Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 25: Thiên Chúa thật và người thật

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 25. THIÊN CHÚA THẬT VÀ NGƯỜI THẬT

Trong Thánh thi có lẽ là cổ xưa nhất về Đức Kitô, chúng ta tuyên xưng:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa,

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2,6-8).

Ngay từ thưở ban đầu, đức tin Kitô giáo luôn tuyên xưng Đức Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa” và đã “trở nên giống phàm nhân”. Trong dòng lịch sử, Hội Thánh đã phải thường xuyên chiến đấu để bảo vệ sự toàn vẹn của lời tuyên xưng này. Khi này khi khác, vẫn có những cám dỗ chối từ hoặc nhân tính hoặc thần tính nơi Đức Giêsu Kitô (GLHTCG, số 465-468).

Nổi bật nhất là Công đồng Chalcêđônia năm 451 đã tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là “Thiên Chúa thật và là người thật,…một Đấng duy nhất…trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt”. Đây là một mầu nhiệm khôn dò và tạo âm hưởng vô cùng lớn lao, nhất là khi chúng ta chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu trong ánh sáng của mầu nhiệm này. Tất cả những gì Chúa Giêsu nói và làm và đau khổ đều mang cả hai tính chất thần linh và nhân linh. “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (số 470).

Phải hiểu làm sao về Đấng là Thiên Chúa thật và cũng là người thật? Phải chăng Người biết hết mọi sự và làm được mọi sự? Phải chăng Người cũng đau khổ như chúng ta? Sách Tin Mừng nói với chúng ta rằng trẻ Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Như thế, Chúa Giêsu đã phải học tập nhiều trong cuộc sống làm người. Đàng khác, Chúa Giêsu lại có một phong thái đặc biệt. Lời giảng dạy của Người mang sức mạnh thuyết phục: “Chưa từng thấy ai nói như người này” (Ga 7,46). Chúa Giêsu biết rõ tư tưởng của người khác: “Người biết có gì trong lòng con người” (Ga 2,25). Người biết họ nghĩ gì ngay cả trước khi họ gặp Người, như trong trường hợp của Nathanael (Ga 1,49). Ba lần, Người báo trước cho các môn đệ về cuộc Thương khó và Phục sinh của Người. Nhất là ngay từ thời niên thiếu, Người đã ý thức rất rõ về sự kết hợp giữa Người với Chúa Cha: “Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

Vậy Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự? Nếu chúng ta tin vào chứng từ của Kinh Thánh, thì cùng với các môn đệ, chúng ta phải ngạc nhiên: “Ông này là ai mà truyền lệnh cho cả gió và biển khơi, và chúng phải tuân lệnh?” (Lc 8,25). Người làm rất nhiều phép lạ: chữa lành mọi bệnh tật, kể cả người mù từ thuở mới sinh, hóa bánh ra nhiều, cho kẻ chết sống lại, và nhất là tha thứ tội lỗi (x. Mc 2,7). Những hành động này minh chứng rằng Chúa Giêsu đã không chỉ hành động với sức mạnh tự nhiên của con người, nhưng với quyền năng của Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật.

Đặc tính thần-nhân ấy nơi Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thể hiện, đặc biệt là nơi Trái Tim cực thánh của Người: “Con Thiên Chúa đã yêu mến tất cả chúng ta bằng một quả tim nhân loại. Do đó, Trái Tim cực thánh của Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, được coi là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của tình yêu” (số 478). Chính với Trái Tim ấy, Chúa Giêsu “đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

 

ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn: WHĐ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment