Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 12: Thiên Chúa là Đấng toàn năng

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 12: THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG TOÀN NĂNG

Trong kinh Tin kính của các Tông đồ, chỉ có một phẩm tính của Thiên Chúa là Cha được đề cập: Ngài là Đấng “toàn năng”. Tại sao không đề cập đến những phẩm tính khác, chẳng hạn nhân hậu, thương xót và trên tất cả là tình yêu, là đặc tính nổi bật của Thiên Chúa như Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8)? Tại sao Kinh Tin Kính lại đề cập đến quyền tuyệt đối của Thiên Chúa, điều này thường gợi lên cách nhìn tiêu cực đối với con người hôm nay? Vì trong kinh nghiệm lịch sử nhân loại, những ai cho mình là ‘toàn năng’ dễ dẫn đến ‘toàn ác’!

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo chỉ dành một phần tóm tắt về phẩm tính “toàn năng” của Thiên Chúa (số 268-278) nhưng đó là phần rất quan trọng đối với toàn bộ đức tin. Bởi vì tin rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng là vấn đề rất quan trọng đối với đời sống của chúng ta. Thậm chí chúng ta có thể nói mạnh mẽ rằng nếu chúng ta không tin Thiên Chúa là Đấng toàn năng, thì chúng ta không còn tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa nữa.

Dân Chúa trong Cựu Ước luôn xác tín Thiên Chúa thực sự là Đấng toàn năng: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên” (Tv 115,3); Đức Chúa vinh hiển đó là ai? “Là Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng” (Tv 24,8). Ý nghĩa sâu xa sự cao cả của Thiên Chúa được diễn tả tràn ngập trong các thánh vịnh. Kinh nguyện của Hội Thánh cũng đầy tràn tinh thần đó. Kinh nguyện thường mở đầu với những lời: “Lạy Thiên Chúa là Đấng toàn năng, hằng hữu…”.

Thuật ngữ “toàn năng” gợi lên trong ký ức chúng ta những chế độ chuyên chế độc tài, những quyền lực mù tối, những ông chủ hà khắc. Trong Thánh Kinh và trong kinh nguyện của Hội Thánh, có một vang âm hoàn toàn khác. Chính vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, hằng hữu, nên người tín hữu mới có thể hướng về Ngài với sự tin tưởng hoàn toàn. Trong Ngài, người ta tìm được nơi ẩn náu, nếu không có Ngài thì ai có thể làm được mọi điều (x. Giop 42,2)? Sự toàn năng của Thiên Chúa không mang dấu vết của độc đoán và hay thay đổi, vì quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa không tách rời sự tốt lành, công chính, và lòng thương xót của Ngài. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha toàn năng”. Giữa những khổ đau và bấp bênh của thế giới này, niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng là nguồn bảo đảm và nâng đỡ cho những ai nhìn lên Ngài.

Những kinh nghiệm kém may mắn, đau khổ và sự ác trong cuộc sống có thể làm lung lạc niềm tin vào sự tốt lành của Vị Thiên Chúa toàn năng. Tại sao Thiên Chúa không ngăn chặn quá nhiều đau khổ trong cuộc đời này, nếu Ngài là Đấng toàn năng? Khôn ngoan của con người rơi vào sự thinh lặng trước vấn nạn này, tuy nhiên, chính Thiên Chúa đã có lời đáp qua Đức Giêsu Kitô. Phép lạ lớn nhất về quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa được thực hiện khi Thiên Chúa sai người Con duy nhất đi vào trong sự yếu đuối và nghèo hèn của mầu nhiệm nhập thể và thập giá. “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả”, đó là lời cầu nguyện nhập lễ trong Chúa Nhật 26 Thường Niên. Không có bằng chứng nào về quyền tuyệt đối của Thiên Chúa lớn hơn bằng chứng về tình yêu của Ngài. Chính từ tình yêu tuyệt đối ấy mà Chúa Giêsu trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta.

Tin vào quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa là căn bản cho mọi điều khác mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Làm sao chúng ta tin Thiên Chúa tạo dựng trời đất nếu Ngài không toàn năng? Làm sao tin vào những công trình của Đức Giêsu Kitô: làm người, chết vì chúng ta, đã thực sự sống lại, nếu Ngài không toàn năng? Làm sao tin Chúa Thánh Thần có thể biến đổi chúng ta qua ân sủng của Ngài, nếu chúng ta không, cùng với Đức Maria, chấp nhận trong đức tin sứ điệp của Thiên thần: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37)?

ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn: WHĐ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment