Chia Sẻ Công Tác Mục Vụ Giáo Xứ Trong Thời Đại Nay

C. CỬ HÀNH PHỤNG VỤ THÁNH

a. Thánh lễ

– Cử điệu, giọng nói tự nhiên

Linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn để -qua các ngài- Thiên Chúa tiếp tục chương trình cứu chuộc của Ngài ở trần gian, nhất là việc cử hành thánh lễ và ban các bí tích cho giáo hữu, cho nên vai trò của linh mục trong Giáo Hội rất là quan trọng, và quan trọng hơn nữa đối với đời sống tâm linh của giáo dân đó chính là thánh lễ.

Giáo dân đến nhà thờ để tham dự thánh lễ tức là đến để chúc tụng, ngợi khen và cám tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ trong cuộc sống, và với đức tin mà họ đã lãnh nhận được, họ tin rằng ơn cứu chuộc đến từ nơi Thánh Giá trên đồi Calvê ngày xưa ấy vẫn đang tiếp tục hiến tế mỗi ngày trên bàn thờ, và qua linh mục, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiến tế trên bàn thờ mọi ngày cho đến tận thế.

Cho nên từ cử chỉ động tác cho đến đọc các lời nguyện trên bàn thờ khi cử hành thánh lễ, linh mục chủ tế cần phải ý thức cách trọn vẹn rằng mình đang tiếp tục vai trò thánh thiện của Chúa Giê-su ngày xưa trên đồi Golgotha, tức là dâng hiến Chúa Giê-su trên bàn thờ để xin ơn tha tội cho thế gian. Vì thế mà mỗi ngày, các linh mục luôn tự nhắc nhở mình là phải chuẩn bị chu đáo khi dâng thánh lễ, sự nhắc nhở này cần phải thôi thúc hơn trước khi tiến ra bàn thờ cử hành thánh lễ.

Có một vài linh mục trẻ chỉ chú trọng đến bài giảng sao cho chải chuốc đầy ý đầy tứ, và chú ý giọng lưỡi sao cho truyền cảm, mà không để ý đến thái độ cử chỉ của mình trên bàn thánh khi dâng thánh lễ: có vị thì giang tay rộng hết cở khi đọc lời nguyện, có vị khi đọc lời nguyện hay kinh nguyện Thánh Thể thì đọc nhanh như sợ ai giành đọc, lại có vị thì cử điệu y như là biểu diễn thời trang rất ư là không tự nhiên, đôi lúc làm cho giáo dân cảm thấy khó chịu và lo ra, vì cha chủ tế cứ uốn giọng sửa tướng trên bàn thờ trước mắt họ.

Thiên Chúa ban cho chúng ta hình hài như thế nào thì cứ thế mà làm sáng danh Ngài, Thiên Chúa ban cho chúng ta dáng đứng tướng đi như thế nào thì cứ như thế mà làm đẹp lòng Ngài.

Có một vị linh mục lớn tuổi nọ, sau khi cử hành thánh lễ đồng tế đã nói với vị chủ tế là một linh mục trẻ mới chịu chức được một năm như sau : “Khi đọc lời nguyện cha dang hai tay quá rộng che mất hai cha đồng tế đứng hai bên phải trái của cha…”- Vì để “khẳng định” mình là người được học những môn “thần học phụng vụ” mới, nên các linh mục trẻ “thoải mái” pha chế thêm bớt những điều ngoài quy định của Giáo Hội về cử hành thánh lễ: có vị thì ưa thông báo lúc nào trong thánh lễ thì thông báo, có vị trước khi đọc lời truyền phép thì nhắc nhở “đôi điều” giáo lý về Thánh Thể, có vị thì coi thánh lễ như là dịp để mình khoe khoang cái hay cái kiến thức uyên bác của mình, mà không chú trọng đến điều cốt lõi để giáo dân đắm mình trong ân sủng của Thiên Chúa, đó là cử điệu đoan trang, giọng nói rõ ràng, thái độ cung kính đầy đức tin và một tâm hồn yêu thương.

Thánh lễ tự nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người Kitô hữu do ân sủng của Thiên Chúa ban cho, nhưng thái độ cử chỉ của vị chủ tế cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự tham dự sốt sắng của giáo dân, bởi vì ân sủng của Thiên Chúa thì vô hình, nhưng cử điệu lời nói của linh mục chủ tế thì hữu hình, cho nên giáo dân sẽ miễn cưỡng đến nhà thờ tham dự thánh lễ với một vị chủ tế mà khi cử hành thánh lễ thì giống như…thầy pháp vẽ bùa, làm cho nhanh, cho qua chuyện. Mặc dù thâm tâm linh mục có đức tin, hiểu biết sự cao quý của thánh lễ hơn giáo dân rất nhiều, nhưng lại không bày tỏ ra dáng điệu cử chỉ đoan trang thánh thiện khi cử hành thánh lễ, thì cũng là một cớ gây vấp phạm cho giáo dân…

– Trên bàn thờ.

Khi đi dự tiệc chúng ta thấy trên bàn tiệc được bày biện rất đẹp mắt, lịch sự và trang nhã, khiến cho chúng ta vui vui và khen ngợi sự bày biện của nhà hàng.

Cũng vậy, bàn thờ là tượng trưng cho Chúa Giê-su, là nơi để cử hành Thánh Thể, là trung tâm của thánh lễ và nơi quy tụ giáo dân lại, đó là một dấu hiệu hữu hình của thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô.

Tôi đã thấy có một vài linh mục trẻ đã làm cha sở, phòng ngủ của các ngài sang trọng và sạch sẽ hơn phòng thánh, bàn làm việc của ngài rất trật tự, bàn ăn của ngài thì sạch sẽ bày biện đẹp mắt hơn bàn thờ dâng lễ nhất là khi có khách. Có những cha sở làm cái bàn thờ rất đắc tiền, bằng đá cẩm thạch hoặc gỗ quý, nhưng trên bàn thờ khi cử hành thánh lễ thì quá lộn xộn không ngăn nắp trật tự: khăn thánh thì ố vàng nhăn nhó, chén thánh thì đã bạc màu, sách lễ thì quá cũ và gáy sách đã mất, thậm chí có nhiều trang không đọc rõ chữ, khi các ngài chuẩn bị đọc lời truyền phép thì dĩa thánh và chén thánh trên bàn thờ đều để không ngay ngắn trật tự, không giống sự ngăn nắp trên bàn ăn của các ngài, thật không xứng đáng là bàn thờ tế lễ Thiên Chúa. Thánh Gioan Maria Vienaney sống rất khó nghèo, nhưng áo lễ của ngài thì đẹp lộng lẫy, chén thánh dĩa thánh của ngài rất sang trọng, những khăn thánh rất sạch sẽ, bởi vì ngài ý thức rằng mình đang tế lễ Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất cao sang vô cùng.

Chúng ta chỉ chú trọng đến việc xây nhà thờ thật cao to lộng lẫy, làm bàn thờ thật đắc tiền, nhưng đồ dùng cho việc trực tiếp hiến tế là dĩa thánh, chén thánh, áo lễ, khăn thánh thì lại coi thường. Có giáo dân nọ than phiền với tôi về việc nhà thờ kia cha sở cái gì cũng mua sắm rất đắc tiền, nhưng chén thánh dĩa thánh và khăn thánh thì quá tồi tệ, cái áo lễ đã bạc màu, áo trắng dài (alba) thì cáu bẩn lâu ngày không giặt, không biết ngài bỏ tiền đâu cả mà không thay cái mới hơn để dùng cho việc thờ phượng Thiên Chúa ? Giáo dân không tiếc tiền với nhà thờ thì tại sao cha sở lại tiếc tiền với Thiên Chúa !?

Giáo dân ngày xưa và giáo dân ngày nay khác nhau về trình độ giáo lý, cũng như hiểu biết về thánh lễ hoặc về những việc liên quan đến lễ nghi của Giáo Hội, giáo dân ngày nay bức xúc khi thấy một linh mục dâng thánh lễ không nghiêm trang, cảm thấy buồn lòng khi nghe một linh mục trẻ măng lên giọng cha chú dạy đời giáo dân, và rất bực mình khi thấy một linh mục trẻ ăn nói xấc láo với giáo dân đáng cha chú của mình. Cho nên khi cử hành thánh lễ -có hay không có giáo dân tham dự- thì linh mục cần phải nhớ rằng mình đang đứng trước ngai toà Thiên Chúa để cử hành thánh lễ, để nhờ đó mà mọi cử điệu của ngài sẽ luôn là cử điệu của Chúa Giê-su trong nhà tiệc ly và trên đồi Golgotha: khiêm tốn và yêu thương.

Có một vài linh mục trẻ được phái đi làm cha phó, trên mặt còn phảng phất nét hào quang và thoả mãn của ngày chịu chức, đã hùng hổ tuyên bố trên toà giảng với giáo dân rằng: “Thần học mà cha học là thần học mới, phụng vụ mà cha học là phụng vụ đổi mới”, và thế là mấy em giúp lễ hoặc mấy dì phước dọn phòng thánh của nhà thờ phải mệt đứ người vì cha sở làm lễ thì đơn giản, còn cha phó trẻ làm lễ thì phải thêm cái này bớt cái kia cho phù hợp với phụng vụ mới !?

Thánh lễ là trung tâm của người Ki-tô hữu, do đó vai trò chủ tế của linh mục rất quan trọng, bởi vì nơi các ngài, Thiên Chúa đã trao quyền tế lễ, để nhân danh Chúa Giê-su và Hội Thánh cử hành hiến tế tạ ơn. Quyền tế lễ này không một ai trên mặt đất này thay thế được, nên vai trò của linh mục càng quan trọng gấp bội, và giáo dân vì đức tin, vì Giáo Hội, vì Thiên Chúa mà chấp nhận chúng ta như là những đại diện Chúa Giê-su. Nếu chức tư tế này có thể thay thế -thì có lẽ- giáo dân sẽ thay một người khác đạo hạnh, khiêm tốn và nhân đức hơn chúng ta nhiều để cử hành thánh lễ cho họ.

Cho nên chúng ta -những linh mục trẻ- đường truyền giáo còn dài, cần phải khiêm tốn và luôn trau dồi đức hạnh cũng như trí tuệ của mình mỗi ngày, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh ấy.

b. Cử hành bí tích.

Hồi tôi còn giúp xứ, cha sở của tôi đã chỉ cho tôi cách làm bản đồ địa bàn giáo xứ và ghi chú rất cặn kẻ chi tiết tên tuổi, địa chỉ, tên đường, hẽm, số nhà và đánh dấu những ký hiệu thật dễ nhớ, ngài giải thích: “Phải chi tiết như thế, để khi có ai kêu đi xức dầu bệnh nhân thì hỏi rõ tên và tự mình đi cũng được, khỏi phiền giáo dân”. Và quả thật phương pháp này rất có lợi cho cha sở cũng như cho tôi là thầy giúp xứ biết rõ hơn về giáo dân trong họ đạo…

Giáo dân nhờ các linh mục để lãnh nhận các bí tích mà Chúa Giê-su đã lập ra, để chuyển ban ơn cứu độ của Ngài cho họ, cho nên cũng có thể nói cách chắc chắn rằng làm linh mục là vì phần rỗi của giáo dân.

Đời sống tâm linh của giáo dân rất cần đến các bí tích chữa lành, cứu sống và kiện khang, đó là bí tích Giải Tội, bí tích Thánh Thể và bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Ba bí tích này chỉ có các linh mục mới được cử hành, cho nên chúng ta -các linh mục- cần phải đáp ứng nhu cầu của giáo dân khi họ mong muốn lãnh nhận các bí tích này.

Có một vài cha sở từ chối thẳng thừng với giáo dân khi họ gõ cửa xin ngài ngồi toà giải tội ngoài giờ quy định. Tại sao chúng ta từ chối không ban bí tích Giải Tội cho họ chứ, tại sao chúng ta từ chối một tội nhân muốn làm hoà với Thiên Chúa chứ, tại sao chúng ta từ chối đón nhận họ trở về với đời sống mới trong bí tích hoà giải chứ ? Có một vài giáo dân đã nhiều năm không đến toà cáo giải, nay nhờ ơn Thiên Chúa giúp họ ăn năn hối cải trở về với Ngài, nếu chúng ta từ chối ban bí tích hoà giải cho họ, thì vì mặc cảm, vì tức giận, vì thất vọng họ lại sa ngã trong tội thì sao ? Càng suy nghĩ tôi càng thấy sợ hãi vì vai trò của linh mục là chữa lành, là cứu sống, là hoà giải tội nhân với Thiên Chúa, bây giờ lại từ chối người anh em đang cần đến mình để về với Thiên Chúa là cha nhân từ !

Chúng ta là mục tử nhưng chúng ta không học gương Chúa Giê-su đi tìm con chiên lạc trở về, chúng ta là thầy thuốc tâm hồn nhưng chúng ta không học gương Chúa Giê-su là nhân ái và chữa lành bệnh tật trong tâm hồn của giáo dân, giáo dân gọi chúng ta là cha nhưng chúng ta chưa bày tỏ cho họ thấy lòng quảng đại của người cha như ý Thiên Chúa muốn.

Dù cho giáo xứ có quy định giờ ngồi toà cáo giải, dù cho mỗi ngày chúng ta –linh mục- ngồi toà trước và sau thánh lễ, thì chúng ta cũng cần phải luôn vui vẻ, sẵn sàng khi có giáo dân đến xin xưng tội ngoài những giờ ấy, bởi vì những quy định ấy phần nhiều là dành cho giáo dân thường xuyên đi đến nhà thờ hoặc giáo dân nhiệt tình, nhưng không phải giáo dân nào cũng đợi đúng giờ mới đi xưng tội, mà trong giáo xứ vẫn còn có những giáo dân thánh thiện muốn đi xưng tội ngay sau khi đã ăn năn thống hối tội mình.

Linh mục nghĩa phụ (bố đỡ đầu) của tôi đã dạy tôi rằng : “Sau này thầy làm linh mục thì đừng bao giờ từ chối giáo dân khi họ đến xin xưng tội hoặc mời đi xức dầu bệnh nhân bất kể giờ giấc nào trong ngày, bởi vì làm linh mục là để ban bí tích và phục vụ, mà khi giáo dân cần đến mình thì tại sao lại từ chối, thế thì làm linh mục để làm gì ?” Lời dạy này của ngài vẫn ngày ngày ở trong tâm hồn tôi và càng suy nghĩ thì càng thấy là thấm thía, cho nên từ đó, khi đã làm linh mục thì hể nghe chuông điện thoại reo có người mời đi xức dầu hoặc đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, là tôi vội vàng đi ngay dù đang tiếp khách hay làm việc viết lách, hoặc chuông cửa reo có người muốn xưng tội là tôi vội vã xuống ngay nhà thờ với nụ cười trên môi, để cho họ thấy là mình không làm phiền cha sở.

Và đó là bí quyết để giáo dân thích đến toà cáo giải hơn, khi họ có vấn đề nan giải với Thiên Chúa và với tha nhân.

Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu này được thể hiện rõ ràng nhất nơi các linh mục nói chung và các cha sở cha phó nói riêng, bởi vì linh mục là Chúa Ki-tô thứ hai, nghĩa là nơi các ngài phải có một tình thương yêu mọi người, nhất là những người đau yếu linh hồn, như Chúa Giê-su đã tỏ lòng thương yêu đám đông dân chúng theo Ngài…

Một linh mục trẻ nói với tôi với giọng chưa hết tức tối : “Anh coi, mở mắt là kêu là réo, họ không biết giờ này là em đang đọc kinh sao, xưng tộì thì từ từ, chết liền đâu mà sợ”, tôi cũng thấy một linh mục trẻ đã không mau mắn ngồi toà cho một giáo dân vì ngài đang bận tiếp khách, đến khi tiễn khách về thì không thấy người giáo dân ấy nữa, vì ông ta đợi quá lâu…

Thánh Vinh Sơn dạy rằng : “Đức ái cao hơn mọi việc, bỏ Chúa thì được Chúa”. Ý nghĩa của câu nói này thì cha Vincent Lebbe[1] giải thích cho các con cái ngài như sau : “Cầu nguyện là công việc cần thiết nhưng Đức Ái thì cao hơn, khi các con đang cầu nguyện (đọc kinh phụng vụ, lần hạt Mân Côi…noi tắt là cầu nguyện) mà nếu có người muốn gặp các con để xin giúp đỡ, để xin xưng tội, để bàn việc khẩn cấp.v.v… thì các con hãy tạm ngưng cầu nguyện nhưng đồng thời nội tâm vẫn kết hợp với Thiên Chúa để đi thi hành bác ái, vì tha nhân mà phục vụ”[2]. Câu nói đầy tinh thần bác ái này của thánh Vinh Sơn thiết tưởng rất thích hợp cho các cha sở, cha phó và những người làm công tác truyền giáo, bởi vì khi chúng ta “tạm bỏ Chúa” để thi hành bác ái vì danh Ngài thì hiệu quả càng cao, và chúng ta lại được Thiên Chúa không phải nơi kinh nguyện nhưng là nơi tha nhân, họ là những hình ảnh sống động của Ngài…

Từ chối người tội lỗi đến xin hòa giải với Thiên Chúa trong bí tích Giải Tội, là linh mục tự tay mình xô hối nhân xuống hố tội lỗi, và trách nhiệm này các linh mục phải trả lời trước mặt Thiên Chúa trong ngày thẩm phán của Ngài, bởi vì chính các linh mục là người hiểu rất rõ về tình yêu của Thiên Chúa và sự công bằng của Ngài hơn các giáo dân.

c. Xin lễ và bổng lễ

Đây là việc tế nhị dù rằng có quy định rõ ràng của Giáo Hội và của đấng bản quyền địa phương, nhưng giáo dân vẫn cảm thấy như có một cái gì đó ngăn họ đến với Thiên Chúa khi nói đến số tiền (bổng lễ) mà cha sở quy định cho giáo dân. Giáo dân hiểu rất rõ rằng không thể dùng tiền để mua thánh lễ, vì đó là phạm thánh và là gương mù để cho những người ghét Giáo Hội có cớ để nói xấu và chỉ trích Giáo Hội của mình.

Cũng vì chuyện xin lễ và bỗng lễ mà có nhiều giáo dân không đến nhà thờ, và đối với họ việc xin lễ và bổng lễ là một cách giúp đỡ cho Giáo Hội và cha sở của mình sinh sống, không có gì phải nói, nhưng cái mà họ không mấy phấn khởi khi đi xin lễ nơi cha sở là vì cha sở có những quy định mà –đối với họ- giống như mua bán thánh lễ, làm mất đi ý nghĩa cao quý của việc xin lễ.

Tại giáo xứ nọ, giáo dân hầu hết là nghèo khổ chưa ăn bữa trưa đã lo bữa tối, giáo dân phần đông làm nghề nuôi tôm, nhưng gặp lúc thất mùa vì mưa lụt, lại càng khổ hơn. Có giáo dân bòn mót được năm mươi ngàn đồng (VN) giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, vị giáo dân này đến cha sở để xin lễ giổ giáp năm cho ba mình, cha sở từ chối không nhận tiền lễ ba mươi ngàn đồng, người giáo dân năn nỉ với ngài là nhà hết gạo rồi bán tháo bán đổ mẻ tôm mất mùa được năm chục ngàn, con giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, nhưng cha sở đã không động lòng thương xót đòi cho bằng được bổng lễ năm chục ngàn, vị giáo dân nghèo khổ này đành phải về nhà đem nốt hai mươi ngàn đồng bạc để mua gạo ấy đến xin lễ giỗ cho ba của mình…

Tôi được biết là người giáo dân hơn bốn mươi tuổi có hiếu với ba mình này đã rơm rớm nước mắt, vì thương ba và tủi cho cảnh nghèo của mình, và chắc chắn trong tâm họ sẽ nghĩ không tốt về cha sở của mình.

Giáo luật về bổng lễ Giáo Hội chỉ định rất rõ ràng, nhưng có một vài cha sở đã không làm đúng như luật Giáo Hội dạy. Giáo luật dạy rằng : “Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo cả khi không có bổng lễ”[3]. Không một ai nhẫn tâm trước cảnh khốn khó của người khác, huống chi là một linh mục của Chúa Giê-su, làm linh mục không bao giờ đói cả, mà nếu ngài có đói một ngày cũng không sao, hơn là cả gia đình giáo dân phải nhịn đói để xin lễ giỗ cho ba của mình. Tấm lòng của giáo hữu với cha sở thì quá lớn nhưng cha sở trên đây tính từng đồng và –nói theo tu đức- ngài đã không có tâm hồn thương xót người nghèo như là một người cha nhân từ và một mục tử chân chính của Chúa Ki-tô.

Đạo lý của Chúa Giê-su là ở chổ biết yêu thương người thân cận như chính mình, giúp đỡ người nghèo đói là giúp đỡ cho Ngài, điều này các linh mục hiểu rõ hơn bất cứ người nào trên mặt đất này, và sự giúp đỡ yêu thương này các linh mục rất có nhiều cơ hội để thực hiện, cụ thể là vui vẻ dâng lễ cho những giáo dân nghèo không có tiền làm bổng lễ để xin lễ cho người thân của mình.

Có một vài linh mục mà tôi quen biết đã rất hào phóng làm việc bác ái với giáo dân của mình, các ngài không nhận bổng lễ khi giáo dân có đám tang, đám cưới, bởi vì quan niệm của các ngài là : họ là con chiên của mình, đời người có một lần (đám ma, đám cưới) mình là cha sở phải chia buồn (đám ma) và chia vui (đám cưới) với họ bằng cách dâng lễ và cầu nguyện cho họ, đó là bổn phận của một cha sở… Ôi, tâm tình đầy yêu thương giáo dân của các linh mục này đã làm cho tôi suy nghĩ và quyết tâm học theo gương của các ngài khi làm linh mục, và bây giờ tôi đã và đang thực hiện điều ấy: không bao giờ nhận bổng lễ hoặc bất cứ lễ vật nào khác của giáo dân khi có đám cưới hoăc đám tang. Đó cũng là một cách truyền giáo rất thực tế mà chúng ta- các linh mục trẻ- cần phải khai thác với tất cả sự yêu thương.

Có một vài cha sở lại bày ra luật lệ của mình để chất gánh nặng lên vai giáo dân: các ngài ấn định lễ có hát và lễ không có hát với bổng lễ khác nhau, lễ nhiều tiền là làm ngay theo ý người xin, và lễ ít tiền thì bỏ vào cái hòm phía trước nhà thờ mỗi tuần cha sở mở ra một lần để làm lễ theo ý họ.

Đành rằng tiền chi phí điện nước, ca đoàn, giúp lễ là phải có (nên công khai danh mục chi phí này để họ biết mà làm theo đó, lâu ngày thành thói quen) nhưng phần bổng lễ dành cho cha sở thì nên vui vẻ chân tình nói với họ rằng người chết là giáo dân của tôi, tôi có bổn phận phải dâng lễ cầu nguyện cho họ nên không nhận bổng lễ, nếu mỗi cha sở biết làm như thế thì không những ngài có uy tín với giáo dân, lại còn là một mục tử tốt lành dưới con mắt họ, bởi vì không phải ngày nào cũng có người chết cũng như không phải ngày nào cũng có đám cưới mà sợ không có gì ăn !

Có một vài cha sở trẻ rất là không tế nhị về điểm này: có vị thì lên tòa giảng nói khéo để giáo dân xin lễ, có vị nói thẳng lớn tiếng với giáo dân là không biết giữ đạo vì không biết xin lễ, lại có vị thì chỉ trích thẳng mặt với giáo dân có thân nhân ở nước ngoài là keo kiệt vì họ chỉ xin đúng số tiền quy định.v.v… nếu không tế nhị và nếu không có tâm hồn quảng đại thì chúng ta –các linh mục- sẽ là người gây chia rẻ trong giáo xứ của mình về việc bổng lễ: người giàu và người nghèo, mà người phân biệt đối xử trước nhất chính là cha sở khi ngài quy định lễ hát, lễ không hát và lễ ít tiền trong giáo xứ của mình.

Giáo dân không có tiền để xin lễ hoặc xin lễ không đúng với số bổng lễ quy định thì đã sao, bởi vì không một tiền bạc vật chất nào trên thế gian này có thể mua nổi một thánh lễ Misa, thì tại sao chúng ta lại đòi cho đúng năm mươi ngàn đồng khi gia đình giáo dân ở nhà con cái thiếu ăn ? Nếu không vì lễ giáp năm của bố mình thì chắc chắn người giáo dân ấy sẽ không xin lễ với giá không đúng với số tiền đã quy định, nhưng vì chữ hiếu mà xin lễ và vì con cái không có cơm ăn mà phải giữ lại gần nửa số tiền đã bán tôm. Chúa Ki-tô đã chết trên thánh giá để trở nên của lễ toàn thiêu vô giá dâng lên Chúa Cha xin Ngài tha tội cho thế gian, thì tại sao chúng ta lại kỳ kèo với người giáo dân nghèo của mình cho đúng với số tiền đã quy định chứ ?

Chúng ta là linh mục tức là những mục tử của giáo dân, mà mục tử thì phải hy sinh –có khi hy sinh tính mạng- để đàn chiên được béo tốt, là đi tìm nơi nào có đồng cỏ tươi tốt để cho chiên ăn chứ không phải bắt chiên mà ăn thịt.

Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen tốt lành là xin lễ rất nhiều, đến nổi có cha sở làm không hết lễ cho một năm, cho nên có những lúc tôi và các anh em linh mục trong dòng nói đùa với nhau rằng: làm linh mục ở Việt Nam sướng hơn ở ngoại quốc, mà đúng như thế, vì giáo dân Việt Nam chúng ta rất kính trọng các linh mục, kính trọng quá mức. Còn giáo dân ở nước ngoài thì họ vẫn kính trọng linh mục theo cách của họ, họ vẫn yêu thương các linh mục của họ, dù cha sở của họ là người bản địa hay là người ngoại quốc họ đều yêu quý như nhau, nhưng họ ít có thói quen xin lễ như ở Việt Nam, có giáo xứ quanh năm cha sở chỉ làm vài lễ theo ý giáo dân xin, có giáo xứ mỗi tuần cũng có xin lễ vài ba ngày.v.v… cho nên –xét cho cùng- cha sở ở Việt Nam sung sướng hơn làm cha sở ở ngoại quốc nhiều, xét về mặt xin lễ.

Giáo xứ của tôi phụ trách là một giáo xứ có thể nói được là có tổ chức quy mô và dân trí cao của giáo phận, vì vị trí của giáo xứ gần các trường đại học nổi tiếng nên đa số các giáo sư công giáo đều ở tại giáo xứ của tôi, tri thức vì trình độ trên đại học và tiến sĩ, thạc sĩ của giáo dân chiếm ¾ giáo xứ, còn lại là đang học đại học hoặc trung học. Tri thức là như thế, nhưng giáo lý thì không thể so với các giáo dân ở Việt Nam chúng ta, và việc xin lễ thì càng hiếm hơn nữa, bởi vì họ ít có thói quen xin lễ…

Nói như thế để cho các linh mục trẻ của chúng ta hiểu rằng, ở Việt Nam, nếu một năm các cha sở trẻ làm “miễn phí” một vài lễ thì chắc chắn là không chết đói so với giáo dân của mình đem năm chục ngàn đến xin lễ mà trong nhà không có gì ăn.

Có giáo dân nói với tôi là cha sở của họ rất là phân biệt người nghèo người giàu, bởi vì thấy người lao động chân lấm tay bùn vào nhà xứ xin gặp cha sở thì ngài không có thái độ vồn vã chào hỏi, ghi sổ lễ xong là nói: tôi bận. Nhưng nếu có người giàu có trong giáo xứ vào gặp ngài thì ngài rất vồn vã, tự tay rót nước mời khách và ngồi trò chuyện rất lâu.v.v…

Có lẽ cha sở có việc của ngài, và giáo dân nghèo có lẽ mặc cảm với cái nghèo của mình nên nghĩ ra như thế chăng ? Tuy nhiên đây là một thực tế có thật mà giáo dân rỉ tai nhau nói như thế.

Con người ta nhân vô thập toàn, các linh mục cũng thế, nhưng cái mà mỗi người chúng ta cần phải đạt cho được trong cuộc sống của mình, đó là nên thánh, các linh mục tu sĩ nên thánh trước và kéo theo giáo dân nên thánh với mình, đó là bổn phận và trách nhiệm của người tu hành mà cụ thể là các linh mục, tu sĩ nam nữ. Giáo dân kính trọng các linh mục và các linh mục tu sĩ nam nữ là ở chỗ họ luôn luôn nêu gương sáng cho mọi người, mà người Trung Hoa có câu như sau: “dĩ thân tác tắc” nghĩa là lấy mình làm gương, mà muốn “dĩ thân tác tắc” thì chúng ta nên công khai cuộc sống của mình, công khai cuộc sống của mình là hoà đồng với hết mọi người, giàu cũng như nghèo, là tiếp đón vui vẻ với mọi giáo dân không phân biệt một ai, bất luận họ đến nhà xứ với lý do gì thì cũng đều coi họ như người trong gia đình, thân tình tự nhiên mà không kiểu cách đạo mạo như ông chủ…

Hãy nói nguyên tắc làm việc của mình cho rõ ràng với giáo dân, bởi vì nguyên tắc nào cũng phải làm cho giáo dân càng ngày càng đến gần Thiên Chúa hơn, cho nên chẳng còn gì vui thích bằng khi giáo dân nói cho nhau nghe: cứ tới cha sở đi, đừng ngại gì cả, vì ngài rất bình dân hoà đồng và sẵn sàng ngổi toà giải tội lúc nào cũng được. Chúng ta đừng sợ giáo dân quấy rầy mình, bởi vì họ rất tôn trọng các linh mục, nếu họ có đến thì chỉ có những dịp này: xin xưng tội, hôn phối, an táng và đem quà đến chia sẻ với cha sở của mình mà thôi, không một giáo dân nào ngày ngày đều đến nhà cha sở trò chuyện, cũng không có giáo nào quý cha sở đến mức ngày ngày đến hầu chuyện với ngài…

Xin lễ là việc đạo đức thánh thiện và bày tỏ lòng quảng đại của giáo dân đối với Giáo Hội, cũng như đối với các cha sở và cha phó hay bất cứ linh mục nào của Giáo Hội, nhưng việc xin lễ sẽ mất đi ý nghĩa của nó nếu chúng ta –các linh mục- không đặt tình thương yêu trên số tiền xin lễ của giáo dân, bởi vì của lễ thì không thể nào quý trọng bằng tâm hồn yêu thương của người xin lễ…

Chia sẻ Bài này:

Related posts