của Hội thánh mà không có giáo dân. Do vậy, điều thúc bách hơn tất cả những gì khác của ngày nay là làm thế nào để giáo dân đạt được ý thức mới về sứ mệnh của họ: Phúc Âm hóa trong mọi lĩnh vực trần thế.

ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn: WHĐ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment