Hỡi Simôn…Con Thực Là Đá

Một ngày kia, sau khi chữa một người mù, Chúa và các tông đồ đi ngược theo bờ sông Jordan lên mạn bắc đến thành Xêgiarê Philippê. Thành này ở dưới chân núi Hermon cao khoảng 2750 thước và nguyên trước gọi là Panêa, vì người La Mã đã xây ở đó một đền lộng lẫy hiến cho thần PAN. Thần này tượng trưng cho những bạo lực tự nhiên như

sấm sét, bão táp, nên dân thành kính sợ lắm. Về sau ông Philippê làm Tổng trấn xứ Ituree, mở rộng tu bổ đẹp đẽ và đổi tên lại gọi là thành Xêgiarê ngụ ý để kính nhớ hoàng đế La Mã. Về sau nữa, dân lại gọi là Xêgiarê Philippê để kỷ niệm ông Philippê,

người đã cải tạo và tu bổ.

Thành này ở ngoài biên giới thánh địa, dân cư toàn là ngoại chủng. Thành xây trên một khoảng dư địa bên ngoài sông Jordan nơi có nhiều thác chảy. Nhà cửa trong thành đồ sộ quy mô hùng tráng, hiên ngang nằm trên những mõm đá vững vàng, những mõm đá coi như bất diệt trong thiên nhiên, làm Chúa nghĩ tới ngôi nhà Giáo Hội Ngài đang xây đắp và nghĩ tới con người Ngài sẽ chọn làm nền móng cho ngôi nhà kia. Bởi vậy lúc gần tới thành, Ngài để các tông đồ ở lại và rẽ vào một vườn thanh vắng để cầu nguyện với Đức Chúa Cha. Ngài đã quyen cầu nguyện như thế mỗi khi phải mưu toan một đại sự. Cầu nguyện giờ lâu, Ngài trở lại với các tông đồ; con mắt của Ngài như đang theo dõi một chân trời xa. Rồi trong giữa cảnh nghiêm trang lặng lẽ ở ngoại ô thành, và cũng trong lúc khuất mặt bọn địch thù, sau mấy câu chuyện đầy thân mật, Ngài cất tiếng hỏi các tông đồ rằng:

-Các con, người ta dư luận về thầy thế nào ? Người ta nói Con Người là ai ?

Bấy giờ các tông đồ, mỗi ông đem trình bày một dư luận. Ông này nói: Người ta bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả phục sinh Ông kia nói: Thưa Thầy, người ta bảo Thầy là Êlia đã hồi trần Ông khác cãi lại: Bẩm Thầy, họ bảo Thầy là Jêrêmia Mấy ông khác nữa tranh nhau nói: Trình Thầy, họ đồn thổi Thầy là một vị tiên tri

Chúa hỏi tiếp:

-Thế chính các con, các con bảo Thầy là ai ?

Câu hỏi của Chúa đơn sơ, nhưng trả lời cho đúng, thực khó quá. Các tông đồ quay nhìn nhau và cùng ngẫm nghĩ…Nhưng với một niềm tin tưởng sẵn có và rất vững, ông Phêrô mau mắn đáp lại:

-Thưa Thầy ! Thầy thật là Đấng KiTô, Con Đức Chúa Trời hằng sống.

Câu trả lời của ông Phêrô cũng đơn sơ, nhưng mà ý nghĩa thật vĩ đại. Nó biểu lộ Chúa là Vua Hòa Bình, là Mặt Trời Công Chính, là sứ giả của Chúa Trời, một sứ giả các tiên tri đã báo trước sẽ xuất hiện mang lại cho thế gian ơn giải phóng siêu nhiên. Bởi vậy, không những ông đã được Chúa khen, mà còn được Ngài đặt làm nền tảng và thủ lĩnh Giáo Hội nữa. Chúa âu yếm nhìn và phán với ông Phêrô:

-Hỡi Simôn con ông Giona, con có phúc, vì không phải xác thịt hay dòng máu, nhưng là chính Cha Ta ở trên trời đã mạc khải cho con điều con mới nói. Vậy Thầy bảo con:

Con thực là Phêrô nghĩa là Đá. Thầy sẽ kiến tạo Giáo Hội Thầy trên Đá này. Và mọi quyền lực của hỏa ngục không lấn được Giáo Hội ấy. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời. Sự gì con cầm buộc ở dưới đất, ở trên trời cũng cầm buộc như vậy, cũng như điều con cởi mở dưới đất, ở trên trời cũng cởi mở như vậy.

Theo lời Chúa phán trên đây, quả Ngài đã đặt ông Phêrô là thủ lãnh Giáo Hội, một Giáo Hội vĩnh cửu, bất chấp mọi giông tố của thời đại, mọi mưu mô của loài người và mọi phản lực của ma quỷ. Trong Giáo Hội đó, ông Phêrô có quyền tha và không tha, có quyền buộc và tháo cởi. Hay nói kiểu các luật gia, ông Phêrô có toàn quyền lập pháp,

tư pháp và hành pháp.

Tất cả những đặc quyền đó là để thưởng lòng tin tưởng của Phêrô. Tuy nhiên những quyền đó còn được dấu kín và chỉ được thi hành dần dần, vì Chúa chưa khải hoàn vinh quang và Giáo Hội của Ngài mới vào thời kỳ sơ khởi. Bởi vậy, trao quyền cho Phêrô xong, Chúa lại dạy các tông đồ không được nói cho ai hay, nhưng phải giữ kín kẻo công việc của Ngài gặp trở ngại.

Chia sẻ Bài này:

Related posts