Mạch Nước Sống

Hôm ấy là ngày cuối Lễ Trại, một ngày trọng nhất trong tuần lễ, một ngày để cầu mưa.

Ngày đó được đánh dấu bằng hai nghi lễ rất đặc biệt và vui vẻ: Nghi lễ đốt 4 cây đèn vàng ở tiền đình Phụ nữ và rước ra suối Siôlê. Nghi lễ trước để kỷ niệm những ngày dân Do Thái được cột mây cột lửa hướng đạo trên rừng xưa. Nghi lễ sau để nhắc lại việc ông Môi Sen đánh đá trên núi Horeb để khiến nước chảy ra cho dân uống.

Thực sự, nghi lễ sau ngày nào cũng có, nhưng ngày cuối tuần được tổ chức đặc biệt hơn. Trong ngày này, cả dân cùng tập họp ở trước Thánh đường, rồi mỗi người cầm một cành lá rước thầy Thượng tế ra suối Silôê. Thầy thượng tế kín nước vào một bình vàng rồi lại theo đám rước trở về Thánh đường Jêrusalem. Trong cả hai cuộc rước, các thầy Trưởng tế phải mặc áo dài trắng, thắt dây ngũ sắc ở ngang lưng, đội mũ cao vành và ca hát. Về tới Thánh đường cả đám rước được ban âm nhạc đợi sẵn đó đón chào bằng những bài kèn tưng bừng hùng tráng và vang dội. Tiếp đến lễ rửa bàn thờ; trong khi thầy Thượng tế đổ nước ở bình vàng ra để rửa, các thầy Thượng tế phải đi quanh bàn thờ bảy lượt, miệng hát, tay hoa cành lá. Toàn dân cũng phải phục lạy, rồi đứng lên hoa cành lá. Tất cả những nghi lễ đó đều biểu tượng một ngày vui đặc biệt của tuần lễ.

Hôm ấy Chúa cũng đến dự lễ rửa bàn thờ. Ngài cầm một cành lá lớn, khiến nhiều người chú mục về Ngài. Rồi lúc mọi người phủ phục cầu mưa, một mình Ngài vẫn đứng

bóng Ngài nổi bật lên làm toàn dân phải chú ý. Ngài nhìn một lượt rồi kêu to:

-Ai khát hãy đến với Ta, hãy tín nhiệm vào Ta và sẽ được sống no thỏa. Người ấy sẽ được thâý ứng nghiệm lời Thánh Kinh: Một mạch nước sống sẽ trào ra từ lòng người ấy

Ý Chúa muốn nói: Các người đang rửa bàn thờ để cầu mưa, để xin nước, một thứ nước tự nhiên làm tốt mùa màng và đem lại thịnh vượng về vật chất. Điều đó hẳn là nên. Nhưng hãy còn một thứ nước khác, một thứ nước siêu nhiên, tức là tinh thần bác ái là chính Chúa Thánh Thần. Thứ nước đó ai xin Ta, Ta sẽ cho người ấy, Chúa Thánh Thần sẽ xuống trong lòng người ấy và làm cho người ấy an vui no thỏa.

Chúa muốn dạy thế, nhưng dân có hiểu đúng vậy đâu. Có người dị nghị về Ngài. Có người tưởng Ngài là vị tiên tri có quyền làm mưa xuống… Chỉ có một số ít, tin Ngài và tuyên bố:Ngài thực là Đấng KiTô. Nhưng họ liền bị các người khác cãi lại: Không phải thế, Đấng KiTô có xuất hiện tự xứ Galiêa đâu. Nào Thánh Kinh chẳng dạy rằng: Đấng KiTô phải xuất hiện bởi dòng vua Đavít và tự Bê Lem thành của Đavít ư ? Thế mà ông này, quê ở Nazareth người xứ Galilêa !…

Thế là dân chúng bất hợp nhau trong dư luận. Nhưng về phía bọn Biệt Phái, họ tức giận với Chúa lắm và muốn bắt Ngài ngay, song chẳng ai dám khởi sự gì cả. Nhờ nhược điểm đó, Chúa lại tìm cách bắt bẻ họ, Ngài hỏi:

-Các người có ý kiến thế nào về Đấng KiTô ? Các bậc thông thái của các người dạy gì về nguồn nguyên thủy của Đấng ấy ?

Họ trả lời:

-Những bậc ấy dạy rằng, Ngài là con vua Đavít.

Chúa lại bắt bẻ họ:

-Thế sao vua Đavít được Chúa Thánh Thần linh ứng để chép Thánh vịnh, đã gọi Ngài là Chúa một lối gọi chẳng có tổ phụ nào dùng để gọi ai trong các con cháu ? Phải, chính trong Thánh vịnh vua Đavít đã để lại lời rằng Chúa đã phán với Chúa tôi: Con hãy ngự bên hữu Cha cho tới khi Cha đặt kẻ thù địch Con ở dưới chân Con Vậy Đavít đã gọi Ngài là Chúa, lẽ nào Ngài lại là con vua ấy ? Các người có thể giải thích cho Ta điều đó không ?

Nhưng họ chịu. Chẳng ai giải thích được cả và họ đành lui về… Về nhà họ lại mở cuộc thảo luận gắt gao về Chúa. Họ cho là Ngài đã đáng tử án và sai một số cảnh vệ đến bắt Ngài. Nhưng bọn này sợ, không dám bắt và trở về, bộ điệu bối rối. Mấy người Biệt Phái hỏi chúng: Sao các anh không bắt hắn về đây ? Đám cảnh vệ thưa:

-Nhưng chưa hề bao giờ chúng tôi thấy người nào ăn nói được như ông ấy.

Bọn Biệt Phái liền mắng:

-Thế cả các anh cũng bị mê hoặc rồi ư ? Các anh hãy coi, có vị thủ lãnh nào hay có người Biệt Phái nào tin phục hắn đâu ? Chỉ có bọn dân ngu là tin hắn. Bọn dân ngu không hiểu luật và bất hạnh !…

Nghe nói thế, ông Nicôđêmô, người trước đây đã tìm gặp Chúa…và cũng là một nhân viên cao cấp trong bọn họ, tức khí cãi lại:

-À các ông tự phụ là người biết luật ! Thế luật của chúng ta có cho phép luận phạt ai mà không cần nghe người đó chữa mình và không cần điều tra việc người đó đã làm không ?

Lời phản đối của ông Nicôđêmô quả là một nhát búa bổ xuống trên đầu họ. Họ bắt đầu ngẫm nghĩ. Nhưng tâm hồn họ, thiên chí đã tiêu ma, dục tình đang nổi mạnh, nên họ không biết hối nữa. Trái lại họ chỉ biết giận thêm. Họ còn nghi cho ông Nicôđêmô là một người phản đảng và cùng gắt rầm lên:

-Hay ông cũng là một người Galilêa nữa ? Ông hãy tra cứu Thánh Kinh lại và sẽ rõ chẳng có tiên tri nào xuất hiện bởi xứ Galilêa.

Họ vừa gắt vừa lườm ông…Họ còn buông mấy câu bất nhã nữa rồi mới chịu giải tán.

Chia sẻ Bài này:

Related posts