- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

ĐỨC KITÔ VÀ VIỆC ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

          Đức hồng y Jean Louis Tauran, CT/HĐGM về Liên Tôn  trong dịp viếng thăm Chicago đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 Thông Điệp “ Bình An Dưới Thế ( Pacem In Terris ) có đưa ra định nghĩa về đối thoại liên tôn thế này “ Đầu tiên bạn nên nhớ rằng đối thoại liên tôn giáo không phải là đối thoại giữa các tôn giáo  mà là đối thoại giữa các tín hữu. Đây không phải là nói về thần học hay triết học. Trước hết bạn phải công nhận rằng chúng ta đang sống trong thế giới nhiều thành phần: văn hoá, tôn giáo, giáo dục, nghiên cứu khoa học. Mỗi người đều có chiều kích tôn giáo. Giữa những tín đố chúng ta cố gắng cảm thông cho nhau trước. Và điều đầu tiên chúng ta phải làm là tuyên xưng đức tin và bạn không thể xây dựng cuộc đối thoại trong sự mơ hồ” ( Nguồn UCAN Việt Nam – 15/4/2003 – Giá trị của đối thoại liên tôn giáo ).

CĐ Vatican 2  đề ra công cuộc đối thoại Liên Tôn cách đây hơn năm mươi năm và từ đó đến nay Giáo Hội đã có biết bao nỗ lực nhưng kết quả  ra sao, đó phải chăng chỉ là những  hình thức bề ngoài không hề mang thực chất của việc đối thoại ? Theo đức hồng y Tauran thì không thể xây dựng  cuộc đối thoại trong sự mơ hồ có nghĩa cần phải biết mình biết người. Binh pháp Tôn Tử nói biết mình biết người trăm trận trăm thắng chính là ý này.

Biết mình ở đây đơn giản là biết về tôn giáo của mình. Có hiểu biết như thế thì mới có thể lấy đó  làm cơ sở để  đối thoại. Ngược lại không biết  hoặc biết một cách sai lạc về tôn giáo mình mà muốn đối thoại thì kết quả chỉ khiến người ta càng thêm  xa lánh. Đối thoại cần phải có cơ sở, vậy  đâu là cơ sở mà Giáo Hội dựa vào đó để đối thoại ?. Theo Tuyên Ngôn Aetate thì cơ sở ấy chính là Đấng Tạo Hoá “  Quả thật tất cả các dân tộc đều thuộc về một cộng đồng có chung một nguồn gốc vì Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại để họ cư ngụ trên khắp mặt  địa cầu, có chung một cùng đích tối hậu là chính Thiên Chúa Đấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng chứng tích của lòng nhân hậu và ý định cứu độ trên tất cả mọi người…” ( Nostra Aetate Số 1 ).

Cho rằng có Đấng Tạo Hoá tạo thành vũ trụ là cách giải nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ). Về nghĩa này Thần học hiện nay không chấp nhận và để thay vao đó là quan niệm Đấng Thiên Chúa Nhập Thể làm người. Ở đây Thần học vướng vào một nan đề  không sao có thể giải quyết “ Đức Giê Su Ki Tô là Thiên Chúa thật và là người thật. Thiên Chúa thật đã trở thành người thật. Hiểu được Đức Giê Su Ki Tô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật là điều rất khó, là điều mà lý trí không làm nổi. Bởi lẽ Thiên Chúa thường được quan niệm là Đấng Tuyệt Đối, vô hạn là Đấng trường sinh bất tử. Còn con người là tương đối hữu hạn là hữu thể thời gian là vong nhân phải chết” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc – Đức Ki Tô hôm qua hôm nay và mãi mãi ).

Đến như Thần học còn không hiểu thì ai mới…hiểu được đây ? Đem cái quan niệm mà mình không thể hiểu để đối thoại thì làm sao các tôn giáo khác có thể chấp nhận ? Chính vì không biết mình  thế nên cũng chẳng biết được người. Không biết mình, không biết người;  cuộc đối thoại đương nhiên rơi vào bế tắc. Mặc dầu vậy việc đối thoại vẫn phải là bổn phận cần thực hiện đúng như nhận định của hồng y Tauran = Đối thoại không phải là giữa các tôn giáo nhưng là giữa các tín hữu. Thật vậy tín hữu là những người sống trong những hoàn cảnh môi trường nhất định và họ thường xuyên dù muốn hay không cũng vẫn phải  gặp gỡ người này người kia cùng với những niềm tin khác biệt. Nhận ra như thế  để thấy rằng  đối thoại  là bổn phận của mọi Ki Tô Hữu ngay cả với những kẻ bách hại mình “ Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính thì anh em thật có phúc. Đứng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến.Đức Ki Tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” ( 1Pr 3, 14 -15).

Đối thoại không phải là để đưa ra những quan  niệm này nọ hòng thuyết phục người khác. Điều ấy chẳng những vô ích mà còn tai hại. Lý do bởi vì  quan niệm chẳng qua  chỉ là cái mà triết học Kant gọi là Cái Tôi Tưởng ( Que Je Pense ). Tôi tưởng, tôi cho rằng nghĩ rằng  nó phải là như thế và bắt người ta phải theo mình giống như cái giường của Procuste không ai có thể chấp nhận. Đối thoại không những không thể áp đặt nhưng nó cũng không phải là cái việc gặp gỡ thảo luận họp mặt nhau định kỳ rồi thôi, cuối cùng thì đạo ai nấy…giữ chẳng ích lợi gì cho việc thực hiện tâm linh. Trước hết cần phải biết mục đích đối thoại là gì và  làm sao để thực hiện nó. Theo lời đức giám mục Heinrich Mussinghoff  đã nói tại hội nghị các tôn giáo ngày 9/9/2003  tại Aachen ( Đức ) thì “ Đối thoại không có nghĩa là pha trộn các tôn giáo mà đúng hơn là để cổ vũ sự tôn trọng hỗ tương” ( Tb Cg&Dt số 1425 ).

Tôn trọng hỗ tương hiểu một cách sâu xa nhất  đó chính là tôn trọng sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người. Dù có sự khác biệt  về tôn giáo thế nào thì mỗi một người trong chúng ta đều được dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Mặc dù là Con nhưng do bởi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ nên con người  không một ai nhận ra chân lý cao cả ấy ngoại trừ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những kẻ nào Con muốn  mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

Về sự…biết Cha này đó không phải là cái biết của tri thức phân biệt nhưng là của trực giác vô phân biệt. Đức Ki Tô biết  về Cha và Ngài cũng muốn mạc khải  chân lý ấy cho con người  bằng cách là trở nên như một con đường “ Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” ( Ga 14,6). Đức Ki Tô là con đường duy nhất để đến với Đấng Cha và đây chính là cái cơ sở để chúng ta có thể đối thoại với các tôn giáo khác.

 

I/-  Với Do Thái giáo

          Cũng từ nơi cơ sở Đấng Tạo Hoá mà Giáo hội đã nhìn nhận Do Thái giáo với mình cùng có chung một di sản “Vì người Ki Tô hữu và Do Thái cùng có chung một di sản thiêng liêng cao quý nên Công Đồng muốn cổ vũ và khuyên nhủ hai bên hãy tìm hiểu và tôn trọng lẫn nhau, đây là điều có thể thực hiện được đặc biệt qua việc học hỏi Kinh Thánh và thần học cũng như qua những cuộc đối thoại huynh đệ” ( Nostra Aetate Số 4 ). Nếu có chung một di sản thì di sản ấy chỉ có thể là Lời Hứa cho tổ phụ “ Vả Đức Giêhova có phán cùng Apram rằng Ngươi hãy ra khỏi vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến XỨ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc lớn và ngươi sẽ trở thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2).

Mặc dù có chung một di sản là Lời Hứa  thế nhưng dân Do Thái đã hiểu  sai vì cho rằng Đất Hứa mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho ấy là đất Canaan nơi miền Trung Đông hiện nay. Nếu quả thật Canaan  là Đất Hứa  thì chẳng cần chi tới lòng tin. Đang khi đó ĐẤT  nà Thiên Chúa HỨA  ban cho tổ phụ  và Dân của Người  là một thực tại  chỉ có đức tin mới có thể thành tựu “ Bởi đức tin Apraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu. Bởi đức tin người kiều ngụ trong XỨ đã hứa như trong xứ lạ, ở trong trại với Isaac và Giacop là kẻ đồng thừa tự cùng một Lời Hứa với mình. Vì người trông đợi một thành có nền tảng  mà Đấng Kiến Trúc và tạo lập thành ấy là ĐCT” ( Dt 11, 8 -10).

Tổ phụ Apraham nhận được Lời Hứa của Thiên Chúa sẽ chỉ cho XỨ phải đến. Việc “Chỉ” cho ấy đồng nghĩa với chỉ lối dẫn đường. Trong Cựu Ước thì tiên tri Mai Sen là người chỉ đường cho Dân Chúa thực hiện cuộc vượt qua từ Ai Cập trở về đất Canaan. Còn trong Tân Ước thì Đức Ki Tô chính là Đấng dẫn đường để chúng ta vào nơi Nước Trời mầu nhiệm “ Nhưng Đức Ki Tô đã  đến làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của sự tốt đep hầu đến, đã trải qua nhà trại lớn hơn  và trọn vẹn hơn, không phải bởi tay người  ta làm nghĩa là không thuộc về cõi thọ tạo này. Ngài cũng chẳng dùng máu của dê đực và bò con bèn là dùng chính máu mình mà vào Nơi Chí Thánh một lần đủ cả, làm nên sự cứu chuộc đời đời” ( Dt 9, 11 -12).

Cuộc đối thoại với Do Thái giáo không phải cho đến tận thời nay mới có nhưng ngay từ đương thời Đức Ki Tô và tiếp nối là các Tông Đồ đã diễn ra không phải chỉ bằng ngôn từ mà còn cả bằng máu nữa “ Không có sự đổ máu thì không có ơn cứu chuộc” ( Dt 9, 22).

 

II/- Với Hồi giáo

          Có một ngộ nhận cho đến nay vẫn chưa sáng tỏ đó là  người Công giáo và Hồi giáo có chung cùng một tổ phụ là Apraham. Cũng chính vì ngộ nhận như thế mà Giáo Hội đã mở ra cuộc đối thoại “ Giáo hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi giáo những người thờ phượng Thiên Chúa duy nhất hằng sống và hằng hữu nhân hậu toàn năng Đấng  Tạo Thành trời đất,Đấng ngỏ lời với con người Đấng đưa ra những phán quyết bí nhiệm mà họ luôn tuân phục với trọn cả tâm hồn theo mẫu gương tùng phục Thiên Chúa của Apraham người mà niềm tin Hồi giáo vẫn luôn gắn bó” ( Nostra Aetate Số 3 ).

Người Hồi giáo nhận Apraham làm tổ phụ bởi vì họ thuộc dòng dõi của Itmaen cũng là con trai của Apraham. Tuy nhiên Itmaen là con của nữ tỳ Aga người Ai Cập không phải là người nối dõi “ Apraham lại thưa với Chúa: Này Chúa làm cho tôi tuyệt tự, một kẻ tôi tớ sanh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi. Đức Giêhova bèn phán cùng Apraham:  Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu nhưng ai ở trong gan ruột ngươi ra sẽ là người kế nghiệp ngươi” ( St 15, 3 04). Người kế nghiệp là Isaac và từ nơi người con thừa kế này mà dòng giống Con Thiên Chúa đã sinh sôi nảy nở đông vô số kể. Đức Giêhova dẫn Apraham ra ngoài và nói: Ngươi hãy ngó lên trời và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy” ( St 15, 5).

Chỉ những kẻ nào thuộc dòng dõi Isaac mới là Dân Riêng Thiên Chúa và được Đức Ki Tô dẫn dắt để thờ phượng Thiên Chúa cách xứng hợp và cũng chính bởi lẽ đó Đức Ki Tô nói với những người Do Thái cứng lòng “ Còn về kẻ chết sống lại thì Mai Sen đã tỏ ra trong đoạn chép về bụi gai khi người gọi Chúa là ĐCT của Apraham của Isaac của Giacop. Ấy Ngài chẳng phải là ĐCT của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 038).

Để thờ phượng Thiên Chúa của kẻ sống thì nhất định là phải qua Đấng Trung Gian Giê  Su Ki Tô bởi vì Ngài là Đấng đã thấy biết về Cha “ Thế gian chẳng từng biết Cha. Song Con đã biết Cha” ( Ga 17, 25). Người có biết đường tỏ lối thì mới có thể hướng đạo.Ngược lại mù mà lại  muốn làm kẻ dẫn đường thì cả hai làm sao  chẳng rơi xuống hố. Người Hồi giáo hoàn toàn phủ nhận Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa “ Đối với Allah ( Thiên Chúa ) trường hợp của Isa ( Đức Giê Su ) giống như trường hợp của Adam. Ngài ( Allah ) tạo người từ đất bụi rồi phán cho Người “ Hãy thành và Người thành như thế” ( Surah 3, 59 )Những ai xác tín rằng Đức Giê Su Ki Tô vượt trổi hơn con người đều là những người không phải đạo Hồi. Những người Do Thái gọi Uzayr ( Ezra ) là con trai của Allah và các tín đồ Thiên Chúa giáo gọi Masich ( Giê Su ) là con trai  của Allah . Đó là lời nói phán từ cửa miệng  của họ bắt chước  lời nói của những kẻ không có đức tin trước đây. Allah nguyền rủa họ sao mà họ lầm lạc thế ?” ( Nguồn TTHV Đa Minh – Bishop Alexangdre J. Malit Loan giảng Chúa Giê Su Ki Tô trong bối cảnh Hồi giáo – Tại sao không ? ).

Mặt khác vì người Hồi giáo đã phủ nhận Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa thế nên đương nhiên cũng bác bỏ sự dẫn đường  ( Mạc khải ) của Ngài “ Và hãy bảo rằng  mọi lời ca ngợi và biết ơn đều dâng lên Allah đấng đã không nhận ai làm con trai ( của ngài ) và Ngài không có một kẻ “ hợp tác” nào chia sẻ quyền bính cai trị của Ngài  và Ngài không quá yếu đuối mà cần có một người Bảo Hộ ( Wali ) để giúp Ngài và làm rạng rỡ sự vĩ đại của Ngài” ( Nguồn đã dẫn ).

Đối thoại với người Hồi giáo là việc hết sức khó khăn nếu không muốn nói là không thể.Nguyên nhân của sự khó này là bởi vì họ khăng khăng phủ nhận vai trò cứu thế của Chúa Giê Su. Cũng vì nhận thức như thế nên giám mục Alexanger Malik ở Pakistan mới đưa ra đề nghị thôi đừng nói về Đức Ki Tô nữa mà chỉ nên nói về Thiên Chúa “ Điểm quan trọng nhất là phải di dời tất cả những hạn từ và những  cách diễn đạt của Ki Tô giáo gây khó chịu cho những tín đồ Hồi giáo như “ Con Thiên Chúa_ Đức  chúa Ki Tô”, cái chết thập tự của Đức Ki Tô…Tại sao lại phải cãi vã về Đức Ki Tô kia chứ ? Thiên Chúa quan trọng hơn cả. Hãy để Đức Ki Tô và Muhammad ở yên đã và chỉ nói về Thiên Chúa thôi. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất của cả Ki tô hữu cũng như của tín đồ Hồi giáo. Chúng ta cần phải sống đời sống lương thiện và công chính theo những luật đạo đức và luân lý của chúng ta. Cái còn lại sau cũng kết cuộc  của mọi tôn giáo là để sống một cuộc đời cho thật tử tế. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là điều này có dễ dàng hay không ? ( Nguồn đã dẫn ).

Giám mục Alexandre J. Malik đã nói rất đúng nếu chỉ dựa trên những hạn từ thì đối thoại chỉ đưa đến cãi vã. Tuy nhiên nếu bảo rằng thôi đừng nói đến Đức Ki Tô mà chỉ nên nói về Thiên Chúa thì liệu chừng có đúng hay  chăng ? Câu trả lời ở đây là không nhất định là không bởi lẽ nếu không có Đức Ki Tô là Đấng dẫn đường thì  làm sao con người…biết được Thiên Chúa ? Gạt bỏ Đức Ki Tô, Thiên Chúa chỉ còn là một thứ khái niệm chết khô.

III/-  Với  Phật  giáo

          Trong cuộc đối thoại liên tôn này Phật giáo là đối tượng mờ nhạt nhất và Giáo Hội đã đưa ra những nhận định quá ư khái quát và hầu như chẳng có một chút chi liên hệ với Đạo Công giáo “ Phật giáo với nhiều tông phái khác nhau đã nhận ra sự bất túc căn bản của thế giới vô thường này và đã khai sáng lối đường cho những người chính tâm và thành tín giúp họ tìm thấy sự giải thoát hoàn toàn hay đạt đến sự giác ngộ tối thượng nhờ những nỗ lực của bản thân hoặc sự tế độ của ơn trên” ( Nostra Aetate Số 2 ).

Lý do Phật giáo không có liên hệ gì bởi lẽ Giáo Hội ( Thần học ) vẫn chủ trương niềm tin nơi Đấng Tạo Hoá Toàn Năng. Trong khi đó Phật giáo chẳng những hoàn toàn bác bỏ niềm tin ấy mà còn không nhận mình là một thứ  tín ngưỡng  Mặc dầu vậy giữa Đạo Công giáo và Phật giáo lại có những điểm tương đồng hết sức sâu xa.

1/-  Tính chất  mạc khải

          Mạc khải là một cụm từ gồm bởi hai chữ Mạc và Khải. Mạc là vén lên còn Khải là tấm màn. Mạc khải là vén tấm màn lên để chỉ cho thấy những gì còn ẩn giấu bên trong. Đức Ki Tô là Đấng mạc khải về Chúa Cha có nghĩa là Ngài chỉ đường dẫn lối để cho ta có thể biết về Thiên Chúa là Đấng Cha của mình. Sự mạc khải ấy  hết sức cần thiết bởi đúng như Chúa nói = Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Cũng như Đạo Chúa là con đường về với Đấng Cha nội tại. Đạo Phật cũng là con đường trở về với Chân Tâm Bản Tính  cũng gọi là Phật. Phật ở đây là Phật Tánh chứ không phải là ông Phật Thích Ca người Ấn Độ. Mặc dầu Phật Tánh không phải là  Phật Thích Ca nhưng nếu không có Phật Thích Ca ra đời  khai thị thì chúng sinh  chẳng thể nào trở về với Phật Tánh ở nơi mình được.

Cũng như Đức Ki Tô, Đức Phật mạc khải Phật Tánh cho con người  qua bốn tiến trình  đó là Khai, Thị, Ngộ, Nhập “ Mục đích các Đức Phật ra đời  chỉ nhằm khai  mở Tri Kiến Phật. Chỉ cho chúng sinh thấy Tri Kiến Phật. Làm cho chúng sinh nhận rõ Tri Kiến Phật và giúp  cho chúng sinh đi vào con đương Tri Kiến ấy nghĩa là thành Phật” ( Kinh Pháp Hoá – Phẩm Phương Tiện ).

Tri kiến Phật tức là cái thấy biết Phật ( Giác Tánh ) mà Đức Phật đã chứng ngộ còn  chúng sinh tuy vẫn sẵn có sự thấy biết ấy nhưng vì bị vô minh che lấp nên không nhận biết. Các Đức Phật mục đích là để khai thị cho con người cái thấy biết ấy mà thôi. Nếu chúng ta có thể vượt qua được rào cản của ngôn ngữ tất sẽ nhận ra chân lý vốn chỉ là một.

2/-  Tính chất giải thoát

          Đức Phật tuyên bố: Nước của bốn biển chỉ có một vị đó là vị mặn của muối. Giáo pháp của Như Lai cũng thế cũng chỉ có một vị đó là vị giải thoát. Hết thảy  phương pháp tu tập nào Thiền nào Tịnh cũng chỉ có một mục đích  đó là làm sao cho con người nhận ra chân bản tính mình và khi đã nhận ra Sự Thật ấy thì sẽ hết khổ. Với Đức Ki Tô  khi đến thế gian cũng là để rao giảng Sự Thật Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người  “ Chúa Giê Su bèn phán cùng những kẻ tin Ngài rằng = Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32). Nhận biết Sự Thật là một tiến trình sống đạo của những ai có lòng tin nơi Chúa Giê Su Đấng Cứu Độ. Tin Chúa và làm cho người khác tin Chúa, chỉ như thế chúng ta mới có thể đối thoại thành công với người./.

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]