Làm Việc Thuộc Về.. Đức Chúa Cha

Năm nay chúng ta đi viếng Đền thờ Jêrusalem ?

Vâng ! Mà phải đi vào dịp lễ Vượt Qua (Pascha)

Gia đình ông Giuse nổi tiếng là mộ đạo. Mùi hương nhân đức bay ra chung quanh, và tiếng nói của việc thiện đã vọng đi xa lắm. Ngoài việc cầu nguyện hằng ngày, mỗi năm một lần, hai ông bà đều lên thành Jêrusalem thờ lạy Chúa.

Năm ấy Hài Nhi lên 12 tuổi, cái tuổi xuân tươi bắt đầu chớm nở, và theo ý niệm Do Thái. Lề Luật bắt đầu buộc phải đi viếng Đền thờ Jêrusalem. ( Theo quan niệm Do Thái, trẻ 12 tuổi, có thể coi như trưởng thành. )

Hài Nhi Giêsu là một trẻ siêu việt. Từ bé đã tỏ ra nhiều dấu khác thường trong lời nói,

việc làm và cử chỉ. Bà Maria rất sung sướng được chiêm nghiệm những cử chỉ có một không hai ấy. Nhất là ít lâu nay Hài Nhi Giêsu càng hiện ra lạ lùng hơn. Chung quanh Hài Nhi như ánh ngời một tia siêu phát, người ta nói : Cùng với thân hình nở nang và thêm đầy đặn, Hài Nhi cũng thêm thông minh và ánh ngời trong ơn thánh sủng. Trong Ngài không có những cử chỉ thường có của trẻ con, những cử chỉ thay đổi hàng ngày như ảo mộng. Trong Ngài có những cử chỉ đặc biệt và khéo léo.

Vậy Giêsu lên 12 tuổi, hai ông bà đặc biệt bàn tính với nhau, việc đi Đền thờ Jêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua và đem trẻ Giêsu đi nữa. (Dĩ nhiên năm nào cũng đem theo Hài Nhi đi, nhưng năm ấy đem đi cách chính thức theo Lề Luật.)

Bà Maria thuộc bên nữ giới, Luật không buộc, nhưng bà cũng muốn đi để tỏ lòng tôn kính Lề Luật và được luôn luôn ở bên cạnh người con yêu quý.

Hai ông bà lên đường, nhập bọn với những người cùng một ý định. Đàn bà cưỡi lừa, đàn ông đi bộ tay cầm gậy nhỏ…. Từ Nazareth đến Jerusalem hơn một trăm cây số. Đường chia ra từng chặng. Bọn lữ hành thường nghỉ chân ở bờ suối Enganinh trong xứ Samaria, rồi giếng Giacóp và Bêrốt. Để đi cho vui chân, dọc đường họ hát những ca vịnh theo điệu kèn đồng và ống tiêu :

Con mắt tôi mơ về thành Thánh. Nơi đem ơn phú thịnh cho tôi.

Tôi được cứu do tay Đấng Vĩnh tại. Người đã dựng lên trái đất và bầu trời (Ps.121)

Jêrusalem ! Jêrusalem ! Chân chúng ta bước về cửa thành ngươi.

Muôn dân tiến lên chúc mừng ngươi. Thành quách ngươi y nguyên không rạn vỡ.

Kìa Đền Thánh Jêrusalem hiện ra uy nghi, in bóng cao ngất trên nền trời xanh thẵm. Mọi người cung kính sấp mình thờ lạy Chúa và hô tiếng :Halleeluia! Hoan hô Thánh đường Thiên Chúa Cả đoàn lữ hành sung sướng, xếp hàng tiến lên thành Thánh theo điệu ống tiêu và kèn đồng, để dự tuần lễ Vượt Qua sắp mở ( Tuần lễ Vượt Qua gồm 7 ngày, ngày nào cũng vui vẻ náo nhiệt, số người tới dự vào thời đó rất đông, tính ra có cả hàng triệu người. Theo sử gia Joseph, mỗi tuần lễ Vượt Qua tốn hết khoảng trên hai trăm ngàn con chiên. Mỗi nhóm từ 10 đến 20 ăn một con.)

Dịp lễ cảm động ! Và nhất là đối với trẻ Giêsu ! Vì đây là lần thứ nhất Ngài chính thức vào nhà Thiên Chúa là Cha Ngài.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Những tục lệ cố cựu đi đường trong xứ Balêtin, bọn lữ hành đời nay vẫn còn giữ. Người ta hợp lại thành từng nhóm, rồi cùng đi, cùng nghỉ, cùng trọ một nơi lúc tối trời. Ở miền sơn cước nguy hiểm phải hành động tập đoàn như thế cũng là dĩ nhiên. Tuy vậy ai nấy được tự chủ về cử chỉ hành động của mình.

Nhưng giờ trở về đã điểm… Ban sáng ngày sau cùng, hai ông bà và Giêsu lên đền thờ dự lễ lần chót. Những người Nazareth đã giao hẹn với nhau về thì giờ lên đường về chỗ trọ. Cậu Giêsu-vì bây giờ đã được coi là trưởng thành, có địa vị một người của Lề Luật được quyền hành động-Cậu muốn đi với ai mặc ý ( Và cũng cần được tự do như thế để năm sau, Cậu có thể đi lễ đền thờ một mình không phải ai dẫn dắt) Bởi vậy, lúc từ giã ngưỡng cửa đền thờ để về, ông theo nhóm đàn ông, bà theo nhóm đàn bà, hai ông bà cứ đinh ninh Cậu cũng trở về theo. Ông tưởng Cậu đi với nhóm đàn bà, Bà tưởng Cậu đi với nhóm đàn ông. Vì Cậu được tự do đi với nhóm nào tùy ý. Có ngờ đâu sự thực hai ông bà đã trở về mà Cậu vẫn còn ở lại.

Chiều về, gió lộng, những lá cây như đau đớn phải lìa cành, bay vơ vẫn mãi mới chịu rơi xuống đất. Đoàn lữ khách về tới chặng đường thứ nhất, đang sửa soạn nghỉ đêm, bỗng một câu hỏi vang lên :

— Giêsu của tôi có ở đây không ?

Ông Giuse và bà Maria luôn nhớ tới Con, muốn ở gần Con, tuy vẫn tôn trọng quyền tự do của Con, muốn đi với bọn lữ khách nào mặc ý. Nên vừa tới chặng đường thứ nhất, hai ông bà liền đi tìm Con ngay, tìm trong đám bà con thân thuộc, nhưng không thấy Con đâu cả ! Hai ông bà cùng lo lắng, lòng dạ nao nao, tất tả đi tìm Con trong cả đoàn lữ khách. Bà nghẹn ngào, đến đâu cũng đưa ra một câu hỏi hốt hoảng qua nước mắt :

Giêsu của tôi có ở đây không ? !

Hai ông bà quên mình mệt nhọc, quên hết mọi việc, trừ ra việc tìm Giêsu. Hai ông bà bỏ đoàn lữ khách và trở lại Jêrusalem, vừa đi vừa tim, vừa hỏi vừa lo… Mãi đến ngày thứ ba, ông bà mới tìm thấy Con ở trong Đền Thánh.

Đền Thánh Jêrusalem có những gian rộng mênh mông, trong mỗi gian kê từng hàng ghế cho dân ngồi nghe các thầy tiến sĩ ( Sử kể lại mấy thầy tiến sĩ thời danh như Hilet, Shammai,

Jonathas.) giảng nghĩa Luật, nhất là trong những dịp đại lễ. Mỗi thầy chuyên dạy một nhóm thính giả. Hai ông bà Giuse Maria tiến gần một nhóm chuyên về những vấn đề tôn giáo và may mắn. Tìm ngay ra được Cậu Giêsu ở giữa nhóm đó. Cậu đang nghe, đang chất vấn làm họ phải khâm phục ngưỡng mộ trước những lẽ sâu sắc và những lời giải thích chí lý của Cậu.

Theo tục lệ giáo dục Đông phương ( Tục giáo huấn ở Palestine thời xưa, nay cũng còn dấu vết lại

Dr.Francois Mitchel William. La vie de Jesus Christ, p. 65- 66 ) một thính giả-có khi là một thanh niên-chất vất thầy giáo một câu. ( Có lẽ Chất Vấn là phần thiết yếu trong sách giáo huấn ở Palestine, nên ông Chanina có để lại câu Tôi học nhiều bởi các thầy giáo của tôi. Tôi học nhiều bởi các bạn đồng liêu của tôi hơn là các thầy giáo của tôi, nhưng nhất là tôi học nhiều bởi các học trò của tôi Câu nói của ông ám chỉ vào những lời học trò chất vấn trong lớp.) Ông giáo trả lời. Chàng thanh niên lại nêu một câu hỏi khác. Ông thầy nhìn chòng chọc vào thanh niên và khôn khéo nói tránh sang vấn đề khác để thử học lực của thính giả. Theo đà ông cứ nói hoài với một thính giả, mà ông coi là học trò của ông. Kết cục do những câu vấn đáp của thính giả, ông hiểu đó là một học sinh nỗi lạc, trông có một tương lai sáng lạn. Ông liền khoe học của trò ông với các ông khác và rủ họ đến nghe.

Có lẽ do lối giáo dục trên đây, mà hai ông bà Maria-Giuse đã tìm thấy Con giữa nhóm những người chuyên môn khảo cứu vấn đề tôn giáo, quen gọi các thầy Tiến sĩ.

Thấy con ngồi đàm thoại giữa nhóm người tiến sĩ, hai ông bà lấy làm bỡ ngỡ hoang mang….. Bà Maria mau mắn tiến lại gần, vui vẻ trách yêu:

Con yêu của Mẹ. Con làm gì cho cha mẹ, này cha con và mẹ, cả hai cùng lo lắng tìm Con. ( Bà Maria gián tiếp tỏ ra lòng cha mẹ yêu thương Cậu, nên hễ xa Cậu là đâm ra buồn phiền lo lắng )

Bà Maria tỏ ra đau đớn, không tại vì vất vả đi tìm, nhưng chính vì đã phải xa cách Con rất quí yêu và bây giờ mới được gặp. Trước tình yêu dạt dào của cha mẹ, Cậu Giêsu nhìn hai ông bà một cách cảm động thấm thía và biết ơn. Rồi với giọng từ tốn, Cậu thưa lại bằng những lời trang nghiêm, ngầm tỏ một sứ mạng cao cả :

Tại sao cha mẹ lại lo lắng tìm con ? Cha mẹ cũng quá biết con phải làm việc thuộc về Đức Chúa Cha.

(Hai ông bà không hơi phật ý về câu đó, vì biết Cậu vốn hiếu thảo, từ tốn, và bây giờ đây Cậu tỏ ra yêu thương đằm thắm trong điệu bộ, trong cách nhìn và cách thưa dẫu phải ngầm chỉ một sứ mạng trọng đại đã giữ Cậu lại trong Đền Thờ.)

Hai ông bà được gặp con, lòng dạ vui sướng quá. Nhất được con nhìn yêu và cho biết duyên cớ ở lại trong Đền thờ, nên hai ông bà chỉ biết vui quên hết mọi sự. Ngay lúc ấy, hai ông bà cũng chưa hiểu rành mạch điều con nói. Nhưng cách thức tri ân đầy cảm động, và giọng điệu từ tốn của con. Bà ghi những điều ấy vào ký ức và sau này suy gẫm luôn luôn. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Giêsu lại theo hai ông bà cùng trở về Nazareth. Ở đó Cậu tận tình phục tùng cha mẹ.

Hai ông bà quí Cậu vô cùng, và cũng biết Cậu là chính Đấng cao trọng vô biên, nên không dám sai bảo Cậu theo cách thức cha mẹ truyền bảo con cái. Tuy nhiên, Cậu hằng vâng phục như một người con hoàn toàn dưới quyền cha mẹ. Cậu mau mắn giúp đỡ cha mẹ trong mọi việc, chẳng kỳ việc sách nước ngoài giếng, hay là việc quét nhà thu dọn.

Cậu thích giúp đỡ cha nuôi (ông Giuse) bằng cách mang lại cho ông những dụng cụ cần dùng ; cái cưa, cái búa, cái bào, mấy chiếc đinh, một vài mảnh ván v..v.. Và khi chân đã mạnh, tay đã vững, Cậu cũng mê mải tập xử dụng cái cưa, cái búa. Cậu ý tứ bào nhẵn những mãnh gỗ và lắp thành những bàn ghế nhỏ xinh. Cậu đã trở nên bạn đồng nghiệp ông Giuse và đã tìm trong mồ hôi trán số tiền phụ cấp cho gia đình.

Cậu lại tỏ ra là một người có tư cách và đạo đức phi thường ; kính trên nhường dưới, hòa thuận vui tươi hết thảy mọi người, khiến ai nấy đều phải kính tôn khen ngợi và làm cho cha mẹ vô cùng hoan hỉ.

Quả thật cùng với thân thể lớn lên. Cậu đã tấn tới nhiều trong hàng khôn ngoan và ơn Thánh trước mặt Thiên Chúa và nhân loại.

Tuy nhiên, một đám mây lo âu như bao phủ mái nhà nhỏ hẹp Nazareth. Hai ông bà cảm thấy trước, vì sứ mạng phải làm việc thuộc về Đức Chúa Cha, một ngày kia Cậu phải từ giã gia đình. Dấn mình vào cảnh khổ, khiến cha mẹ phải xa mặt con. Do vậy, một đàng hai ông bà hết sức chăm nuôi săn sóc để Cậu có đủ sức mạnh phần xác và nghị lực phần hồn, ngõ hầu đảm đang những công việc nặng nề của sứ mệnh ; và một đàng khác, hai ông bà tìm hết cách âu yếm con, để bù lại những ngày sẽ phải xa cách.

Lm. Lâm Quang Trọng

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment