- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Các lần hiện ra trong sách Tông Đồ Công vụ

** Như chúng ta đã thấy trong các Phúc Âm các lần thiên thần hiện ra ít, nhưng chúng lại nhiều trong sách Tông Đồ Công Vụ. Trước hết là biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên đoàn Tông Đồ đang cùng Mẹ Maria và một số môn đệ khác cầu nguyện trong Nhà Tiệc Ly. Ở đây phải minh xác ngay một điều: đó là không phải các thiên thần mà là chính Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa hiện ra với Mẹ Maria, các Tông Đồ và các môn đệ, là cộng đoàn nòng cốt của Giáo Hội khai sinh mà lịch sử được sách Công Vụ trình thuật.

Chương 2 sách Công Vụ kể như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa! ” Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: “Thế nghĩa là gì? ” Nhưng người khác lại chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!

** Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: “Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây. Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba. Nhưng đó là điều đã được ngôn sứ Giô-en nói đến: Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ. Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao, và những dấu lạ dưới đất thấp, đó là máu, lửa và những cột khói. Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày vĩ đại, vinh quang. Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được ơn cứu độ.

“Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan. “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe. Thật vậy, vua Đa-vít đã chẳng lên trời, thế mà lại nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con. Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”

** Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? ” Ông Phê-rô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.

Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.  Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2). 

Điểm thứ hai cần ghi nhận: đó là sự biến đổi nơi đoàn tông đồ và các môn đệ. Từ những kẻ nhút nhát, sợ hãi họ trở thành can đảm bạo dạn, công khai rao giảng Chúa Kitô tử nạn và phục sinh và làm chứng cho Ngài. Thứ ba tuy họ nói tiếng Do thái hay đúng hơn tiếng Aramei, nhưng dân chúng nghe họ lại hiểu mỗi người trong ngôn ngữ của mình. Chúa Thánh Thần khiến cho mọi người thuộc các quốc tịch mầu da và ngôn ngữ khác nhau hiểu điều tông đồ Phêrô rao giảng. Thứ tư Phêrô lên tiếng trong tư cách là thủ lãnh đoàn Tông Đồ. Và thánh nhân đã được Chúa Thánh Thần biến đổi từ một bác thuyền chài đơn sơ chất phát, không được học hành uyên bác, trở thành một người ăn nói trôi chảy, lý luận vững chãi có sức thuyết phục, khiến cho mọi người nhất là giới lãnh đạo Do thái phải ngạc nhiên khâm phục, và đặc biệt là khiến cho những người nghe thánh nhân rao giảng Chúa Kitô đông đảo xin gia nhập Giáo Hội. Chỉ với bài giảng đầu tiên thánh Phêrô đã khiến cho 3.000 người theo đạo.

Thứ năm các Tông Đồ làm được nhiều phép lạ chữa lành tật bệnh, và hoán cải các con tim, như Chúa Giêsu đã ban quyền ấy cho các ngài và nói trước là các vị sẽ làm được nhiều điều lớn lao.

** Thứ sáu là chân dung của Giáo Hội thời khai sinh. Biến cố Chúa Thánh Thần hịên xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần chính thức khai mào cuộc sống và sinh hoạt của Kitô Giáo. Và thánh sử Luca tóm gọn chân dung và cung cách sống và sinh hoạt của Giáo Hội trong vài câu ngắn gọn: tín hữu hiệp nhất với nhau, họ để mọi sự làm của chung, họ bán đất đai tài sản lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Phải nói Kitô giáo thời khai sinh là tập đoàn cộng sản chân chính duy nhất đầu tiên trong lịch sử loài người. Ngoài ra kitô hữu còn đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ cầu nguyện. Hồi đó Kitô giáo chưa hoàn toàn tách rời khỏi Do thái giáo, và tín hữu vẫn lên Đền Thờ Giêrusalem cầu nguyện như mọi tín hữu Do thái khác. Chỉ sau này vào năm 90 khi  Do thái giáo họp Công nghị tại Jafna và quyết định khai trừ các kitô hữu, Kitô giáo mới trở thành một tôn giáo độc lập hoàn toàn tách rời khỏi Do thái giáo.  

Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, tức cử hành bí tích Thánh Thể, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Kitô giáo thời tiên khởi vì vẫn còn ít người, nên sinh hoạt tại các tư gia, tức nhà riêng của các tín hữu có chỗ rộng rãi tiếp đón các anh chị em khác. Và sau khi cử hành Thánh Lễ họ chia sẻ bữa ăn huynh đệ với nhau trong tinh thần đơn sơ và niềm vui. Đơn sơ và tươi vui là hai nét nổi bật trong cuộc sống yêu thương của các kitô hữu thời Giáo Hội khai sinh. Bên cạnh đó họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Kitô hữu được dân chúng thương mến vì cuộc sống bác ái huynh đệ và liên đới chia sẻ của họ với nhau và với tất cả mọi người không phân biệt kỳ thị ai. Và đây là lý do khiên cho cộng đoàn càng ngày càng đông người xin gia nhập.

Trên đây là chân dung lý tưởng của Giáo Hội thời khai sinh. Sau này khi số tín hữu đông hơn Giáo Hội vẫn duy trì hình thức Giáo Hội tại gia, nhưng các khó khăn cũng sẽ bắt đầu nảy sinh. Cùng với các vụ bách hại là các phức tạp trong cung cách hướng dẫn các sinh hoạt cộng đoàn, trong đó có việc phân phát lương thực hằng ngày. Chương 6 sách Công Vụ kể rằng: các tín hữu do thái theo văn hóa Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Chính vì thế Nhóm Mười Hai Tông Đồ mới xin cộng đoàn chọn 7 người xứng đáng được tiếng tốt, tràn đầy Thần Khí để lo việc đó thay cho các ngài, còn các Tông Đồ thì chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông. Chức Phó tế trong Giáo Hội bắt nguồn từ đó.

Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.”

TMH 509

Linh Tiến Khải

RV

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]