- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Tấm Lòng Của Người Cha

Đã nhiều lần Chúa giảng về điều kiện để vào nước Chúa. Điều kiện đó là tinh thần hy sinh, là tấm lòng khiêm nhường và khiết tịnh, điều kiện đó rất khó. Nhưng Chúa lại ban ơn phù hộ và ủy lạo, làm cho lòng người phấn khởi mừng vui. Vì thế, dân chúng và cả đến những kẻ tội lỗi, những người thu thuế, cũng tuôn đến với Ngài và Ngài tỏ lòng khoan nhân niềm nở đón tiếp họ cùng ngồi bàn với họ.

Thấy vậy bọn Biệt Phái bất bình lẩm bẩm, và tặng cho Ngài một huy hiệu mới. Họ gọi Ngài là Thân hữu của những kẻ bất lương. Nhưng Ngài không chấp; và để tỏ lòng Thiên Chúa thương sót tội nhân, Ngài kể mấy dụ ngôn rất ý nghĩa để thức tỉnh và kêu mời người có tội. Trước hết Ngài kể dụ ngôn Người mục tử tốt lành đi tìm chiên lạc.

-Ai trong các người có 100 con chiên và rủi đánh mất một con, người ấy chẳng để 99 con lại trong hoang địa, để đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm thấy ư ? Và lúc đã tìm được người ấy có đánh chiên không ? Hẳn là không ! Chiên lạc kiệt sức và lo sợ, chỉ biết kêu be be, làm mục tử cảm động, vác nó lên vai và vui vẻ trở về. Lúc về nhà, mục tử còn mời bạn hữu, láng giềng đến để họ mừng cho nữa. Mục tử nói: Các bạn hãy mừng cho tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc.

Chúa kết luận:

-Ta bảo thật các người. Ở trên trời cũng vậy. Một người bất lương hối cải làm cho trên đó mừng rỡ hơn 99 người thánh thiện không cần phải sám hối.

Hết dụ ngôn về chiên lạc, Chúa lại kể dụ ngôn về đồng tiền đánh mất. Ngài kể:

-Giả dụ người đàn bà nào đó có 10 đồng bạc làm tư sản, chẳng may rơi mất một đồng, người ấy chẳng thắp đèn, quét nhà, tìm tòi cho đến khi lại thấy ư ? Và khi đã tìm được, người ấy có mừng không ? Hẳn nhiên là mừng lắm. Người ấy sẽ mời bạn hữu láng giềng đến và nói: Các bạn hãy mừng cho tôi, vì tôi đã tìm thây đồng bạc tôi đã đánh mất.

Chúa kết luận:

-Vậy Ta bảo thật các người, các sứ thần Thiên Chúa sẽ rất mừng vì một người tội lỗi biết ăn năn thống hối.

Với hai dụ ngôn trên đây, Chúa đã vạch rõ lòng khoan hồng Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa xót thương họ vô cùng. Vì thế khi họ trở lại, cả Thiên đàng mừng vui hơn thấy bao người không phải sám hối. Tuy nhiên, nếu Chúa nhấn mạnh vào lòng khoan hồng Thiên Chúa. Ngài lại không có ý bảo ta phạm tội bừa, rồi hối lỗi, để làm cho Thiên đàng vui hơn. Không ! Không phải thế, Chúa chỉ có ý kích thích người tội lỗi trở lại và bào chữa thái độ của Ngài đối với tội nhân.

Nhưng thế cũng chưa đủ, Chúa còn muốn vạch rõ lòng thương không bờ bến của Thiên Chúa nữa. Lòng thương đó, là lòng thương của cha đối với con. Bởi thế, Chúa kể tiếp dụ ngôn Người con trai hoang đàng Ngài kể:

-Một người kia có hai con đứa con trai. Một hôm người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cha ban cho con phần gia tài con sẽ được. Thế rồi cậu van nài mãi khiến người cha phải chia gia tài. Mấy hôm sau người con thứ bán hết tất cả gia tài điền sản, thu được một số tiền lớn, liền trẩy đi phương xa, và phung phí hết tiền bạc trong cuộc ăn chơi phóng đãng. Khi y đã xài hết tiền rồi, ở nơi xa lạ đó, bỗng bị nạn đói ác liệt. Bấy giờ y cảm thấy khổ cực túng thiếu. Y phải đi giúp việc cho một người ở trong vùng này. Người đó sai y ra ngoài đồng chăn heo, và cơn đói của y, làm y thèm được ăn cả những bã đậu heo ăn cho no bụng, nhưng chủ heo không kho. Lúc đó y mới nghĩ lại và tự nhủ. Bao nhiêu người làm thuê ở nhà cha tôi có bánh ăn dư thừa, mà tôi ở đây phải chết đói !

Thôi ! Tôi không ở đây nữa. Tôi sẽ về với cha tôi và thưa ngài rằng: Lạy cha ! Con đã phạm đến Trời và phản bội với cha, con không đáng được gọi là con cha nữa. Xin cha hãy xử với con như một người làm thuê của cha thôi.

-Thế rồi người con thứ đứng dậy, bỏ nơi xa lạ mà trở về nhà cha. Lúc còn ở xa nhà, người đó lại ngập ngừng, nửa nghĩ đến lỗi đã phạm, nửa nghĩ đến sự xấu hổ khi gặp các đầy tớ của cha. Nhưng cũng lúc ấy, người cha nhân từ đã trông thấy con trở về. Ông động lòng thương, chạy sấn đến ôm cổ con và hôn yêu nhiều lần, như thế để bù lại nỗi buồn vì đã lâu ngày xa cách. Ông quên hết tội bội bạc của con, và cứ ôm con, không ngại rằng quần áo của con rách bẩn, đầu tóc của con rối bù và mặt của con đầy bụi.

Trước cử chỉ đó, người con nức nở vì thẹn, vì vui, muốn sấp mình xuống hôn chân cha, nhưng không thể được. Bấy giờ người con ấp úng thưa rằng: Lạy cha ! con đã phạm đến Trời và lỗi với cha, con không đáng được gọi là con cha nữa…. Ý người đó muốn kể mình như kẻ rốt hết trong các đầy tớ của cha…Nhưng người cha không cho con nói nữa.

Ông cuống quít dắt con về. Lúc gần tới nhà, mấy đứa đầy tớ trông thấy mỉm cười như vẻ chế nhạo, làm người con đó mặt xấu hổ….Nhưng ông chủ đã bảo chúng rằng: Hãy chạy mau về nhà lấy bộ áo đẹp nhất để cậu mặc, hãy đưa nhẫn và giầy cho cậu xỏ, rồi hãy đi bắt con bê béo mà làm thịt. Chúng ta phải dọn tiệc ăn mừng, vì con ta đã trở về. Ta tưởng con ta đã chết, nhưng nay lại hồi sinh. Ta tưởng con ta đã lạc mất, nhưng nay đã tìm thấy. Và do lệnh của ông, người ta dọn tiệc mừng trọng thể.

Kể dụ ngôn tới đây, Chúa đã vạch rõ lòng yêu thương vô lượng của Thiên Chúa; Người ta tội lỗi đến đâu, nếu thực tình hối cải, Thiên Chúa cũng vui lòng tha thứ. Hơn nữa Thiên Chúa còn chờ đợi cho tội nhân ăn năn trở lại, và một khi tội nhân đi vào đường hối cải. Thiên Chúa sẽ chạy đến giúp đỡ ngay.

Nhưng hình như càng nghe Chúa nói đến lòng quảng độ Thiên Chúa đối với người tội lỗi, bọn Biệt Phái càng tỏ vẻ cứng lòng và kiêu hãnh, tự cho mình là bậc thánh thiện mô phạm, ai ai cũng phải theo mới trông được cứu thoát, chứ biết đâu mà dựa vào lòng yêu thương kia. Nên Chúa lại kể tiếp dụ ngôn một đoạn nữa, để ám chỉ lối đạo đức bề ngoài của họ. Một lối đạo đức ngầm chứa biết bao ghen tuông hờn giận và kiêu hãnh.

Chúa lại kể tiếp:

-Nhưng giữa buổi tiệc mừng, người con cả làm ở ngoài đồng về. Khi gần đến cổng, người đó nghe thấy đàn hát và khiêu vũ xôn xao. Bỡ ngỡ, người đó gọi một tên đầy tớ, hỏi về những tiếng đàn hát trong nhà. Tên đầy tớ đó thưa: Đó là vì cậu thứ mới trở về, và cha cậu đã giết bê béo để ăn mừng cậu trở về mạnh khỏe.

-Nghe thấy vậy, người con cả nổi giận không muốn bước chân bào nhà. Người đó giận vì thấy cha quá hiền từ, và sợ người con thứ hai lại lấy của một lần nữa để phá tán. Người đó đã quên tình anh em ruột thịt và chỉ biết ghen với tiếc của. Nhưng vừa được đầy tớ cho hay về thái độ của người con cả, người cha đã chạy ra và dục phải vào để ôm thương người con thứ và cùng dự tiệc mừng với các bạn hữu. Nhưng người con cả vẫn bất bình và thưa lại cách giận dỗi:

-Đó ! tôi đã làm cho ông bao nhiêu năm nay và tôi chưa từng sai lỗi một mệnh lệnh nào của ông, thế mà đối với tôi, ông không hề cho tôi lấy một con dê để tôi vui vẻ với các bạn của tôi !… Nhưng bây giờ thằng con ông vừa về, nó đã xài phí hết tài sản của ông để nuôi tụi gái đĩ, thế mà ông lại giết bê béo để ăn mừng nó !……

Người con cả đó quả không phải là người con yêu, người đó chỉ làm việc ở nhà cha với tư cách tâm địa của người nô lệ, chỉ mong được phần thưởng vật chất, để bù lại công lao của mình, chứ không muốn chung hưởng hạnh phúc với cha. Bởi vậy người cha lại phải nhắc lại bổn phận và tâm tình làm con cho người đó. Người cha đáp lại:

Nhưng này con, con chẳng ở với cha luôn hay sao ? Mọi sự của cha là của con, con nên hiểu; thết tiệc mừng em con, không phải là cha thừa nhận nết xấu của em con đâu, nhưng sở dĩ có thế. Là vì em con đã chết mà được sống lại, đã bị thất lạc mà nay lại tìm thấy, như vậy mà chẳng đáng mừng sao ?….

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]