- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Tiệc Cưới Cana

NƯỚC HÓA THÀNH RƯỢU…

Ngày hôm sau Thầy trò lại lên đường về phía Bắc, qua làng Cana (Có hai nơi trong xứ Galilêa quen gọi là Cana. Một nơi là Kefr Kenna cách Nazareth 10 cây số. Một nơi khác là Kirbet Qana cách Nazareth 14 cây số. Có lẽ Chúa Giêsu đến nơi thứ hai này.) nơi đang nhộn nhịp có đám cưới.

Đây là đám cưới bình dân, đơn sơ giản tiện, chỉ phủ qua chút vẻ hào hoa trong y phục

trong cách trang hoàng nhà cửa, và trong bữa tiệc vui, như bánh nướng, thịt quay trứng sào v..v.. và nhất là rượu. Bữa tiệc đặc cách này cha mẹ hai bên đã phải trù liệu từ lâu và cho mời những bà con thân thuộc, cùng những người có liên lạc tình nọ, nghĩa kia.

Trong số được mời có cả Bà Maria thân mẫu Chúa Giêsu, và hiện Bà đã đến dự….(Đức Mẹ được mời có lẽ vì Người có họ hàng với đôi Tân Hôn, hoặc bên nội, hoặc bên ngoại. Lại cũng có lẽ Người giúp đôi tân hôn cả trong việc nấu món ăn và soạn thực đơn. Nên rượu hết Người biết ngay.)

Cũng ngày hôm ấy, Chúa Giêsu tới địa hạt Cana, và Ngài cùng môn đệ được mời. (Chúa Giêsu được mời cũng một lẽ như Đức Mẹ, còn các môn đệ được mời hoặc vì các Ngài đi theo Chúa, hay vì do ông Nathanael đưa đến.)

Xa cách từ lâu, nay mẹ con được gặp nhau trong một trường hợp đặc biệt, cả hai đều sung sướng. Đám chủ, khách ở Cana cũng cảm thấy hoan hỉ hơn. Thiên hạ vẫn đồn dậy về Giêsu thành Nazareth : Ngài là tiên tri và có khi còn là Chúa Cứu Thế nữa ! Nên ai ai cũng ước mong được mục kích Ngài. Nhất là ông chủ chi ( tức là người chủ sự những chi tiết về bữa tiệc Ordonnateur) càng tỏ niềm hoan lạc. Ông hân hạnh được xếp đặt một tiệc cưới trong đó có cả nhà đại tiên tri. Ông đích thân chạy lên chạy xuống để tiệc vui được vui hơn và chén rượu của khách được đầy luôn. Nhưng ông có ngờ đâu một lo âu đang hiện hình là rượu đã bắt đầu thiếu, rồi hết hẳn… ( Rượu hết vì :(A) Theo phong tục Do Thái tiệc cưới có thể kéo dài tới 7 ngày, mà ngày hôm nay có lẽ đã tới ngày thứ ba (xem Thivollier Le

Liberateur trang 52) ; (B) Tiện tiệc cưới gia chủ thường mời những người trong làng và cả khách qua đường nữa.(C) Vì gia chủ là người bình dân, mua rượu chỉ có hạn lượng thôi. )

Bà Maria tuy sung sướng được thấy Con, nhưng không quên những tiểu tiết trong việc phục dịch. Sớm nhận ra rượu đã hết, Bà lại gần Con, nói thầm với Ngài bằng một giọng tín nhiệm. ( Giữa tiệc cưới thường có những lúc nghỉ, các người thân thuộc thân nghĩa nói chuyện riêng với nhau. Có lẽ trong lúc nghỉ, Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu khuất mặt chủ khách (xem William La Vie de Jesus, trang 104 – 110 )

–Họ hết rượu rồi !

Ngài thưa :

–Cái đó có quan hệ gì đến chúng ta ?…Và nữa cũng chưa phải lúc….

Theo tâm lý, những người hiểu rõ nhau và nồng nàn yêu nhau, có lúc đối thoại với nhau bằng cặp mắt yêu đương ; điệu bộ thân mật mà lời nói có vẻ khô khan, ít đằm thắm. Lời nói lúc đó theo nghĩa đen, là chối từ, mà nghĩa thực là ưng thuận ; hay trái lại, theo nghĩa đen là quyết định, mà nghĩa thực là chối từ. Trong những trường hợp như vậy chỉ hai bên hiểu nhau, và hiểu rồi họ vừa vui, vừa an tâm tin tưởng. Hai câu đối thoại trên đây cũng ở trong luật tình ái đó.

Vì yêu mến thiết tha và tin tưởng vững chắc, Bà Maria ngầm xin Con thương đôi tân hôn, với những lời có hình thức đề nghị hay là báo cáo mà tựu trung là một lối khẩn cầu đầy tin tưởng.

Đối lại, Chúa Giêsu cũng tỏ bộ kính yêu và cặp mắt ưng thuận với những lời lẽ có vẻ chối từ, mà sự thực là ưng theo, ưng theo một cách đặc biệt, ưng theo dẫu giờ chưa đến. Hiểu rõ thế, Bà Maria thấy lòng vui rạo rực, một niềm vui như người vừa tìm được viên ngọc quý. Bà liên đi xuống bếp dặn các người phục dịch :

–Hễ Giêsu dạy điều gì, xin các ông làm ngay.

Được lời dặn, ban phục dịch sắp sẵn. Họ cầu chóng được nghe thấy vị tiên tri Nazareth ban một lệnh mầu….Hôm ấy ở nhà đôi tân hôn có sáu chiếc kiệu đá (6 lu nước) mỗi chiếc chứa đựng được từ 80 lít đến 100 lít nước.Người ta dùng nước trong đó để rửa tay trước khi ăn cơm. ( Theo tục Do Thái, phải rửa tay. Ai không rửa là lỗi Luật.) Thấy dẫy kiệu đá Chúa Giêsu nói với ban phục dịch :

–Các ông sách nước sạch, đổ đầy vào những kiệu này.

Ban phục dịch vâng lời ngay. Họ sách nước đổ đầy cả 6 kiệu. Họ nghĩ : hay vì thấy nước dơ (bẩn) nhà đại tiên tri truyền phải thay nước sạch để rửa tay được hợp lễ nghi chăng ?

Sáu kiệu nước đã đầy, Chúa Giêsu nói :

–Bây giờ các ông hãy múc nước và đem cho người chủ chi nếm thử.

Mệnh lệnh ly kỳ ! Họ nhìn nhau rồi mới chúc vò vào kiệu múc nước. Lạ quá ! Họ nhận thấy một hương vị khác thường như mùi rượu ngon. Họ vội mang đến cho người chủ chi nếm thử ; Ông này nếm, quả thấy là rượu ngon mà không biết bởi đâu ra ( nhưng ban phục dịch biết rõ lắm ) Ông uống cạn chén, tắc lưỡi khen rồi liền đi tìm chú rể.

Ông trách chủ :

Theo thường lệ người ta tiếp khách rượu tốt trước, rồi khi khách đã ngà ngà mới đem hạng rượu kém ra. Đàng này, trái lại, Ông đã giữ rượu tốt lại mãi đến bây giờ mới đem ra !

Trước lời trách nhẹ, chú rể chỉ biết chữa mình, chàng cũng không hiểu vì sao có chuyện đó. Nhưng ban phục dịch liền vội thuật rõ phép mầu….Mọi người đều lấy làm lạ. Từ đó trong nhà đôi tân hôn, người ta càng hâm mộ và chăm chú nhìn nhà đại tiên tri thành Nazareth. Nhưng Ngài vẫn điềm nhiên và đàm thoại như không có chuyện gì lạ vừa xảy tới.

Đó là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm ở Cana trong xứ Galilêa để minh chứng uy lực của Ngài. Được thấy phép lạ, nhóm môn đệ càng tin Ngài là Chúa Cứu Thế.

Lễ cưới xong, Chúa Giêsu cùng với thân mẫu Ngài với anh em họ Ngài và với nhóm môn đệ xuống thành Caphanaum bên bờ biển Tibêrát để đợi ít lâu sẽ lên thành Jêrusalem dự lễ.

Lm. Lâm Quang Trọng

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]