Bé Tùng

EM.

Học trò lớp Chồi của bà phước qua nhà tôi chơi, trong đó có bé Tùng, con của Em. Các bé đang nói chuyện tíu tít, thì bé Tùng nhảy phóc lên ghế, dang tay, trợn mắt, la hét ầm lên.

– Ta, Tần Thuỷ Hoàng.

– Hí…Hí, các nhí đua nhau cười.

– Giết!Giết!

Bé Tùng tuốt gươm mủ, cứa vào cổ các bạn và cười khặc khặc.

Tôi ôm bé vào lòng, năn nỉ:

– Con đừng bắt chước Tần Thuỷ Hoàng. Tần Thuỷ Hoàng ác lắm, Tần Thuỷ Hoàng hư lắm…

Bé Tùng cố nhoai ra khỏi vòng tay của tôi, lại nhảy phóc lên ghế, lại la hét một cách say mê.

– Giết!Giết!

Le hét đa rồi, bé nhảy bộp xuống đất, cắm đầu chạy về phòng lớp. Cả bầy thiên thần chảy theo, cười hí hí, bỏ tôi ngồi trơ một mình.

Tiếng hô “Giết, giết” kinh hoàng của bé Tùng khiến tôi miên man nghĩ về một thế giới bốn mươi năm sau. Có một lãnh tụ quân phiệt, tay trái cầm ống vố, tay phải chỉ chỏ bản đồ. Thế rồi từng triệu binh sĩ trùng trùng điệp điệp xông ra chiến trường, tầng tầng lớp lớp ngã đổ. Khói lửa mịt mù. Nhà cửa tan hoang. Đói khổ lan tràn. Tiếng khóc thê lương…Kệ! Tay tría ấy vẫn cầm ống vố. Tay phải ấy vẫn chỉ chỏ bản đồ. Rất vô tư! Lãnh tụ quân phiệt ấy có thể là bé Tùng, con của Em. Buồn quá! Vừa buồn vừa lo.

Ngày hôm sau, tôi vội vã đến thăm nhà Em để góp ý. Em đi vắng. Tôi kể chuyện bé Tùng làm Tần Thuỷ Hoàng cho vợ Em nghe. Vợ Em cười một cách vô tư…Tôi thất vọng ra về, nhưng trên màn ảnh ký ức của tôi lại ghi rất đậm nhiều hình ảnh mới, lấy từ căn nhà của Em. Bây giờ tôi mời vợ chồng Em cùng coi với tôi.

1.

Nhờ trúng tôm, Em vừa mới xây một toà nhà hoành tráng trên một mảnh đất hoang. Toà nhà sơn màu chu rực rỡ. Lan can bằng inox lấp lánh như thuỷ tinh. Đẹp quá, người ta bảo thế. Nhưng tôi thì sợ quá, sợ đến nổi da gà!

Em ơi, trong hội hoạ, màu chu được xếp vào loại màu nóng. Màu nóng thì kích thích thần kinh. Màu nóng thì gây chú ý, nên được sử dụng tối đa trong nghệ thuật quảng cáo. Màu nóng gây phấn khởi  cho đấu trường, nhưng không tạo được cảm giác an vui cho mái ấm gia đình. Bản chất của bé Tùng đã là hiếu động và hiếu thắng cực đoan như thế, bây giờ lại sống trong toà nhà sơn màu nóng quá đáng như vậy, thì khác nào Em đổ dầu và lửa, khác nào Em hưởng ứng lệnh “Giết! Giết!” của bé Tùng. Em hãy làm mọi điều có thể, để giảm thiểu xuống mức thấp nhất tánh hiếu thắng và hiếu chiến của bé Tùng.

Vì tương lai của bé Tùng, tôi xin Em hãy nhìn ngắm công trình sáng tạo đầy ý nghĩa của Chúa. Ngài là Đấng sáng tạo ra năm màu: xanh-trắng-đỏ-tím-vàng. Nhưng cũng chính Ngài đã hữu ý chọn màu xanh làm bối cảnh cho toàn thể vũ trụ. Trời xanh, xanh bao la. Biển xanh, xanh bát ngát. Núi đồi xanh, xanh trập trùng. Đồng ruộng xanh, xanh bạt ngàn. Màu xanh dường như là bạn đồng hành cuả không gian vô tận. Hội hoạ gọi màu xanh là màu lạnh, có tác dụng làm dịu thần kinh. Văn chương gọi màu xanh là màu hi vọng. Còn tôi thì tôn vinh màu xanh là màu của tình yêu, là màu của an bình, là quà tặng của Thượng Đế.

Em hãy bắt chước Thượng Đế lấy màu xanh làm nền cho toàn bộ công trình kiến trúc của cơ ngơi nhà Em. Trong khi chờ đợi cây xanh mọc lên trên mảnh đất trống hoang. Em hãy cạo bỏ màu chu nóng bỏng ấy và thay thế bằng màu dịu mát. Miệng đời sẽ chê Em là lãng phí, là không có lý. Nhưng: lãng phí cũng được, vì đó là định mệnh của bé Tùng. Còn có lý hay không thì chỉ một mình Em biết mà thôi.

2.

Trong nhà Em chỗ nào cũng có đồ chơi của bé Tùng. Đồ chơi nào cũng là gươm, là súng, là xe tăng, là máy bay tiêm kích. Tôi hỏi vợ Em:

– Tại sao tụi con mua sắm cho bé những đồ chơi chiến tranh như thế?

– Tại nó thích vậy.

– Thường thì con mua hay chồng con mua?

– Ảnh mua cho nó. Cha con ảnh còn làm bộ bắn nhau èng…èng…

Thế là Em lại đổ dầu vào lửa nữa rồi! UNICEF đã kêu gọi các chánh phủ cấm các nhà sản xuất đồ chơi không được sản xuất đồ chơi chiến tranh. Tiếng kêu ấy còn là tiếng kêu trong sa mạc. Nhưng đó là tiếng kêu của lương tri loài người. Nếu Đức Giêsu sống vào thời đại chúng ta, thì Ngài cũng lên án việc trao vào tay các bé thơ những đồ chơi chiến tranh như bé Tùng hiện đang sở hữu một đống như thế. Ngài nói: “Ai làm cho một trong những đứa bé này bị hư đi, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển”. Chúa không nỡ tâm ném Em xuống biển đâu. Nhưng chính vợ chồng Em đang ném bé Tùng xuống biển đấy.

3.

Trên bàn thờ nhà Em có một ảnh chuộc tội khá lớn. Chúa đang quằn quại. Chúa đang hấp hối. Mồ hôi và máu đầm đìa. Xương cùi chỏ và xương bánh chè lòi ra trắng hếu, trên nền da thịt bầm tím và loang lỗ màu máu. Da thịt trên cánh tay phải bị xé rách và buông thòng xuống một mảng. Đau thương quá! Thê thảm quá! Rùng rợn quá!

Tôi không biết người nghệ sĩ muốn nói gì qua tác phẩm nghệ thuật này? Sáng tác nghệ thuật là quyền của người nghệ sĩ, quyền tự do ngôn luận. Nhưng tôi thì không muốn nhìn ngắm một tác phẩm như thế. Có thể Em thấy Chúa đau khổ như thế thì thương, thì tội nghiệp, thì biết ơn và sám hối. Nhưng bé Tùng thì không thể có những tâm tình ấy. Đối với bé, thì ảnh thọ nạn ấy chỉ là hình ảnh bạo lực, tạo cảm giác rùng rợn và rất ấn tượng. Tác dụng sẽ là nguy hiểm khôn lường. Nội dung giáo lý là quan trọng. Trình bày giáo lý một cách vụng về thì có thể là bóp méo nội dung, là phản tác dụng…

Vì tương lai của bé Tùng, xin vợ chồng Em suy nghĩ nhiều hơn, chăm sóc nhiều hơn. Tương lai của con Em có thể sẽ rất rực rỡ, nhưng cũng có thể sẽ rất mù mịt. Tôi gởi tới con Em lời khuyên cuối cùng: “Tùng ơi! Đừng bắt chước Tần Thuỷ Hoàng nghe con”.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment