May Mặc

EM.

Mẹ em khóc, kéo ống quần chùi nước mắt. Mẹ kể tội của Em: tội năm ngoái, tội năm nay, tội dịp Lễ Giáng Sinh, tội dịp Tết vừa rồi. Em nhiều tội quá. Em làm khổ mẹ nhiều.

1. Đêm No-en, phố phường chan hoà ánh sáng, trai thanh gái lịch nô nức dập dìu. Tiếng chuông nhà thờ đổ hồi, thôi thúc mời gọi. Bản thánh ca “Đêm Thánh Vô Cùng” rót vào linh hồn từng giọt…từng giọt huyền linh… Một mình Em…nừam chình ình một đống.

– Đêm Giáng Sinh mà nó không đi lễ, cha hiểu nổi không?

Nó là Con Đức Mẹ của cha đó. Còn hơn là chối đạo.

– Nó buồn, nó hờn giỗi chớ gì.

– Nó đòi măy quần bò, mua áo bun. Áo dài của nó thì thiếu gì đâu. Cha nó không cho đua đòi, vừa tốn tiền vừa mau hưu.

– Nếu thế, thì nó chưa chối đạo đâu…và còn lâu mới hư.

2. Mẹ cho Em hai trăm ngàn để may đồ tết. Em mở cờ trong bụng. Em đi tìm một kiểu áo hợp thời nhất. Cố vấn thời trang của Em thì đếm không hết, nhưng lắm thầy thối ma, nên Em lặng lẽ nghiên cứu một mình. Em muốn tặng mẹ một bất ngờ. Em rón rén đến sau lưng mẹ.

– Mẹ.

– Đồ qủy! Cho mày hai trăm ngàn để may mặc như vậy đó hả? Cha mày thấy thì mày ăn đòn.

Em tiu nghỉu quay ngoắt vào phòng, khóc hưng hức một mình.

3. Trời bắt đầu trở lạnh. Nhà thờ, trường học, tràn ngập áo len. Đẹp như ngàn hoa. Áo len ấm để bảo vệ sức khoẻ. Áo len đẹp để khoe với thiên hạ. Nhưng Em thì…

– Trời lạnh như cắt da mà nó không chịu mặc áo ấm. Nói gì thì nói, sáng nào cũng cứ cái áo mỏng tanh đạp xe đi học. Đau ốm thì lại mẹ lo.

– Hỏi nó: tại sao?

– Nó không cãi, không ừ, không hử, cứ lầm lầm, lì lì. Nó muốn làm gì là nó làm. Tại nó thích làm ngược lại cha mẹ vậy thôi.

– Hay là nó không thấy lạnh?

– Cha cứ bênh tụi nó. Trời lạnh muốn chết, thì ai mà không thấy.

– Vậy tôi hỏi chị nha: Cái áo ấm của nó có đẹp không?

– Cái áo của con cho nó, còn mới nguyên à…

– ?! Hèn chi!

Mẹ Em ra về, ấm ức vì không được thông cảm. Gia đình, xã hội và Giáo Hội có một khoảng cách vô hình mà mẹ Em không nối kết được. Khoảng cách ấy lại do chính Em tạo nên. Bầy giờ có lẽ Em đang khóc rấm rứt vì mẹ; còn mẹ thì cũng đang sụt sùi vì Em. Tôi muốn nghĩ về cả hai.

Mẹ yêu con, mẹ Em yêu Em, đó là vấn đề muôn thuở, loài người không bao giờ quên. Điều quan trọng là em đừng quên. Nhưng dường như mẹ nào cũng quên thời thơ ấu và niên thiếu của mình. Mẹ Em ngày xưa cũng se sua, cũng lì lợm. Bà ngoại của Em lúc ấy cũng lo âu, cũng sợ hãi. Bây giờ đến lượt mẹ Em sợ. Sau này Em có con gái, con gái của Em lại se sua, lại lầm lì như Em bây giờ. Và Em lại sợ. Rốt cuộc thì ngoại Em, mẹ Em, Em và con gái Em đều se sua, đều lầm lì, nhưng chẳng ai hư cả.

Con gái đẹp, con gái thích làm đẹp, con gái có tài làm đẹp. Đó là công trình sáng tạo của Chúa. Khi còn bé tí Em đã biết làm duyên, đã biết ăn cắp son phấn của chị, đã biết mải mê soi gương. Lớn hơn một tí, Em đã biết nhịn ăn hàng để sắm đồ. Lớn hơn một tí nữa Em đã biết đánh giá cái đẹp của từng vùng trên thân thể. Bây giờ thì Em bắt đầu khoe, khoe diện tích, khoe thể khối, gây hồi hộp. Ông bà cha mẹ tô điểm cho Em. Thợ may, thợ bạc, thợ kim hoàn, xí nghiệp sản xuất mỹ phẩm và giày dép…đều bao quanh Em, tôn Em lên thành bà hoàng. Con gái đã đẹp, bây giờ lại càng đẹp. Gấm vóc, lụa là, vàng bạc, châu báu… đều phục vụ cái đẹp của con gái. Sướng quá!

Thế mà mẹ Em lại chửi là đồ quỷ. Tại sao?

Em thử nhìn lại bộ quần áo mà Em đã âm thầm nghiên cứu và lựa chọn một mình. Chính Em đã bật mí với bạn bè là nhức nhối chịu không nổi.

1. Áo của Em chỉ là một tấm vải không định hình. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: áo là đồ mặc từ cổ xuống, chủ yếu che lưng. ngực và bụng. Nhưng áo của Em thì chỉ che một nửa lưng, một nửa ngực và một nửa bụng. Nó chỉ còn là ký hiệu của áo. Mục đích của nó không còn là che thân, mà là khoe diện tích da thịt. Từng phân vuông trên thân thể của Em đều là những lời mời không nói ra, đôi khi còn là những tiếng gào thét không thốt ra. Lúc nào cũng có những ánh mắt sục sạo đi tìm từng phân vuông trên thân thể của Em…Ở đây không còn có vấn đề thẩm mỹ nữa. Thẩm mũ đã bị đánh “đi ngã” rồi.

2. Quần của Em không khoe diện tích của da thịt, nhưng lại giời thiệu thể khối một cách hào phóng. Nhà thiết kế táo bạo đến mức độ không bỏ sót một khối lượng nào trên bản đồ sinh học. Lộ liễu quá! Trơ trẽn quá! Lố bịch quá!

EM.

Con gái may sắm nhiều quá. Cô gái bán bắp luộc ở bến xe Cà Mau đã khoe với tôi:

– Con có hai chục bộ đồ đẹp. Đồ cũ không tính.

– Như vậy là nhiều hay ít?

– Ít xịt! Tụi nó còn may nhiều hơn con.

– Mặc làm sao cho hêt?

– Không may thì thua người ta sao?

Còn Em thì mỗi năm may đồ hết một cây vàng. Đó là mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Chỉ vì sợ thua người ta mà Em may sắm một bộ đồ trị giá hai trăm ngàn đồng làm mẹ Em khóc sụt sùi. Ấy là chưa kể bộ đồ đó đã biến sắc đẹp của Em trở thành tiếng kêu ệp ệp của con ếch cái vào những trận mưa đầu mùa. Em đã bước ra khỏi khuôn viên của đạo đức.

Tôi mong Em dừng lại để suy nghĩ và định hướng cho nhan sắc của mình. Cũng phải dừng lại để suy nghĩ và định hướng cho việc may mặc nữa.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment