Hai Giới Răn Là Một

NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TA….

Một ngày kia dân chúng theo Chúa đi về phía đông thành Jêrusalem, một vùng núi cao, có thể trông thấy lưu vực sông Jordan và mấy thành phố nhỏ, nhất là thành Giêricô

một thị trường rất thịnh vượng. Khoảng giữa đường từ Jêrusalem đến Giêricô có một nơi nguy hiểm, hành khách dễ gặp nạn. Nơi đó hay có những tên cường bạo đón đường cướp bóc. Vì thế để tránh họa, hành khách thường tổ chức đi từng đoàn mới vững chắc.

Hôm ấy Chúa đã lên đường được một lúc lâu. Ngài yên lặng như đang bận tâm về một ý nghĩ, mặc dầu dân chúng nhao nhao bàn tán với nhau. Bỗng nhiên một Luật sĩ đến hỏi Ngài:

-Lạy Thầy, tôi phải làm gì để được sống vĩnh viễn ở bên kia thế giới ?

Chúa hỏi lại:

-Thế trong luật dạy làm sao ? Ông đọc thấy điều gì ?

Ông ta thưa:

-Con hãy kính mến Thiên Chúa của con, hết lòng, hết linh hồn và hết sức con.

Chúa đáp lại:

-Phải lắm Đó là giới răn thứ Nhất, nhưng cũng còn giới răn thứ Hai nữa, giới răn rằng: Con hãy yêu người thân cận của con như chính mình con, và đó cũng là giới răn quan trọng.

Luật sĩ xác nhận:

Vâng ! Thưa Thầy, đúng thế ! Vừa phải kính mến Chúa hết lòng hết sức, hết trí khôn, vừa phải yêu người thân cận như mình vậy. Và điều đó còn trọng hơn cả những lễ vật và hy sinh.

Chúa áp dụng:

-Ông thưa phải lắm. Thế ông hãy làm như vậy và ông sẽ được sống vĩnh viễn. Ông đang ở trong con đường đưa lên Nước Trời.

Nhưng muốn chữa thẹn, ông ta lại thưa với Chúa:

-Lạy Thầy, nhưng ai là người thân cận của tôi ?

Chúa biết, theo thuyết chủng tộc của Do Thái, người thân cận chỉ là dòng dõi ông Abraham, còn ngoài ra toàn là người ngoại, người thù địch. Vì thế họ có bổn phận phải ghét những người ngoại ấy, Chúa muốn đánh đổ chủ nghĩa độc ác đó, nên nhân dịp tiện

Ngài kể một dụ ngôn để giảng cho viên Luật sĩ biết, người thân cận không phải chỉ là con cháu Abraham, nhưng là hết thảy những ai cần ta giúp đỡ, không phân biệt chủng tộc hay địa vị, không phân biệt phong tục hay tôn giáo. Ngài kể dụ ngôn:

-Có một hành khách bỏ Jêrusalem xuống Giêricô, dọc đường ông bị sa vào tay bọn cướp. Bọn này bóc lột và đánh đập ông tàn nhẫn rồi bỏ đi, để ông nửa sống nửa chết ở giữa đường. Bấy giờ có một trưởng tế đi qua đường đó. Nhưng trông thấy người bị nạn, thầy thản nhiên đi qua. Tiếp đến một thầy phụ tế của Thánh đương cũng đi qua đó. Thầy này trông thấy người bất hạnh và cũng đi qua. Sau cùng có một người thuộc xứ Samaria,

một người bị khai trừ khỏi chủng tộc Do Thái, cũng đi qua nơi xảy ra tai nạn. Người này vừa trông thấy người mắc nạn liền động lòng thương. Ông xuống lừa, lại gần an ủi và đổ dầu lẫn rượu vào các chỗ bị đánh đập, rồi băng bó cho thương nhân và vực nạn nhân lên lưng lừa, đưa vào hàng quán và săn sóc. Sáng hôm sau ông lấy trong bao ra hai đồng bạc trao cho chủ quán và dặn rằng: Xin ông săn sóc người này, phí tổn thêm bao nhiêu nữa, lúc trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông. Dặn xong, ông từ biệt nạn nhân và chủ quán, rồi lại lên đường.

Kể dụ ngôn xong, Chúa nhìn viên Luật sĩ và hỏi:

-Thế trong truyện người ngộ nạn này, ông nghĩ ai trong ba người hành khách biệt nhận ra người thân cận của mình hơn ?

Luật sĩ thưa:

-Cố nhiên là người biết thương kẻ ngộ nạn.

Thấy viên Luật sĩ đã nhận ra ý Ngài, nghĩa là người thân cận là hết thảy những ai cần sự giúp đỡ, không phân biệt quốc tịch và nòi giống, không phân biệt chủ nghĩa và màu da. Chúa vui mừng nhìn viên Luật sĩ và thân mật bảo ông:

-Thế ông hãy về thi hành như vậy.

Chia sẻ Bài này:

Related posts