Thoát Ly Tài Sản

XỬ DỤNG TIỀN TÀI…

Thái độ hiền hòa của Chúa đã lôi kéo dân chúng đến với Ngài, và người ta xin Ngài giải thích trường hợp này hay trường hợp khác.

Một hôm Ngài đang giảng, bỗng có người trong đám thính giả đến xin Ngài xử cho một việc rắc rối về chuyện chia gia sản. Người đó thưa:

-Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi phải chia gia tài cho hợp lý.

Hẳn đây là trường hợp người anh kia quá tham lam đã lạm chiếm số gia tài của ông cha để lại. Nên người bị thiệt thòi mới kêu lên như thế. Tuy nhiên quyền xét xử theo pháp lý thế tục lại không thuộc xứ mạng của Ngài, nên Chúa nói rõ rệt Ngài không xử.

Chúa nói:

-Cái đó không phải việc của Ta. Ai đã đặt Ta làm quan án hay trọng tài những việc như thế ?….

Tuy nhiên lúc người đó trở bước, Chúa cũng mượn dịp, giảng cho dân về tinh thần thoát ly của cải. Ngài giảng:

-Các con phải ý tứ, đừng hà tiện, đừng dính líu của cải đừng coi tiền tài là nền tảng và mục đích của đời sống.

Rồi Ngài kể một dụ ngôn sau đây:

-Các con hãy nghe dụ ngôn này; Có một người phú quí, ruộng đất phì nhiêu, tới mùa thu được rất nhiều hoa lợi. Bấy giờ người đó tự nghĩ bụng rằng: Tôi sẽ làm gì cho hết của ? Tôi không còn chỗ để lúa nữa. Rồi người đó tìm thấy giải quyết này: Tôi sẽ phá những lẫm cũ đi và sẽ xây lại những lẫm mới to hơn, để tôi có thể quây lúa và để đồ đạc ở trong. Sau đó tôi sẽ nhủ linh hồn tôi rằng: Bây giờ tương lai đã vững, của cải đã nhiều, mi có thể nghỉ ngơi yên hàn, mi hãy ăn hãy uống, hãy sung sướng vui chơi. Nhưng đến đêm. Đức Chúa Trời cảnh cáo người đó rằng: Thằng khờ dại, chính đêm nay mày sẽ chết, linh hồn mày sẽ bị gọi về. Vậy những của cải của mày đã tích trữ để cho ai ?

Kể xong dụ ngôn, Chúa kết luận:

-Kẻ bị cảnh cáo trong ngụ ngôn là hình ảnh những người lo tích trữ cho nhiều tiền bạc mà chẳng lo đến một thứ của giá trị trước mặt Thiên Chúa, ấy là những việc thiện, những việc có giá trị đối với đời sau.

Tới đây, Chúa quay nhìn đoàn môn đệ và nói riêng với các ông. Ngài dạy các ông phải hoàn toàn tín nhiệm vào Thiên Chúa, vì Thiên Chúa sẽ lo liệu mọi nhu cầu cho những người làm việc của Nước Trời. Ngài dạy đoàn môn đệ:

-Thầy bảo thật với các con, các con đừng quá lo về của ăn áo mặc. Các con biệt mạng sống còn trọng hơn của ăn và thân xác còn quý hơn áo mặc. Các con hãy coi đàn chim trên trời kia. Chúng không gieo vãi, không gặt hái, không xây lẫm chứa hay hầm kho, nhưng Đức Chúa Trời nuôi dưỡng chúng. Vậy mà các con còn giá trị hơn đoàn chim kia biết dường bao ! Các con hãy nhận xét: Ai trong các con bởi suy nghĩ mà có thể kéo dài mình ra được một tấc không ? Vậy nếu các con không thể làm được một việc không đâu như thế, sao các con còn băn khoăn áy náy về những việc khác ? Các con hãy coi những bông huệ ngoài đồng kia. Chúng không làm việc, cũng không kéo chỉ, không dệt.

Vậy mà, Thầy bảo thật các con, vua Solomon có phục sức lộng lẫy đến đâu, cũng không được như một trong các bông huệ đó. Thế nếu cây cỏ ngoài đồng, nay còn mai phải nhổ bỏ vào lửa, mà Đức Chúa Trời còn trang phục cho như vậy, thì phương chi Ngài càng lo liệu cho các con !…Ôi các con còn ít tin dường nào !

-Vậy các con đừng băn khoăn, đừng bối rối, đừng ái ngại rằng: Chúng tôi sẽ ăn gì, uống gì và lấy gì mà mặc ? Không ! Tất cả những cái đó, các con hãy để cho người ngoại giáo tìm tòi lo lắng. Còn phần các con, Cha các con đã biết những cái các con cần dùng. Vậy các con chỉ phải lo Nước Trời được tiến triển rồi mọi cái khác không tìm cũng sẽ đến. Thầy bảo thật, các con đừng lo đến ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Cái khó ngày nào đủ cho ngày ấy. Các con đừng nghĩ mình là đoàn chiên nghèo mà sợ, vì Cha các con, Đấng có lòng quảng độ, đã ban Nước của Ngài cho các con. Vậy các con đừng nghi ngại. Các con có gì hãy đem bán đi mà bố thí, các con hãy sắm lấy những túi tiền không hay mục, những kho tàng không thể cạn, những kho tàng của Nước Trời, nơi trộm cắp không thể bén mảng đến và mối mọt không làm tiêu hao được. Những kho tàng ấy mới đáng để ý, hợp như lời ngữ ngôn rằng: Kho tàng của con ở đâu, lòng con cũng ở đó.

Nghe Chúa giảng về tinh thần thoát ly của cải, ông Phêrô mừng thầm, vì ông nghĩ, ông và các bạn đã thực hiện được tinh thần đó. Chính ông và các bạn của ông đã bỏ thuyền, bỏ chài lưới để theo Ngài và hiện nay chẳng có tiền bạc gì trong tay. Ông đoán hẳn rồi đây Chúa sẽ dành một phần thưởng nào cho ông và các bạn ông. Nên ông hỏi Chúa:

-Lạy Thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con có được lợi gì không ?

Chúa trả lời:

-Thầy bảo thật, đến ngày sống lại, ngày tưng bừng trong đời sống mới, khi Con Người ngự trên tòa vinh hiển, các con là những người theo Thầy, các con sẽ được ngồi trên 12 tòa để xét xử 12 đại tộc Israel. Và nữa, ai bỏ cửa nhà, anh chị em, cha mẹ, con cái, ruộng đất vì danh Thầy, người ấy sẽ được lợi gấp trăm ở đời này, sẽ được hạnh phúc cả trong lúc bị bách hại và sau này sẽ được sống muôn đời. Thầy bảo thật, có nhiều kẻ được những địa vị nhất ở đời này, sẽ là những kẻ bét nhất ở đời sau. Và trái lại, có nhiều người ở bậc thấp nhất ở đời này, sẽ là những người cao quý nhất ở đời sau.

Những phần thưởng trọng hậu Chúa nói trên đây kích thích các tông đồ lắm, cũng lúc ấy, một chàng thanh niên đến hỏi Chúa về điều kiện phải có để được sống đời đời. Thanh niên đó sụp xuống lạy Chúa và trình bày rằng:

-Lạy Thầy nhân hậu, tôi phải làm gì để được sống đời đời ?

Chúa thấy những người chung quanh đó ngạc nhiên, vì thanh niên đó xưng hô Ngài là

nhân hậu một lối xưng hô không quen dùng, lại có vẻ kiểu cách và dua nịnh. Thế mà Chúa vẫn giảng phải ở đơn sơ và khiêm nhường đừng ưa nịnh hót. Ngài sợ kẻo dân hiểu lầm Ngài, tưởng Ngài có thể đi ngược lại điều đã giảng, cũng muốn được dua nịnh tâng bốc. Nên Ngài bảo người thanh niên rằng:

-Sao lại gọi Ta là nhân hậu ? không có ai là nhân hậu, trừ ra có một Thiên Chúa thôi….

Nhưng xét điệu bộ người thanh niên đã có lòng thành thực, muốn tìm biết điều kiện để được sống vĩnh viễn. Nên Chúa lại dạy anh ta:

-Để được sống muôn đời, ngươi hãy giữ các giới răn. Những giới răn ấy ngươi đã biết: chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ tà dâm, chớ hại người, chớ làm chứng dối, hãy thảo hiếu cha mẹ và yêu người thân cận như chính bản thân.

Người thanh niên thưa:

-Thưa Thầy, tất cả những điều răn đó, tôi đã giữ từ ngày còn nhỏ. Thế tôi còn phải làm gì thêm nữa hay không ?

Chúa nhìn chàng thanh niên, tỏ tình âu yếm và phán bảo:

-Ngươi chỉ còn thiếu một sự để được trọn lành: Ngươi hãy về nhà, bán hết gia tài đi và phân phát cho người nghèo. Làm thế ngươi sẽ được một kho tàng quý giá ở trên trời;

rồi ngươi hãy đến đây và theo Ta.

Nhưng nghe Ngài phán thế, người thanh niên buồn rầu, vì anh ta giàu, có nhiều đất ruộng và lợi tức. Anh ta có ngờ đâu Ngài lại dạy phải bán tất cả đi để theo Ngài, nên anh ta buồn bã rút lui…

Thái độ của chàng thanh niên làm Chúa tưởng đến lớp người giàu và tham của. Lòng họ bám chặt vào của cải, tôn thờ của cải, đáng lẽ ra của cải giúp họ làm việc thiện; nhưng trái lại, của cải đã nên dịp tội cho họ, đã ngăn trở họ bước vào đường trọn lành.

Nên lúc chàng thanh niên bỏ đi, Chúa buồn rầu nhìn các môn đệ và phán một sự thật đáng sợ rằng:

-Đó các con xem, người giàu vào nước Thiên Đàng thực khó khăn thay ! Các con ơi !

Thầy bảo thật: Con lạc đà chui qua lỗ kim có lẽ còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời !

Nghe Chúa dạy thế các tông đồ ngạc nhiên không hiểu. Thời ấy tôn giáo đi đôi với phú quý giầu sang. Các thượng tế đồng thời cũng là những đại chủ nhân ông, dân coi sự thịnh vượng về vật chất như là ơn lành Thượng Đế đổ xuống trên đời sống thánh thiện.

Nói cách khác, người giàu được coi là bạn thân của Thượng Đế, và có nhiều điều kiện để vào Thiên đàng. Thế mà ở đây Chúa lại phán: Người giàu vào Thiên đàng thực khó khăn thay ! và con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Đức Chúa Trời ! Như vậy nghĩa là gì ? Các ông thực không hiểu. Các ông quay nói với nhau:

-Nếu vậy, còn ai sẽ được cứu rỗi ?

Nhưng lời Chúa phán trên đây chỉ là cách nói tượng trưng thôi, còn người giàu vẫn có thể vào Thiên đàng. Vì với ơn Chúa giúp, người ta có thể không tham lam, không hà tiện, lại biết cách dùng tài sản để giúp đỡ xã hội và người nghèo. Do vậy người ta có thêm phương tiện để được cứu rỗi. Nên Chúa nhìn các tông đồ đang bỡ ngỡ và phán:

-Đối với người ta, điều kiện đó không thể được. Nhưng đối với Đức Chúa Trời lại có thể, vì Đức Chúa Trời làm được hết mọi sự.

Nhân dịp Chúa cũng kể một dụ ngôn Người quản lý bất trung ngụ ý để dạy những người theo Ngài phải biết khôn ngoan, phải lo xa cho đời sống tương của linh hồn, cũng như người quản lý kia biết lo xa cho đời sống vật chất của hắn. Chúa kể dụ ngôn:

-Một phú ông kia trao việc quản trị tài sản cho một viên quản lý. Nhưng viên quản lý này đã bị tố cáo nơi ông về tội biển thủ tiền bạc. Bấy giờ ông đòi viên đó đến bảo: Ta đã nghe nói về công việc của anh không được thẳng thắn, vậy anh hãy thanh toán công việc của anh, Ta sẽ cho anh nghỉ, anh không thể làm quản lý ở nhà ta nữa. Bấy giờ người quản lý nghĩ bụng: Chủ tôi không cho tôi làm quản lý nữa, vậy tôi làm gì được bây giờ ?

Cày cuốc không quen; đi ăn mày tôi xấu hổ. Nhưng người đó đã tìm được giải quyết. Anh ta nói thầm rằng: À, nhưng tôi cũng đã biết tôi phải làm gì và sẽ xếp đặt thế nào để một khi tôi bị loại khỏi sở quản lý, người ta sẽ tiếp nhận và nuôi tôi. Sau đó, anh ta gọi các khách nợ của chủ đến. Những người này vừa đến vừa sợ sẽ phải nộp thêm hoa lợi.

Nhưng không. Trái lại anh hỏi khách nợ thứ nhất rằng: Ông nợ chủ tôi bao nhiêu ? Người ấy đáp: Dạ 100 thùng dầu. Anh ta thân mật bảo người mắc nợ; Ông hãy đưa khế ước ra, nhanh lên, ngồi xuống đây và viết lại, chỉ có 50 thùng thôi. Rồi anh ta lại hỏi người khách nợ thứ hai: Phần ông, văn tự thế nào ? bao nhiêu ? Người này đáp: 100 tạ lúa. Anh ta cũng thân mật bảo: Được rồi, ông lấy văn khế ra và viết 80 thôi. Đến lượt các người khách nợ khác, anh ta cũng áp dụng cái kế hoạch hạ giảm như vậy.

Việc gian lận này, sau đã đến tai ông chủ. Ông biết rõ người quản lý của ông gian phi bất nghĩa.

Và về điểm đó ông cảm thấy bất bình, muốn giam ngay kẻ gian phi vào ngục tối. Nhưng mặt khác, ông cũng nhận định và khen người quản lý bất nghĩa kia biết tháo vát, biết hành động khôn ngoan, biết lo xa cho những ngày mai sắp đến.

Kể xong dụ ngôn, Chúa kết luận:

-Quả thật, trong những công việc của họ, con cái đời này khôn khéo hơn những con cái của sự sáng.

Chúa quay nhìn dân chúng như để dạy cho họ một khuyến dụ. Ngài lại phán:

-Vậy Thầy bảo thật, các con hãy dùng tiền bạc…một thứ hay sinh tội ác…cách khôn khôn ngoan. Các con hãy xử dụng nó làm việc thiện, để giúp đỡ những người nghèo, để mua lấy những bạn hữu, những bạn hữu thế lực, ngõ hầu ngày nào các con phải bỏ thế trần, họ sẽ đón nhận các con vào Thiên quốc.

Những điều Chúa vừa phán trên đây về cách xử dụng tài sản hợp với dân chúng đến nghe hơn là hợp với các tông đồ, vì các tông đồ sẽ đi giảng đạo với hai bàn tay trắng, chứ không được mang của cải. Tuy nhiên một mặt khác, các ông cũng phải rút ở dụ ngôn trên đây một bài học thiết thực, ấy là trong lúc thi hành bổ phận quản lý các linh hồn, các ông phải cần mẫn chính trực, chớ có biếng lười sơ xuất, kẻo lại phải bị loại như người quản lý kia. Bởi vậy trước khi dứt lời, Chúa còn dặn các tông đồ như sau:

-Ai trung tín trong những việc nhỏ, người ấy cũng trung tín trong những việc trọng đại. Đối lại, ai bất trung trong những việc nhỏ, người ấy cũng bất trung trong những việc lớn. Vậy nếu các con bất trung trong việc xử dụng tiền tài, mà tiền tài chỉ là vật sở hữu của linh hồn, thì còn ai dám phó thác cho các con coi sóc những của đích thực và vĩnh viễn mãi, ấy là linh hồn của người ta ? Các con hãy ghi vào dạ điều này: Chẳng ai có thể một trật làm tôi hai chủ; vì hoặc họ sẽ ghét người này mà quý mến người kia, hay hoặc họ sẽ quyến luyến người này mà coi thường người kia. Thầy bảo thật: Các con không thể một trật làm tôi Thiên Chúa và Tiền Tài được, vì cả hai rất khác nhau, khác nhau xa lắm….

Chia sẻ Bài này:

Related posts