Chia Sẻ Công Tác Mục Vụ Giáo Xứ Trong Thời Đại Nay

A- GIÁO XỨ

1. Phải xác định cách tích cực Giáo xứ là đại gia đình của mình.

Chịu chức xong thì các linh mục trẻ đầy nhiệt tình sẽ được nhận bài sai của đấng bản quyền địa phương (giám mục địa phận, bề trên dòng…) để đi làm mục vụ, cũng có nghĩa là được chính thức sai đi đến một nơi mà khi còn học trong chủng viện các ngài hằng mong ứơc, đó là làm cha phó (hoặc cha xứ).

Giáo xứ mà các linh mục được sai đến không như trong sách vở mà các linh mục trẻ đã học, nhưng là một giáo xứ với những con người sống động, những con người mà họ rất kỳ vọng vào các linh mục trẻ của mình, với tác phong vui tươi cởi mở với tất cả mọi người, dù linh mục trẻ ấy là cha sở hay cha phó, hoặc bất cứ linh mục trẻ nào. Nơi giáo xứ có nhiều hạng người giàu cũng như nghèo, có người trí thức cũng như có người lao động, có người là giáo sư là bác sĩ.v.v… cũng có những thành phần trong Giáo Hội là các tu sĩ nam nữ, và có khi có gia đình có con cái làm linh mục hoặc tu sĩ trong một hội dòng… tóm lại là một giáo xứ với nhiều tính năng động của nó.

Giáo xứ là một Giáo Hội địa phương được trao phó cho linh mục coi sóc, để giáo xứ dưới sự lãnh đạo của các ngài ngày càng phát triển về đàng nhân đức cũng như về mặt xã hội, có nghĩa là các linh mục coi sóc giáo xứ -trước hết- trên phương diện tinh thần, hướng dẫn giáo dân sống và thực hành tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su mà các ngài đã được huấn luyện, để trở thành vị mục tử chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa trao cho các ngài.

Cho nên, khi nhận được bài sai để đến một giáo xứ nào đó (dù lớn hay nhỏ) thì các linh mục phải cảm tạ ơn Thiên Chúa đã chọn ngài chứ không chọn ai khác để coi sóc giáo xứ ấy, và mau mắn lên đường làm nhiệm vụ…

Giáo xứ là một cộng đoàn lớn và phức tạp, cho nên để cho công việc mục vụ được dễ dàng thuận lợi, thì tâm tình trước tiên mà các linh mục phải có chính là biến cộng đoàn giáo xứ ấy trở thành gia đình của mình, một đại gia đình đúng nghĩa của nó, có như thế các ngài mới có thể vui vẻ lạc quan sống và làm việc bên cạnh các giáo dân của mình.

Có một vài linh mục trẻ khi được bài sai đến một giáo xứ nào đó, nếu giáo xứ giàu thì cười hả hê và thỏa mãn, nếu giáo xứ nghèo ở nơi khỉ ho cò gáy thì lại trách oán bề trên, những linh mục này sẽ không bao giờ coi giáo xứ của các ngài là một đại gia đình của mình, cho nên khi đến giáo xứ thì việc trước tiên là hạch sách giáo dân hoặc đòi điều kiện với cha sở là : chỗ ở phải tiện nghi có máy lạnh, phải có phòng ốc hẳn hoi, phải có chỗ vui chơi giải trí thì mới đến, bằng không thì mặc kệ, như thế tinh thần mục tử vì đàn chiên nơi các ngài không còn nữa, và như thế các ngài coi giáo xứ như là một công ty mà các ngài “buộc” phải đến làm việc, các ngài biến mình trở thành một công chức cao cấp để lãnh lương, chứ không phải là một linh mục đang làm trong vườn nho của Thiên Chúa…

Khi đã xác định được giáo xứ là đại gia đình của mình thì người linh mục không còn đòi hỏi phải có đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt, nhưng các ngài sẽ băn khoăn khi giáo dân của mình dân trí kém, cuộc sống khó khăn, có nhiều người rượu chè cờ bạc, và có nhiều tệ nạn xảy ra cần phải giáo dục họ họ sống đúng với tinh thần của Chúa Giêsu dạy : yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

2. Phải tâm niệm Giáo Xứ là cánh đồng truyền giáo của mình.

a. Thăm giáo dân (cày)

Chắc chắn các linh mục trẻ sẽ cười khi nghe câu ấy, bởi vì giáo xứ đã là nơi truyền giáo của các linh mục, bằng không thì làm linh mục để làm gì, hoặc đấng bản quyền sai mình đến đó để làm gì ! Nếu các linh mục trẻ hiểu được như thế thì Giáo Hội Việt Nam sẽ không lo âu vì các linh mục trẻ của mình ngày càng sống hưởng thụ hơn là làm việc truyền giáo, ngày càng sống xa hoa hơn là phục vụ.

Giáo xứ là cánh đồng truyền giáo của các linh mục, nhưng như thế nào là truyền giáo ? Có một vài linh mục khi đến giáo xứ thì “triển lãm” cái tính sống xa hoa của mình cho giáo dân thấy; có linh mục thì mới đến giáo xứ ngày hôm trước thì hôm sau đã phách lối nạt nộ giáo dân và đặt điều kiện này điều kiện nọ với họ, thì truyền giáo đâu chưa thấy chỉ thấy giáo dân than phiền : ông cha mới khó tính như ông cụ non ! Như thế thì sẽ không còn là truyền giáo nữa, nhưng là đến để làm ông chủ và “truyền” cá tính cộc cằn, hách dịch và kiêu căng của mình cho giáo dân, thật tội nghiệp cho họ, vì họ không nhìn thấy được Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhượng nơi vị mục tử trẻ trung của mình.

Muốn đồng ruộng tốt thì trước hết phải cày rồi sau mới “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Các linh mục cũng phải “cày” trên đồng ruộng giáo xứ của mình, các ngài phải “cày” ngay khi mới đến giáo xứ, “cày” tức là các ngài phải bỏ công sức là đi thăm giáo dân mà chúng ta gọi là “thăm mục vụ”, thăm giáo dân để biết tình trạng con chiên của mình như thế nào, nhà này ra sao nhà nọ thế nào, người này không bao giờ đến nhà thờ, người kia chưa một lần lên rước Mình Thánh khi đi dâng thánh lễ.v.v… đó là “cày” của các linh mục, việc này các linh mục trẻ dễ dàng làm hơn, vì sức còn mạnh và tay chân hoạt bát không ngại đường xa mưa gió nắng nôi…

Kinh nghiệm cho thấy, cha sở nào thường cùng với các đoàn thể (Legio Maria chẳng hạn…) đi thăm giáo dân của mình thì cha sở ấy đã thành công một nửa trong việc xây dựng giáo xứ của mình. Đi thăm giáo dân là để tìm hiểu cuộc sống tâm linh của họ, và có khi, cũng biết thêm đời sống vật chất của họ để thông cảm và khuyến khích họ sống tốt đẹp là một người Ki-tô hữu trong giáo xứ của mình.

Chí ít là một tuần đi thăm một vài gia đình, chương trình thăm ai, nhà nào thì nên có kế hoạch và bàn hỏi với đoàn thể mà mình cùng đi với họ đến thăm giáo dân, họ sẽ rất vui và cho mình biết hoàn cảnh của gia đình giáo dân mà mình đến thăm, nếu không có chuyện cấp bách về mục vụ (như xức dầu bệnh nhân…) thì không nên đi một mình và không nên ngồi quá lâu ở một nhà giáo dân, vì như thế sẽ không tốt cho các linh mục và ảnh hưởng đến công tác mục vụ của mình. Khi đến thăm nhà giáo dân thì thăm hỏi sức khoẻ của họ, phải tế nhị và đừng đụng chạm đến đời sống riêng tư của họ, nhưng hãy thật vui vẻ -có khi pha trò- để cuộc trò chuyện thêm tự nhiên xoá bỏ ngăn cách giữa linh mục và giáo dân. Đừng để họ bận rộn tiếp khách chuẩn bị thức ăn thức uống, nhưng cần phải nói ngay với họ rằng, chỉ uống một ly nước hoặc một ly cà phê (nếu có) và trò chuyện thân tình, rồi cáo từ sau năm hoặc mười phút trò chuyện. Tuy ngắn nhưng ảnh hưởng và ấn tượng lâu dài nơi giáo dân của mình…

Giáo dân cảm thấy xa cách cha sở -vị mục tử- của mình, vì các ngài không chịu bước ra khỏi nhà xứ để đến với họ, vì các ngài cảm thấy mình đến với giáo dân là quá hạ mình nên phải để giáo dân đến với mình trước !? Vì thế mà khi có nghe tin giáo dân nọ cần được xức dầu thì có một vài cha sở không biết giáo dân đó là ai !!!

Đừng ngại đi đến thăm giáo dân, cũng như người nông dân không ngại trời nắng trời mưa khi cày ruộng, bởi vì phải cày trước đã rồi mới gieo hạt hoặc cấy lúa, “cày” chính là việc đi thăm giáo dân của cha sở, bởi vì khi đi thăm giáo dân là cha sở đã làm một chiếc cầu bê tông cốt sắt chắc chắn để nối liền nhà thờ với họ, nối liền cha sở với giáo dân, mục tử với con chiên. Đi thăm giáo dân là “”cày” mảnh đất tâm hồn vủa họ cho tơi xốp, vì nó đã cứng khi không thấy được sự quan tâm của người mục tử, và cũng vì miếng cơm manh áo mà họ ít đến nhà thờ…

Đừng ngại đi thăm giáo dân nhưng hãy ngại là chỉ quen biết và đi thăm một hai gia đình thân thiết trong giáo xứ rồi thôi, bởi vì đôi lúc có một vài linh mục vì quá mệt và bận rộn với công việc giáo xứ, mà “trốn” đi đến một nhà giáo dân thân thiết để giải trí và thư giãn với cờ tướng hoặc tán dóc hoặc nghỉ ngơi cả buổi, lâu ngày làm cho giáo dân dị nghị và như thế việc truyền giáo và quản lý giáo xứ sẽ ảnh hưởng rất nhiều…

Khi đã “cày” xong thì chúng ta tiếp tục với câu tục ngữ của cha ông chúng ta “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để áp dụng vào cánh đồng truyền giáo của chúng ta, đó là giáo xứ.

b. Cầu nguyện. (nhất nước)

Cầu nguyện, đó là một niềm vui của người Ki-tô hữu được “đặc ân” trò chuyện với Thiên Chúa, là một sức mạnh cho những người cảm thấy mình quá nhỏ bé trong cuộc sống. Các linh mục là những “nhà chuyên môn” của việc cầu nguyện, các ngài có thể cầu nguyện luôn luôn trong mọi lúc dưới bất cứ hình thức nào, vì các ngài là những thầy dạy giáo dân về việc cầu nguyện, khi mà người ta cảm thấy khó khăn khi cầu nguyện vì quá lo ra chia trí vì kế sinh nhai, vì thất tình lục dục, thì các linh mục là những con người mà họ cậy nhờ trong đời sống tâm linh của mình…

Có thể nói: cá cả ngày sống trong nước thế nào, thì các linh mục cả ngày sống trong ơn sủng của Thiên Chúa cũng như thế, tức là cầu nguyện.

Cầu nguyện rất cần thiết cho giáo xứ mình phục vụ cũng giống như nước rất cần cho đồng ruộng, không cầu nguyện thì các linh mục không thể làm cho tâm hồn tín hữu nguội lạnh thành nóng lên vì tình yêu của Thiên Chúa; không cầu nguyện thì các dự án, các cuộc thăm viếng chỉ là đánh trống bỏ dùi mà thôi, bởi vì cầu nguyện là “nước” nên nếu không nước thì đồng ruộng truyền giáo sẽ cháy khô.

Dâng thánh lễ là lúc cầu nguyện tuỵêt với nhất, và chỉ có khi dâng thánh lễ, thì người linh mục mới cảm thấy được hết tất cả những hồng ân mà Thiên Chúa đã làm cho mình và cho nhân loại, đó chính là tình thương cao cả nhất mà chính linh mục là người thứ nhất cảm nghiệm được, bởi vì nếu khi linh mục dâng thánh lễ mà không cảm nhận được sự cao quý và cao cả của Thiên Chúa, thì chẳng khác chi một diễn viên sân khấu.

Bởi vì có một vài linh mục khi cử hành thánh lễ thì chỉ thích chú trọng đến những cử điệu bên ngoài: dang hai tay thật rộng hết cở khi đọc lời cầu nguyện, giọng nói uốn lưỡi mất tự nhiên và cung giọng lên xuống sao cho truyền cảm để thu hút mọi người, vì thế cho nên không lạ gì có một vài linh mục cử hành thánh lễ như là diễn kịch trên sân khấu, nhưng diễn cũng không đạt vì những cử chỉ mà các ngài làm đều không diễn tả được là hành vi thánh, đôi lúc làm cho giáo dân thấy việc cử hành thánh lễ là một việc làm bất đắc dĩ của các linh mục, làm cho xong, làm cho qua, làm cho mau để hết…cục nợ !

Cầu nguyện là nước tưới trên cánh đồng truyền giáo của các linh mục, kinh nghiệm của thánh Gioan Maria Vianney đã cho chúng ta thấy được điều ấy: từ một giáo xứ khô cằn (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) ngài đã làm cho nó sinh động tốt tươi cách kỳ diệu bằng lời cầu nguyện liên lĩ của mình. Cũng vậy, cầu nguyện là một sức mạnh kỳ diệu làm đổi mới mọi sự, mà theo suy nghĩ của con người sẽ không bao giờ làm được, nhưng việc gì mà con người không thể làm được, thì Thiên Chúa lại làm được.

Thánh lễ là giây phút hạnh phúc nhất của người Ki-tô hữu nói chung, và của các linh mục nói riêng, bởi vì càng suy tư đến mầu nhiệm hiến tế nơi bàn thánh, thì chúng ta càng thấy được Thiên Chúa quá ư là khiêm tốn và rất mực yêu thương nhân loại, cách riêng các linh mục, bởi vì chính linh mục –chứ không ai khác- diễn tả lại cuộc hi tế ngày xưa trên đồi Golgôtha của Chúa Giê-su. Trong mỗi một thánh lễ mà chúng ta –những linh mục- dâng lên Thiên Chúa có biết bao là hồng ân mà nhân loại được hưởng nhờ, có biết bao linh hồn được ơn nhận biết Thiên Chúa là Cha rất nhân từ. Nói như thế để mỗi người trong chúng ta cảm nghiệm được rằng: tôi chỉ là một đầy tớ vô dụng, một dụng cụ bất xứng, và là một con người đầy những xấu xa hơn tất cả mọi người trên thế gian, vậy mà Thiên Chúa đã chọn tôi như là một khí cụ tình yêu của Ngài.

Chúng ta phải lợi dụng hồng ân trong thánh lễ để cầu nguyện cho giáo xứ của mình, tức là cho cánh đồng truyền giáo, mà trên cánh đồng ấy có không biết bao nhiêu là cỏ dại, sâu trùng, bọ xít làm hư hoại những hạt lúa tốt tươi của chúng ta.

Trong thánh lễ, chúng cầu nguyện cho em bé lem luốt hôm qua đứng bên vệ đường khóc vì đói được cơm ăn; chúng ta nhớ đến khuôn mặt của một giáo dân ngày hôm qua đã bị mọi người chửi mắng vì say rượu để cầu nguyện cho họ; chúng ta cũng nhớ đến những cô gái đứng gốc cây bên đường chờ khách, để cầu nguyện cho họ được có cuộc sống tốt đẹp hơn, và còn biết bao nhiêu là những người mà chúng ta phải nhớ đến họ trong thánh lễ để cầu nguyện cho họ… Như thế, cầu nguyện là phương thế tuyệt vời nhất, để cho cánh đồng truyền giáo của chúng ta ngày càng xanh tươi tốt đẹp hơn, và sẽ không một cây lúa (giáo dân) nào mà không được mát lòng nhờ lời cầu nguyện của chúng ta.

Tiếp đến, Phụng Vụ các giờ kinh mà ngày xưa chúng ta gọi là kinh nhật tụng, đóng một vai trò quan trọng thứ hai sau thánh lễ trong việc cầu nguyện của các linh mục.

Thời nay Giáo Hội khuyên các tín hữu cũng nên đọc giờ kinh phụng vụ theo cách của giáo dân, bởi vì đó là những lời ca ngợi, tán tụng, tạ ơn và cầu xin tuyệt vời nhất, mà Giáo Hội đã yêu cầu các linh mục, là những người đã được tuyển chọn thay mặt nhân loại đọc để chúc tụng Thiên Chúa, cho nên nếu được thì trong giáo xứ của mình, cha sở có thể tổ chức để giáo dân yêu thích dùng phụng vụ các giờ kinh để cầu nguyện, và các ngài cũng nên đọc chung với giáo dân ít nữa là giờ Kinh Sáng sau (hoặc trong thánh lễ) và giờ Kinh Chiều.

Đây là cách cầu nguyện chung giữa cha sở với giáo dân của mình, bởi vì các linh mục rất ít khi đọc kinh chung với giáo dân, buổi sáng khi giáo dân cùng nhau đọc kinh lần chuổi thì không thấy cha sở hoặc cha phó cùng đọc chung với họ, chỉ đợi khi gần giờ lễ rồi mới ra khỏi phòng và đi thẳng vào phòng thánh để chuẩn bị dâng lễ, lễ xong thì cũng “biến” đâu mất, rất ít khi trò chuyện với giáo dân, hỏi thăm quan tâm: “ông X… đâu rồi, sao mấy ngày nay không thấy đến nhà thờ; bà H… nghe nói bệnh phải không; Anh B…, con anh ra sao rồi tìm được việc làm chưa.v.v…” Mấy câu hỏi quan tâm đơn sơ sau thánh lễ ấy, là chất xúc tác để giáo dân không còn thấy ông cha sở của mình là cao cao sang sang nữa, nhưng rất thân tình như người trong nhà và làm cho giáo dân yêu mến nhà thờ hơn, đó là bí quyết truyền giáo xưa cũng như nay: tiếp xúc và quan tâm đến mọi giáo dân của mình.

Đọc kinh Phụng Vụ chung với giáo dân là cầu nguyện chung với họ, là nói cho họ biết giáo xứ chúng ta cần thêm nhiều lời cầu nguyện của mọi người, để xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho mỗi con chiên của Ngài trong giáo xứ này, và thế là giáo dân “thấy” được trong tâm hồn của vị mục tử của mình đầy ắp sự lo lắng, thương yêu giáo dân của ngài, và chắc chắn Thiên Chúa cũng sẽ nhậm lời và chúc lành cho công cuộc truyền giáo của các ngài.

Nước cần thiết cho đồng ruộng như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng rất cần thiết cho việc truyền giáo như thế.

c. Tổ chức. (nhì phân)

Có một vài linh mục trẻ rất có óc tổ chức giáo xứ của mình, những linh mục này tôi biết là ngoài việc các ngài có thiên khiếu về tổ chức ra, thì trong số các ngài còn có một vài linh mục tham gia sinh hoạt phong trào hướng đạo, nên cách tổ chức của các ngài rất có thứ tự lớp lang đàng hoàng.

Một cánh đồng kiểu mẫu không những năng suất cao mà còn là cách phân bờ phân đê làm sao cho hợp lý, để khi nước được bơm vào thì cả cánh đồng đều có nước giống nhau, chứ không phải cùng một cánh đồng mà chỗ này bơm nước một ngày, chỗ kia bơm nước ngày khác, đó là vì nhà nông không được học qua kỷ thuật về nông nghiệp tiên tiến. Ở Đài Loan nền nông nghiệp của họ thật tuyệt vời, thấy ruộng đồng của họ mà mê tơi vì nó bằng phẳng, thứ tự lớp lang, sạch sẽ, nhìn thấy là muốn xuống ruộng làm nghề nông, đó chẳng qua là nền nông nghiệp của họ đã đạt đến mức hoàn hảo.

Trong một giáo xứ, việc tổ chức các đoàn thể là điều cần thiết, từ ban hành giáo cho đến các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Lêgiô Maria, hội Con Đức Mẹ, hội các bà mẹ Công Giáo, hội cha gia đình, thanh niên.v.v… đều rất cần thiết cho sự truyền giáo của cha sở cũng như sự phát triển của giáo xứ, nhất là gây tình đoàn kết giữa các giáo dân với nhau cũng như giữa giáo dân và cha sở cha phó…

Có một vài cha trẻ nhưng tâm hồn thì đã già, cho nên thích an nhàn hưởng thụ hơn là tổ chức các sinh hoạt trong giáo xứ, mà nếu giáo xứ nào đã có các đoàn thể rồi, thì các ngài cũng ít quan tâm vì không phải “con của mình đẻ ra”, mặc kệ bây sinh hoạt hay không tuỳ tiện !?

Tổ chức là khâu quan trong trong việc quản lý cộng đoàn, cha sở phải làm sao để tất cả giáo dân của mọi thành phần trong giáo xứ tham gia các hội đoàn, để qua các sinh hoạt này mà cha sở truyền đạt lòng đạo đức kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân cho các con chiên của mình, bởi vì sẽ rất thiếu sót khi giáo dân thèm muốn có một hội đoàn hợp với lứa tuổi của mình, để chia sẻ những kinh nghiệm về cách sống đạo cho người khác, cũng như muốn học hỏi kinh nghiệm sống Lời Chúa nơi những giáo dân khác, mà cha sở thì cứ tà tà “để đó coi đã”, cái “tà tà” này là biểu hiệu của một tâm hồn không mấy thiết tha với giáo xứ mà mình đang coi sóc.

Tôi đã thấy một vài linh mục đã không làm gì sau mấy năm ở giáo xứ, bởi vì các ngài có một quan niệm rất “kỳ quặc” là mình không ở đời ở kiếp đây thì tổ chức đoàn thể này nọ làm gì cho mệt óc mệt xác chứ ! Thế là giáo xứ của các ngài ngày càng tẻ nhạt, giáo dân đến đi lễ vì bổn phận rồi về, họ không coi giáo xứ là nơi để họ lui tới học hỏi với cha sở cách sống đạo, cũng như nơi các giáo dân khác, bởi vì giáo xứ của họ không có một hội đoàn nào để họ tham gia sinh hoạt.

Thiên Chúa –đã vì thương yêu- mà chọn chúng ta làm những người thay mặt Ngài để dạy dỗ giáo dân biết sống đạo, và khi chọn ai thì nhất định Ngài cũng ban cho họ sự khôn ngoan để lãnh đạo, nghĩa là với sự khôn ngoan ấy, chúng ta tổ chức giáo xứ thành cánh đồng truyền giáo cho hợp với thời đại khoa học, hợp với đà tiến hoá của xã hội mà không làm cho giáo dân phải thốt lên: ông cha sở quá cấp tiến.

Khi đã tổ chức được các đoàn thể rồi thì cha sở phải hy sinh thêm rất nhiều thời gian cho các đoàn thể, bởi vì cha sở, cha phó là đầu tàu, là hạt nhân làm nổ tung các tâm hồn bấy lâu nguội lạnh với việc nhà Chúa, thì nay đã hăng hái tham giá cách tích cực các hội đoàn trong giáo xứ. Cha sở sẽ còn rất ít giờ để đọc sách và giải trí, nhưng tham gia sinh hoạt các đoàn thể là một niềm vui của ngài, bởi vì có việc để làm thì tốt hơn là không có việc gì để làm, rồi sinh ra những điều không tốt cho đời sống tu đức của linh mục.

Các linh mục là những người được đọc nhiều sách với nhiều đề mục, nhưng –đối với linh mục- thì tất cả đều là lý thuyết trên sách vở, duy chỉ có một điều đối với các ngài thì nó không còn là lý thuyết nữa nhưng là thực hành, đó là truyền giáo. Truyền giáo không phải là lý thuyết nhưng là phải thực hành, và đó chính là nghề chuyên môn của các ngài, do đó, người ta sẽ cừơi và trách các linh mục khi các ngài dửng dưng với công tác tổ chức các hội đoàn trong giáo xứ của mình.

Có một vài linh mục khi được phái đến coi sóc một giáo xứ nào đó thì thích xây dựng nhà thờ, phòng ốc, sân chơi, vườn hoa kiểng.v.v… đương nhiên tất cả những công việc này cũng đều là vì giáo xứ mà làm, để cho giáo xứ có bộ mặt đẹp đẽ và bề thế hơn. Nhưng, khi nhà thờ chưa xuống cấp mà đập tan nát ra xây lại; giáo dân không có chỗ để đi đứng sinh hoạt, thì lại xây cái vườn hoa kiểng to đùng đùng chiếm cả một khoảng lớn của nhà thờ; hoặc giáo dân thì nghèo cơm ngày ba bữa chưa đủ no, mà cha sở đập phá nhà thờ cũ để xây mới thì có hợp thời không…

Cái nên xây trước hết chính là xây dựng tâm hồn của giáo dân, làm cho tâm hồn của họ trở thành đền thờ của Thiên Chúa thật sự, chứ không phải chỉ đến nhà thờ đi lễ đi kiệu, nhưng khi ra khỏi nhà thờ thì tâm hồn của họ lại trở thành nơi ở của ma quỷ ? Xây dựng tâm hồn của các giáo hữu trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần thì không có gì hay cho bằng tổ chức các đoàn thể trong giáo xứ của mình, thông qua các đoàn thể chúng ta sẽ thấy nhiều điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm nơi họ. Tổ chức các cộng đoàn hoạt động hữu hiệu, thì cha sở sẽ có một ngày bội thu trong niềm vui của người ra đi gieo giống trên ruộng mình, và vui mừng gặt hái thành quả ôm trong lòng, vác trên vai mà đi về nhà Cha…

d. Làm việc không biết mệt. (tam cần)

Ruộng lúa, dù đã trổ đòng đòng, nhưng nếu không chuyên cần làm cỏ thì sẽ trở về với hai bàn tay trắng, cũng vậy, tổ chức thật khoa học nhưng không thường xuyên giáo huấn dạy dỗ quan tâm đến giáo dân thì cũng chẳng thu hoạch được gì.

Có những linh mục làm việc không biết mệt mỏi, các ngài làm việc bất kể ngày đêm, dù mưa to gió lớn, dù ban đêm hay ban ngày, mà hể có người cần đến các ngài là a lê đi ngay đến để ban các bí tích cho họ, sự chuyên cần này được Thiên Chúa trả công rất bội hậu, mà trước mắt là giáo xứ của các ngài ngày càng có nhiều người đến tham dự thánh lễ hơn, và chính bản thân của mỗi người giáo hữu cũng rất muốn cộng tác với một cha sở nhiệt thành, vì các linh hồn mà phải hy sinh tất cả những chuyện riêng tư cá nhân…

Không chuyên cần làm việc thì các linh mục cũng đừng trông mong giáo dân cộng tác với mình, và các ngài cũng đừng trách cứ giáo dân sao mà xao nhãng việc đạo đức, lễ lạy không đến nhà thờ; không làm việc cách tích cực thì cha sở đừng trông mong giáo dân thân thiện với ngài, bởi vì cha sở nhạy cảm một nhưng giáo dân nhạy cảm gấp đôi các ngài, nhất là trong việc nhìn xem cha sở mình có tích cực làm việc mục vụ hay không rồi sau đó mới cộng tác.

Có một vài linh mục trẻ khi được sai phái đến làm cha phó một họ đạo nào đó thì khoáng trắng cho cha sở, còn mình thì làm việc cách tiêu cực, cha sở phân công thì làm mà không phân công thì thôi, ngồi chơi xơi nước hoặc làm việc không mấy có trách nhiệm. Đương nhiên trách nhiệm là của cha sở, nhưng trên cương vị cha phó hay cha phụ tá cũng đều có trách nhiệm trong phạm vi của mình, mà trách nhiệm này trước hết chính là phần vụ của linh mục tức là làm công việc truyền giáo dù cho làm cha sở hay cha phó, cha phụ tá hay làm bất cứ chức vụ nào chăng nữa cũng đều phải làm bổn phận của một linh mục.

Chúa Giê-su đã làm việc không biết mệt mỏi, đôi chân Ngài rảo khắp miền Galilêa để rao giảng, tìm và chữa lành những người đau yếu tật nguyền, cho nên có rất nhiều người đã đi theo Ngài mà không thiết đến ăn uống[1] sự chuyên cần tích cực này rất đáng để cho chúng ta noi theo, và coi đây là một phương pháp, một bí quyết để thành công trong việc truyền giáo của mình.

Làm việc tác dụng rất nhiều trên đời sống tu đức của các linh mục, khi làm việc với các đoàn thể trong giáo xứ các linh mục sẽ nhận ra giáo dân của mình có những khả năng mà mình không ngờ đến, họ có thể giúp đỡ mình trong việc điều hành giáo xứ. Một linh mục làm việc nhiều là một linh mục luôn nhạy bén ứng xử năng động trong mọi tình huống của giáo xứ, nhưng cái quan trọng hơn, khi một linh mục dành nhiều thời gian cho việc mục vụ để phát triển giáo xứ, thì chính các ngài đã cảm thấy có một nhu cầu bức thiết hơn xuất hiện trong nội tâm của mình, đó là nhu cầu cầu nguyện, bởi vì càng làm việc càng thấy gánh càng nặng, càng thấy mình quá bất lực, nên cần phải xin Thiên Chúa ban thêm ơn cho mình để điều hành giáo xứ, và chăm nom các linh hồn mà Thiên Chúa đã trao cho mình.

Truyền giáo là mệnh lệnh của Thầy chí thánh –Chúa Giê-su- đã truyền cho các môn đệ của Ngài, trong đó có chúng ta là những linh mục được tuyển chọn để -ưu tiên- thực hành mệnh lệnh ấy. Vì thế không có một lý do gì để chúng ta khoán trắng việc truyền giáo cho người khác, mà người khác ấy cụ thể là cha sở hay cha phó của mình, hoặc khoán trắng cho giáo dân mà cụ thể là ban hành giáo.

Có một vài giáo xứ có mới các thầy đại chủng viện đến giúp xứ để thực tập mục vụ như dạy giáo lý, tập hát, dạy giúp lễ.v.v… giúp cho cha sở nhiều trong vấn đề mục vụ, đây là việc làm đúng và rất có ích cho các thầy sau này. Nhưng các cha sở (cha phó) phải luôn xác định rằng : các thầy đến để thực tập chứ không phải là đến để làm cha sở hay cha phó, cho nên đừng mỗi cái mỗi giao cho các thầy làm, còn mình thì rảnh tay để đi đánh ping-pong hoặc đánh cờ, hoặc tán ngẫu ở nhà.

Tôi có thấy ở một giáo xứ nọ, trong nhà cha sở có hai, ba thầy giúp xứ, khi có đám tang thì cha sở chỉ dâng lễ an táng, còn liệm xác và đưa ra phần mộ thì ngài lại giao cho một trong các thầy ấy đi ra huyệt mộ làm các nghi thức, còn cha sở ở nhà uống trà. Giáo dân rất không thích như thế, bởi vì không có cha sở thì thôi, chứ đã có cha sở thì cha sở nên đưa ra đến huyệt mộ cho trọn tình trọn nghĩa với người chết là giáo dân của mình, hơn nữa cũng là một việc truyền giáo cho các giáo hữu còn sống, nhất là với gia đình tang chế…

Làm việc chuyên cần là cách khẳng định năng lực quản lý giáo xứ của mình, không một linh mục nào mới chịu chức mà giám mục giao trách nhiệm làm cha sở ngay (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như tân linh mục đã giúp xứ quá lâu mười mấy hai chục năm, nay mới được chịu chức), cho nên phải tập làm việc ngay khi còn làm cha phó hay cha phụ tá, đừng nghĩ rằng bây giờ làm cha phó thì cứ tà tà mà làm, đợi đến khi làm cha sở rồi làm luôn thì lầm to, bởi vì không ai đưa một người không biết làm việc hoặc làm việc cách hời hợt lên làm cha sở, vì như thế có nghĩa là giám mục “đem gánh nặng trút lên đầu giáo dân, bắt họ chịu đựng một ông cha sở không biết làm việc mà chỉ biết hưởng thụ và đòi hỏi”. Do đó không một giám mục hay bề trên nào cho bài sai một linh mục mới chịu chức đi làm cha sở ngay, nhưng phải làm phó hoặc phụ tá một hai năm…

Thiên Chúa là tình yêu, vì yêu mà Ngài làm việc không ngơi nghỉ để giữ gìn công trình sáng tạo của Ngài trong vũ trụ, Ngài làm việc nơi những con người thành tâm thiện chí vì lẽ công bằng và vì tình yêu thương đồng loại, và đặc biệt Thiên Chúa làm việc không ngơi nghỉ nơi các linh mục, là những người cộng tác đắc lực nhất của Ngài. Do đó, khi một linh mục không cảm thấy mình có trách nhiệm chu toàn bổn phận, thì là lãng phí ơn riêng của Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Đừng sợ mình không có tài mà không làm, và cũng đừng lo là mình không có khả năng để làm, nhưng hãy mạnh dạn bắt tay vào việc với tinh thần vui tươi và lạc quan, Thiên Chúa sẽ gởi người tới phụ giúp chúng ta hoàn thành công tác, bởi vì không một người cha nào nhìn thấy con cái vất vả làm không xong việc mà không ra tay giúp đỡ ! Thiên Chúa chắc chắn là một người cha tuyệt vời hơn tất cả mọi người cha trên thế gian này.

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”. Vâng, đó là kinh nghiệm của người xưa và người thời nay, thử hỏi các linh mục lớn tuổi (cha sở) ngài sẽ chia sẻ cho những kinh nghiệm mục vụ đầy những mồ hôi và nước mắt, hãy nhìn những thành quả trong giáo xứ của chúng ta, thì thấy các cha sở trước đã vất vả như thế nào để xây dựng giáo xứ đẹp đẽ như ngày hôm nay, để thấy câu thánh vịnh trên đây thật chí lý và khích lệ cho chúng ta.

e. Suy tư. (tứ giống)

Các linh mục trẻ thân mến,

Có một vài anh em linh mục trẻ khi lên toà giảng để giảng thì giáo dân không biết ngài giảng cái gì, bởi vì ngài quá ỷ y vào tài lợi khẩu của mình nên chỉ một câu nói mà cứ nói lui nói tới, nói lòng vòng không đầu không đuôi; có một vài linh mục trẻ khi giảng thì không biết đối tượng mình giảng là ai, nên các ngài trích dẫn hết lập luận này đến lập luận kia, hết tổng luận thần học rồi đến tư duy triết lý, làm cho giáo dân nghe ngài giảng mà không hiểu gì cả, thật uổng công cho các ngài soạn bài giảng, và uổng công cho các giáo dân náo nức nghe cha giảng…

Sống là giảng và giảng là sống, sống sao giảng vậy, thì thu hút và đánh động tâm hồn người khác, hơn là lấy y chang bài giảng của người khác để giảng, bởi vì bài giảng của người khác thì chỉ gợi ý cho chúng ta mà thôi, chứ không như chúng ta sống, cho nên một linh mục thiếu suy tư thì cũng rất ít sống theo tinh thần Phúc Âm, và chắc chắn là các ngài không có chất liệu gì của mình để giảng dạy cho giáo dân.

Ruộng cày thật tơi xốp, nước nôi đầy đủ, chuyên cần có thừa, nhưng lúa giống không có hoặc giống xấu thì không thể đạt năng xuất được. Cũng vậy, trên cánh đồng truyền giáo mọi thứ đều được chuẩn bị đầy đủ, cha sở thức khuya dậy sớm để lo việc tổ chức mà không còn giờ để suy niệm về Lời Chúa, hay nói cách khác, cha sở không đào sâu kho tàng ân sủng của Thiên Chúa trong thánh kinh cũng như trong các loại sách thiêng liêng, thì không thể hướng dẫn giáo dân hăng hái tiến bước trên con đường mà mình đã làm sẵn cho họ đi.

Có giáo dân mỗi lần đi họp Legio Mariae về thì nói với nhau: cha linh hướng hôm nay nói gì đâu không ăn nhằm gì tới Legio; có các bạn trẻ thanh niên mỗi lần đến họp hành cũng chẳng thấy cha tuyên uý của mình nói câu gì cho mơi mới chút xíu, cứ lui tới nhắc nhở các bạn trẻ sống làm gương tốt, mà ngài thì không đưa ra những hình ảnh và phương pháp cụ thể để cho các bạn thấy mà học theo…

Suy tư, không nhất thiết là phải ngồi lỳ đóng cửa cả ngày trong phòng để tìm ý tưởng; suy tư, cũng không nhất thiết là phải tra cứu sách này sách nọ cho nó oai, để khi giáo dân có hỏi thì nói mình dọn bài dọn vở để soạn bài giảng căng thẳng cả đầu óc ! Nhưng bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể suy tư và áp dụng vào trong cuộc sống của mình :

-Suy tư khi thấy một tai nạn.

-Suy tư khi thấy một đám ma.

-Suy tư khi thấy một em bé đang khóc vì đói.

-Suy tư khi đọc được một câu chuyện hay.

-Suy tư khi nghe một lời chửi bới của bạn bè.

-Suy tư khi nghe hát một bài hát…

Tóm lại là bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể suy tư, và những suy tư ấy sẽ rất có ích cho cá nhân của mình, cũng như cho cộng đoàn mà mình đang phục vụ.

Càng suy tư thì càng có chất liệu để giảng dạy, mà chất liệu hiệu quả nhất chính là mình sống những gì mình đã suy tư và cảm nghiệm, bởi vì không ai cho cái mà mình không có…

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục dễ dàng thông cảm với những khuyết điểm của người khác nhất.

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục luôn hoà nhã với mọi người.

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục luôn có “bảo bối” là Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để hướng dẫn người khác đi theo mục đích mà Chúa Giê-su cũng như Giáo Hội của Ngài mong muốn.

Trong suy tư các ngài cảm nghiệm được tính liên đới mình với người khác, cảm nghiệm được những thiếu sót sai lầm của người khác cũng chính là thiếu sót và sai lầm của mình hôm qua cũng như ngày mai, và như thế các ngài rất dễ dàng nhận thấy vai trò linh mục mục tử của mình có ý nghĩa phục vụ hơn là lãnh đạo, tìm và chữa lành hơn là trừng phạt và răn đe, yêu thương hơn là kiểu cách, cũng có nghĩa là các ngài sẽ khiêm tốn hơn khi vấp phải vấn đề tế nhị giữa mục tử và giáo dân trong việc quản trị và điều hành giáo xứ.

Một trong những bổn phận của linh mục là giảng dạy, ngoài việc giảng dạy trên toà giảng thì các ngài cũng sẽ giảng dạy nơi các đoàn thể trong giáo xứ như hội Legio Mariae, hội Con Đức Mẹ, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Vinh Sơn.v.v… do đó mà các ngài cần phải suy tư nhiều hơn nữa về vai trò mục tử của mình, về những vấn nạn mà các đoàn thể đã và đang gặp phải…

Có những anh em linh mục trẻ chuẩn bị bài giảng trước cả mười ngày rất công phu, có những linh mục trẻ rất lo lắng khi soạn bài giảng, tất cả các anh em linh mục trẻ này đều có ý thức về bài giảng của mình, ngược lại có một vài anh em linh mục trẻ thấy mình đã đạt đến mức độ xuất khẩu thành bài giảng nên không chuẩn bị bài giảng gì cả, cứ lên toà giảng thì nói thao thao không ý không tứ, không đầu không đuôi và cuối cùng thì giảng như máy bay không có bãi đáp.

Nhưng tệ hơn là có một vài linh mục không thích suy tư, không thích soạn bài giảng, và nếu có soạn thì chỉ chú trọng đến bài giảng ngày chủ nhật mà thôi, cho nên khi họp các đoàn thể thì không có những lời lẽ để giáo huấn họ, mà nếu có nói thì nói chung chung kỳ họp trước cũng như kỳ họp này, không có ý tưởng đào sâu, làm cho giáo dân cảm thấy đơn điệu, và không lạ gì khi các thành viên của các đoàn thể đi họp rời rạc và ngày càng ít đi, dĩ nhiên là có những lý do khách quan khác, nhưng lý do “đi họp chán quá” cũng là vấn đề làm cho chúng ta –các cha sở- phải xét lại cách giáo huấn dạy dỗ của mình.

Tôi thấy có một vài anh em linh mục trẻ, sau khi dâng lễ sáng xong thì xách xe chạy một lèo đến chiều tối mới về, không ngồi yên ở nhà được; có anh em linh mục thì không bao giờ cầm đến một tờ báo hay đọc một cuốn sách thiêng liêng, nếu có đọc thì chỉ năm phút sau là…ngủ gật, thật uổng phí thời giờ. Theo kinh nghiệm bản thân mình, các cha sở (cha phó) nên kiếm việc mà làm hoặc phát huy khả năng của mình như sáng tác nhạc, viết sách, dịch sách; hoặc tay nghề của mình như làm thợ sửa cái bục giảng đang hư, sơn lại cái ghế quỳ.v.v… những công việc ấy sẽ giúp cho các linh mục rất nhiều trong cuộc sống tu đức, những lúc công việc nhà xứ rỗi rảnh thì bắt tay vào làm những việc ấy, để không còn thời gian để suy nghĩ lung tung, xách xe chạy đi tán dóc, coi xi nê, đánh cờ tướng mất cả ngày giờ mà không ích lợi gì cho công tác mục vụ của mình.

Mỗi ngày bỏ ra ít là một giờ để đọc sách và viết xuống những suy tư của mình, một tháng sau đọc lại thì thấy ý tưởng của mình tiến bộ, ý lực dồi dào và súc tích hơn, và mỗi năm sẽ tích luỹ được nhiều vốn liếng suy tư, thì lo gì mà không có chất liệu để giảng dạy chứ, đó là kinh nghiệm mà tôi thường chia sẻ với các anh em linh mục trẻ trong dòng của chúng tôi, và kinh nghiệm này đã giúp tôi có những suy tư rất đời thường nhưng rất thực tế, có ảnh hưởng trên đời sống giáo dân khi giảng dạy.

Suy tư là hạt giống để gieo vào mảnh đất truyền giáo của giáo xứ của mình, bởi vậy nó có giá trị không những cho đời sống tu đức của linh mục, mà còn có ích cho đời sống tâm linh của giáo dân trong giáo xứ của mình.

Có giáo dân than phiền về bài giảng của các linh mục trẻ quá dài và quá thiên về lý thuyết thần học triết lý, mà không đi vào thực tế sống đạo của người Ki-tô hữu, do đó mà họ cảm thấy rất “mệt” khi nghe các ngài giảng.

Tôi còn nhớ sau khi tốt mãn khóa học tại đại chủng viện thánh Tôma (Đài Bắc-Đài Loan) trở về nhà dòng và được sai đi giúp xứ, sau thánh lễ chủ nhật tôi đang ở trong phòng mặc áo của nhà thờ, thì có một giáo dân trung niên đến nói với tôi như sau: “Thưa thầy, nếu sau này thầy làm linh mục, khi giảng lễ thì xin thầy giảng Phúc Âm cách thực tế trong cuộc sống, để chúng tôi còn hiểu được và dễ thực hành, thầy đừng như cha sở hôm nay giảng gì mà tụi tôi không hiểu gì cả…” – Và kể từ hôm đó cho đến nay (và mãi sau này) tôi vẫn luôn nhớ đến lời góp ý chân thành của người giáo dân ấy, thế là tôi bắt đầu suy tư cách thực tế của đời sống làm người với tinh thần Phúc Âm là sống, là chia sẻ, là cảm nghiệm chứ không phải là lý thuyết sách vở…

Giáo dân không hiểu bài giảng của linh mục, thì không thể bắt họ sống tốt tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su, linh mục giảng mà không có tâm tình chia sẻ thực tế, thì không phải là bài giảng “nhớ đời” của giáo dân khi nghe các ngài giảng.

Chia sẻ Bài này:

Related posts